Những chuyên gia “đâm bị thóc, chọc bị gạo”

Thứ Tư, 10/11/2004, 16:58

Hình dáng bên ngoài của những vị này nói chung là khá "lịch sự". Thế nhưng, bên trong cái vẻ bề ngoài phong nhã, lại là những ông, những bà chuyên làm cho khối người tử tế lao đao, tan cửa nát nhà, nhiều khi còn mất bạn mất bè và sinh ra thù ghét nhau đến xúc đất đổ đi. 

Mèo già hóa cáo, cáo già hóa vàng tâm. Còn những vị “đâm bị thóc, chọc bị gạo” hành nghề lâu quá thì hóa gì? Trả lời rằng: hóa phù thuỷ. Phù thuỷ bởi khi các vị thực hiện cái trò “đâm bị thóc, chọc bị gạo” nó mới điêu luyện làm sao. Điêu luyện đến độ người thiếu kinh nghiệm sống tin đã đành mà ngay cả những người đã qua tuổi tri thiên mệnh, bụng chứa mấy bồ sách thánh hiền mà vẫn tin.

Lãn Nhân xin tạm gọi một trong những vị “phù thuỷ” này là A. Vị A. sà vào một quán bia có những người quen đang nhậu. Sau khi chạm cốc với người quen B. (cứ gọi thế cho dễ nhớ), vị A. hỏi: “Này, ông với tay C. có chuyện gì đấy?”. “Chuyện gì?” - ông B. ngạc nhiên hỏi.  Vị A. làm ra vẻ ngẩn tò te: “Thế mà tôi lại cứ nghĩ ông làm gì nó. Vì tôi thấy nó nói ông đểu quá. Nó nói ông thế này... thế này... Tôi không hiểu sao tay C. lại nói thế. Tôi không tin nên mới hỏi ông”. Thế là, mối quan hệ tốt đẹp và nhiều trân trọng giữa nhân vật B. và C. lâu nay có nguy cơ  sụp đổ. Vì  quá bất ngờ về người bạn của mình, ông B. vô cùng giận dữ. Mà khi giận thì thường mất khôn. Thế là ít hay nhiều, ông B. cũng kể một vài tật xấu của bạn mình ra.

Hôm sau hoặc một ngày nào đó sau đấy, vị A. lại tìm gặp ông C. và bảo: “Tôi mới ngồi với thằng B., chẳng hiểu ông làm gì nó mà nó chửi ông tệ quá. Nó nhận xét ông chẳng ra quái gì”. Thế là vị A. nói cho ông C. những lời “nói xấu” của ông B. về ông C., nhưng thực ra là lời của vị A. cả. Ông C. nghe vậy không hiểu có chuyện gì mà mối quan hệ đàng hoàng của ông với ông B. lại trở nên như vậy. Tuy cố bình tĩnh nhưng lòng ông C. buồn lắm. Mình chơi với nó chân thành vậy mà nó lại nghĩ về mình tệ thế. Ông C. không nói điều ấy cho ông C. nghe mà lại để bụng. Nỗi ấm ức không được nói ra để lâu trong bụng dễ biến thành khối u tâm lý. Quan hệ giữa hai người vốn tốt đẹp cứ dần dần băng giá.

Cái vị A. này lại lang thang. Nhiều lúc vị chẳng biết làm gì. Vị ghé qua một ông thủ trưởng. Ông thủ trưởng này vốn khá đa nghi. Vị lại thì thầm. Lúc ấy trông mặt vị thật... không biết nói thế nào cho đúng. “Này, ông có ý định đề bạt thằng D. đấy à? Việc của cơ quan ông, tôi không quan tâm, nhưng ông mà đề bạt nó lên là nó tìm cách hất ông ngay, thằng này mưu mô lắm. Nó bảo tôi là ông làm sao mà quản lý cơ quan bằng nó. Tôi thương ông quá. Ông đúng là nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong gà”. Ông thủ trưởng giận run người. Đầu ông sùng sục ý nghĩ : phải loại trừ thằng D. thôi. Để thằng này lâu trong cơ quan tất có loạn.

Rồi ngày mai, ngày kia hay ngày nào đấy, vị A. gặp nhân viên D. Vị A. vồn vã: “Xin chúc mừng ông”. Ông D. thần mặt: “Chúc mừng cái gì?”. “ Mới được đề bạt mà lại giấu anh em”. Ông D. ngơ ngác: “Đề với đóm cái gì mà tôi chẳng hiểu”. Vị A. vẻ ngạc nhiên: “Thế mà tôi nghĩ ông được đề bạt rồi. Vậy tay ấy bao giờ thì mới đề bạt ông? Tôi thấy ông xứng đáng được đề bạt từ mấy năm trước kia. Nhiều lần tôi bảo với thủ trưởng ông sao lại không đề bạt thằng D., nó có năng lực lắm, lão ấy bĩu môi bảo: thẳng D. là thằng rất đểu. Không thể chơi với thằng này được. Đưa thẳng D. lên để nó phá cơ quan à”. Rất may cho cái cơ quan ấy là  D. không phải là người dễ bị kích động. D. chỉ thở dài ngao ngán.

D. chẳng bao giờ tin cái lòng tốt đến như thế của vị A. Vì cả thiên hạ này từ lâu đã biết vị ấy là loại người thế nào rồi. Vị này thường la cà một số cơ quan mà chủ yếu gặp thủ trưởng các cơ quan ấy và nói như thánh như tướng về những chuyện tổ chức. Ông này sẽ lên, ông kia sẽ xuống. Tổ chức đánh giá ông này thế này ông kia thế kia. Thực ra vị  cũng chỉ là kẻ nghe hơi nồi chõ. Rồi làm như là vị luôn luôn có quan hệ mật thiết với những người quan trọng. Vị bảo vị nói với tổ chức rằng ông E. thì thế này, ông F. thì thế kia tổ chức mới ngã ngửa người ra. Vị cứ làm như vị là quân sư hay là người uy tín lắm với những người quan trọng của thành phố hay của đất nước vậy.

Tôi chắc chẳng tổ chức nào tin vị. Vì tin vị và thân quen với vị thường khoe thì chính vị phải lên đến bộ trưởng rồi chứ không phải loong toong với cái công việc có cũng được và không làm càng tốt như vị bây giờ. Có lúc vị lại nói với ông E. rằng lẽ ra tổ chức đã quyết trường hợp của ông E. rồi nhưng tay F biết và nó tìm cách cản ông E. Hoặc ông G. là ô dù của ông F. gạt ông E. ra để cho đệ tử F. của ông ta.

Ôi, mọi chuyện nghe cứ rối mù cả lên. Lòng tin của chúng ta vào bạn bè và tin vào chính chúng ta còn mong manh lắm. Chính vì thế mà những vị như vị A. kia mới có thể làm cho lòng tin ấy dễ dàng lung lay. Người hiểu biết và có lòng tin không thể bị những vị như vị A. phù phép thôi miên hoặc có thì cũng khó chịu hay buồn buồn một chút rồi lại trở về với lòng tin trong sáng với bạn bè. Nhưng những người không có phẩm chất ấy thì lòng bỗng nảy những cái gai thù hận bạn bè. Kẻ tiểu nhân hơn nữa thì có thể tìm cách “chơi” lại bạn mình mà chỉ với lý do là nghe vị A. nói thế.

Tôi đã từng chứng kiến có những vị như vị A đang ngồi trước ông H. thì nói rất hay về ông đó. Nhưng khi ông H. có việc phải đi và đi rồi thì vị lại nói những điều chẳng ra sao về ông H. Cái trò này là trò gì? Mà sao những vị như vị A. lại vẫn tồn tại và vẫn được đón tiếp ở nhiều nơi. Vị A. giống như một loại côn trùng mang bệnh truyền nhiễm từ người này sang người khác. Bệnh truyền nhiễm này không làm chết người nhưng nó làm cho nhiều người mất lòng tin về bạn bè và sinh ra oán ghét, thù hận lẫn nhau. Có cơ quan chỉ vì những vị như vị A. mà nội bộ tan nát.

Quy những vị này vào tội nào bây giờ? Luật pháp không có điều khoản nào? Mà có chỉ mặt những vị ấy hỏi  bằng chứng những điều các vị nói ở đâu thì các vị cũng cứ cãi chày cãi cối rằng ở chỗ ấy chỗ nọ, có người này người kia. Lời nói gió bay ai còn biết thực hư thế nào. Đối với một cá nhân thì chuyện không to tát lắm. Nhưng đối với một tổ chức mà tin hay hoang mang chút ít vì lời của những vị như thế thì nguy hại biết bao. Quyết định của tổ chức sẽ nhầm lẫn. Tổ chức nhầm lẫn thì nhầm lẫn nhân sự. Nhầm lẫn nhân sự có nguy cơ làm hỏng nghiệp lớn của một cơ quan thậm chí của một đất nước. 

Con người có nhiều tính xấu, nhưng một trong tính xấu nhất là tính thích được xu nịnh. Chính thế mà những vị giỏi môn “đâm bị thóc, chọc bị gạo được dịp tung hoành. Thường những vị “đâm bị thóc, chọc bị gạo” lại là những vị vô công rồi nghề, văn hóa thấp, động cơ không trong sáng. Họ thường la cà bia bọt, trà lá, thường vật vờ đến cơ quan này rồi sang cơ quan khác, thường đến cơ quan mở hồ sơ ra rồi dùng điện thoại cơ quan gọi hết người này người kia và nói đủ thứ chuyện tào lao. Hễ biết ai có chuyện gì là lại tham gia vào rồi bàn luận, thêm bớt, dương đông kích tây. Còn những người hết lòng vì công việc lại chẳng có thời giờ mà “nhàn cư”.

Trên thế giới chắc ở đâu cũng có loại người này. Lãn Nhân không biết rõ nước nào nhiều ít loại người này ra sao. Nhưng ở nước ta thì Lãn Nhân thấy loại người này không ít. Nếu Thế vận hội 2004 có thi môn “đâm bị thóc, chọc bị gạo” thì  Lãn Nhân nghĩ chúng ta sẽ có những nhà vô địch. Lãn nhân dám tin rằng: sau khi đọc xong bài này, không ít bạn đọc sẽ phải thốt lên: “Hình như cái tay Lãn Nhân này viết về lão ấy ở cơ quan mình đấy”

Lãn Nhân
.
.
.