Thần tượng âm nhạc đam mê và khoảng cách

Thứ Tư, 11/08/2010, 15:42
Được sinh ra với một đam mê đến cháy bỏng là điều không phải ai cũng có. Đó có thể là bất cứ một đam mê nào từ bình thường cho tới bất bình thường, đều đáng để tôn trọng, mơ ước và ngưỡng mộ. Tất nhiên, những đam mê thuộc về đám đông và chinh phục đám đông ở những lĩnh vực nghệ thuật bao giờ cũng chiếm được cảm tình nhiều nhất.

Dám ước mơ và dám chinh phục

Câu chuyện về Susan Boyle bỗng một ngày thành sao, sau cuộc thi Britain's Got Talent gây chấn động thế giới năm qua thực sự là một "chuyện cổ tích tuổi… 47". Nói về thành công của Susan tại thời điểm này thì có vẻ cũ quá, nhưng cái cách mà một người đàn bà nuôi dưỡng ước mơ cho mình trong 47 năm thì thực sự vẫn là một điều đáng để nói.

Không có ngoại hình hấp dẫn, không khôn khéo, chỉ với duy nhất "tài sản" là giọng hát nhưng quan trọng hơn là ở vào cái tuổi mà với một người bình thường, đam mê ít nhiều cũng vơi cạn, sự quyết liệt cũng đã có phần hao mòn thì người đàn bà đến từ một thị trấn nhỏ này vẫn quyết tâm đi thi và cất cao tiếng hát của mình, một bài ca của giấc mơ "I dreamed a dream". Và giấc mơ đó đã trở thành hiện thực theo một cách không thể nào tuyệt vời hơn thế nữa.

Susan Boyle.

Đó là chuyện xứ người, còn ở xứ mình, Thủy Tiên đã làm rung động biết bao nhiêu người. Cô gái có gương mặt không lành lặn - biến chứng sau 10 lần phẫu thuật của một căn bệnh "hiếm gặp" - đã từng có lúc muốn tự tử bởi cảm thấy tuyệt vọng trong cuộc sống.

Nhưng âm nhạc đã níu cô lại với cuộc đời này, mang nghị lực đến để "nuôi dưỡng tâm hồn" như chính cô đã từng tâm sự. Và mới hơn nữa là Nguyễn Sơn Lâm, một nạn nhân của chất độc dioxin. Những câu chuyện về Nguyễn Sơn Lâm cũng không khó khăn để tìm thấy trên mạng, và một trong những hoạt động mới nhất của "cậu bé tí hon" này là tham dự cuộc thi Thần tượng âm nhạc - Vietnam Idol 2010.

Việc Nguyễn Sơn Lâm tham dự cuộc thi này đã được một số đơn vị truyền thông đưa tin khá "ưu ái": "Trong số hàng dài thí sinh đeo số báo danh, xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt thi, có một gương mặt đặc biệt gây chú ý với mọi người. Đó là "anh chàng tí hon" Sơn Lâm - người bị nhiễm chất độc da cam phải nâng đỡ mình bằng đôi nạng gỗ, là biên tập viên thể thao của một số tờ báo mạng.

Với chiều cao khiêm tốn 60cm, song giọng hát của Sơn Lâm lại cực kỳ có "lửa" và ấn tượng. Được biết ở buổi thử giọng trước đó, khi anh vừa hoàn thành ca khúc "Khát vọng", tất cả thành viên trong Ban giám khảo đã đứng lên vỗ tay vì không ngờ "anh chàng tí hon" lại có giọng hát ấn tượng đến thế. Thí sinh đặc biệt này tâm sự anh tìm đến "Vietnam Idol 2010" không phải để tìm sự nổi tiếng mà chỉ để thể hiện đam mê ca hát của mình và muốn những người khuyết tật khác nhìn vào đó để có thêm nghị lực sống".

Ca sĩ Thủy Tiên.

Vậy thì, tới đây có thể nói, âm nhạc hay bất cứ một niềm đam mê khác đều không có những khoảng cách hay giới hạn nào đối với những con người bị khiếm khuyết và kém may mắn hơn người khác trong cuộc sống. Nghị lực vượt khó, sống tốt của họ thực sự là "sức mạnh" lớn nhất họ có để người khác phải ngoái nhìn một cách đầy khâm phục.

Có nên là "phép lợi thế"?

American Idol mùa thứ 8 (năm 2009), cả nước Mỹ đã bị lay động mạnh bởi câu chuyện của Scotte Mcintyre - một thí sinh mù bẩm sinh lọt vào đến top 8 của cuộc thi. Sự khiếm khuyết của Scotte là một điều đáng cảm thông nhưng với một cuộc thi đẳng cấp như vậy thì điều đó là chưa đủ, nếu như thí sinh không thực sự tài năng. Nhìn vào "hồ sơ" của Scotte mới thấy, thành công đó là hiển nhiên.

Theo học piano từ năm lên ba, sau đó là học thanh nhạc bán cổ điển của một người hàng xóm và lại có thể chơi những nhạc cụ khác như  trống, guitar và quan trọng nhất là Scotte có khả năng sáng tác ca khúc. Trước đó, Scotte đã chiến thắng trong một cuộc thi tài năng tại Arizona năm 2004 và được tờ US Today bình chọn là 1 trong 20 sinh viên tiêu biểu nhất năm 2005.

Tiếp đó, Scotte được biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Phoenix với vị trí một khách mời. Hiện nay, Scotte Mcintyre đang theo học Thạc sĩ tại Đại học London và Trường Âm nhạc Hoàng Gia tại Anh theo diện học bổng Marshall - một trong những học bổng khó xin nhất khi mỗi năm chỉ cấp cho 40 sinh viên trên toàn nước Mỹ.

Thậm chí, một số báo chí nước ngoài còn đánh giá Scotte sẽ là một sự thay thế xứng đáng cho Andrea Bocelli - nam danh ca khiếm thị nổi tiếng thế giới người Italia - người đã phát hành 70 triệu bản đĩa cho 20 album của ông từ năm 1992 đến nay. Họ là những tài năng xuất chúng và họ xứng đáng được hưởng những "trái ngọt" một cách xứng đáng nhất, không cần phép cộng thêm bởi dường như điều ấy với họ là dư thừa.

Còn tại cuộc thi Thần tượng âm nhạc - Vietnam Idol 2010 - theo thông tin từ Ban tổ chức thì tất cả những thí sinh đặc biệt khi tham gia dự thi đều được họ sắp xếp, ưu tiên một cách tối đa như được xếp đặc cách đầu tiên, được ở phòng chờ có máy điều hòa nhiệt độ, ra vào mọi nơi đều có người dẫn dắt đưa đón tận thang máy…

Tuy nhiên đó chỉ là những sự ưu ái về công tác tổ chức, còn về công tác chấm thi thì không. Chính nhạc sĩ Quốc Trung đã thẳng thắn trao đổi trong phần thi của thí sinh Nguyễn Sơn Lâm ở vòng sau rằng: "Tôi luôn xem bạn như một thí sinh bình thường, và cuộc thi này cũng không có trường hợp nào là ngoại lệ. Hơn nữa, với tư cách một người đàn ông nói chuyện với một người đàn ông, tôi nói thẳng là bạn hát chưa thật sự tốt”.

Còn với đạo diễn Dũng "khùng" thì: Bạn vào đến đây là cũng đã vượt qua hàng nghìn người rồi, tuy nhiên khả năng bạn không thật sự hơn được những thí sinh khác, chúng tôi rất tiếc". Riêng với ca sĩ Siu Black thì có đặc biệt hơn, chị đã chủ động bước đến gặp thí sinh này, ôm hôn và khóc khi phải nói rằng Sơn Lâm không thể đi tiếp vào vòng trong. Siu Black cũng đã thể hiện sự tiếc nuối cho một người khuyết tật.

Đó có thể hiểu là sự chia sẻ của một người phụ nữ đã bước qua "mặc cảm hình thể" để chia sẻ những khó khăn với một thí sinh đặc biệt mà chị hết lòng yêu quý. Thế nhưng, yêu quý và tài năng là hai chuyện khác nhau. Nếu vì tình cảm riêng tư mà "giơ cao đánh khẽ" để tạo điều kiện cho một thí sinh chưa "đủ chín" thì cũng có nghĩa là đã đặt lên vai họ một gánh nặng, và tước đi cơ hội của một thí sinh khác xứng đáng hơn.

Ở sự đối lập lại là trường hợp của thí sinh Hà Minh Nguyệt - vòng thi thử giọng tại Hà Nội. Đây là một cô gái có sự hạn chế ít nhiều về sắc vóc và yếu tố "nhìn ngắm". Ở hai lần biểu diễn đầu tiên, có lẽ vì chưa tự tin, Hà Minh Nguyệt đã biểu diễn thiếu thuyết phục làm cho 2 vị giám khảo nam không hài lòng muốn đánh trượt cô, nhưng Siu Black không đồng tình.

Vị giám khảo nữ duy nhất đã từ tốn động viên, lấy chị ra làm tấm gương để "tiếp thêm sức mạnh" cho Hà Minh Nguyệt trong lần thứ ba biểu diễn. Và không phụ sự mong đợi của Siu Black, sau lần biểu diễn thứ ba, cả hai giám khảo nam đều phải công nhận tài năng của cô và trao cho cô tấm vé vào vòng 100 thí sinh - sẽ được tổ chức tại TP HCM.

Nhắc đến những trường hợp trên từ tây sang ta, để thấy rằng, ca hát là một loại hình nghệ thuật phổ biến, nó là sức mạnh và là động lực vô giá để ai đó thấy cuộc sống vẫn còn những giai điệu tươi vui. Từ những giai điệu đó, những con người vốn mang trong mình mặc cảm về sự thiếu công bằng của tạo hóa, đã biết bước qua và thành công với đam mê và tài năng của mình.

Với họ, được thể hiện mình một cách "sòng phẳng" cùng những người bình thường là một hạnh phúc lớn. Điều đó nói lên rằng, họ tự tin là một công dân bình đẳng như những người khác và hãy thay đổi cách nhìn, đừng vì họ như thế mà khinh khi hoặc thương hại. Cái họ cần là sự công bằng, chỉ vậy thôi

Nguyễn Hà
.
.
.