Về những người chạy trốn…

Thứ Hai, 05/08/2019, 16:58
Trong cuộc đời mình, tôi gặp nhiều ác mộng. Nhưng cho tới bây giờ tôi hầu như chẳng còn nhớ cơn ác mộng nào cụ thể. Nhưng có một loại ác mộng mà tôi không thể nào quên được. 


Đó là những cơn ác mộng mà trong đó tôi bị truy đuổi bởi một ai đó và một cái gì đó. Vì sao tôi lại nhớ loại ác mộng đó? Vì trong những cơn ác mộng này, tôi chưa một lần chạy thoát được. Lần nào đôi chân tôi cũng ríu lại và quấn vào nhau không thể nhấc nổi lên giống như đôi chân của người bại liệt. 

Trong tập thơ Sự mất ngủ của lửa, Nhà Xuất bản Lao Động ấn hành năm 1992 và năm 1993 tập thơ này được trao Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, sau này, tập thơ này đã được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2017 có một bài thơ trong tổ khúc thơ Mười Một Khúc Cảm. Đó là Khúc IV.

KHÚC IV

Cuối cùng ta cũng đứng được lên
Bằng đôi chân trong mộng như đôi chân của người bại liệt

Xa một cơn mơ từ nơi ta đứng dậy
Đến nơi có tiếng gõ cửa đêm đêm

Đến nơi chín rũ một mùa khóc
Đến nơi khô quắt một mùa cười
Nơi bầu vú ăn vào đá sỏi
Cứ nâu dần sau mỗi tiếng u…u

Ta đã kiên nhẫn lết đôi chân người bại liệt suốt nửa đời ta
Nhưng chưa một lần chạm vào then cửa

Đôi mắt
Đôi mắt
Lúc nào cũng vội

Tôi suy ngẫm rất nhiều về loại ác mộng này ngoài những ác mộng như bị ngạt nước dưới sông, chảy máu, rụng răng, bay hết tóc khỏi đầu… bởi một lý do mà ác mộng đó liên quan đến một bí mật của đời sống bên ngoài ác mộng. Bí mật đó là gì? Là càng chạy trốn ta càng không bao giờ chạy thoát.

Hồi nhỏ, những đứa trẻ thôn quê như tôi luôn sợ ma khi đi trong đêm tối. Có những buổi tối phải ra ngoài đi tiểu, lúc quay vào nhà, tôi luôn nghe có tiếng bước chân kẻ nào đó đi theo mình. Thế là tôi bỏ chạy. Và càng chạy tôi càng thấy kẻ đuổi theo tôi càng tiến gần đến tôi. 

Minh họa của Nguyễn Quang Thiều.

Tôi còn nhớ câu chuyện về những con ma ở cây gạo bến đò làng tôi. Cây gạo khổng lồ và vòm lá luôn tối thẫm và vang lên tiếng thì thào như của những hồn ma. Người làng tôi đi qua đó vào đêm khuya đều cảm giác có ma. Thế là họ vùng chạy. 

Càng chạy con ma càng đuổi theo họ. Hầu hết mọi người bỏ chạy đều ngã vật xuống đường và có người ngất đi vì sợ. Nhưng rồi có một thầy đồ đi qua làng nghỉ lại đã nghe câu chuyện đó. Thầy đồ mách người làng tôi cách trị con ma đó là khi thấy ma đuổi thì dừng chạy và quay lại là con ma sẽ bỏ chạy. Nhưng cũng không ai dám làm thế mà chỉ biết bỏ chạy bán sống bán chết và kêu toáng lên. 

Cuối cùng có một người đã làm theo thầy đồ và ông thấy con ma đuổi theo ông biến mất. Cũng như trước kia ở làng tôi hầu như nhà nào cũng nuôi chó để giữ nhà mà chẳng bao giờ có xích. Hễ có người lạ đi qua ngõ là lũ chó lao ra. Người bị chó đuổi bỏ chạy. 

Nhưng chẳng mấy ai chạy thoát và đều bị chó cắn vào bắp chân hay đâu đó. Nhưng rồi nhiều người biết được cách là khi chó đuổi thì đừng chạy mà ngồi xuống quay mặt về phía con chó. Kỳ lạ thay, cứ làm như thế là lũ chó có dữ đến đâu cũng dừng lại không dám tiến lên thêm một bước nào.

Thực ra chẳng có ai hay con ma nào đuổi theo mình cả mà chỉ có một kẻ ở bên trong chính mình đuổi mình mà thôi. Kẻ đó hay con ma đó mang cùng một cái tên là NỖI SỢ. Thầy đồ kia đã thấu hiểu. Ông chẳng có phương pháp trừ ma diệt quỷ gì cả. Ông chỉ là người hiểu rõ nỗi sợ hãi trong con người và biết cách thoát khỏi nỗi sợ hãi đó. Bí mật chỉ có vậy.

Có biết bao người trong chúng ta ngày ngày tìm cách chạy trốn bao kẻ và bao điều trong cuộc sống. Nhưng chúng ta chẳng bao giờ thoát được sự truy đuổi của chúng. Chúng ta chạy trốn khỏi nơi làm việc bởi quá mệt mỏi với sự giả dối và phỉnh nịnh, chạy trốn khỏi những câu hỏi mà chúng ta không dám trả lời, chạy trốn những kẻ luôn sống bằng mưu mô và đố kỵ ở bên cạnh ta, chạy trốn sự thật mà lẽ ra ta phải công bố… 

Thế là, chúng ta tìm cách chuyển cơ quan, tìm cách ít tiếp xúc với những kẻ mà ta kinh hãi, tìm cách im lặng trước sự thật… và tệ hại hơn là ta tìm cách thỏa hiệp hoặc xu nịnh để mong tìm được nơi ẩn náu an toàn. Nhưng than ôi, những cuộc chạy trốn này của chúng ta không bao giờ thành công. 

Bởi tất cả những điều chúng ta tìm cách chạy trốn lại ở ngay trong chính con người ta. Ta cứ ngỡ tất cả những điều ấy ở bên ngoài ta. Đấy là sai lầm lớn nhất của ta. Một câu chuyện ngụ ngôn mà tôi đọc được kể về một con chuột cầu xin Thượng đế cho nó biến thành một con hổ để chống lại nỗi sợ hãi con mèo. 

Thượng đế đã rủ lòng thương con chuột bé bỏng và biến nó thành một con hổ. Nhưng con hổ ''chuột'' ấy vừa nhìn thấy con mèo là bốn chân nó chùn xuống vì sợ hãi. Cái hình thức con hổ chỉ là cái bên ngoài con chuột còn nỗi sợ hãi loài mèo lại ở bên trong nó. Nó không thoát được nỗi sợ hãi và vì thế mà cho dù khoác lên hình thức của hổ nó vẫn khiếp sợ loài mèo.

Không có gì có thể biến mỗi con người chúng ta thành một kẻ mạnh mẽ nếu bên trong chúng ta không mạnh mẽ. Bạn không thể chờ cho sự gian dối, trò lưu manh và cái ác chết đi để thoát khỏi chúng mà bạn chỉ có thể đấu tranh chống lại chúng thì bạn mới có khả năng thoát được chúng. 

Khá nhiều những tác phẩm điện ảnh trên thế giới nói về ''mùi sợ hãi'' trong con người. Cái ác có một khả năng khủng khiếp là ngửi được ''mùi sợ hãi'' của con người ở mọi nơi, mọi lúc. 

Bạn có thể giấu kín được tài khoản của bạn, giấu kín được một bí mật đời tư của bạn, giấu kín cả một đứa con riêng của bạn… nhưng bạn không có khả năng và không bao giờ có thể giấu được nỗi sợ hãi của bạn. Nỗi sợ hãi của con người là thứ dễ dàng lộ ra nhất. 

Chính thế mà bạn bị săn lùng nhiều nhất. Mà thực ra cuộc săn lùng kiên nhẫn nhất không bao giờ bỏ cuộc là cuộc săn lùng của nỗi sợ hãi trong chính bạn săn lùng bạn. Và trong bài thơ Lời thách đấu in trong tập thơ Bài ca những con chim đêm, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn 1999 có đoạn tôi viết:

Họ không chạy trốn. Không. Họ đang đến, ngực thở chậm và sâu
Đứng trước cuộc thách đấu của ảo giác đê hèn. Họ mỉm cười và trên
đầu họ.
Vang lên tiếng nguyện cầu cho sức mạnh của họ, những vòm cây.
Của những đám mây nặng bụi, của những ngôi sao non, của dòng sông gió
Của bầy chim hát mãi, cả khi chết, bài ca kiên nhẫn
Của linh hồn những hồ nước. Và hơn thế
Của chính những gì họ chạy trốn bị ảo giác đê hèn đầu độc ngọt ngào
Họ đang đến, mỉm cười và thấy
Vang lên những giọng nói, tỏa sáng những gương mặt trong vòm cây 
Trong mây bay, trong gió, trong sao đêm, trong cánh chim và trong linh hồn hồ nước 

Cuộc thách đấu mà những câu thơ kia vang lên là cuộc thách đấu với chính con người mình. Hãy quay lại đối diện với nỗi sợ hãi của bạn. Chỉ có cách đó bạn mới có thể đi qua. 

Bạn cứ thử mà xem, khi bạn đối mặt với sự thật và nỗi sợ hãi, bạn bỗng thấy mình thay đổi lạ kỳ. Bạn thanh thản và kiêu hãnh, bạn tự tin và mạnh mẽ mà trước đó bạn không thể tìm thấy những điều kỳ diệu ấy trong cùng một nơi chốn: đó là con người bạn. 

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
.
.
.