Phỏng vấn anh bán mũ

Thứ Sáu, 05/07/2019, 15:55
Phóng viên (PV): Thưa anh, điều gì khiến anh tin tưởng vào nghề của mình và muốn sống chết với nó?


Bán mũ: Tôi bán mũ. Mũ là thứ để chụp lên đầu, để che chở và bảo vệ đầu. Mà đầu thì chắc ai cũng biết luôn luôn là bộ phận quan trọng nhất trong mỗi chúng ta. Đến mức nhiều người nói chỉ cần có cái đầu thì ở đâu và trong hoàn cảnh nào cũng sống được.

PV: Đúng vậy. Thế gian có bao nhiêu loại mũ?

Bán mũ: Có cả triệu loại, có đủ các kích thước, đủ các chất liệu và đủ các màu sắc, đủ các tầm vóc to nhỏ khác nhau. Nói cách khác, khả năng sáng tạo mũ của nhân loại là vô tận. Nhìn vào kiểu dáng mũ, cách đội mũ và cư xử với mũ có thể nhìn thấy lịch sử.

PV: Vậy thưa anh, dân bán mũ sợ nhất điều gì?

Bán mũ: Bán mũ chả sợ ai. Nhưng người đội mũ hôm nay, nhất là những người viết báo chắc chắn sợ nhất khi bị chụp mũ.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: A. Chụp mũ là thế nào?

Bán mũ: Đừng giả vờ. Nhà báo thừa biết. Đó là khi bạn chả đội gì cả, hoặc bạn đang đội một cái mũ vừa đẹp vừa xinh và vừa vô hại cho tất cả mọi người xung quanh bỗng bạn bị quy kết một tội từ trên trời rơi xuống… đúng đỉnh đầu.

PV: Tôi hiểu rồi. Đã có một thời bệnh chụp mũ diễn ra khá trầm trọng khiến những ai viết báo chán nản và chùn bước. Đặc biệt là những bài có tính phê phán. Nhưng hiện nay tình trạng đó hết rồi mà.

Bán mũ: Tôi công nhận nó có bớt. Tuy nhiên, mấy năm gần đây chả hiểu tại sao mọc ra một thứ mũ vô hình rất dễ chụp, rất dễ để lên đầu ai đó.

PV: Mũ gì thế?

Bán mũ: Mũ “phân biệt vùng miền”, thứ ấy ngày xưa không có.

PV: Ơ.

Bán mũ: Việt Nam là một quốc gia có hàng chục tỉnh thành, có nhiều miền địa lý văn hóa khác biệt cùng với hàng chục dân tộc phong phú đúng không nào?

PV: Đúng ạ. Và sự đa dạng ấy là điều tuyệt vời của quê hương mình.

Bán mũ: Chính xác. Và ở đâu cũng có ưu điểm, khuyết điểm, có những nét đặc trưng cần ca ngợi và có những cái dở cần phê phán, thậm chí phê phán rất mạnh.

PV: Ai chả hiểu thế.

Bán mũ: Trên lý thuyết thì ai cũng hiểu. Nhưng trong thực tế, khi viết về một vùng đất nào đó, khen không sao, khen tận trên mây, khen đi khen lại cũng không sao. Nhưng hễ chê một chút là cái mũ “phân biệt vùng miền” có khả năng rớt xuống đúng đầu, trùm kín toàn thân.

PV: Thật không?

Bán mũ: Chắc chắn. Cuộc sống làm sao phát triển nếu thiếu sự so sánh, nếu không có chuyện tự nhìn ra khuyết điểm hoặc công nhận kẻ khác khi họ phát hiện khuyết điểm của mình. Con người cũng vậy, tỉnh thành cũng vậy và một quốc gia cũng vậy.

PV: Chính xác.

Bán mũ: Nhưng các nhà báo bây giờ rất sợ khi chê một địa phương nào đó, đặc biệt là về văn hóa và lối sống. Có thể bị khép tội phân biệt hoặc cố tình gây chia rẽ ngay.

PV: Khổ thật.

Bán mũ: Khổ nhất là cái mũ ấy vừa rộng vừa to vừa rất khó phân biệt ranh giới và nguy hiểm nhất là dễ cho việc kích động, tính cục bộ nổi lên.

Phải nói thẳng là người Việt mình, ở nhiều vùng đất có tính bảo thủ rất cao, rất dễ nhạy cảm với việc ai đó phê phán quê nhà hoặc đồng hương. Hơi một chút là suy ra người ta đang nói cả huyện, cả tỉnh nhà mình.

PV: Thế là?

Bán mũ: Thế là bất cứ tác phẩm nào khiến vùng đất nào phật ý là hô hoán lên, kêu ca kẻ viết có ác ý hoặc mang định kiến sẵn.

Buồn cười nhất là khi nhà báo viết về những điều ai cũng biết thừa, hoặc ai cũng công nhận nếu ngồi với nhau, nhưng hễ đưa lên trang giấy thì quy ra thành tội.

PV: Ôi, chết mất.

Bán mũ: Không chết. Nhưng người ta chán, người ta thừa biết các vị chuyên chụp mũ thiên hạ đọc cũng hiểu chứ đâu có ngốc. Nhưng lợi dụng cái mũ lơ lửng ấy để dọa hoặc để răn đe cho nó chừa.

Lê Thị Liên Hoan
.
.
.