Những người trẻ “tầm phương” nguồn cội
“Tầm phương” nghĩa là tìm hoa thơm, cảnh đẹp. Từ cổ này được các bạn trẻ yêu thích và biến thành xu hướng của những nhóm yêu di sản nguồn cội. Vài năm trở lại đây, trào lưu cổ phong (trào lưu tìm lại, phục dựng hoặc phỏng dựng lịch sử, văn hóa, phong tục lâu đời của dân tộc) được giới trẻ lan tỏa và hưởng ứng rầm rộ.
Làn sóng này phủ rộng ở nhiều lĩnh vực như văn chương - ngôn ngữ, truyện tranh, âm nhạc, hội họa, điện ảnh, sưu tầm cổ vật, phục trang… Họ làm sống dậy kho báu nghìn năm, khiến những giá trị văn hóa lâu đời trở nên lung linh và gần gũi hơn trong nhịp sống đương đại.
Nổi bật nhất ở mảng cổ phong chính là trang phục. Năm ngoái, trào lưu xuống phố và mặc cổ phục các triều đại phong kiến Việt Nam của nhiều bạn trẻ đã khiến người dân và du khách thích thú. Dạo quanh Hồ Gươm (Hà Nội) hay phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh) dịp cuối tuần, rất dễ bắt gặp các nhóm nam thanh nữ tú diện áo ngũ thân, áo Nhật bình, áo tấc, áo đối khâm, áo giao lĩnh, áo viên lĩnh… rất đẹp mắt. Họ hóa thành những ông quan, ông vua hay nàng tiểu thư khuê các, sang trọng.
Rất nhiều du khách nước ngoài bất ngờ trước nét đặc sắc của trang phục Việt Nam và liên tục xin chụp ảnh. Không chỉ mặc vào dịp hội hè mà người trẻ còn đưa trang phục cung đình xưa vào cuộc sống thường nhật. Một nhóm học sinh ở Nam Định mặc áo triều Nguyễn chụp ảnh kỷ yếu hay đôi uyên ương ở Cao Bằng quyết định chọn áo Nhật bình và áo tấc làm trang phục cưới.
Góp công hồi sinh cổ phục trong đời sống đương đại chính là loạt hội nhóm như “Dệt nên triều đại”, “Ỷ vân hiên”, “Hoa văn Đại Việt”, “Nguyên Phong đoạn lĩnh”, “Việt cổ phục cách tân”… Cầm trịch các hội nhóm này đều là người trẻ, tuổi đời chỉ mới 20, 30 như Tôn Thất Minh Khôi, Trần Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Đức Lộc, Nguyễn Thị Trang…
Tôn Thất Minh Khôi từ nhỏ đã tự hào về truyền thống dòng họ. Những câu chuyện ông hoàng, bà chúa lôi cuốn cậu bé. Lớn lên, Khôi trở thành một trong những nhà nghiên cứu trẻ đi sâu vào chuyện thâm cung bí sử của hoàng hậu, phi tần triều Nguyễn với dự án “Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi”. Chính anh cũng là người khởi xướng ngày hội “Tóc xanh - Vạt áo” để quảng bá cổ phục các triều đại đến giới sinh viên, học sinh phía Nam.
Nhắc tới gương mặt trẻ nhưng ghi nhiều dấu ấn trong làng nghiên cứu cổ ngữ phải kể đến cô nàng 9X Nguyễn Thùy Dung. Mới đây, Dung trình làng cuốn sách “Cổ mỹ từ”. Đây là cuốn sách tập hợp những từ có sắc thái cổ và giàu cảm xúc trong tiếng Việt. Đáng nói, những từ này đang dần mai một vì hậu thế ít biết đến. 58 từ trong sách được cô chắt lọc và tinh tuyển từ rất nhiều tác phẩm thi văn Việt Nam xưa, nhất là văn thơ trung đại. Mỗi từ đều được cô giải nghĩa cặn kẽ, kể những câu chuyện thú vị và trích dẫn thơ xưa của các tác gia lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến… để bạn đọc dễ cảm thụ.
Ngay khi vừa ra mắt, “Cổ mỹ từ” đã gây chú ý với giới cầm bút nói riêng và người yêu tiếng Việt nói chung. Những cụm từ Hán - Việt như hiểu yên (khói sớm, sương khói ban mai), yển nguyệt (trăng khuyết), bích giản (khe suối biếc, khe nước biếc), điềm thụy (giấc ngủ ngon), du nhiên (dáng vẻ thong dong tự tại, hoặc để tả một niềm hứng thú bất tận, triền miên)… trở nên lạ lẫm mà đầy thi vị với số đông bạn trẻ.
Tác giả bộc bạch: “Tôi hay đọc thơ văn Hán - Nôm và phát hiện nhiều từ ngữ rất nên thơ, rất lãng mạn mà hiện ít được dùng, có khi hơi khó hiểu với nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Do vậy tôi muốn giới thiệu cho họ cùng biết. Và khi đào sâu về ngữ nghĩa, cách dùng, ta sẽ thấy được đằng sau mặt chữ là cả một hệ thống văn hóa, thường thức của thời đại, như thể ta tìm được một kho báu bị lãng quên. Thực hiện “Cổ mỹ từ”, tôi không dám mong có thể làm sống lại một lớp từ cổ kính, chỉ hy vọng có thể mang đến cho bạn đọc chút niềm hân hoan khi cảm thụ những từ ngữ nhiều sắc thái biểu cảm trong tiếng Việt”. Ngoài “Cổ mỹ từ”, cô còn là chủ nhân trang “Ngày ngày viết chữ” chuyên “kể những câu chuyện be bé về tiếng Việt” và hướng dẫn cách dùng tiếng Việt sao cho chuẩn, nhất là với những từ Hán - Việt cổ.
Ở lĩnh vực âm nhạc, thể loại cổ phong cũng bắt đầu ghi dấu ấn với tên tuổi của nhạc sĩ Huỳnh Việt Anh Khang và ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung. Những ca khúc như “Nhật Bình”, “Phía sau Ngọ Môn”… phảng phất sắc màu cổ kính trong nét nhạc hiện đại. Theo nhạc sĩ Anh Khang, nhạc cổ phong được định hình bằng những âm giai xây dựng từ ngũ cung Việt Nam hoặc có thể được dựng lên từ những giai điệu dân gian quen thuộc với đời sống thường nhật. Từ đó, các nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc sẽ sử dụng những nhạc cụ hiện đại và cổ điển để cùng phối hợp tạo nên một bản nhạc có đủ các yếu tố cổ-kim giao thoa.
Lĩnh vực điện ảnh cũng không kém cạnh khi hàng loạt tác phẩm lấy cảm hứng từ thăng trầm triều đại liên tiếp bấm máy. Có thể nói lịch sử Việt Nam là kho tàng chất liệu khổng lồ cho giới làm phim. Các nhân vật lẫn câu chuyện lịch sử nước ta hấp dẫn và cuốn hút không thua kém bất kỳ nước đồng văn nào. Người kiên trì theo đuổi dòng phim cổ trang có thể kể đến đạo diễn trẻ Huỳnh Tuấn Anh. Ngoài series “Phượng khấu” khai thác về cuộc đời Thái hậu Từ Dụ, anh còn ấp ủ nhiều tác phẩm khai thác chính sử hoặc văn hóa truyền thống như dự án “Phật hoàng Trần Nhân Tông”, “Ỷ Lan truyện”, “Huyết rồng”…
“Hồi nhỏ, tôi đã thích tìm tòi, khám phá lịch sử, văn hóa. Nhìn về quá khứ, tiền nhân cho chúng ta những bài học giá trị, quý báu. Lớn lên, đi khắp năm châu, tôi hiểu ra rằng văn hóa là thứ để nhận diện một dân tộc. Cái mới, cái tối tân thì nước mình không bằng người ta nhưng kho tàng văn hóa thì lại rất dồi dào. Tại sao mình không kế thừa? Tôi không giỏi giang gì. Một mình tôi không thể làm nên diện mạo phim cổ trang Việt. Tôi đeo đuổi đam mê của mình vì muốn cho mọi người có niềm tin rằng Huỳnh Tuấn Anh làm được thì những đạo diễn tài ba hơn Huỳnh Tuấn Anh sẽ làm được và chắc chắn hay hơn nhiều lần. Có như thế, chúng ta mới truyền tình yêu sử, quảng bá được nét đẹp dân tộc cho giới trẻ và xa hơn là cho bạn bè quốc tế”, Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ.
Rõ ràng, định kiến giới trẻ không mặn mà với lịch sử dân tộc cần được xem xét lại một cách thấu đáo. Theo nhà nghiên cứu trẻ Tôn Thất Minh Khôi, giới trẻ chưa bao giờ quay lưng lại với lịch sử cha ông. Vấn đề nằm ở cách chúng ta lôi cuốn họ bằng cách nào, có hấp dẫn không chứ đừng khư khư nhồi nhét kiến thức bằng cách bắt họ học thuộc lòng từng ngày tháng, sự kiện. Bởi khi lịch sử, văn hóa trở lại đầy sống động, hòa nhập vào đời sống hiện đại một cách dễ dàng thì những mái đầu xanh đón chào nó với tất cả sự nâng niu và gìn giữ. Đáng mừng khi người mở đường cho họ chính là những trí thức cùng thế hệ mình.
Làn sóng cổ phong phát triển mạnh trong lớp trẻ là điều mà thế hệ tiền bối vô cùng vui mừng bởi nó không chỉ là sự tôn vinh mà còn là sợi dây tiếp nối những nét đẹp trong của hồi môn cha ông. Song theo đánh giá của nhà nghiên cứu lịch sử Trần Đình Sơn, tuổi trẻ giàu nhiệt huyết, khám phá, dám thử dám làm nhưng họ cũng dễ mắc sai lầm do thiếu kiến thức, non kinh nghiệm. Dễ gây tranh cãi nhất chính là dòng phim cổ trang và các nghiên cứu về cổ phục. Rất nhiều xiêm áo của triều Lê, triều Lý… lẫn bộ phim cổ trang khi chỉ vừa “nhá hàng” đã bị khán giả săm soi, so sánh từ chiếc trâm cài đến chiếc nút áo.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh tâm niệm: “Tôi nghĩ người làm cổ phong ở mọi lĩnh vực như văn chương, hội họa, âm nhạc cho đến điện ảnh phải có đủ bản lĩnh và kiến thức. Nếu chỉ đam mê, yêu văn hóa, lịch sử dân tộc đơn thuần thôi thì chưa đủ, người làm cổ phong còn phải có kiến thức sâu rộng và quan điểm vững chắc để tạo ra những sản phẩm chất lượng và đủ sức đứng trước sóng gió dư luận. Yêu mà thiếu hiểu biết thì bằng mười hại nhau”.