Tại sao chúng ta lập luận sai?

Thứ Năm, 30/04/2020, 22:02
Chắc chắn rồi, ngày nào bạn cũng phải lập luận. Khi biết trước về một bà nội trợ đểnh đoảng nào đó nhà hàng xóm chẳng hạn, rồi một lúc nào đó chợt  thấy khói nghi ngút bốc lên từ ngôi nhà ấy, bạn sẽ bảo: “Bà nội trợ đã làm cháy cái bếp”, phải không nào?

Cái dữ liệu “bà nội trợ đểnh đoảng” có mối liên hệ mật thiết với cái bếp. Và cái dữ liệu “bà nội trợ đểnh đoảng” cộng thêm với dữ liệu “cái bếp” lại có mối liên hệ mật thiết với đám khói nghi ngút. Thành thử, bạn lập luận theo đúng kiểu nhân - quả như vậy cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề đặt ra: Lập luận như vậy có đúng không? Xin được trả lời ngay là không! Bởi có cả trăm lý do để tạo ra một vụ cháy bếp, không liên quan gì đến sự đểnh đoảng của bà nội trợ.

Cũng như thế, có cả trăm lý do để tạo ra những luồng khói nghi ngút trong một ngôi nhà, không liên quan gì đến cái bếp. Chẳng qua vì đã biết trước là ở ngôi nhà đó có một bà đểnh đoảng nên khi thấy bất cứ một vụ tai nạn khói lửa nào ở ngôi nhà đó, bạn cũng dễ suy luận về lỗi lầm của bà nội trợ mà thôi. Và đấy chính là một lỗi lập luận kinh điển của chúng ta: cái gì xảy ra trước hoặc cái gì mà chúng ta biết trước thường được/bị chúng ta cho là nguyên nhân của những gì xảy ra sau hoặc biết sau.

Một ví dụ khác, thường nhặt hơn, có thể diễn ra ngay sáng nay với bạn. Hãy thử nhớ lại xem, sáng nay bạn mặc phong phanh ra đường phải không nào? Bây giờ bạn đang hắt hơi, sổ mũi và chuẩn bị dùng thuốc cảm phải không? Cho nên bạn kết luận ngay: Vì tôi mặc lạnh khi đi ra ngoài (hành động xảy ra trước) nên bây giờ tôi bị cảm (hành động xảy ra sau).

Tất nhiên, sự thật có thể đúng như vậy. Nhưng nếu khăng khăng cho rằng quả nhiên chỉ có vậy, và loại bỏ tất cả những nguy cơ gây cảm khác thì bạn lầm to. Tại sao bạn không nghĩ rằng mình vừa gặp một ai đó từ trong phòng và bị lây từ người đó? Tại sao mình không nghĩ rằng mình vừa ăn cơm với một ai đó và hoàn toàn có thể bị lây bệnh vì chấm chung một chén nước mắm?

Ảnh: L.G.

Lập luận nhân - quả dựa trên mối quan hệ trước - sau là phép lập luận phổ biến nhất và thông dụng nhất trong cuộc sống của chúng ta. Nó được chúng ta áp dụng trong gần như tất cả mọi quan sát, mọi mối quan hệ và tác động tới hành vi cụ thể của chúng ta.

Ở một góc độ nào đó thì cái gọi là “định kiến” cũng chính là một biểu hiện của phép lập luận này. Khi tôi định kiến rằng 10 năm trước bạn là một người lãng mạn viển vông thì bây giờ, khi chứng kiến một dự án mới của bạn, tôi cũng tin chắc rằng nó lãng mạn, viển vông, phi thực tế. 10 năm trước, bạn làm gì cũng hỏng thì bây giờ đứng trước một dự án mới của bạn, tôi cũng nghĩ nó rồi sẽ hỏng. Mà đúng là nó sẽ hỏng nếu bạn vẫn là đúng bạn của 10 năm trước. Nhưng ngược lại, sau 10 năm bạn đã tự rèn luyện, tự tích lũy và tự thay đổi bản thân mình thì sao?

Trong cuộc sống, khi đứng trước những trường hợp kiểu này, chúng ta thường chỉ kết luận/phán xét dựa trên định kiến (có trước) của mình, mà ít khi loại trừ, tính toán các tình huống phát sinh. Chú ý nhé, phép lập luận nhân quả/trước sau hữu dụng nhưng cũng rất dễ đưa chúng ta vào bẫy.

Một cái bẫy phổ biến khác, đó là lập luận dựa trên những người có thẩm quyền. Hãy xem xét chuyện cười sau đây, được hai tác giả Thomas Cathcart và Daniel Klein kể lại trong tác phẩm Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar...: Một ông nọ bước vào tiệm bán vẹt và được chủ tiệm cho xem hai con vẹt đẹp nhất rồi bảo “con này 5.000 USD còn con kia 10.000 USD”. Một màn đối thoại diễn ra:

- Con 5.000 USD thì biết làm gì?

- Nó có thể hát mọi khúc Aria của Mozart.

- Còn con 10.000 USD thì sao?

- Nó hát được cả chùm Opera Ring của Wagner. À, mà còn một con nữa ở trong kia, giá 30.000 USD.

- Ôi trời ơi! Hãy cho tôi biết, con 30.000 USD biết làm gì nào? Chắc nó phải hát được những thứ ghê gớm lắm?

- Tôi chưa nghe nó hát bao giờ.

- Vậy sao ông dám định giá nó 30.000 USD?

- Vì tôi thấy hai con kia gọi nó là đại sư!

Đọc tới đây bạn có cười thầm một cái hay không nào? Nếu có, vậy sau nụ cười bạn đang nghĩ gì? Có phải cứ được gọi là vẹt “đại sư” thì chắc chắn là hát hay hơn 2 con vẹt còn lại hay không? Trong cuộc sống, đã bao giờ bạn đặt niềm tin và bị trả giá vào một vẹt “đại sư” nào hay chưa?

Thật ra, tiếng nói của những người có thẩm quyền quả nhiên là đáng tin hơn tiếng nói của những người bình thường, ít nhất là trong lĩnh vực chuyên môn hẹp của họ. Nhưng điều đấy không có nghĩa được xem “thẩm quyền” như một “lá bùa” chân lý. Nếu có một địa hạt nào đó mà thẩm quyền được đồng nhất với chân lý thì đó chỉ có thể là tôn giáo. Cho đến đầu thế kỷ 17, Công giáo La Mã vẫn tin rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ và mặt trời phải xoay quanh trái đất. Thậm chí, họ vẫn không ngừng rao giảng điều này với các giáo dân và luôn tìm cách lên án, bác bỏ, cô lập tất cả những giáo dân nào “cả gan” nghĩ điều ngược lại. Tại sao vậy? Tại vì Chúa nói thế mà đương nhiên, Chúa là một đối tượng có thẩm quyền.

Thực tế cuộc sống hôm nay có rất nhiều các chuyên gia và việc chúng ta tham khảo ý kiến chuyên gia là điều cực kỳ cần thiết. Nhưng phải chú ý tới hai điểm: thứ nhất, chuyên gia đó thực chất hay không? Thứ hai, chuyên gia đó đáng nói về lĩnh vực nào? Và thứ ba, ngay cả trong lĩnh vực sở trường của mình thì ý kiến của một chuyên gia có phải là tối thượng?

 Sở dĩ phải đặt ra câu hỏi thứ nhất là vì chắc bạn cũng chẳng lạ gì với khái niệm: chuyên gia “ảo” - tiến sĩ “ảo” - giáo sư “ảo”. Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước đang phát triển khác, người ta đã và đang đặt ra rất nhiều dấu hỏi trong quy trình tạo ra một giáo sư/tiến sĩ. Còn với câu hỏi thứ hai, phải nghĩ đến là vì sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội hôm nay đã tạo nên những “chuyên gia mọi thứ”.

Bạn sẽ không bất ngờ nếu trên mạng xã hội, một chuyên gia toán học nói về văn học, một chuyên gia vật lý nói về âm nhạc, hay một chuyên gia âm nhạc nói về chính trị. Tất nhiên, tất cả chúng ta đều có quyền nói như nhau về mọi thứ. Không ai cấm làm điều đó cả. Nhưng nếu tin rằng vì ông ấy/bà ấy là chuyên gia toán nên tất yếu cũng phải hiểu chính trị và giỏi về chính trị, để rồi cứ dỏng tai lên nghe như một tín đồ nghe giáo chủ mà không chịu phản biện, tham chiếu thì rõ ràng chúng ta đang sai phương pháp. Bây giờ bàn đến vấn đề thứ ba: ngay cả khi một chuyên gia nói về một lĩnh vực sở trường của mình thì cũng nên biết rằng trong lĩnh vực đó có thể luôn tồn tại những ý kiến khác nhau.

Nếu không tham khảo, tìm hiểu những sự khác biệt, sai số đó mà nhất nhất nghe theo và nhất nhất tin theo thì rất có thể chúng ta cũng đang lầm lạc. Không có gì chính xác và logic hơn toán học, phải không nào? Nếu bạn nghe một nhà toán học như David Hibert - người được mệnh danh là “nhà toán học thông thái cuối cùng của thế kỷ 20”, bạn sẽ tin rằng trước sau toán học cũng sẽ tìm ra một siêu định lý có thể giải mã mọi mệnh đề toán học.

Nhưng ngược lại, nếu bạn nghe một nhà toán học khác cùng thời với ông là Kurt Golden thì bạn lại tin rằng mọi định lý toán học đều chứa những mâu thuẫn không thể chứng minh được. Và không bao giờ có một lâu đài toán học với những siêu tiên đề - siêu logic có thể chứng minh được mọi thứ như David Hibert từng mơ tưởng. Nào, nghe hai bậc thầy toán học đó bạn tin ai?

Lượn một chút vào phạm trù toán học, chắc bạn đang thấy đau đầu phải không? Vậy thì chúng ta sẽ cùng đến với một câu chuyện cười cũng được các tác giả Thomas Cathcart và Daniel Klein kể lại trong tác phẩm Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar...: Những người Anh-điêng đến hỏi thủ lĩnh của mình xem mùa đông năm nay có lạnh không. Để phòng xa, vị thủ lĩnh khuyên mọi người phải đi kiếm thật nhiều củi, đề phòng giá rét. Mấy ngày sau, vị thủ lĩnh alo cho nha khí tượng hỏi mùa đông có lạnh không. Nha khí tượng trả lời ngay: rất lạnh. Thế là vị thủ lĩnh lại khuyên người dân đi kiếm củi thật tích cực, để tích trữ thêm thật nhiều củi khô. Khoảng 2 tuần sau, ông ta lại gọi cho nha khí tượng hỏi xem mùa đông năm nay thế nào. Nha khí tượng đáp:

- Sẽ là mùa đông lạnh nhất trong lịch sử.

- Ồ! Tại sao các ông biết!

- Vì người Anh-điêng đang đi kiếm củi nhiều nhất trong lịch sử!

Nào, bạn đang nghĩ gì? Bạn đang cười phải không? Hy vọng là thế. Và cũng hy vọng là sau nụ cười bạn cũng đã nhận ra lỗi lập luận trong câu chuyện này: lập luận vòng quanh! Đây là kiểu lập luận mà trong đó luận cứ trong một mệnh đề lại chứa đúng cái mệnh đề đó.

Bây giờ thì bạn hãy thử thoát khỏi những gì tôi viết để rà soát lại những lập luận hằng ngày của bạn xem. Đã bao giờ bạn lập luận vòng quanh chưa nhỉ?

Phan Mỹ Chí
.
.
.