81 kiếp nạn của nghiên cứu sinh

Thứ Hai, 13/05/2019, 11:16
1. Trên Facebook cá nhân, TS. Nguyễn Việt Cường (Đại học Kinh tế Quốc dân), một trong số ít người Việt lọt vào top 5% kinh tế gia hàng đầu thế giới theo xếp hạng của RePEC, có một ví von gây được chú ý của rất nhiều người về đào tạo tiến sĩ ở nước ta: làm nghiên cứu sinh (NCS) cũng như Đường Tăng đi lấy kinh.


Sở dĩ anh Cường có phép so sánh này là bởi anh ước tính để tốt nghiệp, một NCS ở Việt Nam sẽ phải trải qua quy trình bao gồm 81 bước - tương đương với 81 kiếp nạn của Đường Tăng trên đường thỉnh kinh. Đối sánh với việc đào tạo tiến sĩ (TS) ở các nước phát triển, tôi cũng thấy, một NCS ở đó cũng phải trải qua 81 bước.

Trong bài này, tôi sẽ phân tích điểm giống và khác giữa 81 bước làm NCS Việt Nam và NCS ở các nước phát triển là gì? Hay nói như cách của TS. Cường, “kiếp nạn” của “Đường Tăng” khi lấy “kinh” ở Việt Nam thì khác gì so với ở nước ngoài?

Theo TS. Nguyễn Việt Cường, 81 “kiếp nạn” của NCS ở Việt Nam sẽ bao gồm những bước sau: “1 bài báo để được nhập học + 3 phản biện đề cương + 3 phản biện tiểu luận + 3 phản biện chuyên đề + 7 phản biện hội đồng bảo vệ luận án cấp cơ sở + 2 phản biện kín + Gửi tóm tắt cho 50 tiến sĩ (thu về 15 nhận xét) + 1 thông cáo báo chí + 7 phản biện hội đồng nhà nước + 1 sách + 2 bài báo + 1 kỷ yếu hội thảo. Tổng cộng đúng 81 bước”.

Tôi xin lấy ví dụ về 81 “kiếp nạn” của một người bạn làm NCS ở một nước phát triển để đối sánh như sau: “1 đề cương nghiên cứu khi đăng ký học + 2 thư giới thiệu + 1 bài thi tiếng Anh đầu vào + 1 bài thi GRE (bài thi điều kiện để nhập học nghiên cứu sinh) + 2 vòng phỏng vấn xin học bổng + 1 lần khám sức khỏe + 1 lần xin visa + 32 bài thi/bài luận tương ứng với 16 môn học trong 2 năm đầu (mỗi kỳ 4 môn, 1 năm 2 kỳ, 1 môn có 2 bài thi/bài luận) + 2 bài thi chất lượng để chuyển từ giai đoạn lên lớp sang giai đoạn viết luận văn + 1 lần xin hội đồng đạo đức thông qua kế hoạch nghiên cứu + 2 lần kiểm tra đạo văn luận án + 5 phản biện đề cương 3 chương đầu luận án + 7 phản biện bảo vệ cấp cơ sở + 7 phản biện bảo vệ lần cuối + 8 phản biện hội thảo (4 hội thảo, mỗi hội thảo 2 phản biện) + 8 phản biện cho bài báo khoa học (công bố 2 bài báo, mỗi bài 2 phản biện, mỗi phản biện nhận xét 2 lượt). Tổng cộng cũng đúng 81 bước”.

Minh họa: Hùng Dingo.

Hẳn nhiên là cách tính của TS. Cường cũng như của tôi chỉ có tính ước lệ. Điều đó nghĩa là con số “81” chỉ là con số tượng trưng. Thực tế thì có thể nhiều hoặc ít hơn như vậy, dù là ở Việt Nam hay nước ngoài.

Nhưng dù là ít hay nhiều hơn con số 81 thì tôi và nhiều đồng nghiệp của tôi, những người có cả trải nghiệm về đào tạo TS ở nước ngoài, đều có chung một số nhận định khi so sánh về các “kiếp nạn” mà “Đường Tăng” phải trải qua trên đường đi thỉnh “kinh”.

Cụ thể, chúng tôi đều đồng ý với nhau, thỉnh “kinh” trong nước hay nước ngoài thì đều mệt. Nhưng cái mệt trong nước thì làm “Đường Tăng” khổ sở; còn cái mệt ngoài nước thì tuy mệt nhưng nếu trải qua được thì sẽ thấy sướng. 

Nguyên nhân là bởi “81 kiếp nạn” trong nước thì có quá nhiều “kiếp nạn” liên quan đến thủ tục, hành chính, giấy tờ hơn; còn “kiếp nạn” ở nước ngoài thì phần nhiều là liên quan đến chuyên môn. Xin thử đưa ra ví dụ sau để minh họa:

Với tiêu đề luận án, luận án TS ở Việt Nam là phải chốt trước khi bảo vệ hàng năm trời. Tên luận án sẽ được ban hành trong một quyết định do hiệu trưởng ký với sự tham gia của phòng quản lý đào tạo. Nếu trong quá trình làm nghiên cứu, nếu hướng nghiên cứu bị đổi vì lý do khách quan thì NCS sẽ phải làm đơn và chờ nhà trường phê duyệt đổi tên bằng một quyết định khác.

Tên luận án TS ở nước ngoài hoàn toàn do giáo viên hướng dẫn và NCS quyết định vì phải nghiên cứu xong, có đủ kết quả thì mới có thể biết chắc nghiên cứu của mình bao gồm những gì để đặt tên. Bản thân luận án TS của tôi chỉ được chốt tên trước ngày bảo vệ 7 ngày, do GV hướng dẫn quyết định vào phút chót.

Một điểm khác nữa giữa làm NCS trong nước và nước ngoài là ở chỗ, mặc dù cùng trải qua “81 kiếp nạn” nhưng “81 kiếp nạn” ở Việt Nam trông vậy mà lại rất lỏng lẻo và khi có vấn đề không mong muốn xảy ra thì không biết phải xử lý như thế nào. Điều này khác với “81 kiếp nạn” ở nước ngoài, có mức độ đảm bảo về quy trình và chất lượng tốt hơn nhiều.

Ví dụ, ta vẫn còn nhớ năm ngoái có một sự kiện thu hút nhiều quan tâm của truyền thông, đó là việc một giáo viên thắng kiện Bộ GD&ĐT tại tòa dân sự. Theo đó, Bộ GD&ĐT phải rút lại quyết định không công nhận bằng TS của giáo viên này (bắt nguồn từ kết luận đạo văn trong luận án của ông này trước đó của hội đồng thẩm định).

Điều này nghĩa là, kể cả khi hội đồng chuyên môn đã ra kết luận, việc thu hồi bằng TS của Bộ GD&ĐT vẫn không thể thực hiện được vì trong quy trình thực hiện còn quá nhiều sơ hở, dẫn đến việc tòa dân sự kết luận việc thu hồi là chưa đủ căn cứ.

Điều này hầu như sẽ không xảy ra với đại học nước ngoài, khi để biết có đạo văn hay không đạo văn, người ta chỉ cần đưa vào phần mềm Turnitin, kết quả nếu mức trùng lặp nội dung trên một ngưỡng nhất định (khoảng 10-15%) thì NCS buộc phải sửa lại luận án cho đến khi được thì thôi.

2. Cách đây chừng 5 năm, trên một diễn đàn báo chí, khi được hỏi, giáo dục Việt Nam muốn cải cách thì nên bắt đầu từ đâu. Tôi đã không ngần ngại trả lời ngay: bắt đầu từ đào tạo TS. Giờ đây, nếu được hỏi lại câu trên thì câu trả lời của tôi cũng sẽ không thay đổi. Tại sao vậy?

- Thứ nhất, cải cách thì thường phải bắt đầu từ phạm vi nhỏ, từ đó lan rộng ra. Ở khía cạnh này, rõ ràng đào tạo TS là phù hợp nhất. Nếu bắt đầu từ bậc phổ thông, ta sẽ phải động chạm đến hàng chục triệu học sinh và hàng triệu giáo viên. Nếu bắt đầu từ bậc cao đẳng, đại học, con số tương ứng sẽ là hàng triệu sinh viên và hàng trăm nghìn giáo viên. Ở bậc TS, 2 con số này nhỏ hơn nhiều (dưới 10.000 NCS/năm và chỉ vài ngàn giáo viên hướng dẫn tương ứng).

- Thứ hai, cải cách thì cần tập trung vào những lý do căn bản. Và chất lượng đào tạo NCS chắc chắn là một lý do căn bản và có tác động sâu rộng tới toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam. Nhận thức chung của chúng ta là có thầy giỏi thì mới có trò giỏi. Mà đào tạo TS cũng chính là đào tạo lực lượng giảng dạy chủ yếu của trường đại học, bao gồm cả đào tạo sư phạm (nơi đào tạo giáo viên tương lai cho cả hệ thống phổ thông). Như vậy, việc cải cách đào tạo TS không chỉ giúp cải cách giáo dục đại học mà còn cả cho giáo dục nói chung.

3. Vậy câu hỏi đặt ra bây giờ là với cải cách TS thì cần phải làm gì và như thế nào?

Thực ra, với những người trong ngành thì ai cũng đều biết, việc này đã khởi động từ 2 năm trước, khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT theo đó, điều kiện cần của NCS để tốt nghiệp là phải có ít nhất 1 công trình trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus (là 2 danh mục tạp chí quốc tế uy tín) hoặc 2 bài tại hội nghị quốc tế có phản biện.

Với việc này, thực tế, Bộ GD&ĐT đã thực hiện một việc là “siết đầu ra”. Siết đầu ra tạo ra kết quả ngay tức khắc, nhiều trường đại học trong 2 năm qua chỉ tuyển được số lượng NCS mới bằng 1/5, thậm chí 1/10 trước đó.

Mặc dù vậy, siết đầu ra chỉ là một khâu trong quá trình cải cách đào tạo TS. Nói về việc này, TS. Nguyễn Việt Cường đã có một ví von khá thú vị, cũng trên Facebook cá nhân của anh.

Cụ thể, TS. Cường cho rằng, “Đường Tăng - NCS” ở Việt Nam thì hoàn toàn cô đơn vì hầu như không có ai giúp đỡ; còn ở nước ngoài, “Đường Tăng - NCS” thì giống Đường Tăng trong truyện Tây Du Ký thật hơn, tức là có yểm trợ của 4 đồ đệ, chưa kể đến vai trò của Phật bà Quan Âm và các Bồ tát khác. Diễn giải theo ngôn ngữ thông thường, tôi xin liệt kê một vài yếu tố “yểm trợ” quan trọng mà các đại học Việt Nam còn thiếu, trong việc hỗ trợ NCS để có thể đi đến đích:

Một là, cần có hệ thống thư viện, nhất là thư viện online đủ mạnh để có thể tiếp cận các tri thức cập nhật nhất của nhân loại.

Hai là, cần có hệ thống học bổng đủ lớn để thu hút NCS dành hoàn toàn thời gian, gác lại công việc riêng, làm nghiên cứu tại trường, như một người đi làm bình thường (nếu nhà nước thiếu tiền thì thậm chí có thể cắt bớt ngân sách ở bậc đại học để bù cho phần này).

Ba là, cần có một cơ chế vận hành nhóm nghiên cứu trong đó các NCS, cùng với các học viên cao học và các TS trẻ là những mắt xích quan trọng, dưới sự hướng dẫn các nhà khoa học trình độ quốc tế (nếu không đủ nhà khoa học Việt làm trưởng nhóm thì cần tính đến phương án mời nhà khoa học nước ngoài).

Cuối cùng, cần có một cơ chế sàng lọc NCS nói riêng cũng như toàn bộ hệ thống khoa học nói chung thực sự dựa trên kết quả. Những người có kết quả tốt phải được tưởng thưởng bằng việc được nhiều quỹ nghiên cứu hơn, có vị trí tốt hơn và ngược lại.

Tôi tạm gọi 4 giải pháp trên là “4 đồ đệ” của “Đường Tăng - NCS”. Hẳn nhiên, tôi hiểu kết nạp được “4 đồ đệ” kể trên ở Việt Nam không phải là việc dễ làm một sớm một chiều nhưng đó rõ ràng là việc không thể không làm. 

Phạm Hiệp
.
.
.