Giữa đường khuya vang lên một tiếng gọi…

Thứ Năm, 17/09/2020, 10:13
Mấy bữa thành phố mưa nhiều, nên cứ vào cữ chiều tối là lại se se lạnh, cái lạnh kiểu những ngày cuối thu ở Hà Nội những năm nào. Lại gặp đúng đợt dịch bệnh quay lại đe dọa thế này, cả tuần nằm nhà suốt ngày, đâm ra cuồng chân lắm.

Bởi thế, nhận được điện thoại của ông anh, vốn dĩ là chủ một cái quán nhỏ bên lề đường quận nhất, gọi rủ rê "mày ở nhà không làm gì chạy ra anh uống rượu, mới có món này ngon lắm", tôi vội dắt xe ra khỏi nhà. Phố phường vắng vẻ, vỉa hè còn ẩm sau mưa, lạnh lạnh kiểu này, có ly rượu thì đúng là ấm lòng thật.

"Đây, đúng bài nhé", ông anh nhận từ khay của cậu bé phục vụ tròn xoe tô ốc nóng hổi, chén nước mắm gừng, bày hết ra bàn rồi nhanh tay rót rượu. Qua cái làn khói nghi ngút của tô ốc luộc, cái lề đường màu nâu sậm loang loáng sau mưa làm gợi lên bao nhiêu kỷ niệm với tôi. 

Cũng cái nơi này, chục năm trước, còn độc thân, hôm nào tôi cũng ghé uống với anh ly rượu, cho tới tận mờ sáng. Cũng cái nơi này, tôi và bà xã quen nhau qua một người bạn, rồi dắt con ra chơi cùng vài năm sau đó. 

Cũng cái nơi này, bao nhiêu bè bạn đã ngồi bên nhau như một điểm hẹn quen. Thậm chí có lần tôi say, đứng lên nghe điện thoại, hết cuộc thoại thấy bóng taxi lướt qua là vẫy vẫy, lên xe về thẳng nhà ngủ khì mặc cho ông anh thân thiết và ông chủ quán nhìn nhau trố mắt "Ơ thằng này nó đi đâu thế ông nhỉ?".

Ảnh: L.G

"Anh kiếm đâu ra ốc ngon thế? Cứ y như hàng ốc xưa em hay ăn ở ngoài Lê Văn Hưu - Hà Nội", tôi bâng quơ hỏi. "Ừ, có đứa em chiều nay nó gửi cho một bao, còn cả đống trong bếp kia kìa. Lát thích thì tao xào kiểu miền Nam cho mà ăn", ông anh vẫn bỗ bã như thường. 

Tôi thật ra là chúa ghét ăn vặt. Hơn nữa, tôi lại sợ vô cùng, sợ đến ám ảnh cái mùi thức ăn nó dính lên tay. Ấy thế mà riêng món ốc này thì tôi khoái. Mà kể cũng lạ. Thường đàn ông ít ăn vặt nhưng chưa thấy ông mày râu nào nói ghét ốc luộc cả.

 Tôi còn nhớ, có lão Tiến béo suốt ngày chụp đồ ăn đăng facebook, cũng thuộc diện mê ốc luộc thì phải. Ít nhất cũng phải trên 4 lần tôi thấy lão từng đăng ảnh lão bên cạnh tô ốc luộc Hà thành. Mỗi lần nhìn cái ảnh ấy của lão, tôi lại thấy thèm đến chết khiếp.

Mà thực tế, chẳng có mồi nhậu nào phù hợp hơn là ốc luộc thì phải. Nhẩn nhẩn có. Ngọt bùi có. Mằn mặn, cay cay, nồng nồng của mắm gừng tỏi ớt có. Lại thoang thoảng mùi lá chanh nữa. Nó hợp với uống rượu kinh khủng. 

Vả lại, đàn ông nhậu vào thường ăn không nhiều, nếu không nói là rất ít. Họ thích nhấm nháp nhiều hơn. Bởi thế cái món ốc luộc nó mới hợp đến chí lý là thế. Vì nó vừa miếng. Không lớn quá để phải phùng mang trợn má, mất hết cả tiêu sái. Một con ốc, một hớp rượu, là vừa đủ. Thỉnh thoảng háo háo vì uống nhiều, thì lại làm tí nước ốc nóng. Ai nói nhạt như nước ốc chứ bát nước ốc mà cho thêm tí nước mắm gừng vào, húp trôi tận đâu nữa chẳng biết.

Nhớ ngày ở Bắc, thời còn đi học, rồi sau này đi làm, mỗi đận giờ tan tầm đổ về chiều tối của những ngày mùa Đông, mấy quán ốc luộc ở Hà Nội vẫn là nơi tôi cùng chúng bạn lui tới. Uống rượu ăn ốc nó vừa túi tiền bình dân. 

Giữa cái khí lạnh, thậm chí rét buốt, hơi nóng của tô ốc quả là thần thánh thật. Đứng dậy, mỗi ông dăm chục ngàn là dư sức rồi. Ngày ấy vậy mà cũng đã xa quá nhanh, cũng đã hơn hai mươi năm. Tôi vào Nam cũng đã 20 năm rồi. Và giật mình, hình như từ độ vào Nam, giờ mới là lần đầu tiên tôi ăn được tô ốc luộc đúng kiểu ngoài Bắc.

Những suy nghĩ lan man mới mới, cũ cũ cứ thế kéo về, nhất là lại đúng lúc ông anh chủ quán chui vào bếp lụi cụi nấu đồ cho nhóm khách mới tới, tiện thể ông xào thêm mẻ ốc, theo kiểu miền Nam như ông nói. Nhắc đến kiểu ốc miền Nam, tự dưng mới thấy đúng ốc là cái thứ ăn vặt kỳ diệu thật. 

Trong Nam ăn ốc nước mặn, nước lợ nhiều hơn và chế biến cũng đa dạng hơn rất nhiều. Thế giới ốc của miền Nam thật là lý thú. Cách chế biến cũng muôn hình vạn trạng. Và dân xứ Bắc vào chơi trong này lúc nào cũng phải dắt nhau đi làm bữa ốc cho ra trò. 

Thậm chí có nhiều người phương Tây, lúc mới sang Việt Nam, nhìn mấy con ốc gạo, ốc len, cứ cười cười kêu "nó tí nị (tiny) thế này thì ăn cái gì?". Thế mà chỉ mút mút vài miếng thôi đã nghiền. Lúc ấy, nhiều khi tôi chỉ muốn đùa "vâng, xứ các ông ăn miếng nào ra miếng đấy thật. Nhưng xứ các ông sao biết được những thứ tinh tế đỉnh cao như thế này".

Ảnh: L.G

Thoáng, cũng đã gần 11 giờ khuya, khu trung tâm Sài Gòn vắng hẳn. Con đường Lý Tự Trọng hàng ngày vốn dĩ náo nhiệt đến nửa khuya, giờ vì dịch, lại thêm mới sau mưa, tịnh không bóng người. Chợt tôi nhớ mấy đứa bạn, dân ban nhạc, xưa hay đi đánh phòng trà, cữ giờ này cũng đổ về đây nhậu với tôi. 

Giờ phòng trà đóng cửa cả. Chúng nó sống thế nào? Đang nhớ vẩn vẩn vơ vơ vậy, bỗng thoáng thấy bóng ai quen quen chạy ngang quán, nhanh nhưng không vội. Ơ kìa, phải thằng Sơn không nhỉ? Thằng này bằng tuổi, cứ mày mày tao tao suốt. Và tôi bật tiếng gọi oang oang cả phố: "Sơn mìn, Sơn mìn ơi".

Mấy cặp mắt của khách bàn bên quay sang nhìn tôi, khiến tôi cũng bắt đầu sường sượng. Ừ nhỉ, chết thật. Phố đang yên tĩnh thế. Quán xá đang thanh vắng thế. Người ta chuyện trò rỉ rả tế nhị thế, mình "ông ổng cái mồm" (đúng kiểu nhận xét của ba tôi) vô duyên quá mức. 

Đành cười bẽn lẽn như vừa chữa ngượng, vừa xin lỗi. Tôi len lén rút cái điện thoại ra, tìm số thằng "mìn". Chết thật, thời buổi này mà mình còn có thể quên được là có điện thoại để gọi nhau thật sao? Cớ gì cứ phải oẳng cái miệng lên đột ngột đến thế.

Không có bắt máy. Tôi nghĩ chắc mình nhận lầm. Ông anh chủ quán cũng xong trong bếp, đã bước ra ngoài bàn. "Mới gọi ai đấy?", ông hỏi. "Thằng Sơn mìn đánh guitar bass xưa hay ngồi ở đây này", tôi đáp. "À vậy à. Nó có quay lại không? Bảo nó ra uống rượu cho vui", ông anh gợi ý. "Chắc em nhận lầm. Gọi to mồm quá. Xấu hổ phết anh ạ".

Ông anh cười hề hề "có gì mà xấu hổ. Ngày xưa chả gọi nhau thế suốt. Làm gì có điện thoại mà kêu". Câu trả lời của anh làm tôi sực tỉnh. Ừ, đã bao lâu rồi chúng ta không gọi vang tên nhau giữa đường. Cái tiếng gọi ấy nó là niềm hân hoan mà. 

Cái tiếng gọi ấy nó thật sự thân thương mà. Có ồn ào một chút đấy nhưng đúng là nó thân quen như một thời gắn bó đã trở lại. Không phải tôi thanh minh cho mình. Nhưng tự hỏi mình đi, bao lâu rồi ta không cất lên một tiếng gọi bằng hữu hân hoan giữa phố chỉ vì trong tay ta có một phiến nho nhỏ gọi là thông minh?

Chắc cũng không ít người từng trải qua một thời, sáng sáng hay chiều chiều, bè bạn tới nhà tìm nhau, đứng ngoài cửa cất lên một tiếng gọi "ơi" kéo dài lanh lảnh. Để rồi từ ô cửa sổ, hay từ ban công, một ai đó ló ra nhoẻn cười "đợi tớ tí nhé" hoặc là một cánh cổng mở ra như mở một tấm lòng. 

Cái tiếng gọi tên nhau ấy dường như đã chết rồi. Thay vào đó là một cái tin nhắn: "Tới rồi. Đang dưới nhà" hoặc hơn nữa thì cú điện thoại: "Xuống đi" ngắn gọn và vô cảm. Chúng ta quen với vô cảm rồi. Chỉ bởi chúng ta thân với cái màn hình hơn. Cái màn hình ấy nhiều màu, sinh động nhưng thật ra nó lại là thứ chẳng có chút cảm xúc con người nào hết.

Ảnh: L.G

Rồi cả những cái hẹn ăn sáng ngày xưa giờ cũng đã ít dần. Xưa kia, bạn bè sáng ghé tìm nhau, không hẹn trước, gọi ới một tiếng là chở nhau đi kiếm tô bún, tô phở sớm, xong ghé hàng cafe ngồi trò chuyện dù cả trăm ngày trước vẫn gặp nhau chuyện trò. 

Bây giờ thì sao? Nhắn cái tin "Đâu đấy?" là đổ về một quán cafe quen, tiện thì dùng bữa sớm ở đó luôn. Còn đâu cái thú sáng ra dắt nhau đi giới thiệu một cái tiệm mới có gu khẩu vị phù hợp mà lăm răm bữa sớm. Hình như những con người hiện đại đã máy móc hơn rồi. Họ tiết kiệm thời gian ư? Để làm gì khi mà bản thân họ giết thời gian trên bàn phím và màn hình điện thoại.

Tôi dừng mọi suy nghĩ khi có tiếng xe Honda pình pình dừng trước bàn mình. Ô, hoá ra là thằng "mìn" thật. "Hehehehe, Nãy tao có nghe mày gọi, mà tao phải chạy qua đưa đồ ở bên Nguyễn Du. Xong giờ tao ghé lại nè". Rồi kéo ghế, rồi nâng ly. Tiếng gọi của tôi hóa ra vẫn có giá trị, vẫn đúng địa chỉ, vẫn có người bạn để "quay về".

Còn bạn, đã bao lâu rồi bạn không cất một tiếng gọi giữa phố khuya??? 

Hà Quang Minh
.
.
.