Bóng đá Việt Nam nhìn từ AFF Cup 2014: “Xé” nhau, “Xé” đến bao giờ?

Chủ Nhật, 11/01/2015, 14:18
ĐTQG chỉ vừa thua là cả một hội chứng “xé” đã xuất hiện. Trách người “xé” cũng chỉ là một phần, phần còn lại có lẽ phải trách cái khí quyển bóng đá độc hài được dồn nén qua nhiều năm, khiến người ta không thể không “xé” mỗi khi có chuyện.

Đầu tiên là ông chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng “xé” các cầu thủ bằng câu hỏi: “Liệu nội bộ ĐT có vấn đề gì không?” rồi chủ động bắn tin cho một kênh truyền thông ruột của mình rằng: “Chúng tôi sẽ mời cơ quan chức năng vào cuộc”. Chỉ vài giờ sau khi nghe ông Dũng “xé” các tuyển thủ thì chính một bộ phận tuyển thủ cũng “xé” ngược lại ông chủ tịch qua tuyên bố: “Thật tiếc là chúng tôi đã làm việc với những lãnh đạo quá kém”. Nhưng chuyện “xé” đi “xé” lại không chỉ diễn ra giữa ông chủ tịch với các cầu thủ, mà còn lôi cả các HLV, các chuyên gia bóng đá vào cuộc. Và khi một HLV cựu trào trách ông chủ tịch “cạn tàu ráo máng”, rồi trách dư luận cứ nghi ngờ không đúng chỗ thì tờ báo “ruột” của ông chủ tịch lại tìm cách hạ bệ ông HLV bằng cách dẫn lại những tuyên bố hớ của ông ngày trước. Cũng giống như trước đó, tờ báo này không ngại “đánh” chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh khi ông Vinh nói những điều được cho là không vừa ý ông chủ tịch. Tới đây thì chuyện “xé” lại diễn ra với chính những cơ quan truyền thông với nhau theo đúng tôn chỉ: ai cũng phải bảo vệ cái mà mình cho là “công lý” hoặc cái mà người đời vẫn gọi là “mệnh lệnh cấp trên”.

Thế mới biết những đôi chân Malaysia “ác” thật. Những đôi chân xé lưới Việt Nam trong một trận bán kết không tưởng đã dẫn đến cả một hội chứng “xé” trong bóng đá Việt Nam, giữa những đối tượng rất khác nhau và những luồng quan điểm rất trái chiều nhau. Hội chứng này mới không? Xin thưa là không, bởi trong quá khứ cũng từng có khá nhiều những cuộc “xé nhau” như vậy rồi.

Giờ trở lại với cội rễ vấn đề: rốt cuộc thì những nghi ngờ của ông chủ tịch và cái tuyên bố “mời cơ quan chức năng vào cuộc” mà ông nhắc đến liệu có đáng hay không? Nếu chỉ căn cứ vào duy nhất một trận đấu thì chắc chắn là không đáng, bởi thua một trận mà đã quay ra nghi ngờ nhau thì quả là bất ổn. Nhưng nếu đặt trận đấu ấy vào từ trường của một nền bóng đá nhiều bệnh tật thì ông chủ tịch và cả những người hâm mộ cũng có quyền đưa ra những nghi ngờ cá nhân. Trong đời sống hiện đại, con người có quyền nghi ngờ và những người bị nghi ngờ cũng có quyền phản kháng. Vấn đề nằm ở chỗ: tất cả những cái quyền ấy được thể hiện thế nào cho hợp đạo?

Cần nhớ rằng năm 2011, khi tổng công kích VFF để thành lập nên VPF và giành quyền tổ chức các giải đấu quốc gia từ tay VFF thì ông Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên cũng từng nghi ngờ mối quan hệ mờ ám của nhiều ông bầu với nhiều trọng tài, và cho rằng chính sự mờ ám đó đã khiến nhiều trận đấu có kết quả không minh bạch. Nhưng thay vì vội vã công bố cái nghi ngờ của mình cho truyền thông dư luận, ông Kiên chỉ nói điều này trong một cuộc họp bí mật giữa lãnh đạo VPF với các cơ quan chức năng.< /p>

Và chỉ đến khi những cuộc theo dõi, điều tra bí mật cho phép ông Kiên dám thẳng thắn chỉ mặt một số ông bầu về việc: “Các anh từng cho tiền, làm hư trọng tài” thì mọi chuyện mới được hé mở cho báo chí. Chúng tôi nhớ rất rõ hội nghị tổng kết lượt đi V.League 2012, khi ông Kiên đứng giữa cả một rừng phóng viên để nói về việc: “Tôi đã đề nghị các ông bầu từ giờ trở đi không được cho tiền, làm hư trọng tài nữa” thì chính giới truyền thông cũng rúng động, còn nhiều ông bầu đã rơi vào tình cảnh vừa tức, vừa ức nhưng vừa phải nằm im chịu đòn.

Sau một trận cầu “vỡ”, bóng đá Việt Nam “vỡ” cả niềm tin. Ảnh: H.M.

Nhắc lại vụ việc này rồi đặt nó bên cạnh cái nghi ngờ công khai, vội vã của ông chủ tịch VFF hiện nay mới thấy: vẫn là một hiện tượng nhưng cách mỗi người xử lý hiện tượng ấy sẽ tạo ra những diễn biến và những tác động dư luận rất khác nhau. Bây giờ, khi ông chủ tịch Liên đoàn đã trót “đâm lao” với việc công khai “xé” cầu thủ và khi những cầu thủ, HLV, cùng một bộ phận truyền thông cũng trót “đâm lao” với việc “xé” ngược lại ông chủ tịch thì câu chuyện rồi sẽ có hồi kết như thế nào?

Đã có người vội nhìn vào cái kết luận “không có dấu hiệu tiêu cực” của Sportradar - công ty chuyên phân tích dữ liệu thể thao được AFF thuê để mổ xẻ, nghiên cứu thị trường cá độ tại AFF Cup 2014 rồi phán gọn: thế là ông chủ tịch việt vị rồi. Tuy nhiên phải thấy rằng ở Việt Nam thì cá độ (nếu có) không chỉ diễn ra ở những kênh cá cược chính thức có nguồn gốc nước ngoài, mà có thể diễn ra với muôn hình vạn trạng khác nhau, trong đó không loại trừ việc những người cá độ bắt kèo trực tiếp với nhau. Thế nên nhìn vào sự “bình thường, hợp lý” của tỉ lệ kèo và nguồn vốn đổ vào kèo như kết luận của Sportradar để vội vàng tin “mọi thứ không có gì” cũng không hoàn toàn phù hợp với... tình hình thực tế.

Rốt cuộc, vẫn phải chờ những cơ quan chức năng ở Việt Nam - những người rất hiểu bóng đá Việt Nam và thị trường Việt Nam đưa ra kết luận cuối cùng (nếu có). Và trong quãng thời gian mà những cơ quan này chưa thể đưa ra kết luận thì niềm tin của những người tham gia đời sống bóng đá với nhau chắc chắn vẫn sẽ bị tổn thương, và những cuộc “xé” đi “xé” lại chắc chắn không chấm dứt. 

Sang năm 2015 tới sẽ là SEA Games, và sang năm 2016 sẽ lại là một kỳ AFF Cup, liệu cái hội chứng “xé nhau” còn lặp lại nữa không? Nghe đâu những nhà điều hành nền bóng đá đang muốn đưa một thế hệ U.19 được đào tạo tử tế cả về chuyên môn lẫn văn hoá đi dự SEA Games, và nghe đâu sau cái phút ban đầu lấn cấn thì cha đẻ của lứa cầu thủ hy vọng này - ông bầu Đoàn Nguyên Đức cũng đã gật đầu đồng ý.

Nên nhớ, ở VCK U.19 châu Á cách đây chưa lâu, U.19 Việt Nam cũng từng ra quân thua đậm, thua sốc U.19 Hàn Quốc 6 bàn không gỡ. Nhưng vấn đề là U.19 thua thì không ai nghi ngờ còn ĐTQG mà thua như vậy thì dù nói hay không nói ra miệng, chắc chắn vẫn có rất nhiều người muốn “mời cơ quan chức năng vào cuộc”. Sự tương phản ghê gớm đó không nằm ở bản thân các cầu thủ tham gia các ĐT, mà nằm ở cái môi trường “đẻ” ra các ĐT.

Đến nước này thì đúng là chỉ còn biết trông vào mỗi “liều thuốc” U.19. Cái liều thuốc mà với nó chúng ta chưa chắc đã có những trận đấu ấn tượng như sự ấn tượng ở vòng đấu bảng mà ĐTVN từng tạo ra ở AFF Cup năm nay, nhưng với liều thuốc ấy chắc chắn chúng ta sẽ không rơi vào cảnh “xé” nhau khi ĐT không may thất bại. Chỉ mong là những cầu thủ U.19 khi được lấy làm “thuốc bổ” cho cả một nền bóng đá đang bị hoen ố niềm tin thì cũng đừng vì thế mà ảo tưởng về giá trị của mình.

Ở cái môi trường này, khí quyển này, lo vậy không thừa!

Nghĩ và nói

Ngay trong phòng họp báo sau trận bán kết lượt về AFF Cup năm nay, khi ĐTVN thua ĐT Malaysia 1-4, đã có phóng viên hỏi thẳng HLV trưởng Miura: “Theo ông, các cầu thủ có vấn đề gì về tư tưởng đạo đức hay không?”. Câu trả lời chắc nịch của ông Miura: Không!

Ít ai biết rằng trước thềm AFF Cup, trong chuyến ĐT tập huấn tại Bình Dương thì ông Miura thường ngồi trò chuyện, tâm sự với một HLV cựu trào của bóng đá Việt Nam, và từ nhân vật này ông đã được nghe kể về những chuyện rất tế nhị, từ cấp độ CLB tới cấp độ ĐTQG trong những năm qua. Thế nên khi ĐTVN thua không tưởng thì ông Miura thực sự đang nghĩ ngợi như thế nào là điều mà chỉ riêng ông biết. Nhưng rõ ràng, là một ông thầy Nhật Bản với tính cách thận trọng, chính xác điển hình của con người Nhật Bản thì ông đã rất khéo léo khi trả lời là “không”. Nó cũng giống như cái “không” mà ngày xưa những Riedl, Calisto từng nói, dù trong thẳm sâu lòng họ những ý nghĩ thực sự như thế nào là điều thật khó mà đoán biết.

Cần nhắc lại là sau trận chung kết SEA Games năm 2009, khi U.23 Việt Nam thua sốc U.23 Malaysia sau một sai lầm của thủ thành Tấn Trường thì HLV Calisto đã hùng hổ tiến vào giữa sân “bóp cổ” Tấn Trường. Nhưng sau đó, khi điềm tĩnh nhìn nhận lại sự việc thì ông “Tô” lại khéo léo trả lời báo chí: “Ồ, tôi làm thế không phải vì cáu giận cậu ta, mà vì muốn truyền sự mạnh mẽ thôi mà”.

Nói chung từ những nhà cầm quân mang chất châu Âu điển hình như Riedl, mang chất Latin điển hình như Calisto hay chất Nhật điển hình như Miura, tất cả đều rất thận trọng với từng phát ngôn nhạy cảm, và với họ, mọi phát ngôn đều phải thể hiện được sự lý tính tối đa, bất chấp việc đấy có thể là một thứ lý tính mà họ không hoàn toàn tin tưởng.

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.