Chuyện chiếc xe đạp

Chủ Nhật, 11/07/2021, 11:00
Nhà tôi có hai chị em, chị gái hơn tôi 5 tuổi, chị đi học sớm 2 tuổi, lên thẳng lớp 3 thời ấy cũng không ai ngạc nhiên. Đa số con cái trong gia đình vất vả thời bao cấp đều đi học rất sớm hoặc rất muộn tới vài năm. Mẹ bận nên chị gái chăm từ bé.


Vào mùa hè tôi thích ăn xôi lạc, chị nặn từng viên xôi bọc hạt lạc vê tròn lại để thằng bé hứng thú hơn việc ăn sáng. Mùa đông chị đứng đợi dưới đường từ sớm mua bánh mỳ... Năm 1983 tôi ốm trận thập tử nhất sinh nằm trong Bệnh viện Nhi Thụy Điển nhiều tháng.

Ngày vào cấp cứu có 7 đứa trẻ cùng viêm não Nhật Bản, 5 bạn mất ngay trong ngày đầu tiên, tôi và  một em nhỏ hơn sống sót nhưng đến ngày tiếp theo bạn ấy hôn mê sâu. Bác sĩ, tiếng khóc, đến bên giường bế các bạn đặt lên băng ca sắt có bánh xe đẩy trôi chậm theo con dốc thoải đi về phía sau bệnh viện. Nhỏ xíu lọt thỏm dưới miếng vải trắng.

Tôi còn quá nhỏ để hiểu được mọi chuyện, chỉ nhớ đã rất sợ hãi. Cuộc sống gia đình xáo trộn, ban ngày tôi ở một mình bệnh viện. Chị gái tôi, cô bé 9 tuổi hàng ngày nấu cơm, cho vào cạp-lồng mang vào bệnh viện cho em mỗi buổi chiều. Kiên nhẫn bón từng thìa, kể chuyện ở nhà cho em giống như việc cho nó ăn sáng với xôi lạc. Chị ngồi chơi với tôi đến chiều muộn khi bố hoặc mẹ vào mới ra về. Đứa bé gái đó đi bộ quãng đường từ Hàng Bông tới La Thành, hơn 20km cả đi lẫn về mỗi ngày, thỉnh thoảng mượn được xe đạp của cô em bố thì đỡ vất vả hơn.

Trẻ con đi bộ xa hồi ấy hình như cũng là việc bình thường. Cho đến bây giờ, khi cả hai chị em đã tuổi trung niên, tôi có việc vào viện từ khám mắt, soi dạ dày, ngộ độc rượu... vẫn luôn gọi điện chị đi với em, phải là chị. Ký ức cũ làm tôi yên tâm hơn, chắc chắn vậy. Tôi chưa bao giờ hỏi chị sao hồi bé đi khỏe thế, không chán à, có mệt không... bởi có lẽ không cần câu trả lời nào cả.

Viết lại một chuyện cũ khi đọc thấy câu chuyện cậu bé đạp xe từ Sơn La về Hà Nội thăm em ốm, cũng trong Bệnh viện Nhi Thụy Điển. Người lớn từng đặt những câu hỏi to tát hay nặng lời mạt sát cậu bé. Hoàn cảnh không may mắn có những trải nghiệm, suy nghĩ riêng của người trong cuộc, chỉ có họ mới biết. Nó sẽ là những kỷ niệm rất đẹp của ruột thịt. Và bản thân cuộc sống cần những trải nghiệm mạo hiểm, nếu vì gia đình thì liệu có cần thiết đặt câu hỏi thêm nữa?

Con người đều lệ thuộc vào nhau, những tia nhân hậu lóe lên dù trong giây lát, không bao giờ được để cho nó thất lạc đi. Bởi nó mang lại sức lực cho những người phải sống trong những hoàn cảnh không may mắn.

Cu Trí
.
.
.