Phỏng vấn que kem

Thứ Hai, 21/08/2023, 09:11

Phóng viên (PV): Thưa anh kem, điều gì làm nên giá trị của anh khiến cho rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ say mê?

Kem: Có nhiều lý do. Nhưng nổi bật nhất của tôi là sự buốt giá.

PV: Buốt giá? Lạ nhỉ?

Kem: Tại sao lạ, thưa nhà báo. Khi không khí chung quanh nóng nực, sự buốt giá bỗng nhiên nổi bật, làm cho cơ thể có sức sống hẳn lên.

j.jpg -0
Minh họa: Lê Tâm

PV: Nói cách khác, kem được hâm mộ vì khác biệt?

Kem: Đúng thế. Đặc biệt khi ở xứ nóng. Kem mang lại cảm giác đột phá, say mê, ngẫu hứng.

PV: Nhân nói tới say mê. Chắc anh biết vừa rồi có ban nhạc nữ Black Pink Hàn Quốc sang Hà Nội biểu diễn chứ?

Kem: Tất nhiên tôi biết. Tôi cũng đi xem mà. Không khí cuồng nhiệt ở trên sân khấu khiến tôi tan chảy.

PV: Bản thân anh có thích ban nhạc đó không ạ?

Kem: Rất thích.

PV: Thế nhưng có một số người thắc mắc, chả hiểu bốn cô gái kia có gì thu hút thế.

Kem: Những người thắc mắc đó đa phần là già phải không?

PV: Sao anh biết?

Kem: Biết chứ. Đa số những người chê bai bốn đứa trẻ đêm hôm đó là những người cao tuổi.

PV: Như thế có gì sai?

Kem: Không có gì sai. Cũng không có gì đúng ở đây. Ai chê cứ chê. Ai thích cứ thích. Không cần phải hơn thua trong chuyện này.

PV: Nhưng họ cứ hơn thua. Họ bảo sự cuồng nhiệt kiểu ấy là điên rồ. Đáng lo ngại. 

Kem: Thứ nhất, ở rất nhiều quốc gia có cuộc sống và mặt bằng nghệ thuật cao hơn chúng ta rất nhiều, giới trẻ cũng cuồng nhiệt các nghệ sĩ như vậy. Thứ hai, đừng hỏi tại sao giới trẻ thần tượng ban nhạc Hàn Quốc, hãy hỏi do đâu họ không có ban nhạc Việt Nam để thần tượng. Thứ ba, nếu giới trẻ không thần tượng gì cả, có một thái độ "lạnh như kem" trước mọi thứ văn hóa  thì tốt hay xấu?

PV: Ừ nhỉ.

Kem: Bốn cô gái kia có xinh đẹp không? Chắc chắn có. Bốn cô gái kia có nhảy đẹp không? Chắc chắn có. Bốn cô gái kia có hát hay không? Đa số giới trẻ công nhận là hay. Vậy lý do gì khiến một số người "trang nghiêm" nổi giận. Họ chỉ thích các bà già diễn văn nghệ à?

PV: Đầu tiên, họ bực vì giá vé đắt quá trong khi đời sống xã hội còn nghèo.

Kem: Nghèo mà dám trả tiền cao cho một sự say mê thì chỉ chứng tỏ niềm say mê đó mãnh liệt.

PV: Tiếp theo, họ bực vì khi xem biểu diễn, cả chục ngàn người ào ào nhảy múa hát theo như vậy là "đánh mất mình", là mất kiểm soát.

Kem: Nghệ thuật từ cổ chí kim ra đời chính vì lẽ đó, chính là khi thưởng thức, khán giả cho cảm xúc trào dâng. Nghệ thuật không phải phiên tòa, không cần nghiêm nghị.

PV: Chắc không?

Kem: Chắc chắn, chẳng hạn khi đi coi bóng đá cũng trên sân vận động như thế, các vị tổng thống cũng có thể nhảy cẫng lên trước một pha hay. Tại sao xem ca nhạc lại không được phép?

PV: Nói tóm lại, anh không thấy khán giả hai đêm nhạc có gì lố bịch à?

Kem: Cũng có chứ, nhưng không đến nỗi báo động, càng không đến mức độ sợ hãi. Tôi nhắc lại, nó chỉ khiến những người có trách nhiệm trăn trở: Tại sao âm nhạc Việt Nam không làm được như vậy? Tại sao điện ảnh, thời trang của người ta khiến cả thế giới say mê, còn mình nhiều lúc thua trên sân nhà? Đừng cười nam nữ trẻ tuổi khóc, hãy tự hỏi tại sao ít khi họ khóc vì nghệ thuật chúng ta?

PV: Vâng.

Kem: Phải khiến gái trẻ và trai trẻ bộc lộ và tạo cơ hội để cho họ được bộc lộ chứ không phải luôn luôn "cảnh giác", luôn luôn "ngăn ngừa".

Đặc biệt là không được phép dè bỉu hoặc coi những cảm xúc kia là "vớ vẩn", bởi vì muốn hay không muốn thì những con người sẽ "vớ vẩn" vẫn là chủ đất nước này.

Lê Thị Liên Hoan
.
.
.