Phỏng vấn chim Bồ câu

Thứ Hai, 24/08/2020, 21:27
Phóng viên (PV): Thưa chị, lý do gì mà ở rất nhiều thành phố trên thế giới, ngay cả tại Việt Nam, Bồ Câu tự do bay và đi lại hàng đàn trong thành phố?


Bồ Câu: À, đầu tiên là do tôi hiền lành, sau đó tôi xinh đẹp dễ thương. Tôi tượng trưng cho hòa bình, tôi có trong tranh Picasso, tóm lại con người nghĩ về tôi toàn là những thứ tốt đẹp.

PV: Đúng vậy. Ví dụ như cùng là chim hoang, nhưng người ta cho bồ câu ăn chứ chả bao giờ cho quạ. Chị may mắn thật.

Bồ Câu: Còn một may mắn nữa khiến tôi có thể sống thanh thản tự do giữa đám đông người, nhà báo có biết không?

PV: Tôi không đoán ra, gì thế?

Bồ Câu: Đó là do chim bồ câu không phải chim yến.

PV: Chim yến ư? Thì sao?

Bồ Câu: Anh hãy công nhận là Chim Yến rất đẹp, rất nhanh nhẹn và rất hiền lành, đã thế còn báo hiệu mùa xuân không?

PV: Đúng vậy. Chim Yến được yêu mến và được đưa vào thơ ca chả kém gì Bồ Câu cả trăm năm.

Bồ Câu: Chim Yến chẳng bao giờ được hưởng thái bình như Bồ Câu, chỉ vì một lý do là tổ yến ăn được.

PV: A, đúng rồi. Tổ yến chẳng những ăn được mà còn ăn rất đắt nữa kia.

Bồ Câu: Tại sao thế nhỉ?

PV: Thú thực là tôi không biết. Tôi sinh ra đã thấy tổ yến đắt, thế thôi.

Bồ Câu: Vậy nhà báo đã thử nếm tổ yến bao giờ chưa?

PV: Một vài lần. Do được mời; chứ lương phóng viên đâu có đủ tiền mua.

Bồ Câu: Nhà báo nói thật đi, nếm thấy có ngon không?

PV: Không. Không. Không. Nhạt phèo.

Bồ Câu: Nhạt như thế nào?

PV: Như miến rong nhúng vào nước lã, chả có mùi vị quái gì.

Bồ Câu: Vậy tại sao món ấy đắt?

PV: Chịu chết. Như tôi đã nói, sinh ra, lớn lên, già đi là đã thấy nó đắt rồi. Bởi người ta đồn là bổ béo lắm.

Bồ Câu: Người ta là ai? Giáo sư nào? Nhà khoa học nào?

PV: Không biết.

Bồ Câu: Đấy. Nhà báo thấy không? Tổ yến đắt là do tin đồn. Đồn cho ai, đồn từ lúc nào, đồn từ đâu, chả ma nào biết.

PV: Ý chị là gì?

Bồ Câu: Ý tôi là tổ yến cũng như mật gấu, sừng tê giác, Đông Trùng Hạ Thảo, vi cá... toàn là những thực phẩm đắt tiền nhờ tin đồn.

PV: Chắc không?

Bồ Câu: Chắc chắn. Những thứ quỷ quái ấy chỉ đắt ở Châu Á, đặc biệt là đắt ở những nơi có người Trung Quốc. Dân châu Âu chả bao giờ công nhận.

PV: Đúng. Mặc dù Châu Âu có rất nhiều tỉ phú và triệu phú. Họ cũng chả mấy khi ăn tổ yến và vi cá mập.

Bồ Câu: Vì người Châu Âu sống bằng khoa học. Khoa học chứng minh rằng nhìn chung các động vật có cấu tạo như nhau. Chả có lý do gì vi cá mập lại phi thường hơn vi cá chép.

PV: Thế tại sao người ta vẫn cứ ăn?

Bồ Câu: Vì thấy đứa khác ăn. Vì muốn chứng tỏ mình giàu. Và nói chung, nhà báo để ý đi, những thứ như tổ yến, mật gấu, đông trùng hạ thảo, vi cá đều khó tìm, khó kiếm, chính sự khó kiếm này đẩy cảm giác ngon miệng tăng lên.

Nếu như trên Trái đất chỉ còn chục con gà thì tôi tin rằng ai vớ được thịt gà cũng quý như vàng. Vậy đó.

PV: Nói thực nhé, ngon hay dở thì xưa nay tôi vẫn không ăn mấy thứ đó. Hết chuyện.

Bồ Câu: Hoan hô nhà báo. Nhưng có rất nhiều kẻ vẫn cứ ăn. Hậu quả là khiến cho cá mập, gấu và chim Yến khốn khổ vô cùng.

PV: Đúng thế.

Bồ Câu: Vì những miếng ăn tai ác đó, đã đẩy những con vật vô tội kia đến đà tuyệt chủng. Thật là man rợ.

PV: Có cách gì giúp những bạn bè đó không?

Bồ Câu: Nhiều lắm. Nhưng cách duy nhất là để cho ai ăn một thời gian phát hiện ra... chả thấy khỏe khoắn gì hơn.

Ví dụ: Có thời gian người ta say mê mật gấu, nhưng bây giờ, sau khi đã nuôi cả ngàn con gấu và uống mật no nê không ai còn quan tâm tới món đó nữa. Gấu được thả tự do. Hết được săn lùng.

PV: Gấu thoát.

Bồ Câu: Đúng vậy. Và có vẻ như theo chân Gấu, Yến cũng sắp thoát rồi... Gần đây tổ yến đột nhiên hạ giá không phanh sau khi những kẻ có tiền ăn nhiều, đến lượt những kẻ ít tiền cũng bắt đầu ăn một thời gian và tất cả đều phát hiện ra chẳng thấy cao đẹp gì hơn ai cả.

PV: Ha ha.

Bồ Câu: Tôi tin chắc rằng, chả mấy chốc, tổ yến cũng mất hết thần thánh, giới trẻ hôm nay có tiền thà mua trà sữa, chứ cũng không mua tổ yến bỏ vào mồm.

PV: Yến sẽ khỏe khoắn ra, sẽ bay lượn tung tăng như Bồ Câu.

Bồ Câu: Tôi tin thế!

Lê Thị Liên Hoan
.
.
.