Chuyện ít biết về con gái người Anh hùng bảo vệ quốc kỳ trên đảo Gạc Ma

Thứ Hai, 01/05/2017, 11:09
Giọng nói nhẹ nhàng trầm ấm, đôi mắt kiên nghị hiện hữu trên gương mặt hiền lành nhưng phong thái nhanh nhạy, đậm chất lính của người phụ nữ miền Trung.


Đó là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi trong cuộc tiếp xúc với nữ Trung úy Trần Thị Thủy - cán bộ văn thư bảo mật của Lữ đoàn 146 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và cũng là người con duy nhất của liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Phương, người đã hy sinh trong trận hải chiến trên đảo Gạc Ma - quần đảo Trường Sa, ngày 14-3-1988. 

Tuổi thơ vắng cha

Chào đời trong căn nhà nhỏ bên dòng sông Gianh ở làng quê Đơn Sa, xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch (nay là phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) khi người cha đã đi xa  nên trong ký ức tuổi thơ của Trung úy Trần Thị Thủy về cha chỉ có trong câu chuyện kể của người mẹ Mai Thị Hoa cùng với hồi tưởng của bà nội Hồ Thị Đức.
Tổ ấm gia đình nữ Trung úy Trần Thị Thủy.

Từ lúc đọc thông, viết thạo cho đến giờ, Thủy đã cập nhật thêm nhiều thông tin về người cha của mình qua những trang báo gắn liền chuyện kể từ nhiều đồng đội của cha năm xưa và lịch sử hào hùng của Quân chủng Hải quân Việt Nam.

…Hồi đó, anh Trần Văn Phương vừa học xong lớp 10 thì nhập ngũ vào bộ đội, được cử đi học nghiệp vụ kế toán trinh sát pháo binh của Quân chủng Hải quân. Tháng 1-1984, anh được phân công đảm trách Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo binh thuộc Tiểu đoàn 862, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân - nay là Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân.

Là một cán bộ có năng lực và trách nhiệm cao, nên sau một thời gian thực thi nhiệm vụ, anh Phương được cử đi học ở Trường Quân chính Quân khu 7, đến tháng 1-1986 mới trở về đơn vị, được phong cấp bậc hàm Thiếu úy và giữ chức vụ Trung đội trưởng.

Nữ Trung úy Trần Thị Thủy nhớ lại: "Mẹ kể, ba với mẹ ở cùng làng và từng là bạn học cùng trường thời niên thiếu. Hai người yêu nhau chưa được bao lâu thì ba nhập ngũ vào hải quân, gần 4 năm sau mới về quê tổ chức lễ cưới giữa tháng 6-1987. Chưa tròn năm thì ba tôi được lệnh rời đất liền ra Trường Sa. Trước khi lên đường, ba tôi được nghỉ phép 10 ngày dịp Tết Mậu Thìn - 1988, đó cũng là lần cuối cùng ba gặp mẹ cùng những người thân trong gia đình nội, ngoại".

Ngừng một lát như để kìm nén xúc động khi đôi mắt ngấn lệ, Thủy kể tiếp: "Ngày mùng 10 tháng Giêng năm đó, mẹ tiễn ba tôi ra đường, đi xe khách về đến đơn vị. Đến nơi, ba tôi viết cho mẹ lá thư đong đầy tình yêu thương với những lời dặn dò giữ gìn sức khỏe và bảo mẹ tạm dừng hồi âm vì ba đang chuẩn bị cùng đồng đội khởi đầu hải trình ra Trường Sa nhưng chưa biết điểm đến đảo nào…".

Chuyến tàu đưa Thiếu úy Trần Văn Phương cùng đồng đội của anh rời quân cảng Cam Ranh được vài giờ thì giông bão ập đến, nên phải trở lại đất liền.

Anh Phương tranh thủ viết thêm lá thư nữa gửi về cho vợ, trong đó có những dòng chữ mộc mạc, nửa thật, nửa đùa: "Sau chuyến công tác này, anh sẽ xin xuất ngũ. Khi về anh sẽ không làm gì cả, chỉ giữ nhà cho em…".

Bão tan, chuyến tàu tiếp tục hướng mũi lái ra Trường Sa. Thiếu úy Phương nhận nhiệm vụ Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma nằm trong cụm đảo Sinh Tồn và đã anh dũng hy sinh khi bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong trận hải chiến ngày 14-3-1988.

Hôm đó, vào tầm 6h sáng, hơn 40 binh lính Trung Quốc rời tàu chiến mang vũ khí lên 3 xuồng nhôm tiến vào đảo Gạc Ma giật cờ của ta. Thiếu úy Trần Văn Phương và Hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội dũng cảm giành lại quốc kỳ, nên đối phương nổ súng khiến Thiếu úy Phương hy sinh, Hạ sĩ Lanh bị thương.

Nhiều nhân chứng lịch sử cho biết, trước khi đối mặt với binh lính Trung Quốc, Thiếu úy Phương đã nói với đồng đội rằng: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống Quân chủng Hải quân Việt Nam Anh hùng".

Anh hùng Trần Văn Phương bên người vợ Mai Thị Hoa trong lần nghỉ phép cuối cùng ở quê nhà.

Cùng thời điểm đó, tàu chiến của đối phương bắn đạn pháo dồn dập khiến tàu HQ-604 thủng vỏ, chìm dần xuống biển. Trước khi hy sinh, Đại úy, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ; Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 đã chỉ huy cán bộ - chiến sĩ (CBCS) chuyển hướng bám xuồng, dũng cảm đánh trả, bảo vệ chủ quyền đảo Len Đao.

Thiếu tá Vũ Huy Lễ chỉ huy tàu HQ-505 tăng tốc lao nhanh lên bãi cát đảo Cô Lin, tạo thành "lá chắn sống" chặn hướng tấn công của đối phương để bảo vệ chủ quyền. Trong trận hải chiến không cân sức đó, 64 CBCS hy sinh, 9 người bị phía Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông 3 năm mới trao trả.

Trong năm 1989, Chủ tịch nước đã phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang đối với tập thể tàu HQ-505 cùng Trung tá Trần Đức Thông, Đại úy Vũ Phi Trừ, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, Thiếu úy Trần Văn Phương và Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh.

Sau giây phút trầm tư suy tưởng, Trung úy Thủy nhớ lại: "Hồi còn bé, nhìn mấy đứa bạn được cha mẹ dắt ra bãi cát dạo chơi, nhiều lần tôi hỏi mẹ: "Mẹ ơi, ba con đâu rồi?". Lần nào tôi cũng thấy đôi mắt mẹ ngấn lệ, giọng nghẹn ngào nói: "Ba con đang bận công tác ở ngoài đảo xa, rất xa…".

Đến năm 1992, khi tôi lên 4 tuổi, hài cốt của ba được đồng đội đưa về cải táng ở Nghĩa trang liệt sĩ Quảng Phúc. Lúc đó nghe mẹ nói: "Ba đã về với mẹ con mình", tôi cứ ngơ ngác nhìn những đồng đội của ba.

Đến khi nhìn thấy mẹ và bà nội đưa bàn tay lên tiểu quách bên chiếc bát sứ có nhiều nén hương đỏ rực tỏa khói lãng đãng, nước mắt thấm đẫm trên gương mặt hao gầy, tôi mới nhận thức được rằng ba đã mất, người trong di ảnh đen trắng là ba.

Những ngày sau đó, chiều nào mẹ cũng dắt tôi ra nghĩa trang liệt sĩ viếng ba, nhiều lần tôi hồn nhiên ngắt những bông hoa đặt trước tấm bia có di ảnh của ba rồi xoay sang hỏi mẹ: "Con giống hệt ba phải không mẹ?".

Nhìn mẹ gật đầu nhưng đôi mắt ngấn lệ, tôi nói: "Lớn lên con sẽ vào bộ đội hải quân như ba". Mẹ bước tới ôm tôi trong vòng tay ấm áp yêu thương khiến cho ước mơ trở thành chiến sĩ hải quân thắp sáng trong tâm trí của tôi từ đó".

Nữ chiến sĩ Hải quân trong gia đình hải quân

Giữa năm 2009, sau khi tốt nghiệp ngành Việt Nam học hệ cao đẳng ở Trường Đại học Quảng Bình, cô gái Trần Thị Thủy vào Khánh Hòa, chỉ vì ước mong được nối nghiệp người cha kính yêu để góp sức mình bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có quần đảo Trường Sa.

Biết Thủy là người con duy nhất của Anh hùng Trần Văn Phương, ông Võ Lâm Phi - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa lúc bấy giờ đã chỉ đạo UBND huyện Trường Sa tiếp nhận, phân công Thủy làm việc ở văn phòng, nhưng khát vọng trở thành người lính hải quân vẫn cháy bỏng.

Thủy tâm sự: "Lần đầu tiên tôi được lên tàu HQ-936, cùng nhiều cô, bác, anh, chị trong đoàn công tác ra Trường Sa ngày 31-3-2010. Vật vã vì say sóng, nhưng tôi vẫn bật dậy bước khi nghe loa phát thanh thông báo tàu đang đi qua vùng biển đảo Cô Lin - Gạc Ma.

Giữa mênh mông biển trời xanh ngắt, tôi xúc động dâng trào nước mắt khi lắng nghe tiếng nhạc "Hồn tử sĩ" ngân lên trầm hùng trong lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở nơi này. Tôi đã cùng những người trong đoàn công tác thả xuống sóng nước dập dềnh những vòng hoa trắng có hình quốc kỳ đỏ tươi.

Một cảm giác thiêng liêng khiến tôi nao lòng, cảm nhận như ba tôi cùng những đồng đội đã hy sinh ở vùng biển đảo Cô Lin - Gạc Ma vẫn đang hiện hữu với dáng đứng hiên ngang dưới quốc kỳ tung bay trước gió giữa biển trời Tổ quốc thân yêu.

Mẹ tôi đã bật khóc khi nghe tôi thốt lên trong cuộc điện thoại về nhà: "Mẹ ơi! Con đã nhìn thấy ba ở đảo Gạc Ma". Khát vọng được làm người lính hải quân lại bùng "cháy" mạnh mẽ trong tôi.

Trên chuyến tàu đó tôi may mắn được gặp và trình bày nguyện vọng với bác Nguyễn Văn Ninh - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời đã đến khi tôi viết đơn xin tình nguyện nhập ngũ và được bác Ninh phê chuẩn ngay trên tàu".

Trung úy Trần Thị Thủys tất bật với công việc.

Kết thúc chuyến ra Trường Sa, Trần Thị Thủy trở thành người lính hải quân năm 22 tuổi. Cô gái ấy xúc động và tự hào khi trở thành đồng đội của người cha kính yêu chưa một lần gặp mặt, vì thời điểm Thiếu úy Trần Văn Phương hy sinh thì Thủy vẫn còn trong bụng mẹ khi ấy đang ở độ tuổi 22.

Thêm niềm hạnh phúc nữa là sau chuyến ra Trường sa đó, tình yêu đôi lứa đã đến với Thủy, cô kết hôn cùng anh Nguyễn Hồ Hải - hiện là Trung úy, cán bộ Chi đội kiểm ngư 04 của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Đến nay họ đã có hai đứa con, bé gái đầu là Nguyễn Trần Navy (6 tuổi); bé gái thứ hai là Nguyễn Trần Trúc Giang (2 tuổi).

Bằng âm giọng đậm chất Quảng Bình, Thủy nói với tôi rằng: "Em đang sống trong một gia đình hải quân. Ngoài người cha kính yêu cùng với vợ chồng tôi, còn có bố chồng là Trung tá Nguyễn Văn Triển - cựu Thuyền trưởng trên những chiếc tàu Hải quân Việt Nam. Bé gái đầu lòng của vợ chồng tôi được đặt tên Navy theo tiếng Anh có nghĩa là hải quân".

Trước khi khép lại cuộc trò chuyện, Thủy mở ngăn tủ nhỏ lấy cho tôi xem nhiều phiên bản kỷ vật của Anh hùng Trần Văn Phương.

Cầm mấy bức thư do người cha viết bên vịnh Cam Ranh cách đây hơn 29 năm cùng những tấm ảnh đen trắng ghi lại khoảnh khắc kỷ niệm của vợ chồng anh chị Phương - Hoa ở quê nhà, Thủy chia sẻ: "Dù chỉ biết cha qua di ảnh và những câu chuyện kể từ nhiều nguồn thông tin, nhưng trong tâm trí của tôi luôn hiện hữu hình bóng của cha cùng đồng đội anh dũng chiến đấu và hy sinh trong trận hải chiến năm xưa. Bây giờ tôi là nữ chiến sĩ hải quân ở nơi cha tôi đã từng công tác, tôi tâm nguyện luôn xứng đáng là đứa con của người Anh hùng, là người lính của Quân chủng Hải quân Việt Nam Anh hùng, sẵn sàng cùng đồng đội của mình bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.