Đoản khúc đời thường

Thứ Hai, 15/08/2016, 11:02
Hôm nay là ngày đầu tiên của tháng Ngâu. Đêm qua, mưa suốt ngoài hiên, má nhắc ấu dại đã qua, buồn thương da diết. Sớm ra ngõ, thấy se sẻ rũ lông trên tán khế, bụi hoa dại bông tím li ti. Trong chậu đất mùn ăm ắp nước, đuôi cá bảy màu quẫy lá súng mọng xanh.

Ngẫu nhiên mà nhớ những hôm xưa, thuở sinh viên nghỉ hè vác cần đi nhấp cá tràu dục. Mùa này, cá tràu dục đớp bóng củi mục ven mương, vườn đỏ au chôm chôm, cũng mùa này đường bùn lầy lội. Nhái bén bên bờ hồ động chân người, xao xác nước dưới ao.

Tháng Ngâu những hôm xưa, sẽ viết điều gì đó mà người ta hay gọi là sến sẩm, người ta hay gọi là ngôn tình, những vụn vặt ký ức. Một mái tóc óng ánh ráng chiều, một bàn tay thon ấp ủ chiêm bao, một biệt ly từ tạ.

Vẫn thói quen cũ, mỗi lúc hắt hiu, tôi lại viết những điều bé mọn cho riêng mình.

1. Đoản khúc cũ về má

Mình không biết tâm trạng của ngài Mục Kiền Liên ra sao khi nghe Phật dạy: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu". Chỉ là, điều ấy cho mình cảm nhận rõ hơn cả về sự nhỏ bé của bản thân trước thời gian.

Tất nhiên là lúc nào cũng thương má, bởi sinh ra trên đời, được nuôi nấng dưỡng dục, được chăm bẵm lưỡi lừa cá xương, chỗ ráo cho nằm, được cho giọt mồ hôi mà đôi chân vững, được cho nước mắt mà lớn khôn, được cho cơn đau xé lòng mà thành hình hài, không thương má thì thương ai. Chỉ là tháng Ngâu, trong trập trùng những mưa rắc bụi đường, có tĩnh lặng mà nhớ má nhiều hơn những vụn vặt của đời sống thường ngày.

Ngày má còn nhỏ, chiến sự hai miền, ông bác sĩ người Pháp chích thuốc cho má bị lệch ven. Chân má yếu dần từ đó. Độ sáu năm nay, má không đi lại được. Hai chân ba thành dáng đi của má, bờ vai ba thành chỗ dựa của má. Con cái lớn, tất bật với cuộc sống, chỉ thi thoảng đỡ đần.

Má hay nói, má nợ ba nhiều quá. Mình biết điều này, chỉ là mình nghĩ, vợ chồng nào không duyên số, đời người nào không từ tiền kiếp mà thành. Vợ chồng phải lấy nghĩa làm trọng.

Má ngồi một chỗ, di chuyển bằng xe lăn má mắc cỡ. Thương lắm. Mấy lần má nói, má chưa khi nào được đi máy bay. Mình hỏi, má đi không để con tính? Má lại từ chối, má ngồi xe lăn kỳ. Mình không biết kỳ gì nữa, nhưng má muốn vậy. Biết làm sao.

Ngày mình còn nhỏ, hôm má còn khỏe. Má tấp tểnh nuôi mấy anh chị em mình. Má vun vén từng chút một, má tiện tặn từng chút một. Má xin nhà may vải vụn, cắt vỏ bao thuốc lá làm hình, may mền. Má vô rẫy, gom từng mớ rau lang, trái ổi, bó huệ để mang về nhà bán. Tiền bán được, má cho anh em bỏ heo đất. Đến kỳ nhập học, đập ra may đồ mới.

Mấy anh em lên Sài Gòn trọ học, lần nào về má cũng vui, khi nào đi má cũng buồn. Trong hàng tá bịch nylon lên phố, bao giờ cũng có nồi thịt gà kho của má. Hồi đó, gần như chẳng phải mua gì. Má đều chuẩn bị sẵn.

Mình lập gia đình, cả nhà quyết định má phải lên Sài Gòn làm vật lý trị liệu. Bác sĩ nói, má phải vật lý trị liệu để người linh hoạt hơn. Nhiều năm uống thuốc, má bị parkinson.

Mỗi sáng, ba đưa má sang bệnh viện tập, trưa về lại nhà. Chuyện gì ở bệnh viện má cũng để dành chờ gặp mình kể. Từ người này nuôi bệnh ra sao, người kia vô tình mà vấp phải căn bệnh như thế nào.

Mỗi lần mình đi công tác, má đều hỏi kỹ mấy giờ dậy. Có cần phải đặt đồng hồ báo thức đâu, bởi lúc nào má cũng gọi đúng giờ. Riết rồi, ỷ lại vào má như năm xưa. Nhọc nhằn gì cũng kể với má. Thi thoảng, là ăn vạ má.

Mình in cuốn sách đầu tiên, mang về tặng má. Má nhìn hoài hình bìa, rồi nói: "Má tự hào về con". Chưa bao giờ má nói với mình về điều này, má toàn khen mình đẹp trai hay hào hoa thôi. Má kể, má đọc sách đến đoạn mình nhắc về bà ngoại, má nhớ bà ngoại lắm. Mình thưa, con cũng nhớ bà ngoại.

Lúc ba mệt, mình ngủ với má để có gì má gọi. Má hay nhắc về những người bạn cũ của má, những người đã không còn. Mình cũng nhắc đến những người bạn mới với má, những người bạn má không biết mặt.

Lâu trước, má về quê dài ngày.  Mình đi làm về, nhìn qua cái ghế má hay ngồi, nhìn qua cái giường má ngủ mỗi tối, nhìn cả cái tivi dành riêng cho má, tự nhiên nước mắt cứ ầng ậng.

May mà má về quê vài hôm lại lên, chứ má ngày gió mưa nào đó không hiện hữu ở những chỗ quen thuộc, mình không biết mình sẽ ra sao nữa.

Có đêm khó ngủ, nghĩ đến ngày đó, mình như bị ngạt thở. Những lúc ấy, mình không thiết tha với bất cứ điều gì. Thú thật, có vài khi mình gắt má. Gắt xong, hối hận vô cùng. Mấy lần mình nghĩ, tại sao mình hành động hồ đồ đến mức đó. Giá mà, điều này đừng xảy ra thì hay biết mấy.

2. Đoản khúc cho người

Đêm qua mình đọc, Tùy đàm dạ lục của Hòa Bang Ngạch. Tùy đàm dạ lục thật ra là một tác phẩm phát triển tiếp theo từ Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, nên người ta còn gọi đây là tác phẩm "Hậu Liêu trai". Toàn chuyện buồn thương tiếc nuối, hoang tâm mộng tưởng, quái sự kỳ quặc.

Có lẽ, đêm qua đọc Tùy đàm dạ lục nên sáng nay muốn nghe Trần Tiến hát Bên đời hiu quạnh để da diết, "Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời/ Dù thật lệ rơi, lòng không buồn mấy/ Giật mình tỉnh ra, ô nắng lên rồi".

Lẩn thẩn thế nào lại nhớ những thân phận trong các bài viết của mình.

Nhà chị ở quận 10, chị năm nay đã ngoài năm mươi. Chị chưa một lần lên xe hoa, chị sống với nhịp đều đặn, sáng đến xưởng làm, trưa về nhà nấu nướng, tối lại nghe những bài nhạc trên sóng phát thanh được phát ra từ cái điện thoại Nokia cũ kỹ.

Nhiều năm trước, chị có người yêu. Anh thanh niên thương chị hiền khô, chăm làm, ít nói. Chị cũng yêu anh. Tình đầu mà, ai lại không yêu thương hết mình.

Nhưng với chị, yêu chỉ là yêu thôi. Yêu chỉ là yêu đến mức, khi anh ngỏ lời cầu hôn thì chị từ chối.

Chị từ chối anh rồi, anh như người mất trí. Đêm nào, anh cũng đứng trước con ngõ vào nhà chị, khói thuốc vàng ngón tay, mắt ngước đợi bàn chân quen. Anh chờ đến mờ mịt khuya thì bỏ về.

Anh cứ đứng vậy một thời gian dài. Có lẽ cho đến thời điểm này, anh vẫn không hiểu vì sao chị từ chối làm vợ anh. Và anh cũng không thể nào biết được rằng, đêm anh đứng ngoài ngõ thì trong nhà, chị nhìn qua khe cửa, khóc hết nước mắt.

Chị hỏi mình, có biết vì sao chị từ chối làm vợ anh không. Mình im lặng, lắc đầu. Chị bảo, là vì chị thương em chị.

Em chị là con gái. Cô em gái nhỏ hơn chị vài tuổi, mới sinh ra đã chịu hết thiệt thòi về mình. Cô không đủ trí khôn để đến trường, suốt ngày chỉ ú ớ theo chân chị.

Ba mẹ chị mất sớm, nhà chỉ còn hai chị em. Chị vừa làm mẹ, vừa làm chị, vừa là người thân duy nhất của cô em.

Sáng chị đến nhà xưởng, trưa phải về nhà dọn dẹp, vệ sinh cho em, nấu cơm đút em ăn, tắm rửa cho em... rồi lại vội vàng đến nhà xưởng cho kịp giờ chiều. Tan ca, chị về nhà trọ để lặp lại công việc ấy.

Chị khóc, chị nói là chị thương anh lắm chứ. Nhưng mà thành vợ thành chồng, rồi sinh con, rồi tất bật mưu sinh… chị sẽ không đủ thời gian để chăm sóc cho em gái chị. Mà em gái chị ngoài chị ra, thì còn có ai đâu.

Vậy là, chị chối bỏ hạnh phúc của mình để được lo cho em toàn vẹn.

Ở khu vực chợ Cầu Muối, quận 1, TP HCM có bà cụ đã già lắm rồi. Đêm nào bà cũng xuất hiện tại khu chợ này, ai thuê gì bà làm nấy. Không biết bây giờ bà còn hay đã mất.

Hành trang của bà là cái xe đẩy, dạng xe cút kít có hai bánh đệm bằng cao su. Mấy chị em tiểu thương hiểu rõ hoàn cảnh nên thương bà, họ nhờ bà đẩy ít rau từ chỗ này sang chỗ kia, đẩy ít cải từ chỗ kia sang chỗ nọ.

Sau mỗi lần đẩy xe, họ biếu bà ít tiền, lúc mười nghìn, lúc hai mươi nghìn. Đêm này qua đêm khác, đêm mưa dầm hay gió lạnh, bà vẫn đều đặn công việc ấy.

Bà cũng có gia đình, cụ cũng có con cái. Nhưng, Sài Gòn xa hoa không có nghĩa là tất cả cư dân sinh sống tại đây đều đầy đủ.

Con cái có tất bận mưu sinh của con cái, họ chắt chiu, tằn tiện cũng đủ sức lo cho bà. Tuy nhiên, bà từ chối điều này.

Bà không muốn trở thành gánh nặng cho con cái. Nói như cụ thì, chỉ cần nhìn con cái hạnh phúc, bà đã có thể mỉm cười mãn nguyện. Còn bà, bà có cần gì cho mình đâu. Bà còn sức khỏe, bà còn tự lo cho chính bà được.

Ở chợ Thị Nghè có bà cụ khác. Bà mưu sinh bằng cách nhặt nhạnh những tép tỏi, hành khô của tiểu thương loại đi. Bà dùng dao cau trau chuốt lại cho sạch sẽ rồi bán. Tiểu thương xót cảnh già, thường cố ý loại những tép tỏi, củ hành còn tốt để cho bà. Mỗi ngày, bà kiếm được hơn mười nghìn. Số tiền ít ỏi này, bà để dành nuôi cháu. Cô cháu gái của bà năm nay hơn mười tuổi, cha mẹ rã gánh, quẳng cô lại cho bà.

Thiên tính của phụ nữ là chịu thương chịu khó, chịu nhận hết sự thiệt thòi về mình, chịu mỉm cười bằng hạnh phúc của người mà họ thương yêu.

Thật lạ lùng.

3. Đoản khúc cho tháng Ngâu

Tháng Ngâu lúc nào cũng nhiều dư vị. "Có những buổi chiều vàng hiu hắt gió, những nhớ quên tự dưng lạc về... Là ký ức, ai lại nỡ lắc đầu. Như khi thấy người xưa, ai rảo bước qua mà không ngoái len lén nhìn lại một lần. Như khi nghe tin người xưa, ai nỡ nào bảo vì đêm mà khờ dại, vì vội mà đành thôi. Chớp mắt là qua, đưa tay nhanh mấy cũng không bắt kịp. Nợ nần theo tuổi mà tìm, xa xăm theo chiều mà đến, từ chối là chối làm sao. Như khi thi sĩ họ Du cảm thán: "Con sáo sậu đen/ Sổ lồng bay mất/ Đứa trẻ lên một/ Đứa trẻ lên hai". Nhỡ vướng vào nhau một khắc, trăm năm vẫn cứ luyến lưu. Dẫu lời bớt mềm, dẫu tóc bớt xanh, thì đâu cứ lạnh lùng cho được". 

"Mỗi năm, được nhìn nhau một lần, chạm vào nhau một lần, yêu thương nhau một lần, vuốt tóc nhau một lần, xoa tay nhau một lần. Không phải là đã viên mãn hay sao? Không phải là đã đủ đầy hay sao... Còn gì nuối tiếc mà sầu thương bi lụy. Bởi, đã có bao nhiêu người, đi hết đời này không được nhìn nhau thêm lần nữa? Đi hết kiếp người này, không còn được chạm mặt nhau? Đi hết phần phúc này, không còn nhận được tin nhau?".

Tháng Ngâu, mưa dầm trời, mưa nhòa phố xá, mưa rét căm căm da thịt, mưa mắt em véo vắt, mưa tay ngoan run đến tận nhiều năm sau. Bởi, ai trót ngang qua đời nhau mà chưa từng đi dưới một cơn mưa, chưa siết vai nhau dưới một cơn mưa, chưa trải lòng mình dưới một cơn mưa.

Ngô Kinh Luân
.
.
.