Khát tìm đào đẹp kép tài

Thứ Ba, 20/07/2010, 15:18
Sân khấu đang chứng kiến một thực tế, dường như lực lượng diễn viên đang già đi mà đội ngũ thay thế rất khó khăn. Sự tươi mới vì thế cũng ít nhiều mất đi.

Câu chuyện của sân khấu luôn là câu chuyện khát tìm những người vừa trẻ, vừa tài, vừa đẹp. Ba thứ đó có vẻ như khó đồng hành. Thầy già, con hát trẻ, đến nay vẫn rất đúng. Nhưng kiếm… con hát trẻ mà đủ sức hút khán giả là nỗi đau đầu của tất cả các ông bầu. Dường như thời nay, người đẹp, người tài đang… trốn khỏi sân khấu…

Thực tế cho thấy, đã có những gắng gượng của các nghệ sỹ lớn tuổi để vào vai những nhân vật nhỏ tuổi hơn mình rất nhiều. Như Thành Lộc với vai Lý Thường Kiệt. Không ai chê khả năng diễn xuất của anh. Nhưng nhìn anh đóng cảnh Lý Thường Kiệt còn trẻ, cảm giác như có gì đó gường gượng. Về ngoại hình. Và cả về những ấn tượng anh đã tạo ra từ cả bề dày thành tích sân khấu trước đó.

Nó làm cho người ta có cảm giác, đúng là Thành Lộc xuất sắc, nhưng nếu vai đó được giao cho một diễn viên trẻ thì sẽ làm cho hình tượng nhân vật đó mạnh mẽ và hấp dẫn hơn. Nhưng, nhìn lại dàn diễn viên trẻ của Idecaf, không dễ kiếm người thể hiện vai đó một cách thuyết phục. Thực tế, hầu hết các vở diễn của Idecaf trong thời điểm hiện tại, các nghệ sỹ gạo cội như Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy… vẫn đảm nhận những vai quan trọng.

Và vì thế, cơ hội cho các diễn viên trẻ cũng khó hơn nhiều. Dàn diễn viên trẻ của Idecaf phải tìm đường từ phim truyền hình. Và thực tế, họ nổi tiếng rất nhanh. Như Hoàng Anh chẳng hạn, mặc dù rất nổi tiếng trên phim truyền hình nhưng trong nhiều vở diễn tại sân khấu này, anh vẫn đóng vai chạy cờ, không thoại câu nào cả. Huy Khánh, một diễn viên có thể nói là ngôi sao được biết đến trong cả nước, nhưng anh cũng chỉ có một vai duy nhất trong "Hợp đồng mãnh thú".

"Thực sự cơ hội cho diễn viên trẻ trên sân khấu chưa nhiều. Nên giữa phim ảnh và sân khấu, chúng tôi buộc phải chọn phim ảnh. Bởi nếu nhận một vai trên sân khấu kịch, chúng tôi sẽ phải tập luyện và duy trì lịch diễn. Trong khi đó, nếu đóng phim chúng tôi có thể làm được nhiều việc hơn. Chưa kể, thu nhập cũng tốt hơn. Tình yêu cho sân khấu còn rất lớn, nhưng khi buộc phải lựa chọn thì mình phải chọn thôi" - Huy Khánh nói.

Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần cũng rơi vào tình trạng tương tự. Người trụ cột các vai nữ chính của nhiều vở trên sân khấu này là Mỹ Uyên- chưa già nhưng cũng không còn trẻ nữa. Lê Quý Bình được coi là một phát hiện mới, nhưng xem Bình diễn vẫn thấy có khoảng cách với thế hệ đi trước, đôi khi anh bị "gồng" quá sức, khiến vai diễn quá căng thẳng.

Thế nên, đôi khi có những vai còn trẻ, nhưng được làm cho cứng hơn một chút và các diễn viên thế hệ trước, như Thanh Hoàng, đảm nhận. Sức diễn của thế hệ Thanh Hoàng là không phải bàn cãi. Nhưng có điều gì đó vẫn tiếc. Nếu có một lứa tài năng mới, hẳn những diễn viên như Thanh Hoàng không phải ráng gồng mình cho vừa vai diễn. Và họ sẽ tìm được những vai hay đúng với lứa tuổi của mình.

Thành Lộc hơi cứng tuổi khi vào vai Lý Thường Kiệt thời trẻ, nhưng rất khó khăn tìm diễn viên trẻ thay thế anh trong vở này.

Nếu xem vở "Số đỏ" của sân khấu kịch Phú Nhuận, sẽ thấy rõ cảm giác ngược pha giữa ông Văn Minh (diễn viên Minh Hoàng đóng) và ông bố mình (diễn viên Xuân Trang đóng). Tuy đóng là con, nhưng Minh Hoàng lại hiện lên như một… người cha, vì ngoại hình có phần… hom hem và thực sự anh đã quá già so với vai diễn ấy.

Đồng thời, Xuân Trang lại quá trẻ để vào vai một cụ già. Nhưng, Xuân Trang lại không thể đổi vai cho Minh Hoàng. Và họ cứ diễn như vậy. Và lại một giá như, nếu có một diễn viên trẻ tuổi, diễn tốt như Minh Hoàng, để vào vai diễn ấy, chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn nhiều.

Nếu theo dõi hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc, sẽ thấy có rất nhiều anh bộ đội bụng bia, những nữ thanh niên xung phong mặt… hằn vết chân chim hay những cô nữ sinh tô xanh lét vẫn không giấu được những nếp thời gian nơi khóe mắt. Vẫn biết sân khấu mang tính ước lệ cao, nhưng sân khấu lại có tính tương tác mạnh với khán giả.

Một diễn viên cứng tuổi mà mặc quần đùi áo phông đóng vai học sinh trung học thì đúng là một… thảm họa. Nó phản tác dụng ghê gớm. Chưa hết, nếu xem các vở diễn lịch sử sẽ thấy các vị vua chúa ôm một mớ bụng trước mặt, đi đứng nặng nề, không hề có dấu vết của… dũng tướng hay bậc quân vương. Và khi ấy bi kịch lại nhuốm màu hài kịch.

Đạo diễn Nguyễn Ngọc Hùng, người quản lý sân khấu Thế giới trẻ, điểm diễn mới tại Trường Cao đẳng SKĐA TP HCM hơn một năm qua chia sẻ: "Thực ra cả sân khấu lẫn diễn viên trẻ, đạo diễn trẻ "hấp dẫn" lẫn nhau. Bởi không phải diễn viên nào sau khi tốt nghiệp ra trường cũng có cơ hội được mời về một sân khấu nào đó. Nếu có thì cũng chỉ được tham gia đóng vai quần chúng.

Nhưng với một sân khấu mới thì ngoài lực lượng diễn viên nổi tiếng, gạo cội cũng cần xây dựng một lực lượng kế thừa. Có ý kiến rằng, thực tế sân khấu tại TP HCM đang già đi, các diễn viên trụ cột đều trên ba chục, còn các đạo diễn trẻ sẽ rất vất vả tìm chỗ đứng ở những sân khấu lớn. Thực trạng đó là có thật, nhưng là ở những năm trước đó.

Hiện tại những người quản lý sân khấu rất chú trọng đến việc xây dựng lực lượng kế thừa. Sân khấu Phú Nhuận đã mạnh dạn đầu tư cho Thanh Thuý, Hoà Hiệp, Thanh Vân, Lan Phương, Huỳnh Đông ... Idecaf đang có Đại Nghĩa, Lê Khánh, Lương Thế Thành ... Sân khấu Thế giới trẻ có Khương Ngọc, Tăng Bảo Quyên, Vân Trang, Lê Phương, Quang Tuấn, Phi Nga ...

Nhưng nói gì thì nói, sân khấu vẫn cần NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Ngọc Giàu, NSƯT Đàm Loan, NSƯT Hồng Vân, NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thuỷ, Minh Nhí, Anh Vũ ... để khán giả yên tâm vào chất lượng vở diễn. Đó là điều mà các diễn viên trẻ cần cố gắng đạt đến. Trẻ và đẹp là yếu tố hấp dẫn, nhưng không phải quan trọng nhất. Những nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng đều chinh phục khán giả bằng khả năng diễn xuất. Nhưng dẫu sao khán giả vẫn thích một diễn viên tài sắc vẹn toàn.

Tuy nhiên, thật sự cái khó thì trăm bề, nhất là cuộc sống "ở trọ" của hầu hết các sân khấu TPHCM sẽ làm hạn chế nhiều mặt về nghệ thuật. Tình trạng chung của những người đầu tư vào sân khấu là chưa có một sân khấu riêng để đầu tư mạnh vào thiết bị kỹ thuật để phục vụ cho vở diễn. Sân khấu kịch bây giờ thì nhiều, nhưng lại không có sự phát triển.

Diễn viên kịch thì bận rộn đóng phim và tham gia nhiều lĩnh vực khác. Để dàn dựng một vở kịch ở thời điểm bây giờ, đạo diễn đôi khi bị "bó tay" vì diễn viên không xếp được lịch tập... Đó là một vài trong những khó khăn của các sân khấu hiện nay. Mong muốn lớn nhất là sân khấu phải có khán giả để tồn tại lâu dài, như vậy diễn viên mới yên tâm mà gắn bó với sân khấu. Nhưng để đạt được mong muốn đó thì cả diễn viên phải tâm huyết với sân khấu.

Mà bây giờ được đứng trên sân khấu không còn là mơ ước của các diễn viên trẻ, vì đóng phim vừa dễ kiếm tiền, vừa dễ nổi tiếng hơn. Nói vậy thì bị quơ đũa cả nắm, bởi vì có nhiều diễn viên trẻ sẵn sàng bỏ show nếu vở diễn có tính nghệ thuật và hấp dẫn được khán giả. Kéo diễn viên trở về sân khấu chính là định hướng của sân khấu chúng tôi. Mặc dù chúng tôi tạo điều kiện dễ dàng cho các diễn viên trẻ, nhưng cũng sẽ tinh giản nếu sau một thời gian, diễn viên đó không thể hiện được khả năng".

Thời nào cũng vậy, những diễn viên tài sắc và trẻ tuổi sẽ luôn được ủng hộ và chào đón. Và một nền nghệ thuật biểu diễn phát triển phải là nơi phát tiết của những tài năng trẻ, đưa họ lên thành những diễn viên thực thụ. Nhưng thế hệ diễn viên lý tưởng ấy đã xuất hiện chưa, với nền sân khấu Việt Nam hiện tại?

Và họ có mặn lòng với sân khấu, khi họ có quá nhiều lựa chọn để thành danh? Đó là tất cả những vấn đề nhân sự mà ngành sân khấu đang đối mặt. Có quá nhiều diễn viên già phải… cưa sừng làm nghé. Nói sẽ là nặng nề, nhưng những yếu tố đó đang góp phần làm sức hút của sân khấu giảm đi rất nhiều…

Thiên An
.
.
.