Quy hoạch hỏng - sửa thế nào?

Thứ Năm, 10/10/2024, 13:42

LTS: Quy hoạch vẫn là câu chuyện dai dẳng ở Việt Nam hôm nay và vẫn là một bài học kinh nghiệm kéo dài. Nhưng rút kinh nghiệm cho các công trình mới và sửa lỗi của các công trình cũ thế nào, thật ra vẫn hiếm có ai nghiêm túc trả lời câu hỏi này.

Nét vẽ không thể đảo ngược

Tháng Sáu vừa qua, TP Hồ Chí Minh thông qua hồ sơ quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu là xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đô thị toàn cầu, phát triển, hiện đại và văn minh.

Quy hoạch hỏng - sửa thế nào? -0

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất được bàn trong các hội thảo xoay quanh xây dựng hồ sơ quy hoạch vẫn là: làm sao để thành phố không còn tình trạng “cứ mưa là ngập”?

Nếu gõ mấy dòng ấy lên Google, bạn sẽ thấy chuyện này được bàn từ những năm… 2000, tức là khi Việt Nam mới bắt đầu có Internet tốc độ cao và báo điện tử. Tháng 8/2001, tờ VnExpress vẫn còn lưu một bài giật tít “Tin vui: TP Hồ Chí Minh sẽ xóa ngập hoàn toàn sau… 20 năm nữa”.

Giờ đã 23 năm trôi qua, và chúng ta vẫn quay quắt với câu hỏi này. Hiện có khoảng 54% dân số TP Hồ Chí Minh sống ở những khu vực “cứ mưa là ngập” kiểu này, với thiệt hại đo đếm được về tài chính rơi vào 3 tỉ USD mỗi năm, tương đương gần 1% GDP của Việt Nam.

Có gì để nói với một câu chuyện người ta đã mổ xẻ, phản biện, thậm chí tranh cãi rất gay gắt, suốt nhiều thập niên, mà vẫn bất lực? Tôi tự hỏi như vậy, vì càng đọc thêm về câu chuyện quy hoạch này, càng cảm thấy bế tắc với việc viết ra một thông điệp nào đó.

Từ những năm 2010, các chuyên gia đã mổ xẻ về những sai lầm chết người của quy hoạch TP Hồ Chí Minh trong nhiều năm, như là đáng ra phải phát triển vùng cao thành phố về hướng Đông - Đông Bắc thì trong quá khứ chúng ta lại làm ngược lại; rồi khu đô thị Phú Mỹ Hưng hóa ra lại tọa lạc đúng vùng trũng, nơi trước đây là hồ chứa tự nhiên của thành phố…

Thống kê cho thấy trong khoảng 14 năm (từ 1990 đến 2004), có 47 kênh rạch lớn nhỏ với tổng diện tích hơn 16ha đã hoàn toàn bị san lấp. Tình trạng ngập nặng hiện tại chính là hệ quả của quá trình đô thị hóa bất chấp ở phía Nam TP Hồ Chí Minh. Các nhà quy hoạch đô thị dường như đã vẽ vô tội vạ, mà không cân nhắc quá nhiều.

Cần bao nhiêu chi phí, công sức và thời gian để khắc phục các sai lầm này? Năm 2015, TP Hồ Chí Minh chi 2 ngàn tỷ đồng để… đào lại con kênh Hàng Bàng chạy từ Lò Gốm (quận 6) đến kênh Vạn Tượng (quận 5) với chiều dài khoảng 1.400m. Điều đáng chú ý là con kênh này từng bị… lấp vào năm 2000. Giờ người ta phải đào nó lên lại để chống ngập, sau khi vấn đề đã trở nên quá trầm trọng.

Cho đến thời điểm bài báo này lên khuôn, dự án này vẫn chưa hoàn tất, sau gần một thập niên, dù dự kiến thời gian hoàn thành là năm 2020. Lý do là mặt bằng chưa được giải tỏa xong.

Với chiều dài dự án, thì toàn bộ các khu nhà nằm giữa đường Bãi Sậy và Phan Văn Khỏe, nơi gần 1.000 hộ dân sinh sống, bị ảnh hưởng. Nhiều hộ gia đình có 3 thế hệ sống ở đây không chịu di dời do cho rằng giá đền bù chưa hợp lý.

Một quyết định sai về quy hoạch không chỉ là một nét thêm vào hay gạch đi trên bản vẽ. Đấy là hàng ngàn tỷ phát sinh, hàng ngàn hộ gia đình bị đẩy vào cảnh hoang mang trong thời gian có thể tính bằng thập kỷ.

Để đảo ngược nó, người ta không chỉ tháo ra lắp lại như chơi một bộ lego. Họ phải cân nhắc số phận của cả rất nhiều cuộc đời.

Nếu có một cỗ máy thời gian, tôi ước gì bộ phận quy hoạch sẽ có một cán bộ được xuyên không đến 20 năm sau, và đứng cạnh những người vẽ đồ án quy hoạch 24/7, để chỉ trỏ cho họ biết cái gì sẽ là vô phương cứu chữa, nếu họ vội vã thêm vào. Vì trên nét vẽ ấy là gánh nặng cho nhiều thập niên sau.

Nhưng điều đó là không thể, nên chúng ta vẫn phải ngồi đây và chì chiết nhau về những gánh nặng mà quá khứ đã đặt ra cho đô thị lớn nhất Việt Nam này. Những người ra quyết định có lẽ đều đã về hưu, thậm chí không còn nữa. Nhưng những gì đã xảy ra với quy hoạch là các nét vẽ gần như không thể đảo ngược: chúng ta đi sửa sai có thể mất cả một đời người.

Nếu để góp thêm một tiếng nói về đề tài này, thì tôi chỉ mong các nhà quy hoạch đô thị có đủ ý thức về gánh nặng mà họ phải mang, mỗi khi đưa ra các quyết định. Vì có thể đến đời con cháu họ, chúng ta vẫn có thể vẫn còn phải cặm cụi sửa những nét vẽ sai.

Phạm An

Những vườn mận vô danh

Để bàn về quy hoạch tại Việt Nam, hãy thử cùng nghiên cứu một “mẫu vật” nhỏ nhất, đơn sơ nhất, ít biến số nhất: một ngôi làng miền núi.

Quy hoạch hỏng - sửa thế nào? -0

Ngôi làng này chỉ có độ năm chục nóc nhà, nằm trên các triền đồi trồng ngô, rau ăn lá, cây ăn trái và một vài vạt chè. Người Dao, người Tày, người Mông và người Kinh sống lẫn với nhau. Một ngôi làng bạn có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu trên cung đường đi từ Đông Bắc sang Tây Bắc.

Chủ đầu tư bất động sản của làng này, chỉ có hai người. Một là chủ đầu tư nội địa, anh bán phân bón và thức ăn chăn nuôi trong vùng có con gái biết làm TikTok, sau nhiều năm kinh doanh có chút vốn và muốn mở homestay du lịch. Một là dòng “vốn FDI” của một chị từ Hà Nội lên, đã mua một mảnh đồi rất đẹp nhìn xuống dòng suối vắt ngang qua làng. Chị cũng muốn xây một căn nhà sàn đón khách.

Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chỉ cho mỗi người này hơn 400 mét vuông đất thổ cư, dù họ có quyền sử dụng hàng nghìn mét đất vườn. Cũng chưa có quy hoạch về đất thương mại dịch vụ - làng đã bao đời làm nông nghiệp, chính quyền khi lập quy hoạch cũng chưa chọn du lịch làm mũi nhọn phát triển kinh tế. Đó là ý tưởng mới phát sinh của cư dân.

Quy hoạch bắt đầu bị phá. Bằng tài ngoại giao khéo léo, cả anh chủ tiệm bản địa lẫn chị Hà Nội đều xây được homestay cho mình. Anh chủ hàng phân bón là cháu của một lãnh đạo xã – và bản thân vị lãnh đạo này cũng là một chủ đất nông nghiệp, vợ có tiệm tạp hóa và bán đồ ăn sáng ngay cạnh đất của chị Hà Nội. Họ cũng được lợi nếu kinh tế địa phương khởi sắc.

Những mô hình du lịch đầu tiên bỗng thành công, nhờ vào năng khiếu mạng xã hội của con gái anh bán phân bón và kinh nghiệm kinh doanh lâu năm của chị Hà Nội. Chợ phiên tấp nập người ở tỉnh về, bà con tiêu thụ bằng sạch nông sản mà không cần mang lên huyện nữa; còn mở thêm cả các sạp thịt nướng, khoai nướng, trứng nướng, hồ hởi bán buôn.

Cò đất bắt đầu xuất hiện. Những mảnh vườn từng chỉ cho mỗi năm chục cân hồng quả, giờ được phát giá hàng tỷ đồng.

Chiếc homestay thứ 3, thứ 4 và thứ 5 được xây, bằng vốn của vài gia đình có tích lũy trong bản và tiền của Hà Nội đổ lên. Vì quy hoạch chưa được thay đổi, tất cả đều được xây trên đất trồng cây lâu năm. Chúng mang tiếng là “nhà sàn”, nhưng thực chất là các công trình kiên cố có móng bê tông. Người dân không ý kiến gì, thậm chí họ còn cảm thấy khấp khởi vì kinh tế địa phương đã khởi sắc. Lãnh đạo cơ sở, những người giám sát trực tiếp không ý kiến gì: họ đang từ chỗ là cán bộ của một vùng nghèo, nay làm công tác địa chính, xác nhận mua bán đất đai cũng không hết việc. Và bản thân họ cũng là cư dân địa phương, hưởng lợi từ việc địa tô tăng.

Một ngôi làng du lịch hình thành. Quy hoạch bị phá. Không có nạn nhân. Hay ít nhất, là không có người chịu thiệt hại trước mắt. Thứ duy nhất bị tiêu diệt, chỉ là những vườn mận vô danh.

Nếu du lịch của làng tiếp tục phát triển, kịch bản sẽ leo thang đến đoạn bắt đầu có chủ đầu tư thực sự, các nhà phát triển bất động sản từ dưới xuôi lên, và bắt đầu “xin” chính quyền tỉnh để xây dựng dự án resort, shophouse hay công viên giải trí hàng chục hecta trên đất nông nghiệp và đất rừng.

Đó là một kịch bản, mà bạn có thể bắt gặp ở ngoại thành Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai… hay nhiều tỉnh miền núi phía Bắc.

Từ “mẫu nghiên cứu” dễ hiểu đó, chúng ta quay về nhìn vào quy hoạch các thành phố lớn, để hiểu hơn bức tranh. Hãy thay homestay trên đất nông nghiệp bằng các dự án nhà ở cao tầng hoặc thương mại dịch vụ quy mô hàng nghìn tỷ. Thống kê năm 2019 của Quốc hội chỉ ra, ở thời điểm đó, có tới gần 1.400 dự án đã điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần. Và các điều chỉnh này đều theo hướng có lợi cho chủ đầu tư: tăng mật độ xây dựng, cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh…

Đó không chỉ là lợi ích của chủ đầu tư. Với dự án phát triển nhà ở, người dân có nhà với giá chấp nhận được để mua (chưa bàn đến hạ tầng khác, trong thị trường nhà ở như hiện nay, có nhà là tốt rồi đã). Với các dự án du lịch thương mại, chủ đầu tư cũng sẽ marketing cho dòng khách đổ tới. Địa tô trong vùng cũng tăng, với những người nằm ngoài dự án. Chính quyền, chưa bàn đến “lợi ích nhóm” theo kiểu có đưa và nhận hối lộ, rõ ràng cũng đạt được nhiều mục tiêu chính trị đề ra, về phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Nhiều lãnh đạo địa phương khi ra trước vành móng ngựa vì vi phạm quy định trong quản lý đất đai cũng phân trần rằng họ “chỉ vì nghĩ đến việc phát triển kinh tế địa phương”.

Những thứ mất đi cũng mơ hồ như những vườn mận vô danh đã bị phá để xây homestay nơi vùng Tây Bắc.

Có một đặc tính chung của nhiều cuộc phá vỡ quy hoạch, là nó mang lại rất nhiều lợi ích trước mắt, cho cả người xây, người bán, người mua và người cấp phép. Những lợi ích ngắn hạn. Các cư dân của những dự án nhà ở bị phá vỡ quy hoạch cũng bị thúc đẩy bởi những lợi ích ngắn hạn này. Họ chỉ biểu tình phản đối chủ đầu tư, hoặc là cảm nhận được nỗi khổ của việc bị “cắt” mất trường học, sân chơi, công viên cây xanh nhiều năm sau khi dọn về ở. Họ chỉ cảm thấy đau khổ vì những con phố lụt lội và ùn tắc nhiều năm sau khi ăn mừng tân gia hết nhiều két bia.

Quay trở lại với câu chuyện của “mẫu nghiên cứu” miền núi: các cư dân của vùng du lịch mới hình thành nọ, cũng sẽ phải mất cả thập niên trước khi nhận ra rằng bản làng của mình đang loang lổ các công trình xây dựng, hạ tầng xuống cấp, trên núi mà mùa mưa cũng ngập.

Chống lại quy hoạch sai, sửa đổi quy hoạch, gian dối trong quy hoạch, không chỉ là chống lại “lợi ích nhóm” phiên bản phong bì của chủ đầu tư và người chấp pháp. Chỉ tư duy như vậy thôi thì quá đơn giản. Thế lực chống lại quy hoạch, là lòng tham cái lợi trước mắt của cả một cộng đồng.

Khi các quy hoạch sai được phát hiện, nhiều người hay hỏi mỉa, sao xây cái nhà to thế mà không ai phát hiện ra. Thực ra, cả cộng đồng có thể biết từ đầu. Nhưng “phần thưởng” cho việc phá vỡ quy hoạch là rất nhiều. Phần thưởng cho việc thực hiện đúng quy hoạch thì mơ hồ.

Nhận thức như vậy, chúng ta mới có thể đề xuất được các giải pháp đúng đắn cho việc đảm bảo quy hoạch. Công tác giám sát quy hoạch sẽ cần đầu tư nhiều hơn nữa, cả về con người lẫn công nghệ. Giám sát quy hoạch không thể là nhiệm vụ “tích hợp” của chính quyền địa phương – những người có lợi ích trong các bản quy hoạch bị sửa đổi nữa – mà phải trở thành một lực lượng chuyên trách được đầu tư và hỗ trợ công nghệ.

Bởi vì, hãy đến một bản du lịch với rất nhiều căn homestay kiên cố được xây trên đất vườn, bạn có tưởng tượng được mình nói với người dân và cán bộ nơi đó thế nào, để thuyết phục rằng họ đã sai không?

Đức Hoàng

Những đô thị hoang dã

Tôi xin được bắt đầu chuyên đề về Quy hoạch của mình bằng đoạn trích từ một lá thư bạn đọc mà tôi nhận được cách đây chưa lâu. Điều mà bạn đọc đó thắc mắc cũng là thứ tôi phải trải qua mỗi ngày. Và mỗi ngày, tôi đều bật lên hai câu hỏi trong đầu mình rằng “Tại sao? Và trong số những con người lầm lũi cuốn theo dòng chảy ồn ào này, có ai cùng tự băn khoăn tại sao như mình hay không?”. Đoạn trích của lá thư ấy cụ thể như dưới đây.

ha minh.jpg -0

“Kính gửi anh Hà Quang Minh!

Tôi tên Trương Ngọc Cúc Quỳnh, số điện thoại 093xxxxx60, là một người theo dõi anh đã lâu, tôi rất quý trọng khi anh luôn lên tiếng những vấn đề nóng của xã hội.

Tôi kính mong anh lên tiếng giúp người dân sinh sống quanh khu vực hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nội dung: Dự án hầm chui NVL-NHT đóng ngã tư vào Tết 2024 để phục vụ thi công, người dân dù phải di chuyển xa hơn gấp 2-3 lần, cũng như len lách giữa các xe container, xe tải lớn, xe ôtô, xe máy... giao thông rất nguy hiểm và kẹt xe từ 6g sáng cho tới khuya, bất kể ngày thường hay cuối tuần để đưa con đi học, đi làm, đi công việc hàng ngày bắt buộc qua nút giao đó. Chúng tôi chấp nhận để đảm bảo tiến độ thi công, cũng như an toàn trong thi công, theo kế hoạch chậm nhất tháng 9/2024 sẽ thông lại ngã tư NVL-NHT để người dân đi lại thuận tiện hơn.

Tuy nhiên sau nhiều lần gia hạn thì chính quyền TP tiếp tục gia hạn và từ ngày 15/9 thay đổi lộ trình mới làm cho chúng tôi phải đi xa hơn gấp nhiều lần, trong khi nhà cách trường con chỉ 1-2km nhưng chúng tôi phải ra khỏi nhà từ 6g sáng để kịp giờ con vào trường trước 7g, cũng như dự phòng kẹt xe. Đáng nói lộ trình mới này gây kẹt xe nghiêm trọng hơn, xe máy, ôtô chen nhau vào con đường nhỏ chỉ 2 làn xe lên và xuống, chúng tôi còn phải đi xa hơn trước nhiều thành hình chữ U chỉ để từ Quận 7 sang Nhà Bè hoặc ngược lại.

Chúng tôi rất bức xúc vì ngân sách chi ra để làm hầm nhằm cải thiện giao thông, giúp người dân đi lại thuận tiện, cũng như phát triển kinh tế, nhưng hầm đã hoàn thành 1 bên lại làm người dân phải đi xa hơn, kẹt xe hơn, mục tiêu cải thiện giao thông đã không đạt, gây lãng phí ngân sách và chính quyền thường xuyên chấp thuận gia hạn, cũng như bố trí giao thông hoàn toàn không khoa học.” (hết trích).

Thật ra, tôi đã rất muốn giải thích cho độc giả của mình hiểu rằng bản thân chính quyền TP Hồ Chí Minh không hề muốn kéo dài việc thi công như thế. Tất cả đều là bất khả kháng do nước ngập sau đợt mưa lớn và triều cường đã làm giảm tiến độ so với dự kiến. Và tôi cũng nghĩ, độc giả đó cũng sẽ như tôi, và vô vàn người khác, sẽ chịu đựng được trong một thời gian ngắn. Khi công trình hoàn thiện, mọi thứ sẽ tốt hơn, những bực bội này rồi cũng qua nhanh thôi. Nhưng, tôi nghĩ nhiều đến câu chuyện khác, cũng từ khu vực Nhà Bè - Phú Mỹ Hưng này. Đó là những chuyến xe container sầm sập chạy xuyên giữa lòng đô thị. Đó chính là mối đe dọa lớn nhất đối với dân cư, một mối đe dọa đến từ chính cái phi lý trong quy hoạch đô thị ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Chỉ khoảng 20 năm trước thôi, Phú Mỹ Hưng được xem như một điểm sáng về khu dân cư của cả nước. Trong bối cảnh chung của nhà hẻm, nhà tập thể cũ, của những xóm xập xệ ngay trong nội đô các thành phố lớn, Phú Mỹ Hưng đã là biểu tượng của một tiêu chuẩn sống mới và hiện đại. Cho đến bây giờ, khi mà villa song lập, đơn lập, chung cư cao cấp đã phủ sóng khắp cả nước, vẫn chưa có khu đô thị nào đẹp như Phú Mỹ Hưng. Song, sống giữa khu đô thị đẹp ấy có sung sướng không. Chưa chắc. Có hai vấn đề mãi tới hôm nay chưa bao giờ được giải quyết rốt ráo. Thứ nhất là mùi rác từ bãi rác lớn nhất nhì thành phố nằm ngay gần đó luôn đến vào đúng giờ bữa cơm chiều. Thứ hai là những chiếc xe hung thần mang tên container lao ầm ầm xuyên đô thị cao cấp đó. Và đấy không phải là một tiêu chuẩn sống cao cấp xứng với đồng tiền mà cư dân đã đầu tư.

Kế bên Phú Mỹ Hưng là cụm cư dân Phước Kiển, Nhà Bè với hàng loạt chung cư mới, khu biệt thự mới và cả khu dân cư làng đại học. Xuyên giữa trái tim của cụm cư dân ấy là đại lộ Nguyễn Hữu Thọ, với những chiếc xe container lao đi như con thoi hàng giờ. Tại sao lại có những chuyến xe container xuyên lòng đô thị ở khu vực Nhà Bè, Trung Sơn, Phú Mỹ Hưng như vậy. Đơn giản, do quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất ngay cận kề và đường liên tỉnh từ miền Tây nối về.

Gần Phước Kiển là khu công nghiệp Hiệp Phước còn gần Phú Mỹ Hưng là khu chế xuất Tân Thuận. Không hiểu, bằng năng lực nào mà một quy hoạch như thế đã được sinh ra? Không ai xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất ngay kế bên khu dân cư cả. Thứ nhất là vấn đề an toàn giao thông, bởi khu chế xuất, khu công nghiệp thường có lưu lượng xe tải lớn ra vào. Thứ hai là ô nhiễm công nghiệp. Sự thiếu khoa học trong quy hoạch này sẽ bắt người dân còn phải trả giá lâu dài.

Mô hình khu dân cư kế cận các khu công nghiệp không phải là duy nhất ở TP Hồ Chí Minh, mà nó là phổ biến khắp cả nước. Ở Đồng Nai, kế khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 và 2, các khu dân cư cũng mọc lên như nấm. Tư duy cho rằng cạnh khu công nghiệp thì nhu cầu lưu trú của công nhân rất cao nên xây dựng khu dân cư là một tư duy manh mún thực sự. Và nó không chỉ manh mún, nó còn phi lý nữa. Các khu dân cư được định hình đều ở mức giá mà công nhân không thể với tới. Trong khi đó, chỉ cần xây dựng các khu lưu trú công nhân như mô hình nhà trọ công nghiệp là đủ rồi.

Sửa cái sai trầm trọng kể trên là rất khó khi việc di dời một khu công nghiệp, khu chế xuất là vô cùng tốn kém và cồng kềnh. Nhưng chấp nhận sống chung với lũ cũng không phải là giải pháp lâu dài được. Giải pháp cho tình thế này không hẳn không có nhưng không một ai chịu đưa ra ý kiến cho tới thời điểm này. Chúng ta thích những thứ hoành tráng và đẹp mà luôn quên mất rằng, tính hiệu quả và hữu dụng, tính hợp lý và khoa học mới là ưu tiên hàng đầu.

Đã từng có một thời gian dài làm việc với khách hàng ở khu công nghiệp Hiệp Phước, tôi thừa hiểu phương cách để không còn xe container lưu thông từ khu công nghiệp ấy xuyên qua các khu dân cư đông đúc ở Nhà Bè nữa. Nhưng kỳ lạ thay là không một cấp có thẩm quyền nào từng đưa ra ý kiến tìm kiếm giải pháp cho việc ấy cả. Phải chăng, quan chức không sống cùng vị trí mà đại đa số nhân dân cần lao đang sống nên họ không nhìn ra được cái nhu cầu thiết thực với người dân hôm nay?

Khách hàng cũ của tôi là một nhà máy xi măng có trạm trộn, đóng bao đặt ở khu công nghiệp Hiệp Phước. Những lần xuống nhà máy của họ, tôi đều chứng kiến cảnh xi măng được bơm thẳng từ trạm ra sà lan. Từ đó, các chuyến sà lan sẽ toả về miền Tây. Qua bên kia sông cũng đã là địa phận của Đồng Nai rồi. Do đó, để vận tải hàng hóa từ Hiệp Phước đi toàn miền Nam mà không cần phải để xe container chạy xuyên huyện Nhà Bè, xuyên quận 7, quận 8, huyện Bình Chánh là khả thi. Những chuyến đi công tác dưới xi măng Hà Tiên cũng giúp tôi được quan sát các chuyến sà lan, tàu thuỷ vận tải hàng hoá, sản vật từ miền Tây lên TP Hồ Chí Minh và từ đó tỏa ra cả miền Đông hay Nam Trung bộ. Vậy mà vận tải thủy lại không được chú trọng đầu tư, dù cho miền Nam là xứ sở của sông ngòi, kinh rạch. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư cho cao tốc đòi hỏi thời gian và tiền bạc rất lớn. Tại sao không dùng đường thủy để giảm tải cho đường bộ, nhất là khi vận tải đường sắt vẫn chưa trở thành chủ lực ở miền Nam nhiều năm qua?

Có một điều chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn là quy hoạch đô thị ở Việt Nam hiện vẫn còn chưa thoát khỏi tư duy của thời mà Hà Nội chưa tới 8 triệu dân và TP Hồ Chí Minh chỉ vào khoảng 10 triệu dân. Khi dân số đã phình lên gấp đôi, gấp rưỡi, việc quy hoạch đô thị cũng sẽ phải khác đi rất nhiều. Không thể lấy tư duy quy hoạch 1 đô thị 5 triệu dân để áp dụng cho một siêu đô thị 20 triệu dân được. Vậy mà cái tư duy ấy vẫn tồn tại. Nên từ đó, tắc đường, kẹt xe, úng ngập do mưa v.v và v.v vẫn là vấn đề cũ như 20 năm trước. Suy cho cùng, quy hoạch là để phục vụ dân sinh và một khi chưa lấy dân sinh làm trọng tâm, chắc chắn quy hoạch sẽ hỏng.

Gần đây, chúng ta đọc nhiều về những vụ cháy các xưởng sản xuất nằm ngay trong khu dân cư và không thấy có nhiều người đặt ra vấn đề tại sao lại cấp phép cho một xưởng sản xuất nằm ngay cạnh trường học, chợ, khu dân sinh như thế. Các xưởng tư nhân kiểu này vốn dĩ là dấu vết của thời kỳ tư bản còn sơ khai. Vậy mà ở thời hiện đại này, khi phương Tây đã bàn đến khái niệm “hậu tư bản” và chúng ta đang cố gắng bắt kịp thế giới ở mọi mặt, ta vẫn cấp phép cho những tư xưởng ồn ào giữa phố phường. Và oái oăm thay, chúng ta cũng đang nói rất nhiều đến kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và cả sống xanh…

Đã đến lúc quy hoạch lại các đô thị cũ và quy hoạch khoa học ngay từ đầu cho các đô thị mới bằng cách phân vùng theo công dụng. Khu văn phòng, khu sản xuất, khu thương mại, khu tài chính, khu dân sinh phải tách biệt nhau chứ không thể chen lẫn như thời kỳ còn hỗn tạp nữa. Và bên cạnh đó, cũng cần phải nhìn nhận lại về công năng cũng như nhu cầu của các công trình xã hội như trường học hay bệnh viện. Cả TP Hồ Chí Minh, có ít nhất phải vài chục trường học tồn tại trong các con hẻm mà tình trạng chung là cứ giờ đưa đón học sinh, sự ùn tắc là khó tránh khỏi. Kèm với môi trường học nhỏ nhoi, không có sân chơi thoáng đãng, đủ rộng và nhiều tiện ích, hóa ra chúng ta đã và đang đẩy thế hệ tương lai của mình vào sự ngột ngạt, ngột ngạt từ lúc bước chân tới cổng trường, lúc sinh hoạt trong trường và cho tới tận lúc rời trường về nhà.

Quay lại với lá thư của bạn đọc ở trên, tôi tiếc là chị không đặt thêm một câu hỏi lớn hơn. Cả khu vực quận 7 (gồm Phú Mỹ Hưng) lẫn Nhà Bè, chỉ có 2 bệnh viện với số giường bệnh khá khiêm tốn là bệnh viện công mà thôi. Còn lại là các bệnh viện tư, bệnh viện quốc tế với giá trên trời. Nếu một chiều kẹt xe nào đó, có một ca cấp cứu nào đó cần chạy từ Phú Mỹ Hưng vào bệnh viện Chợ Rẫy, liệu rằng bệnh nhân có kịp đủ thời gian chờ đợi để nhận được sự chăm sóc của bác sĩ hay không? Giả sử này của tôi có thể chỉ là hi hữu nhưng những người chịu trách nhiệm quy hoạch cũng cần nhớ, đôi khi một hi hữu cũng đủ đánh mất niềm tin trong con người.

Hà Quang Minh

.
.
.