Phép thuật của "mũ"

Thứ Ba, 21/11/2023, 09:28

Báo chí đưa vấn đề PGS.TS Đinh Công Hướng ở Đại học Quy Nhơn công bố 42 công trình khoa học, trong đó có 17 công trình đứng tên với hai trường đại học khác là việc thiếu liêm chính của khoa học. PGS.TS Đinh Công Hướng thừa nhận mình bán chất xám của chính mình để nuôi con.

Việc nghiên cứu là tự thân, không cậy nhờ vào các cơ quan khoa học của trường đại học khác. Theo đó thì ở đây có sự ảo hóa của thương hiệu. Những trường đại học này hẳn phải nhờ đến chất xám của PGS.TS Đinh Công Hướng thì mới tăng trưởng được thương hiệu. Trường hợp này, PGS.TS Đinh Công Hướng không xóa tên mình mà chỉ thêm thương hiệu khác. Như vậy công một người, cả làng hưởng chứ PGS.TS Đinh Công Hướng không hưởng một mình. Tuy không "đạo văn" nhưng lại cho các tổ chức khác "đạo văn" của mình thì có lỗi ở mức độ nào? Xin quý vị tự đánh giá về hoạt động bí mật kiểu "ú òa" này.

Có dị nhân - họa sĩ già cả đời chỉ cặm cụi vẽ sơn mài nhưng chẳng bao giờ ghi tên mình. Ông chẳng làm thương hiệu cá nhân mà chỉ làm người sáng tác thuê hoặc thể hiện thuê. Hỏi vì sao không làm thương hiệu thì họa sĩ cười bảo mình chỉ mê vẽ sơn mài chứ không cần ai vỗ tay. Vẽ sơn mài thuê, người ta có tiếng, mình có tiền. Tiền nhiều để làm gì, để vẽ sơn mài, làm cái mình thích. Trong chuyện này, chỉ có người mua tranh và ngắm tranh không bao giờ biết tác giả thật là ai.

Việc nghiên cứu hay việc gì thu hút đám đông cũng được quan tâm ở cái "mũ". Thưa rằng, "mũ" là khái niệm chỉ những thương hiệu quan trọng tạo sự tin tưởng, thu hút để sự kiện thành công. Thành công sự kiện thường là thành công về tài chính. Người làm nghề có cao tay đến đâu cũng khó có được việc to nếu thiếu thương hiệu.

Cách đây ít năm, có công ty tổ chức sự kiện mời một đạo diễn làm cho sự kiện lớn nhất của tỉnh X. Vị đạo diễn trẻ tài năng nhưng chưa tên tuổi khá bất ngờ trước lời đề nghị. Bên tổ chức sự kiện nói tên tổng đạo diễn là một NSND "quốc dân" nhưng bác ấy không phải làm gì đâu, chỉ cho đứng tên thôi. Anh thực ra làm công việc của tổng đạo diễn nhưng ghi tên là phó tổng đạo diễn vì cần cái "mũ" của nghệ sĩ lừng danh kia. Thời buổi này, logic nó phải đội "mũ" thì anh với bên em mới có phần anh ạ. Gật đầu xong béng. Mưu sinh thì đôi khi cũng phải ảo.

Đấy, nhiều anh chị cứ xì xào phấn đấu danh hiệu là thứ hão huyền. Danh thực ra có thể quy đổi sang các đơn vị khác, giúp người ta mưu sinh. Một cái "mũ" giá bao nhiêu tiền? Dào ôi. Ai cũng phải sống chứ.

Ngày nọ, tác giả kịch khoe kịch bản với đạo diễn. Đạo diễn bảo cũng khá đấy nhưng phải sửa. Tác giả khấp khởi. Đến khi công diễn thì thấy áp phích ghi tác giả kịch bản là tên đạo diễn còn danh tính bên cạnh mới là tác giả. Thắc mắc thì đạo diễn bảo: Tôi không xắn tay vào sửa làm sao vở của ông đứng được. Thế là thôi, khỏi cãi, chấp nhận đồng tác giả. Lại ảo tiếp.

Công việc có ghi tên tập thể rất dễ xảy ra trường hợp đội "mũ" cho nhau. Từ tác giả kịch bản, hay chuỗi bài báo điều tra. Có những người ghi tên đồng tác giả nhưng thực tế thì không hề có mặt ở hiện trường, nhưng rất hớn hở đứng trên bục nhận giải thưởng.

Anh em nghệ sĩ điện ảnh "đánh quả" làm phim tài liệu cho địa phương. Bản duyệt được địa phương đánh giá cao, vỗ tay ran hội trường nhưng khi hội ý riêng thì nhắc các phần kịch bản, cố vấn, biên tập… phải có danh tính của anh chị em vai vế địa phương vào cho việc nghiệm thu như nước chảy hoa trôi. Thế là cuối phim cùng tiếng nhạc kỳ vĩ èn en là bảng chữ vinh danh chạy lên có đầy đủ tên anh chị em vai vế địa phương. Vui vẻ cả làng, "mũ" là cái không đùa được.

Ban giám khảo nghệ thuật cũng thế. Đôi khi thành phần ban giám khảo chấm âm nhạc là những vai vế địa phương, doanh nghiệp tài trợ, đứng đầu phong trào không có kinh qua chuyên môn nghệ thuật. Khi chấm họ cũng biết mình biết người nên thường hỏi qua giám khảo là nghệ sĩ để cho điểm đỡ một mình một kiểu.

Từ những cái danh họ đã kinh qua làm phim, giám khảo… địa phương lại nể thêm mấy tầng. Có những anh chị sau vài lần như vậy thành vĩ nhân tỉnh lẻ. Cái "mũ" biến đổi con người như truyện Tôn Ngộ Không.

Ai cũng biết và chẳng mấy ai nói ra các hoạt động "ú òa" này. Các cụ dạy "y phục xứng kỳ đức" nhưng thực tế thì cái áo và thầy tu đôi khi mảy may không liên quan. Việc trả lại "mũ" cho đúng đầu của nó thật gian nan, thưa quý vị.

Tả Từ
.
.
.