Tần ngần trước linh vị Trạng nguyên Khương Công Phụ

Thứ Năm, 01/07/2010, 10:08

Đền thiêng Khương Công Phụ tọa lạc hàng bao đời ngay giữa trung tâm xã và cũng là  nơi làm việc của các cơ quan quyền lực địa phương xã Định Thành. Đến đền thiêng phải làm cái việc hạ mã, tức là cho xe đậu tít ngoài đường chỗ khuất. Nhưng mấy thanh niên làng bảo các ông cứ đánh thẳng vào Ủy ban kia...

Đền thiêng? Phải lắm! Sử làng cùng sử nước đã đồng thanh mà rằng: Khi nước Việt ta còn bị nhà Đường ở phương Bắc đô hộ, đã có một người Việt  đỗ thủ khoa trong kỳ thi Hán học của nhà Đường, đó là Khương Công Phụ. Ông sinh năm 793 ở làng Sơn Ổi, xã Cổ Hiển, tổng Cốt Hải, huyện Yên Định, nay là làng Tường Vân, xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Ông là một trong 8 vị cống sĩ xứ Giao Châu trúng tuyển, được cử đi thi Hội ở Tràng An (Trung Quốc), sau đó nhà Đường lại mở thêm khoa Chế, ông đỗ xuất sắc với bài Đối trực ngôn cực gián cùng với người em là Khương Công Phục  mà đương thời cũng rất nổi tiếng, đã đem lại danh dự và uy tín cho người Việt ở phương Nam. Con người và tác phẩm của anh em họ Khương cũng đã được giới thiệu trong nhiều sách vở của Trung Quốc cũng như Việt Nam như: Từ điển văn hóa Việt Nam (phần Nhân vật chí) NXB Văn hoá Thông tin, 1993; hay trong Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi, hay trong Toàn Đường văn, Q.446.

Trạng nguyên Khương Công Phụ được đích vua Đường thăng các chức Hiệu thư lang, Gián nghị đại phu, rồi Tể tướng. Đây quả là trường hợp có một không hai trong lịch sử Việt Nam, một người Việt thường bị bọn thống trị phương Bắc gán cho là "man di", lại cầm đầu bộ máy cai trị của cả đất nước Trung Hoa thiên tử! Sử sách vẫn ghi: có một số vị trạng nguyên nước ta do tài năng lỗi lạc học vấn uyên bác, nên khi sang sứ Trung Quốc, cũng được vua Trung Quốc phong làm Trạng nguyên nên người đời mệnh danh là Lưỡng quốc Trạng nguyên  như Mạc Đĩnh Chi thế kỉ XIII, Nguyễn Đăng Đạo thế kỉ XVII, XVIII... Song giữ chức Tể tướng, đứng đầu triều đình Trung Quốc thì có lẽ chỉ mình Khương Công Phụ!

Đền thờ Trạng nguyên Khương Công Phụ.

Sự kiện hai anh em họ Khương đất Việt cùng đỗ tiến sĩ và cùng làm quan bên Trung Quốc, đã được người đời sau nắc nỏm:

Nhất triều trung huynh đệ đồng khoa/ Thiên tải hạ Bắc Nam khởi kính.

 Những năm gần đây, giới nghiên cứu lấy làm tâm đắc khi cuốn gia phả về họ Khương được phát lộ ở đất Thạch Thất (Hà Tây cũ). Đó là cuốn gia phả viết bằng chữ Hán xen Nôm. Chữ viết rất đẹp, rõ ràng trên giấy dó khổ 17 x 25cm, dày 70 trang, mỗi trang khoảng 150 chữ. Gia phả khẳng định ở nước Nam chỉ có một họ Khương duy nhất nhưng đã có nhiều chi rải khắp nước.

Mở đầu là bài tựa của gia phả ghi ngày tốt tháng 3 năm nhuận, niên hiệu Thành Thái thứ 10 (1899), khẳng định: Muôn vật đều có gốc và giới thiệu nguồn gốc dòng họ Khương từ cụ Khương Văn Đĩnh làm Huyện thừa tiến sĩ, cụ sinh ra Khương Công Phụ Trạng nguyên và Khương Công Phục Tiến sĩ v.v...

Cuốn gia phả là tư liệu quý giá cho giới nghiên cứu sử đã đành. Gia phả không chỉ thống kê những niên biểu khô khan. Gia phả chép cả những trước tác của Trạng nguyên Khương Công Phụ. Những tác phẩm ca ngợi công đức tài năng của vị Tể tướng người Nam. Chẳng hạn một bài dưới đây.

Người tài ở phương Nam được tin dùng phương Bắc/ Nơi đất Yên Định, sông núi xuất hiện tướng nho/ Anh em đỗ đạt cao trước cả hai ông họ Tống/ Văn chương nho nhã tựa ba ông họ Tô/ Chi phái họ Khuơng nay vẫn truyền lại ở ấp ấy/ Tể tướng nhà Đường công danh sáng rực kinh đô/ Trung hiếu thần tiên ngàn năm vẫn còn đó/ Muốn đem ngọn bút mới tả lại công nghiệp tổ tiên.

Sải những bước dài nhưng thành kính vào đền nhưng hết thảy chúng tôi đều ngơ ngác bởi khung cảnh quá ư là tiêu điều. Đền chính từ xa ngó lọt thỏm trong ba bức tường phá nham nhở của một cái nhà xây chắn ngang ngôi đền ghi bên hồi 1979.  Đền chính đã bị phá chỉ còn một am thờ còn bé và bệ rạc hơn am thờ Bà Triệu bên Định Công kia! Tuy vậy vẫn còn ba chữ Trạng Nguyên Từ trên nóc am khá nét. Ngó kỹ hơn phía dưới có mấy chữ đã mờ Khương Công cố trạch (đất cũ của Khương tiên sinh). Tất tật chỉ có vậy. Nhưng chúng tôi vẫn lần lượt dâng hương từ bên ngoài bắt đầu từ tấm bia Khương tiên sinh bi ký lắm chữ đã mờ nhưng cũng lõm bõm đọc được công đức lẫn huân nghiệp của vị trạng nguyên. Bia lập thời Tự Đức.

Trưa nắng vắng, ngó hai bên tả hữu ngôi đến lẫn sự xây cất à uôm của trụ sở Ủy ban đều cũ kỹ tàn tạ như nhau. Ới mãi mới thấy một cụ ông râu tóc trắng đang quẩy đôi thùng nước. Ngồi lại với nhau mới biết đó là ông  Vũ Xuân Thường 68 tuổi người trông coi khu đền thiêng này. Hỏi thăm gia cảnh ông cười rung cả chòm râu bạc: "Đời tôi nói chung là gay lắm các ông ạ". Gay? Phải, ông từng làm nghề địa chất sau đi bộ đội chiến đấu 10 năm ở chiến trường B2 về quê từng giữ chân xã đội trưởng, thư ký Hội đồng nhân dân xã nhiều năm. Vợ ông mất lao đao một thời gian. Từ khi lấy vợ mới, rồi cũng nếp tẻ đủ cả! Ngồi một lúc với ông Thường thấy bừng ra lắm thứ bí ẩn về dòng họ Khương lẫn ngôi đền thiêng từng bị thời này thời khác hành tội! Điều lạ lùng là trong hàng ngàn hộ ở Định Thành nhõn mỗi một hộ họ Khương, đó là cụ Khương Công Thành (nay đã mất). Cụ sinh được 5 người con, trong đó có Khương Công Thắng là trưởng.--PageBreak--

Tòa đền thiêng nguy nga cái thuở tuổi nhơn nhớn trạc tuổi ông Thường hãy còn được chứng kiến. Ông xăng xái chỉ cho tôi một vài vật chứng, chẳng hạn như vài viên đá tảng kê chân cột nằm lăn lóc ven tường đền không biết tự bao giờ. Cứ căn cứ theo độ lớn của viên đá tảng thì tức khắc suy ra ngay những cột đền bằng gỗ lim to tày người lớn ôm hoặc gấp rưỡi gấp đôi. Những viên gạch vỡ lạ màu đo đỏ bàng bạc vứt lăn lóc kia dường như đang âm thầm khoe thân phận niên đại vài trăm năm chứ không ít. Tôi cũng chú mục vào mấy dấu tích cổ thụ từng bị đốn ngã. Cuộc thảm sát cổ mộc này chắc đã lẩu lâu nhưng độ xòe của rễ và cái vành gốc còn sót lại (nhiều gốc khác đã bị bạy, bị moi để làm củi) đã tố cáo một thuở um tùm sum suê đáng nể.

Phải, tinh những giống muỗm, giống đa cổ thụ cả đấy các ông ạ. Mà thứ này phải vài trăm năm có sau hoặc cùng với đền. Ông Thường nói cũng có cơ sở. Đền thiêng Khương Công Phụ ở làng Sơn Ổi này nghe nói có từ trước thời Lý. Cụ Khương Công Phụ được vua Đường thuận chuẩn cho về Nam về quê Yên Định đây hưu trí rồi mất tại quê nhà. (Trong câu chuyện có mấy lần ông Thường hướng cái nhìn kính cẩn về phía đền, rồi cung kính lạy ba vái mới nói tiếp, mộ của ngài để ngay trong đền theo kiểu Thượng sàng hạ mộ). Các triều đại dằng dặc thay nhau chăm bẵm phần mộ cùng đền thiêng vị trạng nguyên nước Nam từng làm Tể tướng nhà Đường, lần thì sắc phong (ca ngợi công đức tài năng) lần thì kiến sắc (cho tu bổ sửa sang). Cây cũng là di tích là vật linh cấu thành nên di tích. Cổ mộc nào chẳng may bị sâu mọt đục hoặc bão đổ thì cho trồng mới. Mà thứ mọt, thứ bị bão quất nào có là bao. Những danh chính cùng với ngôn thuận việc thuận ấy đã dằng dặc  tạo dựng ngôi đền Trạng Nguyên Từ nghiêm cẩn linh thiêng cho bao thế hệ người Đại Việt đến đây chiêm bái. Thế mà có lâu la chi, thời gian chỉ nhẩm đếm trên hai con số, chưa tới một hoa giáp, đợt phá trước, đợt phá sau mọi sự đã thê lương dường này?

Tôi chú mục vào cái ao trước đền và bây giờ là trước trụ sở Ủy ban xã. Có thể trước đây cái ao này hình tròn hoặc bán nguyệt tạo thế đắc địa phong thủy cho đền. Hậu sơn tiền thủy và cả tiền sơn nữa... Ban này ngắm đôi câu đối (chắc của người xưa nhưng đã mất, nay chép lại. Mặc dù chữ còn nguệch ngoạc,  nhưng là dấu tích sự thành tâm của hậu thế trước thời @ một chút) để trong đền Đại địa văn chương truyền thượng quốc/ Cố hương miếu mạo đối kiều sơn. Vế đầu có thể tạm hiểu: Đất linh thiêng đưa văn chương sang tận Trung Hoa. Còn vế thứ hai. Tại sao lại kiều sơn? Quá uẩn súc về ngữ nghĩa! Có thể hiểu miếu lành nơi quê nhà như cái cầu nối hai ngọn núi với nhau hoặc miếu thiêng nơi cố hương có thể đăng đối với hai ngọn núi bên cạnh! Đứng xích ra mé đền một chút, lúc này tôi mới để ý đến hai ngọn núi đá hình thế rất đẹp làm cái án trước sau cho khu Đền.

Chao ôi thế đối sơn ấy chắc đã có từ thuở lăng lắc khi cụ rời kinh đô Tràng An của Trung Hoa hưu trí về xứ Giao Chỉ chứ không phải là Nam di này! Chợt giật mình hơi hoa mắt khi thấy bên một sườn non của hậu đền những vệt lở lói do mìn đánh đá vạc ra nom đến khiếp. Nhưng cũng may, cứ như ông Thường cho hay thì đã có lệnh cấm không được đánh mìn phá đá ở hai ngọn núi kia nữa chứ không thì vài năm, vài chục năm nữa hai ngọn đối sơn kia sẽ lở lói, sẽ cụt dần rồi biến mất. Kinh thay, hãi thay cho cái thời người ta bỗng chốc mà rinh cả núi, cả sông đi như thế?

Vòng một lượt trong khu đền, tôi chạm mặt với vị trí làm việc của các cơ quan quyền lực của Định Thành, Đảng ủy, UBND, HĐND... Qua biết bao những dinh cơ tầm xã, tầm phường đã và đang được xây cất khang trang những lầu ốc sáng choang nhôm kính này khác, thử so sánh thấy vị trí làm việc của các đồng chí địa phương đây còn quá là khiêm tốn nếu không muốn nói là còn tạm bợ. Chật chội, kèm dột nát. Lại may nữa, cứ như ông Thường nói lại là nghe đâu đã có kinh phí để di dời toàn bộ khu làm việc của các cơ quan UBND, HĐND, Đảng ủy xã ra khỏi khu đền thiêng Khương Công Phụ. Nếu quả như thế thì là một hồng phúc cho khu di tích này?

Lại nghĩ cũng chạnh thương lẫn nể cho các nhà chức việc của xã đây. Định Thành có lẽ là một xã đang còn nghèo, chứ nếu mát mặt một chút thì đã có kinh phí trên rót xuống để mạnh bạo mà di cư cái cơ ngơi quyền lực của địa phương tới một nơi khác đắc địa hơn, thênh thang hơn chứ không đành mà làm cái việc hành pháp ngay trong khu đền thờ ngài? May mà ngài thương chưa quở trách gì? Nhưng trước khi (nếu) xảy ra sự dữ ấy, các cơ quan hữu trách của Yên Định, của Thanh Hóa và ở trên nữa, có lẽ nên mau mau thực thi cái việc rót kinh phí để di dời vị trí làm việc của các nhà chức việc Định Thành để làm cơ sở cho việc xây dựng tôn tạo khu đền thiêng Khương Công Phụ. Nhất cử lưỡng tiện mà.

Kỳ II trong chùm bài "Thanh Kỳ Khả Ái"

.
.
.