Phỏng vấn một khẩu trang

Thứ Bảy, 02/04/2022, 14:03

PV: Thưa anh, đầu tiên xin chúc mừng anh. Không còn nghi ngờ gì nữa, suốt trong hai năm vừa qua, anh là nhân vật quan trọng nhất trong xã hội.

Khẩu trang: Cám ơn. Nhưng giờ phút này thì tôi vẫn còn quan trọng. Nhưng không còn nhất nữa.

PV: Vì sao vậy, thưa anh?

Phỏng vấn một khẩu trang -0
Minh họa: Lê Tâm.

Khẩu trang: Vì suy cho cùng, tôi là vật vô tri, tôi không phải là cuộc sống.

PV: Mà cuộc sống hôm nay…

Khẩu trang: Hôm nay mỗi chúng ta hiểu rằng, cuộc sống không thể dừng lại được vì bất cứ lý do gì.

PV: Xin anh nói rõ ý này.

Khẩu trang:  Muốn thế chỉ cần nhớ lại những ngày chống dịch COVID-19 đầu tiên. Tôi tin rằng tất cả chúng ta không quên từng phút một.

PV: Đúng thế. Trong những ngày đầu tiên đó, chỉ cần một ca nhiễm là chính quyền phong tỏa một khu phố hoặc một tòa nhà. Không cho bất cứ một ai ra ai vào.

Khẩu trang: Hay nói cách khác, chỉ cần một người bị nhiễm thì hàng chục ngàn người bị cách ly.

Thời đó chúng ta tin chắc làm thế là đúng.

PV: Và có thể nghĩ lại bây giờ vẫn đúng, thưa anh.

Khẩu trang: Vâng. Tôi không hề có ý chê trách những gì mọi người đã làm trong quãng thời gian đó, vì nhận thức, vì hoàn cảnh lúc ấy là như vậy.

PV: Và chả riêng Việt Nam, cả thế giới đều hành động theo kiểu đó.

Khẩu trang: Đúng. Cả thế giới đã đóng cửa từng căn nhà và từng quốc gia. Cả thế giới tin tưởng điều này tuyệt đối cần thiết.

PV: Nhưng cái thế giới ấy hôm nay?

Khẩu trang: Hôm nay mọi người chợt nhận ra rằng con virus COVID-19 phức tạp hơn chúng ta tưởng nhưng không còn đáng sợ như chúng ta tưởng.

PV: Anh không hề chủ quan đấy chứ?

Khẩu trang: Không. Ngay trong những ngày này khi số ca nhiễm COVID nước mình lên tới hàng trăm ngàn thì số bệnh nhân tử vong vì nó trong 24 giờ cũng thua xa số tử vong do bệnh tim mạch và ung thư.

PV: À.

Khẩu trang: Đó là bằng chứng hùng hồn nhất, quan trọng nhất để biện hộ cho suy nghĩ: Dù số ca nhiễm có là bao nhiêu đi nữa, có tăng tới bao nhiêu đi nữa thì mỗi ngày đi qua, chúng ta lại nới lỏng thêm chứ không hề làm ngược lại.

PV: Vâng. Nhà nước đã mở cửa quán ăn, mở cửa rạp phim, mở phố đi bộ, mở các chuyến bay…

Khẩu trang: Nói tóm lại là gần như mở hết, mặc dù chưa hề có quy định cho phép mở khẩu trang.

PV: Rõ ràng đó là tin vui, thưa anh.

Khẩu trang: Đa số người dân đều vui, trừ một nhóm vô cùng quan trọng.

PV: Nhóm nào vậy?

Khẩu trang: Du lịch. Nhà hàng. Khách sạn.

PV: A, đây đúng là đối tượng khao khát mở cửa từng giờ trong suốt bao nhiêu tháng.

Khẩu trang:  Vì nói thực ra, họ đã vô cùng khốn quẫn. Nhưng cho tới hôm nay thì sao? Niềm vui của họ vẫn vô cùng nhỏ bé. Khách nước ngoài đến Việt Nam vẫn vô cùng ít ỏi.

PV: Do đâu, thưa anh?

Khẩu trang: Do chưa hề có bùng nổ đi lại như chúng ta hy vọng. Không hề có một làn sóng như những người làm du lịch mong muốn.

PV: Tại sao vậy?

Khẩu trang: Tại vì chính sách đối với khách chưa hề nhất quán và chưa hề rõ ràng, khiến các doanh nghiệp lữ hành thật sự đau khổ.

PV: Vậy theo anh, ta phải làm gì?

Khẩu trang: Phải thay đổi tận gốc tư duy. Đừng nhìn người nước ngoài như những kẻ mang mầm bệnh đến, mà phải coi họ như những người dám đi vào tâm bão.

PV: Ừ nhỉ.

Khẩu trang: Một quốc gia hàng ngày có hàng trăm nghìn ca nhiễm thì ai tới đó phải được cám ơn chứ không phải bị đề phòng. Đó là tư duy quan trọng nhất.

PV: Chính xác.

Khẩu trang: Mạng sống mọi cá nhân đều quý. Bất kể màu da và bất kể quốc gia. Không lẽ khách nước ngoài bị lây nhiễm cứ đi lại tung tăng, chờ chúng ta phát hiện? Phải cho họ tâm lý được chào đón chứ không phải bị nghi ngờ. Bởi vì trong nước lây cho nhau chắc chắn cao hơn rất nhiều khách nước ngoài lây cho mình. Phải bỏ ngay lập tức và bỏ tối đa cái tâm lý đặt sự theo dõi khách lên đằng trước.

Lê Thị Liên Hoan
.
.
.