Chơi đời thôi!
Đặt trong toàn bộ trước tác của Tản Đà, hai câu thơ này tựa như một lời hô ứng, một sự bổ nghĩa cho xác tín nhập thế mà đã có lúc nhà Nho Nguyễn Khắc Hiếu từng hoài vọng: nhận mệnh Trời để lo việc “thiên lương” cho nhân loại, trở thành một “Á Châu Khổng phu tử chi đồ mà trong văn chương có bóng mây hơi nước mang đến cho dân xã”. Là thế, nhưng nhìn vào những gì nổi bật nhất mà Tản Đà làm được trong cuộc tại thế năm mươi năm, nhìn vào hành trang cuộc đời và cả những giai thoại mà ông để lại, nhìn vào bộ phận có giá trị lâu bền nhất trong di sản văn chương của ông, lại thấy xem ra có vẻ như… không phải thế. Tản Đà, ông không phải con người hành đạo. Mà chủ yếu ông là con người Chơi. Con người sống để thực hiện triết lý chữ Chơi. Con người coi cuộc đời là một cuộc chơi. Chơi với đời.
Minh họa: Lê Phương. |
Tản Đà có lần đã tự vẽ chân dung của mình, bằng bài Thú ăn chơi, với sự tự đắc không cần che giấu: “Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thời có, cửa nhà thời không/ Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông/ Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly/ Túi thơ đeo khắp ba kỳ/ Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng/ Thú ăn chơi cũng gọi rằng/ Mà xem chửa dễ ai bằng thế gian…”.
Từ đó đến hết bài, tác giả say sưa liệt kê những địa danh mà mình đã đi qua, những sản vật mà mình từng thưởng thức, phong phú đến mức đủ để thấy rằng suốt từ Bắc chí Nam trên dải đất hình chữ S này, không nơi nào mà bàn chân ông chưa từng in vết. Thời ấy, giao thông còn khó khăn, văn sỹ tự do thì vốn nghèo, đi được đến như Tản Đà quả thật đáng mặt là một tay kinh lịch, một kẻ rong chơi có hạng trong làng văn làng báo Việt Nam.
Tản Đà viết Thú ăn chơi khoảng sau 1927 - 1928, tức là sau khi ông làm cho tờ Đông Pháp thời báo của Diệp Văn Kỳ ở Sài Gòn. Thế nhưng trước đó hơn nửa thập kỷ, năm 1921, ông đã kịp tuyên ngôn về triết lý chơi với đời, chơi ở đời của mình: “Ai đã hay đâu tớ chán đời/ Đời chưa chán tớ, tớ còn chơi/ Chơi cho thật chán, cho đời chán/ Đời chán nhau thời tớ sẽ thôi/ Nói thế can gì tớ đã thôi/ Đời đương có tớ, tớ còn chơi/ Người ta chơi đã già đời cả/ Như tớ năm nay mới nửa đời/ Nửa đời chính độ tớ đương chơi/ Chơi muốn sao cho thật sướng đời/ Người đời ai có chơi như tớ/ Chơi cứ bằng văn mãi chửa thôi…”.
Với ba vần “chơi, đời, thôi” được tung hứng suốt bài thơ, những nét cơ bản để làm nên diện mạo của một “ông thần ngông” Tản Đà đã hình thành. Và điểm quan trọng nhất trong sự chơi của Tản Đà, đó là chơi văn (văn chương nói chung, không phân biệt văn xuôi - thơ). Tản Đà ý thức rất rõ tính chất thiên thời địa lợi cho cuộc chơi văn này: “Văn vận nước nhà đương buổi mới/ Như trăng mới mọc, tớ còn chơi”.
Ông đã chơi hết mình, và đã làm nên một cơn gió lạ thổi suốt thi đàn từ
Thực ra, như mọi nhà Nho tài tử chính tông, suốt cuộc đời, Tản Đà chưa bao giờ thôi ngạo thế bằng tài năng văn chương, ông luôn coi văn chương như chỗ hơn người của mình. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội thị dân tư sản, khi mà những điều kiện thuận lợi để người tài tử có thể làm nên một đại công nghiệp (như Nguyễn Công Trứ từng làm được trước đó) đã không còn, khi mà người tài tử chỉ còn được chừa cho một trận địa là văn chương, thì ý thức về tài năng văn chương ở Tản Đà lại càng trở nên đậm nét.
Năm 1912, bị đánh trượt ở trường thi
Và, cũng như mọi nhà Nho tài tử chính tông trong lịch sử - ngoài sự thị tài bằng năng lực “nhả ngọc phun châu”, tất không thể thiếu được những “ân ân ái ái”, những mối tao ngộ giữa danh sỹ phong lưu với khách má hồng - Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu luôn chứng tỏ cái phẩm chất “nòi tình” của mình trong cuộc chơi với đời. Như ông tự thú trong Giấc mộng lớn, lên 5 tuổi, vừa học vỡ lòng chữ Hán đã thích nhất hai câu: “Hoa cù hồng phấn nữ/ Tranh khán lục y lang” (Gái má hồng đổ ra đường hoa, tranh nhau ngắm các chàng áo xanh).
Chớm thanh niên, thi hỏng liền hai khoa, ý trung nhân xuất giá, Tản Đà “chán đời đến cực điểm”, vào ở chùa Non Tiên, làm bài văn tế người đẹp Trung Hoa Vương Chiêu Quân với những câu vô cùng lâm ly bi hận, như thể có bao nhiêu huyết lệ ông đã trút hết để khóc người cách đại dị quốc: “Sắc diễm tuyệt thế/ Minh bạc vô thiên/ Hán cung nhất biệt/ Hồ địa thiên niên/ Thanh chủng lưu hận/ Hoàng tuyền cô miên/ Thương tai hồng nhan/ Y hồ nãi nhiên/ Ô hô Chiêu Quân/ Phương cốt hữu tận/ U hám vô kỳ/ Minh nguyệt độc cử/ Ám vân không thùy…”. (Khi Nguyễn Thiện Kế dịch bài văn tế chữ Hán này ra quốc ngữ, hai câu “Thanh chủng lưu hận/ Hoàng tuyền cô miên” rất đỗi thê thiết đã bị ông nhà thơ trào phúng nghịch ngợm dịch thành: “Mả xanh còn dấu còn căm/ Suối vàng lạnh lẽo cô nằm với ai?).
Có thể nói, về cơ bản “nòi tình” ở Tản Đà giống như một thứ phẩm chất di truyền vậy. Không phải di truyền huyết thống, mà là di truyền văn hóa, sự di truyền của một mẫu hình nhân cách đặc thù trong lịch sử. Cũng như tất cả các tác giả nhà Nho tài tử tiền bối, Tản Đà say mê, thậm chí bị ám ảnh bởi những mối tình tài tử - giai nhân mà kết cục đổ vỡ bất thành dường như đã là tiền định.
Ông say mê đến mức, trong không ít trường hợp, ông đã phóng chiếu cả cái nhìn đậm màu phong tình luyến ái của mình vào những vấn đề “nghiêm túc”, những cảm hứng vốn vượt ra ngoài và rất khác chuyện yêu đương nam nữ. Đó là trường hợp của những bài Thư đưa người tình nhân có quen biết, Thư đưa người tình nhân không quen biết, Thư trách người tình nhân không quen biết, Thư lại trách người tình nhân không quen biết, và đặc biệt là bài Thề non nước. Bài thơ này ra đời năm 1920, và kể từ khi xuất hiện đến nay nó vẫn là một trong những bài thơ gây tranh biện mãi không thôi mỗi khi người ta bàn đến thơ Tản Đà. “Nước non nặng một lời thề/ Nước đi đi mãi không về cùng non/ Nhớ lời nguyện nước thề non/ Nước đi chưa lại non còn đứng không/ Non cao những ngóng cùng trông/ Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày…”.
Nước - Non, Non - Nước, có người đọc ra từ những lời tình tự thắm thiết của cặp hình tượng này một tình cảm đôi lứa khăng khít trong xa cách, lại có người xem đó như sự chuyển vị của một tình yêu nước thầm kín trong bối cảnh đất nước đang bị mất chủ quyền, v.v… Mọi chuyện có lẽ sẽ đơn giản hơn ít nhiều nếu ta chú ý tới đặc tính đa tình, vị tình của con người nhà Nho tài tử trong Tản Đà: ông nhìn và diễn giải tất cả mọi chuyện qua lăng kính phong tình, chuyện gì cũng không thoát khỏi sự vây bủa của chữ Tình. Gây khó cho người đời, có lẽ nào đó lại là một trong những cách Tản Đà đã lựa chọn, để chơi với đời?
Nhắc đến người tài tử Tản Đà và sự chơi ở đời, chơi với đời của ông, cũng không thể bỏ qua được cái thú “chát tom, tom chát” ở xóm bình khang. (Trong bài Thú ăn chơi dẫn trên, bên cạnh những “Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà” và đủ món ẩm thực khác, Tản Đà không ngại kê thêm cả “Con ca xứ Huế, cô đầu tỉnh Thanh”). Thậm chí có thể nói rằng chính môi trường này là nơi mà ông được chơi nhiều nhất: chơi bằng văn, chơi bằng rượu, và thể hiện đến tột độ phẩm chất đa tình, mẫn cảm của bậc danh sỹ phong lưu.
Hầu hết những bài thơ thống khoái nhất trong gia tài văn chương của Tản Đà nảy sinh từ môi trường này. Đó là những bài theo thể hát nói, được viết để cho cô đầu khoe giọng ngay trong cuộc hát, hoặc được viết từ cảm hứng sau những cuộc đi hát. Bài Cánh bèo là một ví dụ: “Bềnh bồng mặt nước chân mây/ Đêm đêm sương tuyết, ngày ngày nắng mưa/ Ấy ai bến đợi sông chờ/ Tình kia sao khéo lững lờ với duyên/ Sinh lai chủng đắc tình căn thiển/ Sự trăm năm hò hẹn với ai chi?/ Bước giang hồ nay ở lại mai đi/ Những ly hợp, hợp ly mà ngán nhỉ…”.
Như chính Tản Đà thích nghĩa, thì: “Bài hát này nguyên tự một khi tác giả chơi trong nhà một người bạn son phấn ở phố Dinh, Hải Phòng, nhân cảm thân thế của người son phấn ấy mà làm ra, đầu bài đặt ra là Cánh bèo, mượn bèo nói người vậy”. Không khó để nhận thấy ở bài hát nói này, Tản Đà cảm thông, chia sẻ với thân phận bèo bọt của người ca nương không phải bằng tư cách một “người tốt” chung chung, mà đó là sự cảm thông, chia sẻ của một kẻ đồng hội đồng thuyền, một kẻ thấm đến tận đáy câu “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”. Dường như, nó cũng là tiếng đồng vọng với bao lời thở than oán trời trách đất của những người tài tử đi trước: “Thương những kẻ giai nhân tài tử/ Trót đa mang vì một chữ tình/ Nghĩ nguồn cơn thẹn với trời xanh/ Tưởng nông nỗi giận cùng trăng bạc…” (Tài hoa là nợ - Cao Bá Quát).
Tuy nhiên, dẫu có thế, ngay cả như thế, thì Tản Đà vẫn không ngừng được cái ý muốn được chơi của mình. Ở phần thích nghĩa, tác giả chẳng ngần ngại khi hết lời tự khen: “Bài hát này đặc sắc ở sự nói bóng. Vẫn là nói bèo mà ra thân thế người giang hồ. Như hai chữ đầu xanh lại tuyệt khéo. Bốn câu mưỡu, mới nghe câu thứ nhất đã thấy bèo ngay, nghe cả câu thứ hai thời thân thế của bèo thực thấy đáng thương tiếc”! Tự khen đến vậy, tưởng trước chưa có tiền lệ, mà sau cũng chẳng ai dám nối điêu.
Xét cho đến cùng, cái sự chơi của Tản Đà, ngoài phần thuộc về cá tính, rốt cuộc cũng chỉ là biểu hiện cho tâm thế cùng đường của một mẫu hình nhân cách văn hóa phải tồn tại trong một môi trường xã hội mà hầu hết mọi khả năng cho sự phát triển lành mạnh của mẫu hình nhân cách ấy đã bị triệt tiêu. Bất tuân phục, vùng vẫy, phản kháng, tìm mọi cách vượt qua những rào chắn để trình bày một cái Tôi trung thành với nguyên bản nhất, trên phương diện nào đó, ở cả những nét cực đoan nhất, sự chơi và cách chơi của Tản Đà mang một ý nghĩa tích cực. Đọc lại thơ ông, cũng tức là nhận thức lại một bi kịch mà nhà Nho tài tử cuối cùng của văn học Việt Nam đã phải mang vác suốt cuộc làm người của mình