Nghệ sĩ nhạc thính phòng giao hưởng: Khốn khó vì tình yêu

Thứ Hai, 28/06/2010, 10:58
Có một nghịch lý mà không phải ai cũng nhận thấy trong đời sống âm nhạc hiện nay: trong khi không ít "ca sĩ" nhạc nhẹ rất dễ dàng trở thành "ngôi sao" với thu nhập cao ngất ngưởng, thì những người sáng tác và biểu diễn trong dòng nhạc thính phòng giao hưởng lại có cuộc sống vô cùng chật vật.

Phải vòng vèo đến mấy lần, chúng tôi mới tìm được nhà nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng. Căn nhà cấp bốn chật chội nằm sâu trong con ngõ ở phố Mai Dịch là "tổ ấm" của anh và vợ- ca sĩ Hồng Vy, nơi mà vợ chồng anh đang chuẩn bị đón đứa con nhỏ chào đời. Anh tiếp chúng tôi trong căn phòng chỉ mấy mét vuông, ngoài chiếc piano nhỏ và bộ dàn máy tính, chỉ còn để được ba cái ghế ngồi. Chủ và khách gần như chạm mặt nhau.

Anh vừa trở về từ một trại sáng tác dành cho các nhạc sĩ giao hưởng, thính phòng, và vội vã đi hoà âm cho một chương trình ca nhạc. Hòa âm là công việc anh vẫn "làm thêm" để có tiền chi trả hằng ngày cho cuộc sống giản dị của vợ chồng anh và đứa con nhỏ sắp chào đời.

15 tuổi đã theo học sáng tác trong Nhạc viện Hà Nội và sự học của Hùng kéo dài đến tận năm 2007 mới tạm ngưng. Anh không chỉ là người gặt hái nhiều giải thưởng dành cho khí nhạc những năm gần đây của Hội Nhạc sĩ Việt  Nam, mà còn được giới chuyên môn đánh giá cao bởi một ngôn ngữ và tư duy sâu sắc, độc đáo trong khí nhạc.

Nghệ sĩ Nguyễn Thiện Thắng và Nguyễn Diệu Hồng.

Ngoài việc thỉnh thoảng viết ca khúc, Nguyễn Mạnh Hùng là một nhạc sĩ hiếm hoi chuyên tâm vào khí nhạc, đặc biệt là nhạc thính phòng, giao hưởng. Trong khi bạn bè anh chọn cho mình một lối đi hợp với thị hiếu công chúng hơn, những pop, rock và đã có một cuộc sống dư dả, thì anh, vẫn miệt mài với niềm đam mê của mình. Mười năm trời anh chỉ là một giảng viên hợp đồng ở Nhạc viện Hà Nội. Khi chúng tôi hỏi về mức thu nhập, anh ngại ngùng không biết nói thế nào, đưa mắt nhìn vợ. Ca sĩ Hồng Vy cười nói: "Hình như trừ đi các khoản chỉ còn lại 700.000 đồng, anh ạ".

Nhưng những điều đó đối với chàng trai trẻ Nguyễn Mạnh Hùng dường như không quá quan trọng. Anh chia sẻ: "Viết nhạc thính phòng là công việc tổn hao nhiều tâm sức nhưng cũng mang lại nhiều hạnh phúc nhất. Chỉ có ngôn ngữ khí nhạc mới giúp tôi biểu đạt hết những chiêm nghiệm và triết lý. Tôi viết từ nhu cầu tự thân, nếu không chuyên tâm, không say mê sẽ bị cuộc sống và những lo toan đời thường cuốn đi. Dù nhà còn đi thuê, tiền nhiều lúc phải đi vay, nhưng tôi sẵn sàng từ bỏ những công việc kiếm ra tiền để ngồi viết nhạc giao hưởng. Hạnh phúc với tôi không phải là nhà cửa, ôtô, mà là khi tôi chạm tới những triết lý sâu xa của đời sống bằng ngôn ngữ âm nhạc".

Những thành công của anh được bạn bè và người trong giới nể trọng. Tác phẩm của anh, nhiều khi chỉ mới bắt đầu trên giấy, đã được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đặt hàng dàn dựng. Tuy nhiên, thật nghịch lý là điều đó lại không hề mang đến cho anh những lợi ích vật chất. Với mỗi tác phẩm giao hưởng thính phòng, thường anh phải chuyên tâm mất khoảng 3 đến 4 tháng đóng cửa ngồi viết, ngưng hết mọi công việc khác và có nghĩa, ngừng luôn hết mọi nguồn thu nhập ít ỏi từ việc làm thêm. Nhưng khi tác phẩm được dàn dựng, thù lao mà anh nhận được là 500.000 đồng mỗi lần. Và may mắn nhất thì mỗi tác phẩm cũng chỉ được dàn dựng đến hai lần một năm.

NSND Trung Kiên có lần đã phải dùng đến  từ "lầm than" để mô tả về cuộc sống của những người nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc giao hưởng, thính phòng. Ca sĩ Bích Thuỷ - học trò của ông - là một tài năng opera hiếm có của nước nhà, sau khi được giải thưởng ở Thái Lan, Trung Quốc, trở về Việt Nam cũng không được mấy ai biết đến. Hiện chị đang theo học nâng cao tại Áo, nhưng theo NSND Trung Kiên, chị cũng đang phải sống khốn khó để giữ cho mình tình yêu với nhạc cổ điển, thính phòng.

Điển hình nhất là các nghệ sĩ nhạc công trong Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia, dàn nhạc được đánh giá đứng thứ 2 Đông Nam Á, sau Dàn nhạc Giao hưởng Singapore.

Nghệ sĩ cello Ngô Hoàng Quân, Giám đốc Dàn nhạc hiện đang phải chật vật xoay xở từ nhiều nguồn tài trợ để lên được một lịch diễn đều đặn, tìm cách níu giữ những nhạc công của mình mà ông coi như là những tài sản quý hiếm. Ông cho biết, để trở thành một nhạc công Dàn nhạc Giao hưởng, các nghệ sĩ phải trải qua 16 năm tu luyện từ bậc sơ cấp, trung cấp rồi lên đại học. Và cũng không hẳn đã dừng lại ở đó, nghệ sĩ chơi nhạc thính phòng là khổ luyện không ngừng. Chưa nói đến chuyện áp lực cơm áo gạo tiền và cuộc sống hằng ngày, kể cả những nghệ sĩ có điểm tựa kinh tế gia đình, cũng nhiều người không trụ lại được với nghề bởi chế độ luyện tập khắt khe mà điều kiện biểu diễn thì lại càng... khắt khe hơn nữa.

Hiện Dàn nhạc Giao hưởng có biên chế khoảng hơn 100 nghệ sĩ. Họ thực sự là những tài năng, tài sản quý của đất nước. Nhưng phần lớn trong số họ đều sống một cuộc sống khốn khó.

Cặp nghệ sĩ Nguyễn Thiện Thắng và Nguyễn Diệu Hồng là một ví dụ. Hiện anh chị đang ở trong một căn nhà 30m2 phố Mai Hắc Đế cùng với bố mẹ và gia đình anh trai, chị dâu, trong đó có ít nhất năm người hoạt động nghệ thuật. Chỗ sống của bốn bố con vợ chồng anh là một căn gác xép nhỏ 15m2 nằm vắt vẻo trên tầng hai, cũ kỹ và chật hẹp. Khi chúng tôi đến, cậu con trai đang ngồi đánh đàn bên chiếc piano cũ đặt áp sát vào tường, ngay cạnh cửa ra vào. Căn phòng chật hẹp sát mặt phố ồn ào xe cộ, chứa đủ cả bếp núc, xe máy, đồ đạc chung của cả ba gia đình, vừa là nơi tiếp khách chung, cũng vừa là nơi để cậu con trai nhỏ của anh tập đàn.--PageBreak--

Nguyễn Thiện Thắng sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật, được theo học đàn từ nhỏ (bố anh là nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng Nguyễn Thiện Tơ). Sau khi tốt nghiệp anh về công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng từ năm 1984. Còn vợ anh, chị Diệu Hồng là cây flute hàng đầu của dàn nhạc, từng  chơi solist cùng với dàn nhạc giao hưởng thính phòng châu Âu trong chuyến lưu diễn tại Việt Nam năm 2005. Chị là một nghệ sĩ tài năng, từng độc tấu ấn tượng các tác phẩm kinh điển dành cho sáo như bản Concerto số 2 cung rê trưởng của Mozart, Suite số 2 cung si thứ của Bach, Concerto cung la trưởng của nhạc sĩ nổi tiếng người Nhật Otaka, hay bản sonata của Francis Poulen...

Không ai có thể hình dung nổi, những nghệ sĩ tài năng đó, đang sống và làm nghề trong một điều kiện sống chật vật với mức sống thấp hơn cả người lao động bình thường. Để kiếm sống mà không bỏ nghề, Nguyễn Thiện Thắng từng phải xoay ra làm thợ sửa xe máy ở ngay mặt phố ngôi nhà của mình. Còn Nguyễn Diệu Hồng cũng từng trải qua những ngày tháng đi thổi sáo ở khắp các nhà hàng khách sạn ở Hà Nội. "Bây giờ tuổi đã cao, không còn sức đi lại và cũng không ai thuê mình nữa, với lại những năm gần đây Dàn nhạc có lịch diễn đều đặn nên chúng tôi cũng không còn thời gian để đi làm thêm nhiều ở ngoài. Cuộc sống cũng không có nhu cầu gì nhiều, tạm thế là đủ"- chị Diệu Hồng cười rất tươi nói.

 Bước chân ra khỏi ngôi nhà ở con phố sầm uất náo nhiệt đó, tôi có cảm giác mình vừa bước từ một thế giới khác, nơi chỉ có sự bình an và hạnh phúc đang cư ngụ.

Cũng không hình dung nổi, khi tìm hiểu về đời sống của những nghệ sĩ, nhạc công Dàn nhạc giao hưởng quốc gia, chúng tôi mới thật ngỡ ngàng. Gần như tất cả các nghệ sĩ đều phải sống bằng nghề tay trái. Nghệ sĩ kèn cor nổi tiếng Trần Hoàng Phong là một "thợ" làm máy tiện và kiêm luôn ông chủ quán cafe. Hay như một nghệ sĩ đàn obe lâu năm trong dàn nhạc, Lê Ngọc Bách cũng là chủ một cửa hàng  máy bơm ở phố Trần Quang Khải. Còn nữ hoàng cello của Việt Nam - nghệ sĩ Trần Thị Mơ, từng phải may đình màn kiếm sống và giờ thì phải đi dạy thêm. Có nghệ sĩ phải mở cửa hàng bán quần áo...

Không chỉ những nhà chuyên môn, mà bất cứ ai có chút am hiểu về nhạc cổ điển, đều có thể hiểu rằng, để trở thành một nghệ sĩ thổi kèn hay kéo đàn trong Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia, là không những họ phải trải qua một quá trình khổ luyện hàng chục năm trời, mà còn phải là người thực sự có tài năng. Khó để nói rằng không thể, nhưng vị trí của họ là rất khó để thay thế. Nếu một ai trong số họ, vì lý do gì đó mà ra đi, thì Dàn nhạc không hề dễ dàng để tìm người mới.

Nhưng cũng không ai có thể tin được, những nghệ sĩ tài năng như thế đã từng phải làm thêm nghề sửa xe máy, bán máy bơm hoặc làm máy tiện để kiếm sống. Chưa kể, nhiều nghệ sĩ, vì không thể từ bỏ tình yêu và những thành quả khổ luyện cả đời mình, đành phải chấp nhận "hy sinh" cả hạnh phúc gia đình trước áp lực cơm áo.

Cuộc sống không biết thế nào là đủ, và người ta thường nói, "cơm áo không đùa với khách thơ" nhưng những lý lẽ thường tình ấy  không thể lý giải được cuộc sống của những nghệ sĩ theo dòng nhạc giao hưởng, thính phòng. Sẽ là khập khễnh nếu làm một phép so sánh, khi các nghệ sĩ nhạc thính phòng, giao hưởng ở các nước trong khu vực, lương tháng từ 1.200 USD đến 1.500 USD thì các nghệ sĩ Việt Nam đang được hưởng mức lương ở chế độ cán sự 2 (tương đương trung cấp). Nghĩa là mức lương của các nghệ sĩ cử nhân, thạc sĩ ấy chỉ bằng lương một... y tá. Thu nhập bình quân của các nghệ sĩ chỉ khoảng từ 2 đến 4 triệu đồng, bao gồm cả phụ cấp thanh sắc. Mỗi đêm diễn, dày công luyện tập hàng tháng trời, thù lao cũng chỉ 150.000 đồng.

Chỉ có thể lý giải rằng, những nghệ sĩ đang hoạt động trong dòng nhạc thính phòng, giao hưởng - họ đang làm nghề chỉ với một tình yêu duy nhất. Chỉ có tình yêu với âm nhạc đã níu giữ họ lại. Bởi khi bước lên sân khấu, thì những vất vả nhọc nhằn không là gì cả, đối với họ là sự thăng hoa với từng nốt nhạc, vượt qua cả những gian nan khổ luyện, vượt qua cả những khốn khó đời thường, vượt qua cả những chạnh lòng so sánh... Đó là lẽ sống, niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ, những người một đời âm thầm tự nuôi dưỡng tình yêu cho chính mình và vượt thoát khỏi cái ranh giới mong manh giữa tình yêu nghệ thuật và sự nhọc nhằn của những cuộc mưu sinh.

Chính tình yêu và sự say mê của họ đã gìn giữ cho nền âm nhạc nước nhà những giá trị đỉnh cao. Bởi ai cũng biết, một nền âm nhạc có được đánh giá cao hay không, có được bạn bè quốc tế ghi nhận hay không, người ta lại chỉ nhìn vào sự phát triển và thành tựu của nhạc thính phòng, giao hưởng...

Linh Hà
.
.
.