Người Cộng sản vô cùng giản dị mà tôi biết…

Thứ Sáu, 13/02/2015, 16:17
Khi dư luận xôn xao chuyện một cựu lãnh đạo TP Hà Nội không trả lại biệt thự công vụ, có một trí thức lớn nói với tôi: “Những lúc như thế này, sao tôi nhớ cụ Nguyễn Lương Bằng đến thế. Lãnh đạo phải như cụ - “Làm thì nhìn lên, hưởng thụ thì nhìn xuống” - dân mới được nhờ”…

Chuyện về người “Anh cả Sao Đỏ” bán mật mía mua biệt thự cho Đảng

Đến giờ tôi vẫn nhớ cảm giác xúc động của mình khi lần đầu tiên đến thăm gia đình Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng và phu nhân Thục Trinh: Tất cả những món đồ trong căn nhà ấy đều gợi cho tôi cảm giác cũ kỹ nhưng cao quý và thanh khiết.

Ngày trước, tôi từng hỏi đi hỏi lại cô giáo lịch sử nhiều lần: Tại sao chúng ta lại có thể thắng Pháp, thắng Mỹ, những người mạnh hơn chúng ta hàng trăm hàng nghìn lần? Nhưng sau này đi làm báo, được nghe những câu chuyện về ông - người “Anh cả Sao Đỏ” của cách mạng Việt Nam và những con người thế hệ ấy, những băn khoăn trong lòng tôi tan biến. Ở giai đoạn lịch sử khi đất nước có những nhân cách vĩ đại như thế, tôi tin, chẳng có điều gì khiến dân tộc này bị khuất phục.

Dạo gần đây, nhân chuyện về một cựu lãnh đạo thành phố, tôi để ý thấy nhiều báo nhắc lại chuyện gia đình ông bà - gia đình đầu tiên trả biệt thự cho Nhà nước, khiến bao người xúc động.

Hẳn người ta sẽ còn xúc động hơn nhiều nếu như biết rằng căn biệt thự số 5 Thiền Quang đó, là một trong 9 căn biệt thự mà Đảng đã mua được nhờ tiền quyên góp của những nhà tư sản yêu nước và nhờ những xe mật mía mà khi xưa, ông Nguyễn Lương Bằng và những người Cộng sản thế hệ đầu tiên đã gò mình đẩy đi bán trên khắp các nẻo đường trong những ngày nắng gắt, tiền trong túi mà không dám ăn, uống nước mía giải khát cũng không dám, chắt chiu từng xu, từng hào. Nhưng chuyện về “Anh cả Sao Đỏ” không chỉ có thế. Ông, là người Cộng sản vô cùng giản dị mà tôi được biết…

Thời đi hoạt động cách mạng, ông Nguyễn Lương Bằng từng bị giam ở nhà tù Sơn La suốt 10 năm trời (1933 - 1943). Ông là người tù bị giam lâu nhất trong nhà tù thực dân của Pháp ở Tây Bắc. Sau ngày vượt ngục thành công về Hà Nội, ông được giao nhiệm vụ phụ trách công tác tài chính và binh vận của Đảng.

Tiếng là làm giám đốc tài chính của Tổng bộ Việt Minh, nhưng ngày ông nhận chức, quỹ của Đảng vỏn vẹn có 24 đồng tiền Đông Dương. Và ông giám đốc tài chính của Đảng tối thì đi vận động các nhà tư sản giàu có yêu nước, ngày thì đẩy xe mật mía đi bán, kiếm từng xu, từng đồng gây quỹ cho Đảng. Các cán bộ cao cấp ngày đó mỗi người được cấp 2 xuất cơm. Mỗi xuất cơm đó, có một phần là gạo, ba phần là rau. Nhưng ông giám đốc tài chính - người phải đẩy xe mật mía đi bán mỗi ngày, nhất định chỉ mua 2 xu tiền khoai chống đói. Chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, ông mua được 9 ngôi nhà cho Đảng.

Thời làm công tác quản lý tài chính cho Đảng, điều mà ông Nguyễn Lương Bằng đề cao nhất chính là kỷ luật tài chính. Lúc nào ông cũng yêu cầu mọi người tiết kiệm tối đa, để dành tiền làm việc lớn. Trong các cuộc họp thời ấy, ông Trường Chinh, ông Hoàng Quốc Việt, ông Nguyễn Lương Bằng thường chủ động kiểm tra việc chi tiêu của nhau. Dù là một xu tiền đò, một xu tiền nước cũng được các ông ghi lại rõ ràng.

Nhưng việc gì cần tiêu, cần làm vì anh em, đồng chí, ông chẳng bao giờ tiếc. Lúc còn ở trong nhà tù Sơn La, khi ông Tô Hiệu bị ốm nặng, cái gì ngon nhất, bổ nhất, ông đều ưu tiên cho người bạn tù của mình.

Có rất nhiều người khi được nghe những câu chuyện về ông đã rơm rớm nước mắt…

Như là chuyện thời chống Pháp, ông đi công cán Trung Quốc, mặc một chiếc áo đại cán dài, nhưng không may gặp đúng ngày oi bức, mồ hôi vã ra như tắm mà vẫn kiên quyết không chịu cởi áo.  Ëy là vì hôm đó, ông mặc bên trong một chiếc áo sơ mi rách, nên đành bấm bụng chịu nóng chứ quyết không làm mất thể diện đất nước.

Ông bà Nguyễn Lương Bằng và các con tại nhà riêng.

Như là chuyện khi đi làm Đại sứ ở Liên Xô, đến một nhân viên bình thường trong sứ quán cũng có đồng hồ, chỉ có ông không có, đi đâu cũng phải xem nhờ đồng hồ của nhân viên để biết giờ giấc làm việc.

Khi có người khuyên ông mua đồng hồ, thì ông thật thà thừa nhận: “Cứ nghĩ đến số tiền mua một chiếc đồng hồ đó có thể đổi bao nhiêu bữa cơm cho đồng bào, đồng chí ở quê nhà, tôi lại không mua nữa. Chúng ta đang kháng chiến, các đồng chí trong nước, kể cả Bác Hồ và các lãnh đạo khác cũng không khác gì. Chúng ta ở đây không có quyền hưởng thụ, không có quyền phong lưu hơn họ”.

Như là chuyện ông vẫn đạp xe đi làm mỗi ngày, khi ông đường đường là Phó Chủ tịch nước, dù ông hoàn toàn có quyền đi xe công vụ đưa đón, vì trước sau như một, ông luôn nhất quyết một điều: xe công vụ, ông chỉ dùng để đi công cán, chứ không dùng để phục vụ bản thân.

Vì nhất quyết như thế nên thời còn đương nhiệm, đã có lần ông “bất đắc dĩ” xuất hiện trên báo chí. Vào mỗi cuối tuần, ông ra bến xe, bắt xe khách đến nơi sơ tán thăm con cái. Trên những chuyến xe chật chội, chở cả lợn cả gà, anh phụ xe giật mình phát hiện ra người đàn ông giản dị đang ngồi nói chuyện với mọi người chính là Phó Chủ tịch nước. Và anh kể lại câu chuyện đó cho một nhà báo. Ai đọc xong bài báo viết về chi tiết ấy cũng thương ông, lại thêm yêu mến, kính trọng ông.

“Làm thì nhìn lên, hưởng thụ thì nhìn xuống”

40 tuổi, ông Nguyễn Lương Bằng mới kết hôn với bà Thục Trinh. Trước đó, ông đã có vợ và con ở quê nhà. Nhưng khi ông đi hoạt động, vợ con ông đã qua đời. Ông Nguyễn Lương Bằng và bà Thục Trinh hợp nhau đến kỳ lạ, hợp nhau cả ở cách sống giản dị, liêm khiết và lối suy nghĩ đơn giản. Có một câu mà cả ông và bà đều hay nói đi nói lại với con cháu: “Khi làm thì nhìn lên, khi hưởng thụ thì nhìn xuống”.

Di nguyện của ông trước khi mất là trả lại căn nhà số 5 phố Thiền Quang. Nhưng lúc đó, có công ty nước ngoài đề nghị thuê căn biệt thự đó với giá vài nghìn USD mỗi tháng. Thời đó, vài nghìn USD mỗi tháng là món tiền khổng lồ. Mà căn nhà rộng đó, bà và mấy con ở chẳng hết. Nhưng bà không vì số tiền đó mà quên lời căn dặn của ông.

Bà làm đơn trả lại nhà, dọn về con ngõ trong phố Đội Cấn với một suy nghĩ đơn giản: Trước là hoàn thành tâm nguyện của ông; sau là nếu nhà nước cần, có thể cho thuê căn biệt thự đó, thu lợi mỗi tháng một số tiền lớn. Số tiền đó nếu dùng đúng chỗ sẽ cứu được không biết bao nhiêu người nghèo.

Ngay cả chuyện khi Nhà nước quyết định đổi tên phố Nam Đồng thành phố Nguyễn Lương Bằng, bà Thục Trinh cũng không muốn nhận. Bà nói làm thế sẽ khiến cuộc sống của bao người dân ở đó xáo trộn. Anh bưu tá mỗi lần chuyển thư sẽ vất vả cực nhọc hơn trăm lần. Nhưng con phố đó sau vẫn được mang tên ông. Và khi còn sống, mỗi lần nhắc lại chuyện này, bà lại rơm rớm nước mắt, cứ ân hận vì gia đình mình mà làm phiền đến bao nhiêu người.

Vợ chồng ông bà có 4 cô con gái. Tôi không quen hết tất cả các chị. Nhưng qua con cháu các chính khách khác cùng thời ông, tôi biết, các chị đều giống cha mẹ mình ở tính cách bình dị, trong sáng. Tiếng là con Phó Chủ tịch nước, nhưng các chị chẳng có đặc quyền gì. Ở cương vị của ông, chỉ cần nói một tiếng là con cái sẽ được đi học nước ngoài, được làm ở những nơi danh giá. Nhưng cả ông cả bà đều chẳng bao giờ làm thế.

Lúc con gái đi thi đại học, bà chỉ động viên con: “Thi đỗ thì học, còn nếu không, con có thể đi làm công nhân, làm thợ may, làm đầu bếp..., miễn là việc lương thiện, miễn là con thành người tử tế, bố mẹ đều vui lòng cả”.

Con cái ông bà hiểu tấm lòng bố mẹ, nên dù có thể còn thua kém nhiều người, cũng chẳng bao giờ thấy phiền lòng về lối sống của gia đình. Ông có một ước mơ, đó là sau những năm tháng cống hiến cho cách mạng, cho đất nước, ông muốn được làm người nông dân, vui vẻ với ruộng đồng.

Vừa qua tuổi 60 là ông làm đơn xin nghỉ hưu, dự định về Vĩnh Phúc làm một căn nhà gỗ giản dị, rồi cùng làm nông nghiệp và bầu bạn với ông bạn thân Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc. Nhưng Trung ương không duyệt đơn nghỉ hưu đó. Năm 1969, sau khi Bác Hồ mất, ông được Trung ương đề nghị giữ chức Phó Chủ tịch nước. Ông kiên quyết không nhận. Sau này Trung ương bỏ phiếu, “ép” ông nhận, ông mới ngồi vào cương vị đó và hết lòng với nhiệm vụ cho đến ngày ông qua đời năm 1979, hưởng thọ 76 tuổi.

Ngày ông  qua đời, trong tủ đồ tại nơi làm việc có rất nhiều đồ đạc quý, là những món quà của chính khách các nước tặng ông mỗi khi có dịp gặp gỡ, ông để lại hết ở cơ quan, chia cho mọi người. Vì cả đời ông đều sống như thế, nên đồ đạc trong nhà, đều là do bà Thục Trinh một tay vun vén sắm dần từng thứ một. Đến khi trả lại ngôi biệt thự số 5 phố Thiền Quang, cũng chỉ có ngần ấy thứ đồ được bà Thục Trinh mang về nhà mới.

Và chị Việt Liên, con gái của ông bà nói với tôi: Tất cả những đồ đạc mà tôi thấy trong căn nhà trên phố Đội Cấn là nguyên vẹn những thứ mà ông bà đã dùng khi còn sống, không thay đổi, không thêm bớt một thứ gì suốt mấy chục năm…

Thảo Nguyên
.
.
.