Chuyện Nhà Chống Lũ và người chạm tay vào giấc mơ

Thứ Hai, 13/06/2016, 20:28
Tôi ấn tượng về Giang khi biết đến dự án Nhà Chống Lũ và những ngôi nhà Giang cùng cộng đồng đã dựng lên trên Hương Sơn – Hà Tĩnh quê tôi. Những ngôi nhà mới đã được dựng lên, nhưng cùng với nó là sinh khí và niềm tin đã được thắp lên ở đó. Tôi tò mò tự hỏi, Giang là ai?


Hãy để các dòng sông đều chảy

Giang Phạm, giản đơn chỉ là Jang Kều thôi, một cô gái có vẻ ngoài nghịch ngợm, cá tính. Một công dân toàn cầu với công việc bận bù đầu cho những chuyến dịch chuyển TP Hồ Chí Minh - Hà Hội - Singapore…

Giữa những hỗn loạn đời thường, giữa những thờ ơ, vô trách nhiệm, giữa những tranh cãi ném đá, tôi vẫn tìm thấy những niềm tin, lặng lẽ nhưng sâu sắc về những người trẻ có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội khi biết những gì Giang đang làm.

Giang nói, ai sinh ra trên đời này cũng đều có một việc gì đó để làm. Và Giang bắt tay vào Nhà Chống Lũ - một dự án được khởi xướng bởi một cá nhân và được gây quỹ, vận hành bởi cộng đồng. Mới đây, đêm nhạc “Chảy đi sông ơi”, diễn ra ở Hà Nội, gây quỹ ủng hộ bà con miền Tây, Thanh Lam và Tùng Dương, những ngôi sao hàng đầu đã làm đêm nhạc thiện nguyện này vì những gì dự án Nhà Chống Lũ đang hướng tới.

Giang Phạm - người khởi xướng dự án Nhà Chống Lũ.

Giang nói, cảm giác như một giấc mơ, khi đêm nhạc thành công hơn mong đợi. Hơn 1,8 tỷ đồng và số tiền cộng đồng mạng ủng hộ nữa là hơn 2 tỷ đồng, cùng với sự chung tay của bà con miền Tây đã đủ giai đoạn 1 cho dự án. Tôi hỏi Giang, sao từ dự án Nhà Chống Lũ lại sang “Chảy đi sông ơi”.

Giang nói, hơn 279 nhà chống lũ đã được xây suốt hơn 2 năm qua, khắp các vùng miền từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh và dự án vẫn tiếp tục chạy. Nhưng trong chuyến đi công tác khảo sát các tỉnh miền Tây, Giang đang nghĩ đến những ngôi nhà chống lũ bằng phao trên những con sông.

Nhưng thực tế tàn khốc hơn nhiều. Đó là những cánh đồng chết, cây cối chết, trâu bò chết, những vũng bùn được coi là giếng, không còn nước để uống vì quá mặn. “Chúng tôi đi từ sáng đến 7h tối mới được ăn trưa. Tôi nghĩ đến việc phải làm gì đó cho người dân ở đây. Sinh kế bền vững, nhà, nước sạch…

Không  chỉ là lũ, giờ đây bà con lại bắt đầu đối mặt thêm với tình trạng hạn hán và nhiễm mặn trầm trọng. Mà nguồn gốc của cả hai câu chuyện này đều bắt đầu từ những dòng sông, hãy để tất cả những dòng sông đều chảy. Tôi nhìn thấy những người dân Khmer đứng chơ vơ, lạc lõng trong chính ngôi nhà của họ, bởi nó không mang hồn cốt, văn hóa của người Khmer.

Tôi nghĩ về dòng sông của một đất nước, giống như mạch máu của một cơ thể, khi nó bị ngăn bởi thủy điện, bởi ô nhiễm, bị hạn hán, bị nhiễm mặn, mạch máu ấy, dòng sông ấy sẽ xơ vữa. Không chỉ là câu chuyện của nước mà là hệ sinh thái, môi trường tự nhiên, sinh kế của con người, văn hóa của hàng triệu hàng triệu người sống bên những dòng sông ấy…

Chương trình muốn truyền đi thông điệp, hãy yêu  và bảo vệ những dòng sông, giống như hãy bảo vệ mạch máu của mình, dòng sông trong tâm hồn mình chảy và dòng sông của một đất nước sẽ chảy”.

Nhưng ý nghĩ mơ mộng đó lại bắt đầu bằng những việc cụ thể và thiết thực. 116 bồn nước sạch đầu tiên đã được mang đến cho người dân hai xã ở Bến Tre. Và tiếp theo là giúp bà con phát triển sinh kế bền vững, với vịt biển, lươn, dê, tôm càng xanh toàn đực, là những ngôi nhà để dân miền Tây có thể sống cùng ở đó, để đương đầu với thiên tai…

Hành trình đó còn nhiều ngổn ngang và khó khăn, hơn cả làm nhà chống lũ. Nhưng cùng với sự chung tay của cộng đồng và của chính những người dân ở đây, Giang tin dự án Nhà Chống Lũ sẽ đi đến tận cùng.

Không dùng nước mắt để làm từ thiện

Tôi ngồi với Giang ở quán cà phê quen trên phố cổ Hà Nội. Cuộc gặp vội giữa những cú điện thoại, gặp gỡ khách hàng… Giang có vẻ ngoài của một cậu trai tinh nghịch, thông minh. Và đặc biệt nụ cười luôn thường trực.

Nhưng ẩn đằng sau cặp kính (cũng rất ấn tượng) là một tâm hồn mơ mộng, đa cảm. Tôi tự hỏi, điều gì cuốn Giang vào những công việc cộng đồng, nếu không phải là tình yêu. Còn Giang thì giản dị, câu chuyện bắt đầu từ những giấc mơ.

Tùng Dương và Thanh Lam làm đêm nhạc Chảy đi sông ơi ủng hộ dự án Nhà Chống Lũ.

Giang sinh ra ở Hà Nội. Từ bé, Giang đã rất thích rủ bạn bè nhặt rác, tái chế đồ chơi từ rác. Rồi lớn lên, vào đại học, những năm cuối, Giang đã trốn học đi đến các vùng nông thôn, ven biển tham gia các dự án cải tạo môi trường, sinh kế.

Đi nhiều, làm việc thiện nguyện nhiều, mọi thứ đến với Giang như là bản năng. Giang kể, đó là những ngày lũ khủng khiếp ở vùng rốn lũ Đại Lộc- Quảng Nam năm 2009, Giang đi qua những ngôi nhà đổ nát, những gương   mặt thất thần của người nông dân trước sự tan hoang của nhà cửa, vườn tược.

Nỗi đau đã nhấn chìm con người trong vô vọng.  Phải làm gì cho người dân vùng lũ. Câu hỏi ấy cứ trở đi trở lại trong chị. Tình cờ, Giang nhìn thấy bức hình chụp ngôi nhà gỗ trăm tuổi được đặt trên cọc bê tông, kiên cường giữa biển nước.

Đó là công trình mà Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trần Tùng dành tặng người hàng xóm ở Hương Sơn. Nó đã tồn tại hơn 10 năm. Tại sao không bắt đầu bằng những ngôi nhà như thế. dự án Nhà Chống Lũ ra đời từ đó. Nó được kết nối bằng niềm tin. Bằng niềm tin, vị kiến trúc sư già đã giao toàn bộ bản vẽ thiết kế cho dự án Nhà Chống Lũ, bằng niềm tin, 5 tình nguyện viên, làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã “ăn trộm” quỹ thời gian của công việc chính để tham gia dự án.

Và cũng bằng niềm tin, các họa sĩ, vốn khó tính và kỹ tính, đã trao tặng các tác phẩm của mình cho dự án bán đấu giá lấy tiền xây nhà. Giang kể: “Tháng 11 năm 2013, chuyến hỗ trợ đầu tiên của dự án Nhà Chống Lũ đã đến tại xã Sơn Thịnh, vùng rốn lũ của huyện Hương Sơn khi đường sá còn đầy bùn đất.

Ở đó, chúng tôi gặp cụ Nga. Trong ngôi nhà lá xiêu vẹo, cụ kể về trận lũ lịch sử năm 2010, cụ và chồng đã leo lên tận chạn ngồi, nước ở dưới ngày một dâng cao, chảy xiết. Ở trên đó nhiều ngày, trời lạnh quá, ông cụ lâm bệnh rồi mất ngay trên chạn, trong tay cụ Nga giữa mênh mông là nước. Lũ năm ấy to, Hương Sơn trở thành một thung lũng nước, bị cô lập.

Cụ Nga ở trên đó, ôm xác chồng đau khổ 10 ngày chờ nước rút. Đến khi nước rút, cụ đưa được xác chồng xuống, trong nhà không có gì, cụ không lo nổi cho chồng một chiếc áo quan, cứ thế mà chôn. Và hôm đó, tôi giật mình khi nhìn lên, có một chiếc áo quan treo trên chạn, cụ sợ lũ về chết không có áo mà chôn nên đã gom góp mua sẵn đó”.

279 ngôi nhà đã được xây lên. Nhưng quan trọng hơn, đó là 279 tư duy mới, cách nghĩ mới, và niềm tin mới được nhen lên ở đây. Chúng tôi gọi Giang Phạm là người truyền cảm hứng, bởi chính cách Giang chia sẻ. Những ngôi nhà được xây bằng chính sự đóng góp của người dân và dự án Nhà Chống Lũ chỉ chung tay hỗ trợ.

Vì thế, người dân sẽ trở thành chủ nhân, sẽ tự hào sống trong ngôi nhà của mình. Cách làm này của dự án Nhà Chống Lũ cũng gặp phải rất nhiều phản đối, bởi người dân vốn quen thụ động, trì trệ, họ quen với việc được cho hơn là góp tiền để xây.

Nhưng khi vượt qua được cửa ải định kiến đó, họ tự tin hơn trong chính ngôi nhà của mình.Tư thế con người quan trọng hơn những gì họ đang có. Giang không quan niệm làm thiện nguyện theo kiểu khóc thương.

Trong đêm nhạc “Chảy đi sông ơi”, clip giới thiệu chương trình hỗ trợ miền Tây của dự án Nhà Chống Lũ không hề buồn bã, dù thực tế thì vô cùng khốc liệt. Nhiều người đã đặt câu hỏi với Giang. Nhưng tại sao phải buồn khi thực tế đã quá đau khổ rồi, và Giang không muốn dùng nước mắt để làm thiện nguyện.

Đó không phải là câu chuyện xin và cho. “Tôi không dùng nước mắt để làm các dự án cộng đồng, hãy dùng những thông điệp tích cực, cho người ta thấy một con đường đi tươi sáng và đáng tin cậy”. Vì thế slogan của dự án Nhà Chống Lũ lúc nào cũng vui, thậm chí rất “teen”: “Sợ lũ là chuyện xưa cũ”, “Triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao”…

Người chạm tay vào giấc mơ

Vì sao một dự án cộng đồng, lại nhận được sự chung tay của xã hội lớn rộng như vậy. Giang chia sẻ, từ những ngày đầu tiên rất khó khăn khi khởi động dự án Nhà Chống Lũ. “Lần đó, chúng tôi chỉ có mấy bức tranh của hoạ sỹ Tạ Thị Thanh Tâm và một vài món đồ bạn bè mang đến đóng góp mà thôi, sau đó tôi mang bán đấu giá áo dài, tượng… mà tôi đã đấu giá được từ một số các chương trình từ thiện khác. Dần dần, mọi người hiểu và tin dự án Nhà Chống Lũ”.

Nhiều nghệ sĩ tặng tranh cho Nhà Chống Lũ.

Giang kể say mê về những dự định sắp tới, về hành trình khơi nguồn mạch chảy của những con sông, về sự kết nối với cộng đồng bằng những giá trị nhân văn.  Tôi cảm tưởng, thế giới của Giang là thế giới của những ý tưởng, của sáng tạo và của cả những mơ mộng.

“Tôi nghĩ, một xã hội phát triển cần 3 yếu tố, đó là nhân văn, sáng tạo và sự bền vững. Nghệ thuật chỉ có ý nghĩa khi góp sức với cộng đồng”. Một HumanArts đang ra đời để kết nối nghệ thuật với những dự án cộng đồng.

Tôi nhớ, họa sĩ Lê Đình Nguyên - người đã nhiều lần tặng tác phẩm của mình cho dự án Nhà Chống Lũ từng chia sẻ: “Người nghệ sĩ không thể ngự trong tháp ngà nghệ thuật của mình, mà phải lăn vào đời sống, sẻ chia với những bất hạnh của con người. Đó là cách, đời sống va đập vào tác phẩm của họ.

Đó cũng là cách, họ thể hiện trách nhiệm công dân của mình”. Anh làm “Trâu đèn” tặng cho dự án Nhà Chống Lũ, với mong muốn rằng, mỗi người chúng ta hãy thắp sáng lên ngọn lửa tình yêu thương, đùm bọc cho những người nghèo vùng lũ lụt.

Tôi viết bài này khi trên mạng xã hội đang có một cơn bão tranh luận về câu chuyện từ thiện để làm gì, từ thiện cho ai. Giang đứng ngoài mọi cuộc tranh luận hay sự ầm ĩ của truyền thông. Bởi với chị, điều quan trọng là những gì dự án Nhà Chống Lũ đang làm, nó như một mạch chảy ngầm, lặng lẽ, không tuyên ngôn, không ầm ĩ, nhưng thấm từng ngày, từng giọt trong trái tim mỗi người. Và tôi tin, Giang và dự án của chị đang chạm tới giấc mơ của mình, giấc mơ về một xã hội tốt đẹp hơn.

Dự án Nhà Chống Lũ không phải là một dự án từ thiện, mà là một dự án phát triển cộng đồng do cộng đồng cùng nhau thành lập, trong đó có sự đóng góp của tất cả những bên tham gia và đặc biệt đề cao vai trò tự chủ của người hưởng lợi. Xây nhà cũng thế, tặng bồn nước, dê, vịt biển cũng thế, người nhận phải đóng góp một phần, để họ nỗ lực và trân trọng hơn những căn nhà, những bồn nước... đó, và không có sự tự ti của việc "nhận từ thiện". Đây là nhận sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng. Hơn nữa, số tiền người dân đóng góp là để giúp thêm cho những hộ dân nghèo khác. Thay vì tặng bồn nước được cho 70 nhà thì có thể tặng được hơn 100 nhà. Cơ bản đó là phương pháp "chung tay" (participatory) của dự án Nhà Chống lũ.
Khánh Linh
.
.
.