Ứng xử thế nào với di sản văn hóa?
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với nhiều nội dung mới, trong đó lần này đặc biệt nhấn mạnh di sản văn hóa là một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đang đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản trước sự thúc ép phát triển hạ tầng đô thị tại nhiều địa phương và sự nhận thức chưa thực sự đầy đủ, trách nhiệm của các bên liên quan.
1. Nói cho thật công bằng, trong nhiều thập niên qua di sản văn hóa đã được quan tâm bảo vệ, bảo tồn và phát huy; nhiều di tích có giá trị thoát cảnh xuống cấp nghiêm trọng, mang lại doanh thu lớn thông qua thu vé tham quan, coi đó là một trong những nguồn lực quan trọng...
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra theo hướng "đi dọc Việt Nam", hay khu trú vào từng điểm di tích, di chỉ cụ thể tại không ít địa phương, chúng ta còn thấy chứa đựng rất nhiều điều phải suy ngẫm. Bởi lẽ, tuy nhận thức về giá trị di sản văn hóa đã được nâng lên ở nhiều cấp độ, hành lang pháp lý bảo vệ tương đối đầy đủ và đồng bộ, song xuất phát từ nhiều lý do, sự ứng xử với di sản của tiền nhân vẫn chưa tương xứng với nhiều lĩnh vực khác. Xin dẫn một vài bằng chứng.
Trung tuần tháng 11 vừa qua, chúng tôi lại có dịp đến hiện trường đang khai quật cụm di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (Hoài Đức, Hà Nội) và dự buổi làm việc về nội dung đánh giá sơ bộ kết quả bước đầu, đưa ra giải pháp bảo tồn với sự có mặt của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa...
Sau khi "mục sở thị" một số hố khai quật chứa đựng nhiều mộ cổ cùng vô số đồ tùy táng ở tầng văn hóa cách nay hơn 2.000 năm, nhiều ý kiến đánh giá "trên cả tuyệt vời", rồi lãnh đạo Bộ, ngành, cơ quan chức năng của TP Hà Nội và các chuyên gia vào làm việc, để nghe đơn vị chủ trì khai quật báo cáo kết quả, đề xuất biện pháp; đưa ra một số kiến nghị nhằm tìm hướng bảo tồn trong tương lai. Tuy nhiên, buổi làm việc lại diễn ra khá chóng vánh, bước đầu ghi nhận kết quả khai quật với nhiều giá trị quý hiếm, "một dạng khu khảo cổ hoàng thành Thăng Long thứ hai", còn biện pháp tiếp theo cần phải... đợi đến một cuộc họp khác với lãnh đạo TP Hà Nội với đầy đủ ban bệ...
Sao lại như vậy? Có thể nói đây là cuộc họp được đơn vị chủ trì khai quật, nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu rất trông chờ bởi lẽ họ rất mong có sự "phán quyết" của cơ quan Bộ, ngành có thẩm quyền về số phận di chỉ Vườn Chuối, nếu không mọi thứ vẫn đang mong manh lắm. Nghĩa là, chỉ còn mấy tháng nữa cuộc khai quật "chữa cháy" 6.000 m2 phía Tây phải hoàn thành để nhường mặt bằng thi công dự án đường vành đai 3,5 ở Hà Nội. Mấy trăm ngôi mộ cổ sẽ phải ứng xử ra sao? Có được tiếp tục khai quật sâu xuống để tìm kiếm di tích, di vật hay không? Mấy nghìn mét vuông còn lại ở phía Đông của di chỉ Vườn Chuối sẽ được định liệu thế nào, xếp hạng di tích không?
Giới chuyên môn đánh giá, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối là "di tích siêu quý hiếm", lần đầu tiên phát hiện được một ngôi làng cổ có niên đại hàng nghìn năm, liệu có được bảo tồn nguyên trạng tại chỗ theo hướng nắn đường vành đai 3,5 hay chuyển toàn bộ di tích, di vật về bảo tàng? Bao nhiêu vấn đề hiện đang chất chứa tại di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, khiến người "trong cuộc" đứng ngồi không yên.
Nguyên do dẫn đến chưa thể "chốt" tại buổi làm việc hôm đó là bởi Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, cơ quan quản lý di sản văn hóa trên địa bàn không tham dự với lý do có cuộc họp quan trọng khác, chỉ cử phòng chuyên môn đến ghi chép, về báo cáo lại. Ngay lúc đó lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, cuộc khai quật mang lại nhiều kết quả, giá trị quan trọng như thế đang nằm trên địa bàn Hà Nội mà họ không có mặt để bàn cách ứng xử với di sản thì không thể mang lại hiệu quả tích cực. Vì thế, cần sớm tổ chức một cuộc họp khác, có sự tham dự của cơ quan, chính quyền TP Hà Nội.
Nghĩ cũng phải, Hà Nội đang sở hữu một di sản văn hóa của tiền nhân như thế, lại đang nắm trong tay quyền quản lý, thậm chí quyền định đoạt mà không đến dự buổi làm việc thì có thể trách ai? Phải chăng, đây là cung cách ứng xử với di sản văn hóa của cha ông? Hôm đó nhiều nhà nghiên cứu thở dài ra về với vẻ mặt thất vọng. Điều đáng buồn nữa, kể từ khi phát hiện, khai quật đến nay, giới chuyên môn thì đặc biệt quan tâm, thậm chí viết đơn "cầu cứu", còn nhà chức trách của Hà Nội lại chưa một lần đến hỏi han...
2. Câu chuyện di tích Giếng Ngọc gắn liền với truyền thuyết Mỵ Châu bị "mất tích", nói cho thật chính xác là bị xóa sổ khỏi thực địa hơn một thập kỷ qua khi các bên liên quan cho làm đường trên địa bàn xã Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa), làm cho ai nấy ngạc nhiên, bức xúc, nhưng cuối cùng cũng không ai hề hấn gì về trách nhiệm. Giếng Ngọc nằm dưới chân núi Biện Sơn ở phía Tây Nam của xã Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa), thuộc cụm di tích lịch sử, thắng cảnh Nghi Sơn (Biện Sơn) đã được xếp hạng, nơi gắn với truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy và An Dương Vương có lịch sử hàng nghìn năm.
Vừa nói chuyện với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn vừa dẫn đường tìm nơi Giếng Ngọc tọa lạc. Tại vị trí cổ xưa, ông Thương khẳng định, đây chính là nơi di tích Giếng Ngọc gắn với truyền thuyết Mỵ Châu. Di tích Giếng Ngọc đã không còn tồn tại, chỉ còn là bãi cỏ mọc um tùm rộng chừng 30 m2, lòng giếng đã bị vùi lấp bằng phẳng. Người dân trong vùng cho hay, Giếng Ngọc có đường kính 1m, thành giếng được lắp ghép bằng đá, luôn có nguồn nước trong mát, được người dân sử dụng suốt bao thế hệ nay.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thương, di tích Giếng Ngọc nằm ở vị trí đặc biệt, dưới chân núi Biện Sơn và cạnh biển. Trước đây, nơi này vẫn thường được người dân ghé thăm thường xuyên. Vậy mà, từ khi dự án cảng nước sâu Nghi Sơn đi vào thực hiện, cùng với đó là việc mở rộng đường ra cảng thì di tích bị vùi lấp. Giếng Ngọc đã bị vùi lấp từ năm 2001, đến năm 2008, một số người dân đã tự khảo sát và tìm lại được Giếng Ngọc. Sau đó, họ đóng góp tiền của, công sức khôi phục lại Giếng Ngọc và dựng lên một tấm bia. Tuy nhiên, năm 2014, sau khi triển khai mở rộng đường thì Giếng Ngọc một lần nữa bị vùi lấp hoàn toàn.
Sau khi dư luận lên tiếng, chính quyền các cấp vào cuộc chỉ đạo sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý, báo cáo cấp thẩm quyền. Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa khẳng định di tích Giếng Ngọc đã bị "khai tử" từ cách đây rất nhiều năm, khó có biện pháp khôi phục như ban đầu, đồng thời đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị cá nhân có liên quan trong việc để di tích này bị vùi lấp, hư hại, tiêu hủy.
Năm tháng cứ thế trôi qua, di tích vĩnh viễn không thể lấy lại được, hạ tầng cơ sở dẫn vào cảng Nghi Sơn đã hoàn thiện từ bao lâu, còn những tổ chức, đơn vị và cá nhân liên quan đến việc xóa sổ di tích vẫn bình yên như vậy, chẳng ai hề hấn gì. Người dân bao lần làm đơn kiến nghị cho phép phục hồi lại di tích Giếng Ngọc như gửi thư vào chỗ trống. Trong khi đó, căn cứ vào các quy định của pháp luật, hành vi tiêu hủy, xóa sổ di tích phải bị xem xét xử lý hình sự.
Sinh thời, nhà nghiên cứu mỹ thuật truyền thống Chu Quang Trứ từng nói rằng: "Những ai thật tâm yêu quý, trân trọng giá trị di sản của tiền nhân mới thấy đau xót khi hằng ngày, hằng giờ những tài sản của tổ tiên bị đối xử rất tệ". Đó là một giai đoạn mà nhiều di tích lịch sử, văn hóa kiến trúc bị xâm hại, chiếm dụng; nạn "chảy máu" cổ vật lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố; tình trạng trộm cắp di vật, hiện vật tại di tích xảy ra thường xuyên. Còn nay, những vấn đề đó phần nào đã được ngăn chặn, giải quyết nhưng lại nảy sinh nhiều nguy cơ, biến tướng khác, khiến nhiều di tích, công trình kiến trúc, di vật, hiện vật, bảo vật quốc gia trở từ cổ thành mới; từ giá trị bị ứng xử như... sắt vụn; từ thuộc hạng quý hiếm lại coi như "mảnh đất lắm người nhiều ma"...
Chúng ta hay nói trên diễn đàn rằng di sản văn hóa của cha ông là tài sản vô giá, nếu mất đi vĩnh viễn không thể làm lại được, vì thế đòi hỏi phải một thái độ ứng xử đúng đắn. Điều này không sai, nhưng như thế nào là "vô giá" thì không phải ai cũng hiểu một cách tường tận và có thái độ ứng xử phù hợp, chứ chưa dám đòi hỏi ứng xử một cách trân quý.
Hy vọng, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ góp phần làm cho nhiều cấp, nhiều ngành thực sự nâng cao nhận thức về giá trị, ý nghĩa của di sản văn hóa, từ đó có những thái độ ứng xử, hành động đúng đắn, chuẩn mực, khoa học, chứ đừng xem đó là "gánh nặng" kìm hãm sự phát triển của hạ tầng, dự án nói chung.