Phỏng vấn một diễn viên

Thứ Ba, 21/11/2023, 09:10

PV: Thưa cô, suy cho tới tận cùng, nghề diễn viên là gì ạ?

Diễn viên: Có thể nói ngắn gọn thế này: nhiệm vụ của diễn viên là trình bày số phận của một nhân vật nào đó cho công chúng xem.

PV: Muốn như thế, diễn viên cần những điều kiện gì?

Diễn viên: Cần có một kịch bản hay, và trong kịch bản đó phải có đất diễn.

PV: Và đất diễn hay thì nhân vật phải có số phận, nghĩa là có thời gian để tâm trạng phát triển.

Diễn viên: Đúng thế. Nhưng nhà báo hỏi làm gì những câu quá cơ bản và quá đơn giản đó?

PV: Thưa cô, theo cô, một trận đấu bóng đá có gì giống với một bộ phim?

Diễn viên: Rất nhiều. Chẳng hạn phim và bóng đá đều diễn ra trong khoảng một trăm phút. Phim và bóng đá đều cần khán giả. Phim và bóng đá đều cần kịch tính và các cầu thủ có thể coi là các diễn viên.

PV: Như vậy, huấn luyện viên bóng đá cũng tương đồng với đạo diễn điện ảnh?

Diễn viên: Chính xác, hai nghề nghiệp ấy có rất nhiều điểm tương đồng.

PV: Vậy cô bình luận thế nào về huấn luyện viên của bóng đá các câu lạc bộ Việt Nam?

Diễn viên: Tôi không dám lạm bàn về chuyên môn, nhưng tôi ngạc nhiên vô cùng khi thấy Việt Nam có một nền bóng đá mà các huấn luyện viên được thay quá nhanh và quá nhiều.

PV: À.

Diễn viên: Chỉ sau vài trận thua là huấn luyện viên mất chức, điều đó quá khủng khiếp, bất công và kỳ lạ.

PV: Các quốc gia khác thì sao?

Diễn viên: Các quốc gia khác cũng có huấn luyện viên mất chức, nhưng chắc chắn không nhanh bằng của ta. Có thể dẫn chứng điều đó rất rõ ràng.

PV: Hiện tượng ấy nói lên vấn đề gì, thưa cô?

Diễn viên: Nói lên một cách hùng hồn. Bóng đá nói riêng và thể thao nói chung của chúng ta không có và không muốn chiều sâu, chỉ thích chạy theo kết quả tức thời.

PV: À.

Diễn viên: Đội tuyển khác với câu lạc bộ. Đội tuyển có những giải đấu phải tham gia và phải vào sâu vì cơ hội không tới nhiều lần. Còn câu lạc bộ đầu tiên phải có truyền thống, phải có bề dày. Câu lạc bộ có thể thua vài trận đấu, thậm chí thua cả mùa, nhưng truyền thống vẫn chưa mất đi.

PV: Muốn đạt được điều đó?

Diễn viên: Thì huấn luyện viên phải có thời gian để tìm hiểu cầu thủ, sau đó tìm ra đấu pháp hợp lý cho đội hình. Những thứ ấy không thể ngày một ngày hai là có được.

PV: Thật ra ai chẳng biết điều này. Nhất là các ông chủ câu lạc bộ, vì nó quá đơn giản.

Diễn viên: Vâng. Ai cũng biết. Nhưng điều đáng buồn là họ biết nhưng mặc kệ. Họ chỉ cần chiến thắng ngay và chiến thắng nhanh. Vì họ có cảm giác là chưa chắc gắn bó với bóng đá lâu dài.

PV: À.

Diễn viên: Làm chủ một đội bóng là do yêu thể thao. Làm nhà sản xuất phim là do yêu nghệ thuật. Đấy mới được coi là một sự nghiệp chân chính, chứ nếu hiểu mọi thứ như là "phi vụ làm ăn" thì chủ nghĩa thực dụng sẽ nổi lên ngay.

PV: Nói cách khác, có thể thắng một trận đấu nhưng sẽ thua một hành trình.

Diễn viên: Đúng thế. Trong quân sự, người ta gọi là thắng một trận đánh nhưng thua trong toàn bộ cuộc chiến tranh.

PV: Cho nên, đừng nhìn vào kết quả sau 90 phút.

Diễn viên: Mà phải nhìn vào toàn thể cách vận hành để đánh giá một nền thể thao của một quốc gia có đi đúng hướng hay chưa? Nghĩa là chiến lược quan trọng hơn chiến thuật.

PV: Chiến thuật có thể thay đổi rất nhanh hoặc có thể dùng vài thủ đoạn.

Diễn viên: Còn chiến lược là một xu hướng lớn cần tuân thủ một cách khoa học và tận tâm, đồng thời kiên nhẫn.

Lê Thị Liên Hoan
.
.
.