Nhà thơ Lê Hồng Thiện: Hơn nửa thế kỷ với đề tài trẻ thơ

Thứ Ba, 06/10/2015, 09:09
Nhà thơ Lê Hồng Thiện đã bước sang tuổi 73, mái tóc bạc thả chấm hai vai. Làng thơ Việt Nam có những cây bút tên tuổi viết cho trẻ em: Tú Mỡ, Võ Quảng, Phạm Hổ, Định Hải…, trong đó Lê Hồng Thiện là người in khá nhiều, với 10 tập. Gần đây ông cho xuất bản tập thơ tuyển gồm 100 bài, được nhiều người tìm đọc.

Tuổi thơ Lê Hồng Thiện không gặp may mắn. 8 tháng tuổi ông đã mồ côi mẹ. Nhưng bù lại ông có làng quê Xích Đằng quanh năm hoa thơm quả ngọt, có đình Cả ngay trước cửa nhà, bốn mùa xênh xang tiếng hát cung đàn lễ hội. Bức tranh sơn thủy hữu tình của miền quê đồng bằng Bắc Bộ trở thành tài sản tinh thần của cậu bé Lê Hồng Thiện lúc nào không biết. Đặc biệt cha ông - nhà nho Lê Như Cương nổi tiếng trong vùng đã truyền cho con trí tuệ và nếp sống của bậc túc nho. Ngay sau bàn làm việc của ông bây giờ có một chữ “Tâm” đỏ thắm. Ông không chỉ treo cho đẹp.

Mới 22 tuổi, Lê Hồng Thiện đã lên xe hoa sánh vai cùng nữ diễn viên chèo Minh Tiếp - người từng gặt hái khá nhiều thành công tại các kỳ hội diễn của Đoàn chèo Hải Hưng. 

Một năm sau bé gái Lê Hồng Nguyên ra đời mang vẻ đẹp của mẹ và tài năng văn chương của bố. Gia đình Lê Hồng Thiện là một trong số ít các gia đình ở Việt Nam có ba người là hội viên Hội Nhà văn. Nữ nhà văn Lê Hồng Nguyên (tác giả của tiểu thuyết Vũ điệu) là một trong số đó. Nhưng điều đáng nói hơn, cô chính là nguồn mạch thương yêu đã được thể hiện trong thơ Lê Hồng Thiện.

Lê Hồng Nguyên kể: Khi còn bé cô đã thấy ông nội viết chữ nho dạy bố. Ông nội rất nghiêm. Còn bố Thiện rất chăm. Năm Hồng Nguyên lên 7, vào lớp 1 cũng là năm Lê Hồng Thiện bắt đầu làm thơ. Nói như nhà thơ Định Hải, chính cuộc đời đã chọn ông, giao cho ông việc  đó. Ông bố trẻ đã viết cho con gái:

Con chim non tập hót
Con bướm nhỏ tập bay
Con gái tôi tập viết
Bắt đầu sáng thu nay

                                    (Con đi học)

Và rồi nở rộ những bài thơ thể hiện tài quan sát, sự hóa thân rất ngộ nghĩnh, đáng yêu của Lê Hồng Thiện trong thế giới trẻ thơ.

Bé khép cửa lại
Nhốt nắng trong nhà
Nắng lại trốn ra
Dịu dàng nắng nói
Ở trong bóng tối
Tôi chẳng ưa đâu

                                    (Bé và nắng)

Và hóm hỉnh khi phát hiện ra:

Thóc vào cối xay
Cởi áo làm gạo

Lê Hồng Thiện có 5 người con, 10 cháu nội ngoại. Cả một bầy chim suốt ngày ríu rít tha hồ cho ông quan sát. Ông có tới 30 trong số 100 bài thơ hay nhất viết về tuổi thơ cắp sách đến trường của các con cháu mình. Bây giờ hỏi ai trong số các con ông cũng đều nói: “Hình như bố viết về mình”.

Bé có mùa thu
Ở trong trang sách
Một bông hoa cúc
Màu vàng chiếc nơ

Mùa thu trong vở
Mùa thu ngoài đồng
Bé nép ngực mẹ
Mùa thu trong lòng

                                    (Mùa thu của bé)

Ông xem con tập viết và nhận ra những vũ điệu nên thơ trong đó:

Lần đầu tập viết sáng nay
Chữ bắt nạt bé cứ hay ngã nhào
Đến bên, cô giáo thì thào
“Con chăm tập viết chữ nào phải nghe”
Hôm nay con gặp cô khoe
“Chữ theo tay bé ngoan ghê cô à!”

Nhà thơ Lê Hồng Thiện và vợ.

Cách nhà ông vài trăm mét là mênh mang sông Hồng. Lê Hồng Thiện chắc phải mê sông lắm, nhiều lần ra bờ đê ngắm sông nên mới viết được như ý câu thơ tràn đầy tình người:

Sông là hay ốm lắm
Thấy lúc nào cũng nằm
Khi uống nhiều nước đục
Đau bụng réo ầm ầm

                                    (Sông)

Dù làm thơ cho trẻ nhỏ nhưng thơ Lê Hồng Thiện luôn ẩn chứa một triết lý nhẹ nhàng. Đó là những câu hỏi tưởng chừng ngây ngô nhưng khi giải đáp chúng lại là những bài học sâu sắc. Đây là sự nhắc nhở về sự khiêm tốn một cách nhẹ nhàng.

Chị gà mới thật buồn cười
Vừa đẻ quả trứng lắm lời kêu vang
Cây  trứng gà mới thật ngoan
“Đẻ” trăm ngàn quả không màng kêu ai!

Và sự hy sinh quên mình vì người khác:

Nước mưa nằm ngủ trong mây
Hương thơm nằm ngủ cả ngày trong hoa
Bóng râm ngủ dưới gốc đa
Trẻ con ngủ dưới mái nhà ấm êm
Chỉ riêng có một trái tim
Chẳng bao giờ ngủ cả đêm lẫn ngày

Lê Hồng Thiện rất giỏi vẽ chuyện, hay nói cách khác là thơ ông giàu kịch tính. Ông ít khi có những câu thơ hay thật ngắn. Thường là phải diễn giải nhưng rất cuốn hút như bài Trứng treo trứng nằm:

Quả treo cành bổng cành mềm
Mấy anh bạn nhỏ gọi tên trứng gà
Chị gà ngơ ngác chạy ra
Trứng đâu lên tận mái nhà của cây
Chạy về thấy trứng còn đây
Trứng vàng trứng ngọc vẫn đầy ổ rơm
Chị gà rối rít mừng rơn
Tới cây cùng cục “cảm ơn” dịu dàng
Chính tôi đẻ quả trứng nằm
Còn cây đẻ trứng trên cành đung đưa
Chuyện trò như thể phân bua
Cây tròn bóng nắng gà chưa muốn về

Bài Kể chuyện râu là một thí dụ thú vị khác:

Râu mía mọc ở ngang thân
Râu bèo lơ lửng lại ngâm dưới hồ
Lạ kỳ là cái râu ngô
Là râu là tóc trắng phơ trên đầu
Râu non trắng râu già nâu
Râu của bóng điện trong bầu thủy tinh
Ăng ten “râu” đứng một mình
Dài như cái thước cho hình rõ thêm
Râu si buông trước cửa đền
Trông như là mái tóc mềm của cây
Mỗi loài râu - một nét hay
Đẹp râu ông nội trắng bay dưới cằm

Hai giải thưởng của Hội Nhà văn, 5 giải thưởng của các hội văn học nghệ thuật Hải Hưng, Hưng Yên, Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Song có lẽ giải thưởng lớn nhất với ông là được nhiều độc giả trẻ em trong cả nước yêu thơ ông. Có được sự thành công như hôm nay chính vì gần nửa thế kỷ qua, Lê Hồng Thiện hóa thân làm các em nhỏ lúc làm thơ. Ông thành công vì ông chân thành, ông không giả làm người lớn đóng vai trẻ con.

Lê Hồng Thiện thành công cũng còn bởi lẽ ông là người sáng tác hiếm hoi chịu thâm canh, tìm tòi ở một đề tài, ở một vùng quê. Cây cau, cây trứng gà, chậu hoa cúc vàng là có thật, ngay trong vườn nhà. Ông sống và yêu chúng như với con mình nên mới có những vần thơ sinh động như vậy. Ở tuổi 73, thơ Lê Hồng Thiện vẫn xuất hiện đều đều trên Tạp chí Văn học nghệ thuật Phố Hiến.

Đêm qua vui nhất giao thừa
Bà cho bé đi lễ chùa ngoài thôn
Bé cầm bánh chạy lon ton
Mùa Xuân theo bước chân son tưng bừng

Nhưng có người nói rằng, thơ của ông chỉ quẩn quanh hoa với cỏ mà xã Xích Đằng quê Lê Hồng Thiện bây giờ đã là phường Lam Sơn của Thành phố Hưng Yên. Các em còn mong thơ ông có thêm màu sắc phố phường, có nhà máy, ống khói, có các chú công an đang điều khiển giao thông ở ngã tư đường nữa.

Nguyễn Gia Bào

.
.
.