Vượt bom đi học viết văn

Thứ Tư, 30/09/2015, 22:43
Tôi được gọi ra Hà Nội dự “Lớp bồi dưỡng những người viết trẻ” khóa 3 của Hội Nhà văn vào cuối tháng 9/1968, khi đương là cán bộ ngành giao thông Quảng Bình. Người ta ra mặt trận, chứ đi học viết văn lúc chiến tranh ác liệt thì có chi mà kể. Tuy vậy, chỉ riêng cuộc “hành quân” từ Quảng Bình ra Hà Nội hồi ấy, có lẽ cũng nên “chép” lại để bạn đọc hôm nay được biết “ngày xưa” đã có một cách đi “kỳ quặc” như thế. 

Tôi quyết tâm đi học viết văn, dù biết chuyến đi đầy nguy hiểm, nhưng nghĩ rằng đây là dịp để mình có thể viết nên những trang sách, trả “món nợ” với các đồng đội và nhân dân đã hy sinh trên những con đường ra mặt trận.

Dưới đây là những trang Nhật ký về chuyến đi đặc biệt này:

…Ra đi ngày 1/10/1968, một ngày thật may mắn. Đạp xe từ nơi sơ tán của Ty Giao thông, ra đường số 1, đến sông Gianh 12 giờ trưa. Xuống bến đò ngang, sau khi một chiếc máy bay trinh sát chỉ điểm cho tàu biển pháo kích, lượn quanh rất thấp vùng Ba Đồn và mép biển. Pháo 37 ly rồi 12,7 ly bắn rát nhưng không trúng. Để xuống bến đò, phải đi ven sông một đoạn, rồi phải rẽ quặt vào làng theo hình chữ C để tránh bom từ trường. 

Cảnh sông Gianh nghe qua tin tức thật dễ sợ (trước đó, một đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình hy sinh khi xe qua phà ban đêm trúng thủy lôi), nhưng trưa nay thật bình yên. Các em vẫn chăn trâu, chơi đùa bên rìa làng. Một số dân quân đang chuyển những hòm đạn 12,7 ly từ đê vào làng. Giữa sông, một dãy rớ (vó bắt cá tôm…) xếp hàng đều tăm tắp. Khách chờ qua đò ngồi trong một túp lều tranh nhỏ trong đê. Một lát có hai khách đi xe đạp đến thêm. 

Nhận ra đó là hai bưu tá, nên người lái đò bảo: “Cho xe xuống thuyền đi!”. Thủy thủ khoác áo phao vào người và cho thuyền rời bến. Được một quãng ngắn, bỗng thấy một ông gánh mây đang đi xuống. Thế là người lái cho thuyền trở lại bờ. Khách tỏ ý sốt ruột và lo lắng. Biết đâu, chính vào lúc đón thêm khách, phản lực Mỹ lại xộc đến ném bom. Mình cũng định kêu lên: “Thôi thôi! Chờ làm gì!”. 

Nhưng cảm thấy ngay đó là một ý nghĩ ích kỷ đáng xấu hổ, nên thôi. (Mình chỉ vượt qua sông Gianh trong vài chục phút, còn các thủy thủ ngày đêm qua lại trên dòng sông đầy thủy lôi, bom từ trường phục kích này thì sao? Về sau, một người lái đò và thủy thủ lái ca nô Võ Xuân Khuể ở bến phà Gianh đã được tuyên dương là Anh hùng.) Các thủy thủ đã chờ cho ông được đi cùng chuyến và nhắc đến tình nghĩa giữa người đi kiếm cây mây và người chèo đò - những quai chèo đều làm bằng mây! 

Nhân dân xã Võ Ninh (Quảng Bình) anh hùng dỡ nhà lót đường cho xe qua.

Vậy là chiếc quai chèo và tình người lao động đã đánh bạt uy lực của những cái “bẫy” giết người tinh vi của Mỹ phục kích dưới lòng sông cùng những chùm bom, đạn pháo từ hạm đội 7 có thể chụp xuống bất cứ lúc nào! Mặc cho dòng sông càng rộng mênh mông do nước lũ về, nhìn sang bờ Bắc chẳng thấy gì rõ. Bốn tay chèo như không có chi gấp gáp, đều nhịp theo giọng hò, nên cũng đỡ sốt ruột…

Đường ra Đèo Ngang có một đoạn bị đánh dữ - từ cầu Càng đến Mũi Vích, vì đây là điểm rẽ lên con đường 22 mới mở để tránh qua Đèo Ngang và những chiếc cầu bên Kỳ Anh đã bị bom Mỹ phá nát. Đoạn đường vẫn còn dấu vết những hố bom mới nổ, anh em công nhân đang hàn gắn. Phải vượt qua hai đò ngang mới đến chân Đèo Ngang. 

Định nghỉ lại một đơn vị giao thông ở chân đèo, nhưng qua đò, có bạn đồng hành xe đạp là một anh bộ đội, đội mũ tai bèo, cũng quyết vượt đèo ra Hà Tĩnh. Dọc đường, ngắm kỹ “chân dung” bạn đường: Sau lưng một balô nhỏ bằng vinilon chống mưa; thắt lưng có súng lục và một bi đông nước. 

Đằng sau xe là một ba lô con cóc gói trong nilon, bên ngoài giắt chiếc điếu cày nhỏ, có đề dòng chữ “Mặt trận Đường 9”. Lại còn chiếc máy ảnh nữa. Mỗi khi nghỉ chân là rít thuốc lào và chụp ảnh thoải mái. Chắc là một cán bộ có cỡ, nên cũng không hỏi han gì nhiều, chỉ biết tên anh là Hưu.

Lên gần đỉnh Đèo Ngang, mình mệt lử vì đường dốc và từ Trại Cau ra đây đã quá xa. Anh Hưu xem ra vẫn khỏe, do mới khởi hành từ Ba Đồn. Cứ một quãng ngắn, mình lại hỏi: “Gần tới đỉnh chưa? Nếu chưa thì nghỉ lại thôi!”. Anh Hưu đi trước, quay lại động viên: “Gần đến rồi!”.

Thân thể mình đờ ra, nhiều lúc cảm thấy cái xe đi không phải nhờ sức mình đẩy, nhờ tay mình lái nữa; còn mồ hôi không phải chảy ròng ròng mà nhơm nhớp, có cảm tưởng như đó là chất tủy trong người tiết ra! Đến đỉnh đèo, định lấy chanh chấm đường ăn thì anh Hưu đưa cho túi sữa bột đã trộn sẵn với đường. Không có gì múc, lấy lá cây mua xúc ăn. Ăn vài miếng, lại tợp một ngụm nước.

Một lát sau, hồi sức, lại đi xuống dốc. Đường vắng ngắt, phần vì lâu nay không mấy ai đi dọc đoạn đường ven biển rất dễ lọt vô tầm ngắm của máy bay, tàu chiến Mỹ; phần nữa không ai liều vượt đèo về chiều. Chẳng còn tâm trí để ngắm cảnh đẹp lúc “bóng xế tà” từng thu hút bao thế hệ trong bài thơ để đời của Bà Huyện Thanh Quan. Xuống đến chân đèo, trời bỗng hửng nắng thật. 

Cùng với Trần Thị Mỹ Tình, hai chiến sĩ TNXP Hoàng Thị Minh Thú (đội mũ) và Trần Thị Minh Thế thuộc đại đội 759 anh hùng đã hy sinh tại bờ nam sông Gianh đầu năm 1968.

Đạp chầm chậm để lấy sức vượt đèo Con. Đây là điểm luôn bị đánh phá; mới mấy phút trước, chúng vừa pháo kích vào, bên đường còn rõ những hố đạn mới, đất tung tóe mặt đường. Và vừa vượt qua đèo Con chốc lát, thì 2 chiếc F.105 lao xiết qua đầu. Dừng phắt xe lại, thấy chớp lóe, rồi tiếng rít, biết là chúng đã cắt bom. Quả nhiên, khói ùn lên ở chân đèo Con. Thật hú vía!

Không đến thị trấn Kỳ Anh được, phải nghỉ lại ở xã Kỳ Phương, cách Kỳ Anh 17km. Anh Hưu bảo tìm vào nhà công an mà ngủ. Khi trình giấy, anh dặn: “Giả sử có tình hình xấu, không may tôi hy sinh, đề nghị các đồng chí niêm phong đồ đạc của tôi và gửi về đơn vị…”. 

Một việc nhỏ, nhưng hiểu được bản chất của anh, không sợ cái chết của bản thân, chỉ nghĩ đến sự sống cho “tài liệu”. Dù đã mệt đừ, nhưng vẫn gắng đi theo người hàng xóm xin hái nắm lá khoai lang nấu canh. Bữa ăn nhờ thế thêm ngon. Đêm, trăng rất sáng. Gần rằm rồi. Mệt phờ râu nhưng vẫn lấy dao cạo râu dưới trăng! Nghe mình “tự ca” cái cảnh độc đáo này, mấy chú thiếu niên ngồi quanh cười rộ lên.

Ngày thứ hai, chỉ đi theo đường số 1 đến thị trấn Kỳ Anh rồi rẽ vào đường giao liên để vượt qua Cẩm Xuyên, nơi có mấy chiếc cầu đã bị bom đánh nát. Hai anh em ghé một quán ăn trong làng rất nhiều cây xanh. Là cửa hàng mậu dịch quốc doanh, nên phải chờ đến hơn 9 giờ mới mở cửa. Khách đông dần, người đi bộ, kẻ xe đạp, rồi các lái xe ôtô hồi đêm chở các em K8 ở Vĩnh Linh ra, đang tạm trú quanh đây. Các “anh tài” thi nhau tuôn ra đủ thứ chuyện đặc sắc…

Hai anh em mua 4 suất cơm, gói lại hơn một suất. Đường giao liên rẽ về phía tây, xa đường số 1, xa biển, không còn sợ pháo kích, nhưng vòng vèo, liên tục lên xuống dốc. Có một cái dốc gần như dựng đứng, vượt qua rồi mà không ngờ mình đã đi qua một con đường như thế! 

Cứ tưởng là đường an toàn trăm phần trăm, nhưng một lần nữa, hú vía. Hai chiếc máy bay cánh quạt AD6 thì phải, lượn lờ kiếm mục tiêu một lúc rồi sà xuống bắn tên lửa vào một lùm cây có khói bốc lên trên đỉnh núi sát đường đi. Dừng được xe, lần ra xa đường, tìm chỗ nấp thì chiếc thứ hai như là lao thẳng vào mặt mình, nhưng nó không bắn. Từ đó, nghe tiếng máy bay, lại nghển cổ nhìn, không còn đi thoải mái nữa…

Sáng ngày thứ 3 - cũng là ngày 3/10, đi đến tận quán ăn Thạch Điền mới nghỉ ăn cơm. Đến đây là từ biệt anh Hưu để kết bạn với một anh đi ra Can Lộc. (Hôm nay, chép lại đoạn nhật ký, chợt nghĩ không biết anh Hưu còn hay mất? Cũng lại, không nhớ mình có hỏi địa chỉ, quê quán của anh không và có “tự khai” gì về mình với anh không?... Ôi! Biết bao nhiêu là bạn “tình cờ” trên những con đường chiến tranh!)

Từ Can Lộc, tôi kết bạn với một anh bưu tá đi về Đức Thọ, nhưng rồi xe của anh bị hỏng, tôi đành vượt lên đi trước một mình. Trên chặng đường này, tôi gặp từng đoàn thanh niên đi ra, sau mới biết đó là dân công đi phục vụ hỏa tuyến trở về; ngược lại là một số thanh niên xung phong đi vào. Đặc biệt, có một đoàn các em nhỏ Quảng Bình đi ra trong chiến dịch K8; có em muốn nhờ tôi đèo, nhưng xe tôi đi là xe đạp nữ, chỉ cột tạm một thanh tre phía trước để khi cần vác qua khe suối, làm sao chở được, nên đành bỏ lại các em nhỏ phía sau…

Sáng 7/10, sau 2 ngày nghỉ lại quê Sơn Hòa, dậy từ lúc chưa đến 3 giờ sáng theo tiếng còi xuất quân của đội dân công xe thồ. Họ vừa từ Quảng Trị ra, trở lại kho lấy hàng để đi tiếp chuyến khác vào mặt trận Quảng Trị, còn mình theo “đường quốc phòng” vừa khai mở, đi ra Nghệ An qua Truông Mèn, đến Hoàng Mai ngủ lại. Sáng đạp xe ra ga. Nhà ga đã bị phá, mới dựng lại mấy nhà tranh nhỏ. Gạo xếp thành đống cao, phủ vải bạt ngay cạnh đường sắt. Khách ra vào ngồi chờ khá đông. Mấy toa goòng từ Cầu Giát ra. Đầu máy là hai ôtô “Zin tám máy” ghép lại. Toa không có thành, thấp trệ. Tàu đi vào chở gạo và đường ống dẫn xăng. Xa trưởng không cho đi, đuổi dữ, nhưng mình và một số khách vẫn ngồi lì. Đến Thanh Hóa vừa trưa. Cầu Hàm Rồng hỏng nặng, nên phải xuống qua phà, rồi đạp xe ra ga Tào Xuyên. 

Ngủ một giấc, gần 4h chiều ra ga. Khách rất đông, xe đạp nhiều vô kể. Tàu đến, trời tối mưa, lại mưa, chẳng ai bán vé sắp xếp, nên cứ vác bừa xe đạp lên toa đen cuối cùng. Toa tối mịt. Tàu chạy ì ạch. Đến Ninh Bình lại phải “tăng-bo”, vác xe đạp xuống qua cầu phao. Nhìn sang cầu đường sắt nữa thấy một khoảng trống. 5 tháng ngừng bắn rồi, nhịp cầu bị bom vẫn chưa nối được. Lại vác xe lên tàu. Đến Nam Hà trời vừa sáng. Lại cảnh nhà ga bị tàn phá, nhưng hàng vẫn chất đầy bên những toa xe bị bắn hỏng trơ khung sườn xiêu vẹo đủ hình dáng - những bao gạo, bột mỳ, các hòm gỗ, các thùng xăng sơn ngụy trang loang lổ…

Đến ga Hà Nội lúc 8h30 sáng ngày 9/10/1968 trong tiếng loa nhắc nhở hành khách đều đều vô cảm. Bắt đầu được tạm sống trong khung cảnh hòa bình ở một lớp học viết văn… Chuyện lớp học viết văn Khóa 3, xin dành một dịp khác…

Nguyễn Khắc Phê
.
.
.