Hoàng tử Bé và những suy tư người lớn

Thứ Năm, 24/05/2012, 11:01
Ngày 16/5 này, tập bản thảo cuốn sách lừng danh “Hoàng tử Bé” của nhà văn Pháp Antoine de Saint - Exupéry được mang ra bán đấu giá ở Pháp. Tập bản thảo này đã được tìm thấy trong bộ sưu tập của một tư nhân, người cũng không ngờ là mình đang sở hữu một báu vật văn học ở tầm cỡ như thế. Các chuyên gia của nhà bán đấu giá Artcurial đã giúp xác định được nguồn gốc tập bản thảo này. Sơ bộ, giá khởi điểm của tập bản thảo “Hoàng tử Bé” là 50 nghìn euro, cao gấp mười lần giá bản chữ ký của nhà văn Saint – Exupéry.

Cổ  tích cho cả người lớn

Saint - Exupéry từng viết đi viết lại Hoàng tử Bé nhiều lần. Phương án cuối cùng được in thành sách bằng tiếng Anh The Little Prince ngày 6/4/1943 tại New York nhờ nhà xuất bản Reynal & Hitchcock (dịch giả là Katherine Woods). Phải tới năm 1946, nhà xuất bản Editions Gallimard mới in tác phẩm này lần đầu bằng nguyên bản tiếng Pháp.

Tập bản thảo mới được tìm thấy có lẽ được ghi ở thời điểm năm 1941 và có những đoạn không được công bố sau này trong các chương 17 và 19.

Trong tập bản thảo này có kể về chuyến thăm của Hoàng tử Bé xuống trái đất - hành tinh thứ bảy trong cuộc du ngoạn của cậu. Saint - Exupéry viết: “Nếu chúng ta tập hợp tất cả các cư dân của hành tinh này, cả người da trắng, da vàng, da đen, trẻ em, người già, phụ nữ và đàn ông, không bỏ sót ai cả, thì toàn bộ nhân loại có thể đủ chỗ ở tại Long-Island”. Theo ý kiến của các chuyên gia, việc nhắc tới tên “Hòn đảo dài” mà một phần trên đó là thành phố New York, càng cho thấy, chắc chắn tác phẩm này được viết ở chính nơi đó.

Các tư liệu khác cho biết, nhà văn đã thuê ngôi biệt thự The Bevin House ở Asharoken của New York để ngồi viết Hoàng tử Bé. Khi in ra, trong sách cũng có phần tranh kèm theo của chính Saint - Exupéry. Đó không chỉ đơn thuần là những bức vẽ minh họa mà là một bộ phận không thể tách rời và rất hài hòa với nội dung tác phẩm: bản thân tác giả và các nhân vật cũng luôn nhắc tới các bức vẽ và thậm chí còn tranh luận về chúng. Các bức tranh độc nhất vô nhị trong Hoàng tử Bé đã phá bỏ rào cản ngôn ngữ và trở thành một bộ phận giao tiếp hình mà ai cũng có thể hiểu được.

Hoàng tử Bé là tác phẩm được phổ biến nhất của Antoine de Saint - Exupéry. Nó đã được dịch sang hơn 180 thứ tiếng và rất nhiều thổ ngữ. Tính cho đến nay đã bán được tới hơn 200 triệu bản sách Hoàng tử Bé trên khắp thế giới. Năm 1999, báo Pháp Le Monde đã xếp nó ở vị trí thứ tư trong danh sách “100 cuốn sách thế kỷ”. Đây là cuốn sách mà trẻ em đọc rất  thích thú nhưng người lớn cũng có thể rút ra nhiều bài học bổ ích.

Mắt trẻ thâm trầm

Hoàng tử Bé là một câu chuyện cổ tích nhưng lại ẩn chứa rất nhiều hình tượng đầy tính hình tượng về nhân gian. Trong lời đầu chương một, Saint - Exupéry đã viết (bản dịch của Bùi Giáng): “Tôi xin lỗi các bé con, vì đã đề tặng cuốn sách này cho một người lớn. Tôi có một lẽ chân xác để tự bào chữa, và xin được thứ lỗi: người lớn nọ là người bạn chí thiết trong đời tôi. Tôi còn một lẽ nữa: người lớn nọ có thể hiểu hết mọi sự ngay cả những cuốn sách viết cho bé con, người ấy cũng hiểu nốt. Tôi còn một lẽ thứ ba để được tha thứ: người lớn nọ hiện sống ở nước Pháp, và đang chịu đói và rét. Y thật cần được an ủi. Nếu tất cả những lẽ đó không đủ để bào chữa cho mình, thì tôi rất muốn đề tặng cuốn sách này cho đứa con mà xưa kia người lớn nọ vốn đã từng là (nó) vậy. Mọi người lớn, ban sơ, đều đã từng là những bé con. (Nhưng ít người trong số đó ghi nhớ điều kia)”. 

Hoàng tử Bé vốn sống ở tiểu tinh cầu B612, nơi có ba ngọn núi lửa (một đã tắt) và một bông hồng… Rồi một ngày kia, Hoàng tử Bé rời tiểu tinh cầu của mình để đi chu du vũ trụ và thăm một số tiểu tinh cầu khác (có số từ 325 đến 330). Trên mỗi một tiểu tinh cầu đó có một người lớn cư trú và tất cả những người lớn này đều rất kỳ dị trong con mắt nhìn của Hoàng tử Bé. Thí dụ, ông vua “vận xích bào và da lông chồn bạch, nghiễm nhiên chễm chệ trên một cái ngai vàng rất đơn sơ và rất trọng thể”. Ông vua này có tư duy rất tân tiến, đến mức lý tưởng: “Nếu ta ra lệnh cho một vị tướng lãnh phải biến thể ra làm hình hài con chim biển, và nếu vị tướng không tuân lệnh ta, thì lỗi không phải ở nơi vị tướng. Lỗi là ở ta vậy”.

Ở một hành tinh khác, Hoàng tử Bé đã gặp một kẻ cư trú tính tình thích khoe khoang. Đây là kẻ yêu mình tới mức hoang tưởng. Vừa thấp thoáng thấy bóng Hoàng tử Bé, gã đã reo lên: “A! A! Hôm nay là ngày kẻ thán phục mình tới viếng mình kia đó!”. Vốn tất thèm khát được  tung hô nhưng gã lại phải sống ở nơi không có ai khác ngoài gã nên mọi chuẩn bị của gã cho các lễ nghi nhận lời chúc tụng rốt cuộc rất kỳ cục, dấm dớ trong cách nhìn của Hoàng tử Bé… Cậu cũng thấy anh chàng bợm nhậu ở hành tinh tiếp theo cũng kỳ cục không kém vì anh ta suốt ngày đêm dầm mình vào rượu chỉ để quên đi nỗi xấu hổ vì mang tiếng là... bợm nhậu! Hoàng tử Bé cũng kinh ngạc trước ông làm áp phe suốt ngày bận tối mặt mũi chỉ vì việc đếm các ngôi sao mà ông ta cho rằng là của mình… Hoàng tử Bé chỉ duy nhất đánh giá cao người thắp đèn sống trên tiểu tinh cầu bé nhất trong số các tiểu tinh cầu. Tiểu tinh cầu này cứ một phút quay một vòng. Công việc của người này là thắp đèn để chào ngày mới và tắt đèn để chào đêm tới.

Hình minh họa cho cuốn Hoàng tử Bé.

Trước đây, người này chỉ phải sáng tắt đèn và tối thì thắp đèn lên. Thế nhưng, tiểu hành tinh quay càng ngày càng nhanh hơn và đến lúc mà Hoàng tử Bé xuất hiện trên tiểu hành tinh đó, người này không còn lấy một giây để nghỉ ngơi. Mỗi phút phải thắp đèn và phải tắt đèn một lần. Và Hoàng tử Bé đã nghĩ thầm khi rời khỏi tiểu hành tinh đó: “Anh chàng này sẽ bị mọi kẻ khác xem khinh, từ ông vua đến gã khoe khoang, ông bợm nhậu, ông áp-phe. Tuy nhiên, chính chàng mới là kẻ duy nhất mà ta thấy không lố bịch đó. Ấy có lẽ vì chàng bận tâm lo tới những gì khác hơn là chính bản thân mình…”.

Tới tiểu hành tinh tiếp theo, Hoàng tử Bé đã gặp một ông già là nhà địa lý. Thoạt tiên cậu cũng tưởng đó là một nghề thú vị vì “biết rõ biển khơi ở đâu, sông ngòi ở đâu, sa mạc ở đâu”. Thế nhưng, nhà địa lý này lại chẳng bao giờ rời khỏi cái bàn của mình để đi tìm hiểu thực tế vì ông ta bảo ông ta không phải là nhà thám hiểm: “Nhà địa lý đâu có phải là kẻ kê khai toán định những phố thị, những sông ngòi, những núi rừng, những đại dương và những sa mạc. Nhà địa lý quan trọng lắm, có phải giỡn đâu mà lang thang phôi pha tháng ngày đìu hiu đi dạo! Nhà địa lý không rời bàn giấy của mình. Ngồi tại phòng giấy mà tiếp kiến các nhà thám hiểm. Nhà địa lý chất vấn họ, và ghi vào sổ những kỷ niệm của họ. Và nếu những kỷ niệm của một kẻ trong bọn họ xem ra có vẻ đáng lưu tâm, thì nhà địa lý liền cho người đi mở cuộc điều tra về đạo đức của nhà thám hiểm”. Nhà địa lý yêu cầu Hoàng tử Bé mô tả về tiểu tinh cầu của mình để ông ghi chép lại. Hoàng tử Bé nhắc đến những ngọn núi lửa và cả đóa hoa hồng. Thế nhưng, nhà địa lý lại từ chối ghi chép hoa vì “hoa vốn là phù du”. Hoàng tử Bé bị sốc bởi trong mắt chàng “hoa là cái xinh nhất!”.

Và nhà địa lý đã giải thích: “Địa lý lục là những cuốn sách quý nhất trong mọi thứ sách. Chúng chẳng thể trở thành trần hủ, lỗi thời, quá mối bao giờ. Ít khi có cái sự vụ một ngọn núi dời chỗ, di lịch địa điểm. Rất ít khi một đại dương cạn ráo hết nước. Chúng ta viết, chúng ta ghi chép những sự vật thiên thu, những sự vụ vạn đại, những sự kiện vĩnh viễn muôn năm, trường tồn cùng tuế nguyệt”. Khi hiểu ra được kiếp phù du của đóa hồng, Hoàng tử Bé cảm thấy ân hận:  “Đóa hoa của ta là phù du và nó chỉ có bốn chiếc gai nhọn để tự bảo vệ tấm thân trước cõi đời! Thế mà ta đã nỡ bỏ nó lại một mình nơi quê ta!”. 

Rồi theo lời khuyên của nhà địa lý, Hoàng tử Bé tới trái đất, nơi “thường xảy ra những sự vụ ly kỳ và thơ mộng phiêu bồng nhất vũ trụ”. Và  tới nơi, chàng đã nhận thấy đó “không phải một tinh cầu lai rai  như những lai rai tinh cầu! Người ta đếm ra có tới một trăm mười một ông vua tại trái đất (cố nhiên không quên những ông vua da đen) bảy ngàn nhà địa lý, chín trăm ngàn nhà áp phe, bảy triệu rưỡi gã say ca múa cô đơn dưới nguyệt, ba trăm mười một triệu gã khoe khoang lố bịch, nghĩa là khoảng hai nghìn triệu con người lớn…”.

Trên trái đất, Hoàng tử Bé nhìn thấy một khu vườn có rất nhiều hoa hồng và cậu cảm thấy rất đau khổ. Bởi lẽ, đoá hoa hồng ở trên tiểu hành tinh của cậu từng kể cho cậu rằng: “Nàng ta vốn là một cành thiên hương duy nhất trong chủng loại của nàng, một mình lộng lẫy nằm ở giữa vũ trụ bên cạnh càn khôn. Thế mà tại đây, coi kìa, có cả một loạt năm nghìn đóa, giống hệt như nhau, xúm xít trong một thửa vườn sum suê chật ních”.

Và cậu đã đau đớn nhận thức ra rằng: “Ta đã tưởng mình giàu sang vô hạn với một đóa hoa duy nhất, té ra mình chỉ sở hữu có một đóa hồng thông thường mà thôi. Té ra hoa của mình và ba ngọn hỏa sơn của mình sâu chỉ tới hai đầu gối của mình, và một ngọn thì có lẽ tắt ngấm vĩnh viễn, té ra mọi cái đó không đủ khiến cho ta thành một vị hoàng tử lớn lao chi cho lắm...”. Thế là “duỗi thân xuống cỏ”, Hoàng tử Bé đã “nằm khóc miên man”. May sao lúc đó có một con chồn xuất hiện và đã cho cậu một điều bí mật, một cách giải thích khác để cậu thấy rằng, đóa hoa hồng của cậu là duy nhất và đặc biệt vì bông hoa đó đã cảm hóa được cậu. Và Hoàng tử Bé đã kiêu hãnh nói với cả vườn hồng muôn màu ngàn tía: “Các nàng đẹp, nhưng các nàng trống rỗng ở bên trong… Người ta không thể vì các nàng mà chết đi trong ngậm ngùi tưởng niệm. Hẳn nhiên, đóa hồng của ta, một bộ hành đi qua ắt tưởng là nó giống các nàng. Nhưng riêng nó, nó lại quan trọng hơn hết thảy các nàng, bởi vì chính nó được ta tự tay tưới nước. Bởi vì chính nó đã được ta che giữ sau một tấm bình phong. Bởi vì chính nó đã được ta bắt sâu, diệt  bọ (trừ một vài con để lại nhằm những cánh bướm mai sau). Bởi vì chính nó đã được ta lắng tai nghe than vãn, hoặc nghe tán hươu tán vượn diễm kiều tài tử, hoặc đôi lúc lại được nghe cả cái lặng im câm nín như chiều Xuân vắng vẻ thanh hà. Bởi vì đó là đóa hồng của hồn ta tưởng nhớ…”.

Những nhận thức của Hoàng tử Bé thực ra là những lời nhắc nhở cho những người lớn đã vội quên đi tuổi thơ mình mà không biết rằng, đó mới chính là quãng thời gian ta có nhiều suy tư đúng đắn nhất

Phạm Thị Huệ
.
.
.