Phỏng vấn Thần tài

Thứ Năm, 03/03/2022, 11:37

Phóng viên (PV): Thưa ông, bao nhiêu năm nay, cứ tới ngày vía Thần tài là người ta lại hành động ra sao ạ?

Thần tài: Còn làm gì nữa. Ai cũng biết là ngày đó thiên hạ đổ xô mua vàng khắp cả thành phố.

PV: Ừ đúng. Họ mua vàng thật, dù hôm đó vàng đắt vô cùng. Nhưng lý do bà con đua nhau như vậy là sao nhỉ?

Phỏng vấn Thần tài -0
Minh họa: Lê Tâm

Thần tài: Vì họ tin dù hôm đó có đắt bao nhiêu thì vàng cũng có lúc lên giá.

PV: Quả có vậy. Và nhìn chung bà con đúng. Vàng càng ngày càng lên giá thật.

Thần tài: Trừ một loại vàng rất kỳ lạ, đúng ra phải rất đắt tiền, rất có giá trị thì tháng trước xuống thấp đến buồn cười.

PV: Ở đâu ra? Vàng gì?

Thần tài: Vàng sân khấu.

PV: Sân khấu nào?

Thần tài: Sân khấu nghệ thuật. Chẳng hạn như kịch nói.

PV: Ái chà. Kịch nói, đó là một bộ môn nghệ thuật kinh điển, sang trọng, khó khăn, cao quý.

Thần tài: Điều ấy ai cũng biết. Kịch là thể loại văn học cao cấp. Thế giới có hàng trăm hàng ngàn nhà văn, nhưng chỉ có vài chục nhà viết kịch. Nhân loại có đầy các nhà thơ, nhưng chỉ có vài ông theo kiểu Shakespeare.

PV: Vâng. Nhiều nước có những vở kịch được diễn hàng ngàn suất, cả năm châu bốn biển biết tới vì rất hùng tráng, nhân văn và đắt tiền.

Thần tài: Nói tóm lại, đạt tới một vở kịch hay rất khó và để trở thành một diễn viên kịch xuất sắc lại khó vô cùng, đúng không ạ?

PV: Đúng. Chẳng còn gì để bàn cãi.

Thần tài: Vậy mà trong liên hoan kịch nói phía Nam vừa qua, có tới sáu Huy chương vàng dành cho vở diễn và 40 Huy chương vàng dành cho diễn viên. Một con số vô cùng lớn khiến tất cả mọi người đều choáng váng.

PV: Trời ơi, sao mà lắm giải nhất thế?

Thần tài: Cả nước đang hỏi và đang giật mình câu đó. Sao mà nhiều thế!

PV: Nó chứng tỏ một chân lý không thể nào chối cãi là sân khấu của chúng ta rực rỡ vô cùng.

Thần tài: Điều kỳ quái nằm ở chỗ hoàn toàn ngược lại. Có rất nhiều vở diễn thậm chí công chúng không hề được biết mặt biết tên, chỉ xuất hiện để thi rồi chấm hết. Có rất nhiều nghệ sĩ được huy chương vàng mà dân trong nghề đều biết là tài năng hết sức trung bình.

PV: Vậy căn cứ vào đâu mà Ban giám khảo cho Huy chương vàng?

Thần tài: Đó cũng là một câu hỏi nữa. Ví dụ như ngày vía Thần tài, nhân dân đổ xô đi mua vàng vì ai cũng biết vàng đắt và không mất giá. Còn những vở diễn kia, có những vở hoàn toàn không diễn sau ngày liên hoan,  chẳng hề có giá trị gì, chẳng gây được một tiếng vang gì cho xã hội.

PV: Chúng sinh ra để thi và chúng chết ngay sau thi?

Thần tài: Gần như đúng vậy. Nếu xét về ảnh hưởng xã hội thì nghệ thuật sân khấu kiểu đó còn thua Thần tài quá xa.

PV: Kinh khủng. Hay văn hóa của chúng ta dễ dãi quá, bừa bãi quá và đơn giản quá.

Thần tài: Không đến nỗi tất cả giống vậy. Ví dụ như Liên hoan phim 3 năm mới tổ chức một lần cũng chỉ có một giải vàng cho phim và hai giải vàng cho nam chính và nữ chính, không hề có sự “xả lũ” huy chương như sân khấu.

PV: Hậu quả của việc trao giải bừa bãi là gì, thưa ông?

Thần tài: Là giải thưởng không còn giá trị trong xã hội và trong chính nghệ sĩ. Nói một cách nghiêm khắc thì vàng đã bị đẩy xuống vai trò của vàng mã.

PV: Kết luận như thế không sợ người ta giận ư?

Thần tài: Tôi sẽ sợ, nếu như hàng đêm những vở diễn được huy chương và những nghệ sĩ được huy chương ấy đang ở trên sàn diễn cho khán giả xem. Nhưng rất, rất nhiều, thậm chí có nhiều khán giả không hề biết tới các danh hiệu đó. Liên hoan đã trở thành một cuộc thi nội bộ trong nghề và người nửa trong nghề.

PV: Kết quả?

Thần tài: Kết quả là cứ sau vài năm, những huy chương vàng kia sẽ biến chủ nhân của chúng thành Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú theo tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa; và Việt Nam tràn ngập các nghệ sĩ làm nghệ thuật mang danh hiệu to tát nhưng nhân dân hầu như rất khó nhớ được tên ai và sân khấu ngày càng thụt lùi.

Lê Thị Liên Hoan
.
.
.