Quy hoạch treo và câu hỏi không đáp án

Thứ Tư, 13/09/2023, 12:57

Vào Google gõ 3 từ "quy hoạch treo", chỉ sau 0,3 giây cho ra tới 13 triệu kết quả. Chỉ cần nhìn vào kết quả ấy cũng đủ hiểu quy hoạch treo không chỉ là vấn đề thời sự nóng bỏng mà còn là nỗi ám ảnh của rất nhiều người lỡ phải sống trong vùng quy hoạch treo.

Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm, kỳ vọng rằng vùng đất này sẽ sớm trở thành một đô thị tầm cỡ hàng đầu Đông Nam Á.

Cách đó khoảng 6 km, một bán đảo khác của TP Hồ Chí Minh là Thanh Đa đã được quy hoạch trước đó 4 năm. Những giấc mơ lớn và cơ hội đổi đời đang hình thành, trong tâm trí hàng triệu người.

Nếu dò lại trang lưu trữ lịch sử internet, bạn sẽ chỉ thấy một mẩu tin ngắn ngủi về chuyện này xuất hiện trên Google sau đó 6 năm, khi internet phổ cập tại Việt Nam. Thanh tìm kiếm của nó, kể từ thời điểm ấy, cũng bắt đầu trở thành một loại biên bản sắc lạnh ghi lại rất nhiều số phận con người.

Quy hoạch treo và câu hỏi không đáp án -0
Bán đảo Thanh Đa nhìn từ trên cao.

8 năm sau ngày được duyệt quy hoạch, điện mới được nối vào bán đảo Thanh Đa. Đấy có lẽ là những thay đổi hạ tầng đáng kể cuối cùng ở một nơi mà mọi thứ dường như đã mãi mãi dừng lại ở 30 năm về trước. Thủ Thiêm, may mắn hơn, sau 3-4 lần quy hoạch bất thành và lùm xùm khiếu nại đất đai, giờ cũng đã "ra dáng" một đô thị.

Nếu gõ "quy hoạch Thanh Đa" lên thanh tìm kiếm Google, bạn sẽ được trả về hơn 125 triệu kết quả. Một lịch sử nặng nề, với rất nhiều cuộc họp, hô hào và những đợi chờ một điều có thể không bao giờ đến. Một bài báo trên VnExpress viết: "Năm anh em có 5.000 mẫu đất ao trồng sen, thuê thêm gần 2.000 mét đất hợp tác xã để trồng lúa. Họ sợ mất sinh kế, sợ phải vào chung cư ở không quen, sợ tiền đền bù không đủ lo chỗ ở mới.

Người già Thanh Đa lại chờ đợi với nhiều hy vọng. Người trong nhà đều còn nhớ sự khấp khởi của ông Ba. Ông liên tục hỏi thăm cán bộ khu phố và con cháu trong nhà. Ông tin là cuộc quy hoạch sẽ khiến mình không phụ thuộc con cháu khi về già: Tiền đền bù mảnh đất đang sống có thể đủ cho ông định cư nơi mới và dưỡng già".

Đấy là những dòng mô tả về cuộc sống của người dân Thanh Đa từ những năm... 2000. Hai thập kỷ đã trôi qua và phép tính ấy hẳn đã vụn vỡ từ lâu. Nó diễn ra từ từ, nhưng không theo một cú sập thẳng đứng, mà bằng những hy vọng nhỏ bị đập vỡ dần. Nỗi sợ khiến người ta tiến không được, mà thoái cũng không xong.

Năm 2002, nước sạch lần đầu về với bán đảo, một tín hiệu khá rõ ràng về quyết tâm biến đô thị trên giấy thành hiện thực. Nhưng, không có gì xảy ra. Cho đến năm 2006, người dân lại khấp khởi, sau khi thành phố một lần nữa khẳng định quyết tâm biến Thanh Đa thành khu đô thị hàng đầu.

Năm 2015, có một liên danh muốn đầu tư vào bán đảo. Những người hy vọng vào khu đô thị từ đầu thập niên 2000 chắc đã buông bỏ, nhưng con cháu của họ lại tiếp tục nuôi hy vọng. Chỉ 2 năm sau, liên danh đầu tư vào dự án đổ bể và nhà đầu tư nước ngoài lại rút lui.

Hậu quả là gì? Có những thời điểm mà thứ hy vọng ấy làm con người ta không thể hành động. Những nông dân Thanh Đa đã không dám từ bỏ ruộng để làm vườn, vì sợ rằng khi quy hoạch trở thành sự thật, Nhà nước giải tỏa, thì chỗ đất trồng cây lâu năm có thể mất trắng.

Không thể hành động nhưng cũng không thể rời đi. Thanh Đa sau 3 thập niên biến thành một bán đảo "ma", nơi người ta không dám thay đổi gì hiện trạng cả, ngoài những nâng cấp rón rén. Đất trong diện quy hoạch hầu như không thể bán cho ai và xây dựng trên đó cũng là chuyện bất khả: Quy hoạch rồi, sao được phép xây?

Năm 2008, cả nước có 1.600 dự án, công trình vướng quy hoạch treo, với diện tích khoảng gần 76 ngàn ha và hơn 67 ngàn... đơn thư khiếu nại, tố cáo. Chi phí làm quy hoạch giai đoạn 2011-2020 lên đến 8.000 tỷ đồng nhưng rất ít dự án đi vào hiện thực nhanh chóng, có hiệu quả. Chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế cả nước, gần 1.500 dự án có thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong 6-7 năm qua và có đến 300 dự án giành đất rồi treo để đấy.

Quy hoạch treo và câu hỏi không đáp án -0
Những ngôi nhà tạm bợ ở Thanh Đa.

Các con số khô khốc thì vẫn bày ra trước mắt người dân trong năm 2023 này: 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất... (trích Báo Quân đội nhân dân).

Bạn sẽ bắt gặp hình ảnh rất nhiều người dân giăng băng-rôn đi kiện vì bị ghì vào quá khứ vì những quy hoạch treo và cả sai lầm khi thu hồi đất đai. Lâu dần, họ trở thành người bất mãn, gọi chung là "dân oan", đa số đều phải trải qua một cuộc sống bất thường, với đơn thư kiện cáo, và quan trọng hơn, là hàng chục năm sống trong một trạng thái bấp bênh, tự nuôi hy vọng về một ngày có thể không bao giờ đến.

Một số người khác chọn chịu đựng mà sống tiếp, trong những căn nhà xuống cấp dột nát đầy chuột bọ nhưng không ai dám sửa, những mảnh ruộng bỏ hoang vì không dám canh tác và những tương lai hoàn toàn bế tắc trong một vòng lặp oan nghiệt: Có nhà đầu tư A để ý đến quy hoạch này và sau vài năm họ lại rời đi.

Tháng 6 vừa rồi, Quốc hội lại nóng với những phiên tranh luận nảy lửa về quy hoạch treo và trong dự thảo về Luật Đất đai mới có thêm chi tiết về quy định sau 3 năm liên tục được xác định trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải xem xét, đánh giá để tiếp tục thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất năm tiếp theo hoặc hủy bỏ.

Nhưng, một đề xuất hợp lẽ như vậy đã mất quá nhiều thời gian nâng lên đặt xuống ở trên bàn nghị sự, với quá nhiều số phận con người bị thả nổi nhiều năm. Với trạng thái của một người sống trong khu vực dính quy hoạch treo, họ và con cái họ hoàn toàn bị tước đi khả năng vạch ra một quy hoạch phát triển cuộc đời.

Các cuộc họp và văn bản chỉ đạo chấm dứt quy hoạch treo thường diễn ra rất quyết liệt, với các động từ mạnh: Phải "chấm dứt", "kiên quyết thu hồi", thậm chí "xử lý hình sự" những người có trách nhiệm. Nhưng rồi, đâu lại vào đó. Người dân vẫn phải tiếp tục chờ đợi một chuyển biến thực sự về mặt chính sách.

Nhưng, không dễ gì để thống nhất về một chính sách nếu các chính trị gia chỉ nhìn nó qua lăng kính xử lý những dự án đơn thuần. Trong phiên giải trình trước Quốc hội đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc lý giải rằng "đã quy hoạch thì 5-10 năm hoặc lâu hơn nữa chứ không phải quy hoạch xong là làm ngay". Lại quay về câu chuyện tầm nhìn.

Tức là vẫn có những người nghĩ rằng nhân danh một tầm nhìn nào đó, người ta có đầy đủ lý do để giữ nguyên hiện trạng đang dằn vặt những thân phận con người. Một dự án bị treo vô thời hạn thì có thể hủy hoại hoàn toàn tương lai của nhiều con người và điều này không thể nhìn thấy qua giấy tờ. Nó khiến họ mắc kẹt mãi trong quá khứ.

Tương lai của nhiều người đã tốt hơn, nếu không vướng vào một thứ kiềm tỏa từ cuộc đời đến suy nghĩ của chính họ. Quy hoạch treo tạo ra một sự phân vân kéo dài hàng thập kỷ cho một người sống trong lòng nó: "Nên làm gì tiếp theo đây?" bỗng trở thành một câu hỏi  không bao giờ có đáp án.

Trong câu hỏi ấy là rất nhiều nỗi đau, bế tắc và nước mắt. Ở một thành phố mà tốc độ tăng trưởng tính bằng ngày, có những nơi sẵn sàng đứng yên 3 thập kỷ, mà lại không phải là viện bảo tàng.

Ban Cầm
.
.
.