Quà ơi!

Thứ Bảy, 25/09/2021, 11:42

COVID lấy đi của chúng ta một số quyền con người cơ bản, mà quyền được ăn quà là một.

Rõ ràng câu luôn luôn đúng: “ai ai cũng phải ăn quà...” đã trở thành sai, thậm chí trở thành sai lầm nghiêm trọng thời giãn cách xã hội. Bởi khá nhiều người đến bữa chính còn thiếu thốn, nói gì đến việc ăn quà cho vui miệng. Không mấy ai, kể cả có tiền, dám mơ tưởng đến những thức quà bình dân như trước. Một bát xôi vỉa hè cũng trở thành một thứ xa xỉ không với tới.

Quà ơi! -0

Tháng giãn cách đầu tiên, còn nghe trên mạng xã hội những câu cảm thán kiểu như “hủ tiếu ơi, bò bía ơi, cơm tấm ơi, bún riêu ơi, bún ốc ơi...”, và tất nhiên là “xôi ơi, phở ơi, cà phê ơi”... Nhưng đến tháng giãn cách thứ 2, những mong muốn vị giác cơ bản đó im bặt một cách đầy cam chịu. Cũng như cam chịu đã thành tất yếu trong nhiều lĩnh vực khác.

Không lâu lắm để mọi người nhận ra rằng mọi thức quà bánh nói chung là thứ không thiết yếu, do vậy không thể có trong một thời kỳ bắt buộc phải áp dụng những biện pháp cực đoan, cũng như con người không thể sống và mơ tưởng những điều bình thường nhỏ nhặt nhất khi chung quanh là dịch bệnh. Đành chấp nhận những hy sinh. Đầu tiên và ngay lập tức là lệnh cấm với các hàng rong vỉa hè, các quán ăn bình dân. Tức là tất cả những người bán thức ăn đường phố.

Thời kỳ đầu, một vài người bán tiến hành bán hàng kiểu chiến tranh du kích, một cái làn giống như đi chợ, đi bộ hoặc xe đạp, loanh quanh mấy chỗ quen, bán cho mấy khách quen rồi về. Nhưng cách đó không ổn nên thôi. Đến lúc ai cũng sợ. Một bước ra khỏi nhà là đầy những nguy cơ thành F0, F1. Con số nhiễm bệnh và tử vong vì COVID trên các phương tiện truyền thông mỗi ngày cũng triệt tiêu phần lớn những nhu cầu ăn uống vui vẻ, các bà nội trợ lo cho đủ 2 món, 1 món mặn và 1 món rau cho mâm cơm gia đình mỗi ngày đã là lập kỳ tích trong những ngày dịch bệnh tràn lan rồi.

Quà ơi! -0

Lịch sử ẩm thực Việt Nam hiện đại đang ghi nhận một thời kỳ mỳ tôm thay thế cả cơm lẫn quà trong rất nhiều vùng, nhiều khu phố, nhiều gia đình. Một chương đầy đau thương, hẳn thế! “Em mất vị giác không phải vì COVID. Các bác sĩ bảo một trong những triệu chứng nhận ra mình có mắc COVID hay không là mất vị giác. Em xét nghiệm rồi, mấy lần, em âm tính. Nhưng em vẫn mất vị giác, chỉ vì phải ăn mỳ tôm ngày ba bữa suốt tuần rồi...”. Một cô bạn nhắn tôi như thế. Kèm thêm một câu đầy chua xót: “Em biết có đủ mỳ tôm ăn là may rồi...”.

Quà ơi! -0

Vậy thì ai không có cả mỳ tôm để ăn? Một phụ nữ quá tuổi trung niên, ngoại tỉnh, trước khi dịch xảy ra, chị rửa chén bát thuê cho hàng phở, kiêm thêm nghề nhặt phế liệu... Giờ cả hai việc đó đều không còn. Không kịp về quê. Mắc kẹt lại trong thành phố. Không smartphone và tất nhiên chẳng biết mạng mẽo là gì nên không biết ở đâu có thể xin cứu trợ. Chị ấy lang thang ngoài đường nhiều ngày, chỉ hy vọng có ai nhận ra mình đói mà cho mấy gói mỳ tôm. Những trường hợp như thế không hề hiếm trong những thành phố rộng lớn, đông dân như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh.

Chúng ta thấy thiếu thốn vì không ăn quà. Nhưng những người mưu sinh bằng những hàng quà ấy, họ đâu? Họ đâu, bà bán hột vịt lộn đi rong, cô bán bánh cuốn đầu ngõ hay hàng hủ tiếu xe đẩy? Họ có gì để sống qua những ngày dịch nếu không kiếm nổi một đồng mỗi ngày, trong khi vẫn phải lo ăn và trả tiền thuê nhà?

Quà ơi! -0

Tôi nhớ chị đồng nát kiêm rửa chén bát khóc ròng khi nhận túi quà bao gồm thùng mỳ tôm và trứng, dầu ăn, nước mắm... Chị ấy nói em không nghĩ mình trở thành ăn xin, nhưng không còn cách nào khác, em đói, con em đói, mà dịch kéo dài quá...

Dịch kéo dài quá. Câu ấy đúng là một ám ảnh. Và chúng ta còn không biết bao giờ dịch sẽ ngừng. Giãn cách vẫn tiếp tục, căng thẳng hơn trong nội thành Hà Nội với những đòi hỏi giấy đi lại ngày càng khó khăn. Những người như chị đồng nát tôi vừa kể sẽ nhiều hơn nếu không ai tình cờ gặp họ bị đói bên đường. Mà ra đường, qua được bao nhiêu chốt, cắm đầu đến chỗ làm, thì còn ai nhìn được ai nữa.

Có thể chấp nhận, một cách đầy khó khăn, những ngày dài ăn uống tạm bợ. Nhưng đời sống tinh thần thì không thể tạm bợ mãi được. Chúng ta cũng cần cả những món quà tinh thần thêm vào cuộc sống hàng ngày để sống chung với dịch. Bao giờ được ăn quà, không phải một câu hỏi cho vui.

Nhưng có lẽ vào thời điểm này, khó ai có thể trả lời. 

Hà Phạm
.
.
.