Phỏng vấn một vị thánh

Thứ Hai, 09/08/2021, 23:15

Phóng viên (PV): Thưa ông, nỗi đau khổ nhất của thánh là gì ạ?

Thánh: Là người ta luôn luôn nhắc tới, luôn luôn cho rằng không có thực.

PV: Kỳ lạ nhỉ.

pv mot vi thanh - mh le tam anct 7 - 2021 ok.jpg -0
Minh họa: Lê Tâm.

Thánh: Chẳng có gì kỳ lạ. Đã từ rất lâu, bà con thừa biết xã hội nói riêng và vũ trụ nói chung không bao giờ có thánh thần, chỉ toàn người với người ở bên nhau.

PV: Nhưng dù sao...

Thánh: Dù sao thì biết vậy cũng hơi buồn. Cho nên thiên hạ đã, đang và cố gắng tìm ra các thánh, để cho nó thêm tốt đẹp, huyền bí và thiêng liêng.

PV: Và điều đó cũng chả hại gì.

Thánh: Vâng. Chả hại gì. Tuy vậy, có những thánh khiến cho người ta tin thêm vào cuộc sống, thêm động cơ làm việc. Cũng có những thánh khiến ai nấy thở dài.

PV: Ví dụ?

Thánh: Ví dụ như vừa qua, tôi đọc được trên báo một bài phỏng vấn của nghệ sĩ Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội.

PV: A, Trung Hiếu, nghệ sĩ có tài năng, có tiếng tăm, có trách nhiệm.

Thánh: Đúng thế. Trong một chừng mực nào đó, anh Trung Hiếu cũng có thể được gọi là dạng thánh của sân khấu dưới mắt một số khán giả.

PV: Thật vinh dự cho anh và tốt cho Hà Nội.

Thánh: Vâng. Nhưng Trung Hiếu phát biểu như sau: "Có những đêm diễn mà số diễn viên trên sân khấu còn nhiều hơn số khán giả ngồi xem, nhưng chúng tôi vẫn diễn".

PV: Nghĩa là sao?

Thánh: Nghĩa là có những nghệ sĩ của đoàn kịch ấy khi hành nghề, giống hệt thánh thần. Họ có một niềm tin và đam mê tột độ, và họ cương quyết thực hiện điều đó, bất kể hoàn cảnh ra sao.

PV: Vĩ đại quá, thiêng liêng quá, xúc động quá, cảm phục quá!

Thánh: Nhà báo nghĩ vậy à. Tôi thì không.

PV: Vì sao?

Thánh: Vì càng làm thánh lâu năm, tôi càng hiểu cuộc đời không có thánh, hay ít nhất không có thánh vô điều kiện.

PV: À.

Thánh: Người nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ kịch nói trên sàn diễn, chỉ tồn tại được khi có sự giao lưu với khán giả. Tuyệt đối không thể tranh cãi điều này.

PV: Dạ.

Thánh: Một vở diễn không có người xem, hoặc người xem đến mức không đủ mười ngón tay thì không phải một vở diễn hoàn chỉnh.

PV: Chắc không?

Thánh: Chắc chắn. Trong chiến tranh đã có những đêm diễn, những hoàn cảnh mà những người ở sân khấu đông hơn người ở dưới. Nhưng đó là chiến tranh, là trong rừng đã gần 50 năm qua chứ không phải giữa thủ đô nghìn năm văn hiến và giữa thế kỷ 21 này.

PV: Từ đó suy ra...

Thánh: Từ đó suy ra đoàn kịch có thể đã không có vở diễn lôi kéo người xem hiện đại. Trong khi hàng triệu người dân bỏ hàng bao nhiêu tỷ mua vé số, hàng triệu người xem ca nhạc hoặc chương trình ti vi thì không có nổi vài trăm người mua vé kịch.

PV: Nghĩa là những vở kịch đó quá dở?

Thánh: Ai mà không biết, gần như các vở kịch trên sân khấu thủ đô nhiều năm rồi đều cương cứng, giáo điều, xa rời cuộc sống, có cảm giác nó là những tiết mục của hàng chục năm về trước, không lay động nổi lòng người đương thời.

PV: Thế nhưng các đoàn kịch vẫn tồn tại được và vẫn diễn?

Thánh: Họ tồn tại là còn cái vỏ chứ thực ra nhiều nghệ sĩ chỉ nổi danh trên tấu hài hoặc ở trên phim truyền hình. Điều đó đâu có gì bí mật.

PV: Công nhận.

Thánh: Nhưng kỳ lạ thay, vì cố gắng đổi mới tư duy kịch nói vốn là nhiệm vụ chính, họ lại cố tự thuyết phục mình và thuyết phục những người khác rằng họ đang là thánh, đang giữ một ngọn lửa nghệ thuật cháy bỏng, bất kỳ hoàn cảnh nào.

PV: Thật là anh hùng.

Thánh: Anh hùng ư? Tôi không nghĩ vậy. Tôi thấy thật tội nghiệp.

Một vở diễn mà biết trước chỉ diễn có vài buổi, một đêm mở màn mà khán giả ngồi lác đác hoặc toàn vé mời thì vở diễn đó chết ngay trong tâm hồn nghệ sĩ, bởi nghệ sĩ chỉ có sức mạnh bên trong, chỉ có xúc cảm thật sự khi nhìn thấy mắt khán giả.

PV: Nhà báo ơi, tôi biết anh Trung Hiếu mà, anh ấy rất đáng yêu.

Thánh: Vâng. Nhưng tôi muốn được yêu anh ấy như một con người đang làm sân khấu, với niềm hạnh phúc tràn ngập khi khán giả cả ngàn người ngồi dưới vỗ tay, chứ không phải là một nghệ sĩ đang gồng mình hy sinh cho những hàng ghế trống.

Lê Thị Liên Hoan
.
.
.