Há chẳng phải là một lạc thú ở đời đó sao?

Thứ Năm, 07/04/2016, 11:08
Chơi thế mới là chơi. Ngày nọ, một người đàn ông Việt tình cờ biết trên trang Ebay có thông tin quyển sách viết về Nha Trang: Mes trois ans d’Annam của Gabrielle M.Vassal (NXB Hachette - Paris) in năm 1912. Giá khởi đầu của cuộc đấu giá là 8 Euro.

Vì sinh ra tại Nha trang, thích đọc quyển sách đã viết từ trăm năm trước về nơi mình chôn nhau cắt rốn, do đó, ông này tham gia, quyết giành về tay mình. Cuối cùng, ông bỏ cuộc vì số tiền đẩy lên quá cao. Quyển sách quý thuộc về quyền sở hữu của ông Frédérie Pinet, người Pháp. Lập tức, một câu hỏi đặt ra trong đầu: Có thể năn nỉ xin người đang sở hữu quyển sách quý đó bản photocopy? Với dân chơi sách, họ cần gìn giữ, tìm mua cho bằng được bản chính; dân nghiên cứu thì bản nào cũng được, miễn đọc được nội dung trung thực, rõ ràng, không bị cắt xén.

Kết quả ra sao?

“Điều đáng nói là yêu cầu của tôi đã được Frédérie Pinet đáp ứng quá sự mong ước. Một tuần sau, tôi nhận được một bịch lớn gửi từ Pháp sang. Me xừ Pinet đã photocopy hơn 300 trang sách cho không (for free)!”. Nhờ thái độ hào hiệp này, bạn đọc Việt Nam mới được thưởng thức quyển Ba năm ở An Nam hay Nha Trang 100 năm trước (NXB Hội Nhà văn), bản dịch của Nguyễn Nam Huân - chính là người đã nhận món quà trên.

Dân chơi sách cũ nước nhà hiện nay, dẫu có xách dép đuổi theo, còn lâu mới có thể theo kịp sự phóng khoáng, chịu chơi của Frédérie Pinet. Với họ, một khi đã sở hữu quyển sách cũ nào đó là giữ rịt, không cho nhân bản dưới hình thức nào; nếu muốn bản photocopy phải mua với giá cắt cổ, đơn giản chỉ vì mỗi họ độc quyền.

Bạn bè văn nghệ không có cái thói ấy, sẵn sàng giúp đỡ ngay thôi. Mà dân văn nghệ còn có cái hay, dù chưa gặp mặt, chỉ mới đọc của nhau nhưng vừa sơ ngộ đã chứa chan cảm tình. Mới rồi ra Hà Nội dự Đại hội Nhà văn Việt Nam, tình cờ gặp anh Trần Hiền Ân ở nhà ăn tập thể, tay bắt mặt mừng. Mừng vì đọc anh đã lâu, thích những bài anh viết về văn hóa dân gian Phú Yên; mừng vì còn nhớ thời tiểu học đã học thuộc lòng những bài thơ của anh in trong sách giáo khoa. Chẳng hạn, bài Lớp bình dân in trong sách giáo khoa Tân Việt văn lớp 5 do NXB Sống Mới ấn hành năm 1964:

1. Đêm đêm trên các nẻo đường
Từ trong thôn xóm đến trường Bình Dân
Rộn ràng vui những bước chân
Nhấp nhô bao ánh đèn gần, đuốc xa
Giòn giòn tiếng nói câu ca
Bao lời trò chuyện, trẻ già đổi trao.

2. Đồng bào hiếu học làm sao
Mười hôm như chục, hôm nào cũng đông
Bà Tư con bế, con bồng
Tuy rằng bận bịu vẫn không ở nhà
Ông Thừa đã sáu mươi ba
Làm xong bài toán, cười xòa vuốt râu
Người hút thuốc, kẻ nhai trầu
Áo nâu, áo vải đậm màu thôn quê
Anh Bình thật chịu khó ghê
Chăm lo giảng dạy, không hề kể công
Mọi người viết thạo, đọc thông
Ai ai cũng nhớ ơn “ông giáo làng”

3. Khuya về, lúc lớp học tan
Đường thôn lại chói bao hàng sao sa…

“Những bài thơ in trong các bộ sách giáo khoa Tân Việt văn, Việt ngữ tân thư, mình viết lúc khoảng 23, 24 tuổi đó Q à”, anh Trần Huiền Ân nói. Bài học thuộc lòng này chỉn chu quá, gợn lên được không khí của lớp học bình dân ở nông thôn miền Nam, miền Trung thập niên 60. Mẹ của y cũng từng là học viên của lớp bình dân thời “chín năm”. Cái thời trong thơ Nguyễn Bính lúc Tỉnh giấc chiêm bao: “Chín năm đốt đuốc soi rừng/ Về đây ánh điện ngập ngừng bước chân”. 

Có lần mẹ y kể rằng, thời ấy, mỗi sáng trên dường ra đến chợ, có cái “barie” chặn lại, mấy chàng thanh niên đưa ra tấm bảng nhỏ có ghi vài chữ, quý bà, quý cô nào đọc được thì cho đi, bằng không, cắp rổ quay về nhà. Do có sự kiểm tra ngặt này, ai mù chữ, chưa đọc thông viết thạo phải lo mà học. Vài câu ca dao ra đời của thuở phát động phong trào bình dân học vụ:

Lấy chồng biết chữ là tiên
Lấy chồng dốt chữ là duyên con bò

Ai về chợ huyện Thanh Vân
Hỏi thăm cô tú đánh vần được chưa?
Đánh vần năm ngoái, năm xưa
Năm nay quên hết nên chưa biết gì
Lưng trời tiếng sáo vu vi
Vẳng nghe ai học chữ i, chữ tờ.

Thích nhất trong bài Học thuộc lòng của anh Trần Huiền Ân vẫn là câu: “Ông Thừa đã sáu mươi ba/ Làm xong bài toán, cười xòa vuốt râu”, vẽ được giây phút sảng khoái của người nông dân thứ thiệt. Chuyện trò một lúc, hỏi: “Anh có sách gì mới gửi cho Q đọc?”. Hỏi vu vơ vậy thôi, nhưng anh hứa sẽ gửi tặng qua bưu điện. Tưởng hứa cho vui, không ngờ ông nhà văn cốt cách nhà giáo không hề sai lời. Chiều qua đã nhận được tập sách Việc làm nhà quê tại Phú Yên (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội) của anh, ký tên thật là Trần Sĩ Huệ. Đang đọc loáng thoáng. À, thì ra mấy câu thơ này của Bùi Giáng:

Chung quanh bờ nước rập rình
Chiều qua phố chợ mang hình mắt xanh
Chợ chiều nhiều khế ế chanh
Nhiều cô gái lạ bước nhanh hàng hàng
Mắt xanh hình thể điêu tàn
Chào cô gái lạ cô càng lạ thêm.

là ảnh hưởng, lấy cảm hứng từ ca dao Nam Trung bộ:

Chợ chiều nhiều khế ế chanh
Nhiều cô gái lứa nên anh chàng ràng.

“Chàng ràng” là không thể hiện rõ đi hay đứng, cứ quẩn quanh, vướng víu bên cạnh, không rời bước. “Gái lứa”, “con gái, con lứa” chỉ chung mấy cô gái trẻ, còn son rỗi. Hôm nọ, đọc được câu tục ngữ: “Gái có con như bồ hòn có rễ”, nghĩa ra làm sao? Ca dao Phú Yên lại có câu:

Anh ngồi đầm Ô
Ngó vô cửa Mỹ
Thấy miệng em cười mủ mỉ mà thương
Ngọn trầu bò dưới đất là ngọn trầu lương
Bây giờ mới biết nẫu không thương ta rồi.

“Cười mủ mỉ”, chỉ đọc qua, nghe âm vọng lên đã hình dung ra cái miệng cười e dè, rụt rè đáng yêu quá. Nhưng “trầu lương” là trầu gì? Anh Trần Huiền Ân giải thích: “Trầu lương không phải là một loại trầu mà chỉ là đoạn dây trầu bò dưới đất mà người ta tách để trồng ở nọc khác. “Nẫu không thương ta nữa”, nẫu muốn như ngọn trầu lương rời bỏ chốn cũ đi xa. Trong câu gồm cả thể hứng và thể tỉ”. 

Có thể hiểu, “hứng” là thấy cảnh mà gợi hứng sinh tình; tỉ là so sánh. Nhân “trầu lương” nghĩ đến “áo lương” mà đàn ông thời xưa thường mặc. Thế “áo lương” là gì? Là áo dài bằng the, loại vải mỏng.

Chiều hôm kia ngồi quán cùng vài người bạn. Có cả anh Bảy Hoàng - người vừa tặng cho kình ngư Ánh Viên căn hộ ở khu dân cư cao cấp. Khu dân cư này do anh chủ đầu tư, cũng là nơi lần đầu tiên được UBND TP HCM cho phép lấy tên những văn nghệ sĩ nổi tiếng như Thanh Nga, Trịnh Công Sơn, Út Trà Ôn, Huy Cận, Diệp Minh Tuyền… đặt tên đường. Anh kể: “Sở dĩ năm 1999, khi thành lập công ty đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị mới, mình đặt tên Gia Hòa là vì…”. Ngập ngừng một chút, anh nói: “Vì mê… thơ Tường Linh”, nói xong rồi hào hứng ngâm luôn khổ thơ:

Bến mộng Gia Hòa xanh ngát dâu
Áo tơ vàng cũ biết tìm đâu
Con đường dương liễu reo ngày trước
Dương liễu chiều nay vọng nhạc sầu.

Gia Hòa là tên một con sông ở Quảng Nam. Nếu biết thông tin này, ắt nhà thơ Tường Linh sẽ vui lắm đây. Mà sống trên đời, con người ta phải biết mê một cái gì chứ? Nếu không, đời tẻ nhạt lắm, phải không? Thật khâm phục cho cụ Phan Thanh Giản, cụ mê hoa hơn mê gái; cụ Huỳnh Thúc Kháng mê sách hơn mê bạn. 

Trong quyển Phan Thanh Giản (1796-1867), NXB Hồng Đức vừa tái bản, nhà nghiên cứu Nam Thọ Xuân, tức Thế Nguyên, Nhất Tâm, tên thật Nguyễn Bá Thế, có đoạn viết: “Một hôm có quan tổng đốc Vĩnh Long là Trương Văn Uyển đến thăm, nhân vui miệng có hỏi: “Sao quan lớn không dùng hầu thiếp?”.

Thanh Giản đáp: “Tôi không đủ ngày giờ lo việc quốc gia, có ngày giờ đâu mà lo việc hầu thiếp. Tôi chỉ thích hoa quỳ, vì sắc nó đẹp tự nhiên, hương nó thơm dìu dịu, sắc hương người có sánh được đâu. Vả lại, tính nó có rõ ràng ngay thẳng, nó mới dám nhìn mãi mặt trời mà không chút thẹn. Vậy nên tôi yêu quý nó hơn đàn bà đẹp”. Hoa quỳ còn gọi hoa hướng dương, Nguyễn Bính có câu thơ:

Lòng anh như hoa hướng dương
Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời.

Về sở thích của Huỳnh Thúc Kháng, trên Báo Tiếng dân số ra ngày 10/3/1939, cụ tự thuật: “Tôi, một anh học trò gốc sinh trưởng nhà nông nghèo trong thôn quê, đã là cái hoàn cảnh phác dã, thô vụng, khô khan, quê kệch, gia dĩ đặc tính trời phú ham mê về sự học, nửa đời người tôi ngoài văn thơ sách vở ra, gần như không có cái gì gọi là “mỹ cảm”. 

Bởi vậy, trong bạn lứa anh em đồng thời với tôi như cụ Tây Hồ, Tập Xuyên v.v... thường có lời nhạo tôi là “lão phác” vì không biết bốn cái hứng thú mà làng văn thích thưởng ngoạn: Không biết uống rượu. Không biết chơi hoa. Không biết ngắm sắc. Không biết thưởng sơn thủy. Chính cụ Tây Hồ tặng tôi một bài thơ có câu: “Khách lai vô thoại chỉ đam thư” - khách đến không nói chỉ mê sách”.

Ôi những bậc hiền nhân quân tử, sự yêu thích, đam mê của họ cao vời vợi, thanh cao như mây bay trên nghìn ngọn núi. Còn y, y mê gì vậy? Mê gái. Vâng, chỉ mê gái. Vì thế, trong lời tựa của quyển sách Tình éo le mà lý oái oăm mới có câu: “Nếu tự đánh giá về mình, tôi sẽ nói thế nào? Xin thưa: Đó là người cần cù bù thông minh, cũng có nhiều thói xấu khác nhưng lại có ưu điểm rất đáng khen là luôn luôn dại gái”.

Dại gái vì quá mê gái. Há chẳng phải là một lạc thú ở đời đó sao?

Lê Minh Quốc
.
.
.