Viên chức sống thế nào?

Thứ Năm, 25/07/2024, 13:38

LTS: Tăng lương từ 1/7/2024 có thể được xem là một tin vui đối với nhiều cán bộ, viên chức lĩnh vực công. Nhưng thực sự, tăng lương có phải là giải pháp chu toàn để giúp cán bộ, viên chức đủ sống, và nuôi sống gia đình, hay chưa? Viên chức sống như thế nào, có lẽ chỉ chính bản thân họ hiểu.

Đi làm nhà nước

Trong trích đoạn của một bộ phim cũ rất nổi tiếng về đời sống gia đình Việt Nam những năm 90 thế kỷ trước, có cảnh một cô gái đi thuê nhà. Sau một buổi hàn huyên, gia chủ chốt một câu: “Cô cho thuê không phải vì tiền, mà là vì thấy vợ chồng cháu đều làm nhà nước, tử tế, nên đồng ý”.

Viên chức sống thế nào? -0

1. Tất nhiên đấy chỉ là phim, nhưng “làm nhà nước” đã từng là một trong những thương hiệu cá nhân đáng giá, thậm chí nó rất gần với mơ ước của cuộc sống bấy giờ.

Bố tôi là một viên chức có thâm niên mấy chục năm công tác, và sau khi được vào biên chế của một cơ quan ngang bộ, ông được cấp hẳn một căn nhà tập thể, một biểu tượng của cuộc sống thời bao cấp. Ông có thể sống nhờ lương, tiêu chuẩn thực phẩm tem phiếu, và có chỗ ở đàng hoàng, lo được cho gia đình, vợ con.

Tất nhiên, sau khi ra trường, theo đúng truyền thống một gia đình viên chức cơ bản (mẹ tôi cũng làm nhà nước), tôi cũng muốn theo bước bố mình, và nơi đầu tiên tôi làm việc cũng là một đơn vị nhà nước.

Sau khoảng 6 năm gắn bó, tôi quyết định nghỉ việc. Mức lương vẫn theo phẩy như nhiều năm qua, trong khi áp lực lạm phát đã tăng rất nhiều. Và gia cảnh của tôi không phải dư dả đến độ có thể lờ đi rằng mức lương ít ỏi vài triệu một tháng là đủ sống.

Tôi cũng không muốn phải tham nhũng (kể cả là vặt) để có đủ tiền sống một cách đàng hoàng. Các đồng nghiệp của tôi thường có gia đình hậu thuẫn, hoặc có một cơ sở kinh doanh trái tay, hoặc bét nhất cũng có cái nhà phố cho thuê kiếm mười mấy hai chục triệu một tháng. Tôi thì mọi thứ đều trông vào lương cả. Thế là tôi từ bỏ, và sang làm việc ở một công ty tư nhân, rồi tự kinh doanh cho đến tận bây giờ. Và cuối cùng thì tôi cũng cảm thấy mình đã sống ổn hơn, hơn là cố gắng ở lại một cơ quan nhà nước. Vì tôi cảm thấy nếu cứ kéo dài nữa, rồi mình cũng sẽ phải cố “cấu véo” theo một kiểu gì đó.

2. Tôi chợt nghĩ lại về thời của bố mình. Mức lương hồi đó khá dư dả (ông mua rất nhiều sách, khi đó rất đắt, từ tiền lương), trong khi thực phẩm và chỗ ở đều đã có nhà nước lo, chỉ yên tâm công tác. Vậy thì chẳng việc gì phải rời khỏi khối nhà nước cả.

Nhưng chính ông cũng một vài lần từng nói với mẹ tôi rằng đôi khi cũng muốn thử một công việc khác, nhưng bối cảnh ngày trước không có nhiều cơ hội. Ông kể rằng nếu rời một cơ quan nhà nước, thì thường sẽ chuyển sang một cơ quan nhà nước khác. Bạn cũng không có nhiều lựa chọn để thử sống ngoài vòng an toàn một chút.

Bây giờ thì sao? Sau một thập niên rời khối cơ quan nhà nước, tôi đã thấy nhiều bạn bè mình giờ cũng lục tục… nghỉ việc, đôi khi chỉ vì những công việc khá vu vơ, như là mở một quán trà sữa tự kinh doanh, hoặc lên mạng livestream bán hàng. Không phải ai cũng nghỉ việc vì chuyện lương. Có người chỉ thổ lộ với tôi rằng “không còn muốn theo lịch trình máy móc đi làm nhà nước nữa”.

Thay đổi gì đã diễn ra? Nếu như trước đây, khối nhà nước, giống như trong bộ phim cũ kia, là một thương hiệu có thể đứng trên thị trường nói chung, có lẽ vì thị trường vẫn còn quá ít lựa chọn. Công ty tư nhân còn chưa nhiều, và thị trường lao động khi ấy còn non trẻ. Bố tôi không thể tìm được một lựa chọn đột phá nào hơn về công việc cho cuộc đời của ông.

30 năm sau, làm việc trong khối nhà nước chỉ là “một trong rất nhiều lựa chọn”. Giờ đây, thị trường đã phình to đến mức một người có thể ngồi nhà 24/7 mà vẫn kiếm sống toàn thời gian. Họ có thể lựa chọn công việc không chỉ theo mức lương, mà còn theo sở thích, sự tự do nó mang lại, và… gu cá nhân.

3. Khi đọc những bài viết quan ngại về chuyện ngày càng có nhiều người rời cơ quan nhà nước, tôi lại thấy… hơi vui, vì “đi làm nhà nước” đã không còn đứng ở vị trí độc tôn trên thị trường lao động, mà chỉ là một trong số đó. Bàn tay vô hình của thị trường sẽ làm thay công việc của tất cả: nó đưa tôi ra khỏi khối nhà nước, khi cảm thấy việc tìm một mức lương tốt hơn là cần thiết, trong thị trường lao động trăm hoa đua nở ngoài kia. Nó cũng sẽ đưa một ai đó đủ đầy về tài chính, nhưng muốn tìm kiếm sự ổn định, hoặc đơn giản là muốn làm việc công mà không màng nhiều tư lợi, vào chỗ mà tôi vừa rời đi.

Ở vị trí bình đẳng này, các cơ quan nhà nước khi thiếu hụt lao động cũng sẽ phải điều chỉnh cơ chế để thỏa mãn một mẫu số nhu cầu nào đó, trám chỗ những người đã rời đi. Sự điều chỉnh này là cần thiết, và cũng tốt cho tất cả, vì nó là tiếng nói của thị trường, không phụ thuộc vào chủ quan của một ai.

Phạm An

Những thứ ngoài lương

Lương cơ bản tăng, nhưng liệu điều đó có ý nghĩa gì với việc tuyển dụng người tài của cơ quan nhà nước?

Viên chức sống thế nào? -0

Trên diễn đàn “r/USAJobs”, một diễn đàn dành cho người quan tâm hoặc đang làm việc cho chính quyền liên bang Mỹ, một thành viên đặt câu hỏi: “Lý do chính bạn muốn đi làm nhà nước là gì?”.

Việc tìm hiểu tâm lý “cán bộ” của một đất nước rất khác chúng ta về thể chế, về quy mô nền kinh tế và quan niệm về điều hành, có thể mang lại điều gì? Thực ra, con người ở đâu cũng có một số mong muốn cơ bản, và cách mưu cầu hạnh phúc của hai đầu đại dương có thể chẳng khác nhau bao nhiêu.

Các câu trả lời được bình chọn nhiều nhất, là “Sự ổn định”. Mức lương trong khu vực công sẽ không bằng khu vực tư nhân, nhưng “sự ổn định” là điều hấp dẫn nhất. Sự ổn định ở đây đầu tiên là về vị trí công việc. “Tôi biết rằng ngày mai sẽ không ai đuổi mình vì một lý do vớ vẩn, không có chút bảo vệ nào, như trong khu vực tư nhân”, một người viết. “Có một công việc không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thật là tuyệt”, người khác nói.

Nhưng sự ổn định còn đến theo một cách khác. Họ đồng ý với nhau rằng một ưu thế rất lớn của khu vực nhà nước là “gần như không có quản trị vi mô” (micromanagement). Trong doanh nghiệp tư nhân, cấp trên thường xuyên giám sát từng chút một trong công việc, điều hành vi mô từng đầu việc, nhúng tay vào tất cả – với lý do đơn giản là họ luôn phải phản ứng với các biến động của thị trường, của khách hàng. Rất căng thẳng. Ở khu vực công mọi thứ đã được thiết kế thành quy trình chuẩn trong cả nước. Có quy trình rồi, và rất ít khi thay đổi, cứ thế mà làm.

Những câu trả lời xếp thứ hai, là về phúc lợi ngoài thu nhập. Bảo hiểm đầy đủ, ngày nghỉ được tôn trọng.

Và nhóm câu trả lời thứ ba, sứ mệnh. Bạn biết mình đang phục vụ ai, vì điều gì. “Mục tiêu sống không phải là làm giàu cho một vài cổ đông”.

Cơ bản, nếu đọc hết các câu trả lời của người Mỹ, thì thấy rằng lý do của họ cũng… giống Việt Nam: sự ổn định; phúc lợi; sứ mệnh phụng sự. Và đó cũng là những lý do chính đáng để một thanh niên bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, nghĩ về việc đi làm nhà nước.

Bạn sẽ bắt gặp tâm lý đó ở rất nhiều sinh viên ngành Y, Dược, Sư phạm, Khoa học nhân văn hay ngành Môi trường. Tôi mới dự lễ tốt nghiệp của một cô em họ tại Đại học Dược Hà Nội. Và khi gia đình cùng bàn bạc hay cho ý kiến về con đường tương lai, tôi thấy trong suy nghĩ của cô bé sáng ngời một mong ước: “được làm bệnh viện công”. Không ai định hướng, trong suy nghĩ của một thanh niên mới bước vào đời tự có nhu cầu đó. Tôi là người luôn thiên vị khu vực tư nhân (có lẽ do tính cách tham vọng), nhưng nếu bạn đối chiếu lại với mấy lý do kể trên, bạn sẽ thấy rằng mở mồm ra khuyên cô em về việc làm tư nhân là độc ác. Học ra để chữa bệnh cho nhân dân, hay là để đi làm giàu cho một ông chủ hãng dược nào đó? Học ra để có công việc cân bằng, thời gian sống vui vẻ, hay là vùi đầu trong phòng lab với đủ thứ áp lực doanh thu, sản phẩm từ cấp trên?

Khu vực nhà nước có nhiều lợi thế trong tuyển dụng ngoài lương. Khi chính sách tăng lương mới được áp dụng từ 1/7/2024, nhiều cơ quan thông tấn và nhà quản lý nhấn vào “mức tăng lương lịch sử”, đến 30% để bàn. Nhưng trong tư cách người quan sát, tôi tin rằng việc cho một cử nhân tốt nghiệp đại học mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng chẳng “cao” lên bao nhiêu so với mức sống và tình trạng lạm phát hiện tại.

Cái chúng ta cần suy nghĩ, là làm sao giữ được những lợi thế ngoài lương, để thu hút nhân tài. Lương vốn chưa bao giờ là lý do chính người ta đi làm nhà nước.

Sự ổn định là lý do đầu tiên. Nhưng sự ổn định này tồn tại dưới dạng lý thuyết hay trong thực tiễn? Ở đây và ở kia, chúng ta vẫn đọc được những vụ nâng đỡ “không trong sáng”, và qua đó tất nhiên là tước mất cơ hội của người khác. Chúng ta vẫn đọc về những cán bộ nữ phải đi tiếp khách cho sếp, mặt đỏ bừng bên bàn rượu.

“Không có quản trị vi mô”, không có những cuộc điện thoại gọi dậy lúc 12 giờ đêm giải quyết vấn đề của khách hàng, nhưng vẫn tồn tại đầy những mối quan hệ xin-cho, những mắc mứu tình nghĩa, và đôi lúc quy trình quản trị tại một số cơ quan công, sau khi được thanh tra, hóa ra là quản trị kiểu… gia đình, tức là tùy tâm.

Sự ổn định sẽ chỉ có nếu chúng ta tôn trọng tuyệt đối các nguyên tắc công việc. Mà điều đó dường như vẫn xa xỉ ở nhiều cơ quan công.

Tương tự, “có sứ mệnh” là một lợi điểm của khu vực công. Nhưng chúng ta có giữ được sứ mệnh trên giấy tờ đó? Cuộc chiến chống tham nhũng vạch ra những đường dây ăn tiền nhiều tới mức, cảm giác rằng ăn tiền cho bản thân mới là sứ mệnh của họ. Và nếu so sánh, thì đi làm giàu cho một ông chủ có tầm nhìn ở khu vực tư nhân còn sướng hơn (là đi làm giàu cho một cán bộ cấp trên).

Quá nhiều ví dụ, để thấy rằng sự ổn định, sự chuẩn mực của khu vực công bị bóp méo ở nhiều nơi và nhiều tình huống. Và nếu xem xét kỹ, ta nhận ra rằng nếu sứ mệnh méo mó, quy trình quản trị lệch lạc, quan hệ công việc không trong sáng, thì lương có tăng 300%, bằng hay vượt cả khu vực công, nơi đó cũng không thể trở thành chỗ thu hút người tài.

Vì lúc đó, động cơ duy nhất để người ta đi làm cho nhà nước, chỉ còn nghĩa siêu hẹp của từ “ổn định”, tức là khó bị thất nghiệp. Một nhân sự mà quyết định của anh ta chỉ bị chi phối bởi nỗi sợ thất nghiệp, làm sao là một nhân sự tốt được.

Đức Hoàng

Sống hay tồn tại?

Thế hệ sinh ra trong thập niên 60-70 đã từng có một thời nói chuyện với nhau về lương bằng từ “vé”. Chắc nhiều người chúng ta vẫn nhớ tới cái từ lóng ấy nhưng cũng chắc là khá đông những người ở thế hệ sau không còn biết nó nghĩa là gì. Một “vé”, tức 100 USD, đã từng là đơn vị đo đếm mức lương của thời kỳ mới mở cửa, đầu thập niên 90. Những người đi làm cho các công ty, văn phòng nước ngoài ở giai đoạn đó đã rất hãnh diện với số lượng “vé” mà họ có được từ lương.

Trong một bối cảnh nền kinh tế thị trường mới mẻ tạo ra nhiều cú sốc với cách làm ăn cũ, lương (nhà nước) không được xem là thứ đủ nuôi sống (một cách giản tiện) các gia đình nữa. Và những người không chỉ sống được mà còn mua sắm được tài sản nhờ “lương vé” bỗng nhiên trở thành ngôi sao trong mắt cộng đồng.

Viên chức sống thế nào? -0

Nhưng những người sống được bằng “lương vé” của thời kỳ đó đã lớn lên như thế nào? Đa số họ lớn lên nhờ những đồng lương công nhân viên chức của cha mẹ mình. Thời kỳ ấy đất nước còn rất nghèo nhưng có thể nói nó bình yên thực sự với không quá nhiều mối lo như hôm nay. Những mối lo của các gia đình dường như cũng cùng chung định dạng với nhau cả. Lương để chi trả các nhu cầu cơ bản của một gia đình. Điện, nước được nhà nước miễn phí; học phí cũng miễn phí; sinh viên ngoại tỉnh lên thành phố học cũng không phải trả tiền ở ký túc xá. Tất cả đều được bao cấp đến mức độ các mối lo cũng được cắt bớt. Còn hôm nay, trăm ngàn mối lo kia đổ dồn lên các đôi vai cá nhân trụ cột.

Và hãy nhìn vào bảng lương công nhân viên chức, chúng ta sẽ hiểu rất rõ. Ví dụ, trong bảng lương của giáo viên mầm non chẳng hạn. Mức lương cao nhất, bậc lương cao nhất tính từ 1/7/2024 (giáo viên hạng 1, bậc lương 8/8) ước khoảng 11,5 triệu đồng. Giả sử, một gia đình, hai vợ chồng cùng mức lương như thế, liệu họ có thể sống tự tại không chút âu lo nào giữa đô thị sầm uất, nhất là khi họ còn phải nuôi con?

Nhưng điều chỉnh tăng lương có phải là biện pháp để giải tỏa mọi nỗi lo cho cán bộ công nhân viên chức và khiến họ ung dung tự tại mà sống thay vì tồn tại trong ngàn nỗi lo hay không? Ngân sách không thể nào đáp ứng được đủ đầy những nhu cầu quá lớn ấy. Đó mới chỉ là nói đến đáp ứng các nhu cầu đơn giản chứ đừng vội nói tới chuyện so sánh với khối tư nhân hay nước ngoài. Làm cách nào để bù đắp? Đó là một bài toán rất khó không chỉ cho lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo ngành mà ngay cả với những lãnh đạo ở cơ sở.

Tăng lương cũng chỉ như muối bỏ bể. Chính phủ đã áp dụng 4 lần cải cách tiền lương kể từ thập niên 60 (1960, 1985, 1993, 2003) và vừa rồi là lần cải cách tiền lương thứ 5. Qua 5 lần cải cách tiền lương vẫn chưa thể nào bù đắp lại được so với lạm phát và vật giá leo thang, nhất là khi tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường. Như vậy, có cải cách thêm đi nữa cũng chỉ như đuổi hình bắt bóng và không giải quyết được cốt lõi vấn đề.

Người lao động hiện nay có chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… khá đầy đủ và họ có thể tạm gác được nỗi lo phần nào dù rất nhỏ. Chính sách miễn học phí bậc tiểu học, thậm chí là cả bậc trung học cơ sở (ở một số nơi), cũng chỉ giúp được người lao động bớt thêm phần nào chứ không khiến họ thoát khỏi âu lo cơm áo gạo tiền. Một đứa trẻ được miễn học phí nhưng nó muốn đến trường vẫn phải đóng nhiều thứ tiền khác. Chính sách bảo hiểm y tế có thể bao trọn gói việc khám chữa bệnh cho từng cá nhân có tham gia bảo hiểm nhưng nếu bệnh cần thuốc đặc trị, không có tiền túi bỏ ra, không thể được chữa trị dứt điểm.

Đó là còn chưa nói đến bệnh nan y và các tiêu cực vặt vãnh khác trong ngành y. Và cơ bản, số bệnh viện ở tiêu chuẩn điều trị trung bình thôi cũng vẫn còn thiếu, nhất là ở các địa phương hoặc vùng sâu vùng xa. Mà khi có bệnh thì phải vái tứ phương. Muốn hiệu quả, muốn đỡ tốn thời gian, công sức để có thể tập trung lao động kiếm tiền, chỉ có cách vào bệnh viện tư hoặc bệnh viện quốc tế cho nhanh. Và gió tầng nào thì mây tầng đó. Chỉ cần một ca khám đau bụng thôi, một bệnh nhân cũng có thể mất vài triệu đồng ở một bệnh viện tư hoặc bệnh viện quốc tế. Số tiền ấy có thể “liếm sạch” nửa tháng lương của họ trong khi những định phí của gia đình như thực phẩm, điện nước, học phí, đi lại… thì vẫn buộc phải chi trả đúng định kỳ.

Đa số bác sỹ ở các bệnh viện sang trọng kia đều tới từ các bệnh viện công, theo diện làm thêm. Và họ đi làm thêm vì lý do nào? Lương công chức y tế của họ không đủ để nuôi sống gia đình. Mức lương cao nhất của bác sỹ kể từ sau 1/7/2024 là 18,7 triệu đồng, khoản tiền mà người ta vẫn nói vui “vừa vào túi xong đã đánh rơi đâu mất rồi”.

Cuối tháng 5 vừa rồi, báo chí có đưa tin “Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh có mức học phí ngành học cao nhất lên tới 181 triệu đồng/năm”. Trong bảng học phí đó, ngành học thuộc diện rẻ nhất cũng là 35 triệu đồng/năm. Với mức học phí như vậy, chúng ta có thể nghĩ rằng cán bộ công nhân viên chức nhà nước sống an tâm nổi khi con cái vào ngưỡng cửa đại học chăng? Nhà có 2 đứa con đi học đại học, coi như một năm mất trăm triệu học phí, chưa kể các khoản chi khác.

Và nghịch lý nảy sinh ở điểm này. Giả sử, sinh viên sử dụng tín dụng sinh viên ưu đãi để vay chi trả học phí đại học chẳng hạn, với mức so sánh học phí ở Đại học Luật TP Hồ Chí Minh làm cơ sở, khoản vay 140 triệu cho 4 năm sẽ được trả thế nào sau khi họ ra trường và có việc làm ngay ở cơ quan nhà nước? Nếu họ là công chức loại A1, họ sẽ nhận được khoảng 5,5 triệu đồng/tháng ở 3 năm đầu mới tốt nghiệp và đi làm. Sau đó, họ được lên lương thành 6,2 triệu đồng/tháng. Như vậy, phải mất 3 năm đầu không ăn, không tiêu, không chi bất kỳ khoản nào từ lương họ mới trả được hết nợ tín dụng sinh viên. Đây thực sự là một điều kiện không tưởng bởi với mức lương 5,5 triệu đồng/ tháng, e rằng nếu không có chu cấp từ gia đình, họ không thể tồn tại quá vài tháng.

Rõ ràng, công nhân viên chức, lao động của các cơ quan nhà nước rất cần các hỗ trợ khác ngoài lương, mang tính bao cấp hoàn toàn thì may ra họ mới có thể an tâm sống mà làm việc một cách công chính được. Nhược bằng không, sẽ lại vẫn là tình trạng muôn thuở mà chúng ta hay nói “có ai sống nhờ lương đâu” để dẫn dắt họ tới một trong hai con đường: hoặc là thoát khỏi khu vực công để kiếm sống bên ngoài; hoặc là tham gia vào các đường dây tham nhũng từ vặt vãnh cho tới ra tấm ra miếng.

Để cán bộ, công chức, viên chức được sống hay tồn tại, đó là câu hỏi cần cả hệ thống phải tham gia vận hành, nhất là khi tăng lương chưa bao giờ là một giải pháp thực sự thỏa đáng.

Hà Quang Minh

.
.
.