Nhìn cơ hội giành huy chương ASIAD của thể thao Việt Nam từ mức thưởng

Thứ Hai, 02/10/2023, 09:43

Trước thềm ASIAD 19, nhiều Liên đoàn, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia đã công bố mức thưởng cho VĐV đạt thành tích cao tại Á vận hội sắp tới. Từ số tiền được treo thưởng, người hâm mộ có thể hình dung phần nào về những môn thi đấu sẽ mang "vàng" về cho thể thao Việt Nam.

Cơ hội cao, tiền thưởng lớn

Tại ASIAD 18, điền kinh vụt sáng trở thành ngôi sao của đoàn thể thao Việt Nam với 2 HCV. Sau hơn 3 thập niên kể từ khi hội nhập trở lại với quốc tế, Việt Nam cuối cùng cũng có những đại diện nắm vị trí số 1 châu lục ở môn thể thao nữ hoàng. Và hành trình đó vẫn không dừng lại, khi những niềm hy vọng vàng tiếp tục xuất hiện.

anh1.jpg -0
Điền kinh Việt Nam có thể giành 1 HCV ở ASIAD 19

Không lâu trước khi ASIAD 19 chính thức diễn ra, Việt Nam đã giành 1 HCV tại giải vô địch điền kinh châu Á. Tổ chạy 400m nữ với nhóm 4 VĐV, bao gồm Nguyễn Thị Huyền đang có phong độ rất cao. Nếu tiếp tục thi đấu tại Á vận hội như giải châu Á vừa qua, cơ hội điền kinh Việt Nam có thêm 1 HCV ASIAD là hoàn toàn khả thi.

Nhằm hướng đến một kỳ ASIAD rực rỡ như 5 năm trước, những người làm điền kinh Việt Nam không ngần ngại treo mức thưởng lớn làm động lực cho VĐV. Theo thông báo từ Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, VĐV giành HCV ASIAD có thể được nhận thưởng dao động từ 200 đến 400 triệu đồng, và số tiền chưa dừng lại ở đó. Không chỉ có VĐV, những HLV cũng được Liên đoàn Điền kinh Việt Nam công khai mức thưởng nếu có học trò giành huy chương tại Á vận hội. Số tiền thưởng dành cho HLV có thể lên tới 100 triệu đồng nếu VĐV giành HCV. Trong trường hợp một, hay một nhóm VĐV điền kinh Việt Nam vô địch ASIAD, đây có thể là tấm HCV giúp họ đổi đời. Sau điền kinh, những môn thể thao tiếp theo công khai mức thưởng dành cho VĐV giành HCV là Cầu mây và Judo. Số tiền Liên đoàn Thể thao quốc gia của 2 bộ môn này treo thưởng cũng rất lớn, lên tới 300 triệu đồng cho VĐV giành HCV. Đáng chú ý hơn, đây chỉ là một trong những khoản tiền thưởng dành cho VĐV.

Bên cạnh các Liên đoàn thể thao quốc gia, Ủy ban Olympic Việt Nam cũng công khai số tiền thưởng thêm cho VĐV giành HCV ASIAD là 200 triệu đồng. Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội (Nhổn) cũng cam kết thưởng thêm 200 triệu  đồng nữa. Những khoản thưởng nói trên chưa bao gồm tiền thưởng theo quy định nhà nước.

Theo Nghị định 152/2018/NĐ-CP, mức thưởng Nhà nước dành cho VĐV giành huy chương ASIAD lần lượt là 140 triệu đồng cho HCV, 85 triệu cho HCB, 55 triệu cho HCĐ. VĐV phá kỷ lục được nhận thêm 55 triệu đồng. Các tỉnh, thành, ngành cũng có quy định riêng dành cho VĐV của đơn vị mình đạt thành tích cao tại đấu trường quốc tế.

Nguyên nhân của phần thưởng lớn

Từ những dữ kiện nói trên, có thể thấy VĐV Việt Nam giành HCV ASIAD sẽ đứng trước cơ hội nhận tiền thưởng không dưới 500 triệu đồng. Đây là con số phù hợp, xứng đáng với nỗ lực của VĐV hướng đến đấu trường Á vận hội, nơi có mức độ cạnh tranh lớn hơn rất nhiều so với SEA Games hay các giải thể thao khu vực khác. Tuy nhiên, con số thưởng giữa các môn lại rất khác nhau. Trong số ba Liên đoàn thể thao quốc gia công khai mức thưởng cho VĐV giành HCV ASIAD, Judo là môn hiếm hoi không có cơ hội vô địch thực sự rõ ràng. Lịch sử các kỳ Á vận hội ghi nhận Judo Việt Nam chưa bao giờ giành được huy chương, bởi các đối thủ trong khu vực châu Á vẫn tỏ ra quá mạnh. Tuy nhiên, câu chuyện trong hai môn điền kinh và cầu mây lại hoàn toàn khác.

Nhìn cơ hội giành huy chương ASIAD của thể thao Việt Nam từ mức thưởng -0
Bạc Thị Khiêm sẽ cầm cờ cùng Huy Hoàng trong lễ khai mạc ASIAD 19

Bên cạnh tổ chạy tiếp sức 4x400m đồng đội nữ, đội tuyển cầu mây nữ Việt Nam cũng là một trong những niềm hy vọng vàng tại ASIAD tới. Trong quá khứ, môn thể thao này từng mang về không chỉ 1, mà tới 2 HCV tại kỳ Á vận hội 2006. Kỳ tích có thể được lập lại một lần nữa, khi tuyển cầu mây nữ Việt Nam liên tục đạt thành tích tốt thời gian gần đây. Mức thưởng được các Liên đoàn thể thao quốc gia công bố, vì thế, như một phần khích lệ các VĐV vượt qua áp lực mang tên "chỉ tiêu". 5 năm trước tại Indonesia, thể thao Việt Nam giành được 5 HCV ASIAD, nhưng hai trong số đó đến từ Pencak Silat, môn võ được nước chủ nhà đưa vào chương trình thi đấu. Việc lập lại kỳ tích của năm 2018 là điều rất khó xảy ra.

Hướng đến ASIAD 19, Việt Nam đặt mục tiêu giành 2-5 HCV. Con số này có thể khiêm tốn với quy mô, số lượng VĐV Việt Nam dự Á vận hội, nhưng phù hợp với thực tế. Tại 2 kỳ Á vận hội 16 (2010) và 17 (2014), Việt Nam chỉ giành được 1 HCV ở mỗi kỳ. Rất nhiều niềm hy vọng vàng đã bỏ lỡ cơ hội đứng trên bục cao nhất vì không thể vượt qua áp lực chỉ tiêu giành huy chương.

Mỗi khi VĐV Việt Nam không đạt thành tích như kỳ vọng tại các giải thể thao quốc tế, câu chuyện "tâm lý thi đấu không ổn định" lại được đưa ra làm lý do giải thích. Nhưng đó không phải câu trả lời để giải quyết tận cùng vấn đề không đạt chỉ tiêu. Có 4 nhân tố quyết định thành bại khi VĐV thi đấu: Khả năng vốn có, điểm rơi phong độ, kinh nghiệm thi đấu, động lực thi đấu.

Nếu thiếu 1 trong 4 nhân tố nói trên, VĐV sẽ rất khó đạt được thành tích cao nhất, tương xứng với khả năng của họ. Đây là bài học xương máu thể thao Việt Nam từng trải qua sau những giải đấu không đạt chỉ tiêu huy chương. Vì thế, mức thưởng "nóng" dần xuất hiện và tăng dần theo mỗi giải đấu như để tạo thêm động lực cho VĐV hướng đến thành tích cao nhất.

Huy động nguồn lực không dễ

Cử tạ và tTể dục (bao gồm thể dục dụng cụ, nhảy breakdance) là những môn cũng công bố mức thưởng cho VĐV đạt thành tích cao tại ASIAD. Tuy nhiên, con số được Liên đoàn thể thao quốc gia của 2 môn này đưa ra khiêm tốn hơn rất nhiều so với Điền kinh, Cầu mây hay Judo, và một phần nguyên nhân dựa trên hoàn cảnh thực tế.

Liên đoàn Thể dục Việt Nam thưởng VĐV giành HCV 100 triệu đồng, HCB 50 triệu đồng, HCĐ 20 triệu đồng. Trên thực tế, việc giành được HCĐ đã là thành công với các VĐV Việt Nam. Đội tuyển Thể dục dụng cụ Việt Nam hiện chỉ có 2 VĐV đủ khả năng cạnh tranh HCĐ là Đặng Ngọc Xuân Thiện và Nguyễn Văn Khánh Phong.

Sau "kỷ nguyên Phan Thị Hà Thanh" với điểm nhấn là tấm HCĐ thế giới và HCB ASIAD 17 (2014), thể dục dụng cụ Việt Nam vẫn chưa có VĐV đạt đến trình độ của "búp bê Hải Phòng". Hy vọng thực sự của các môn thể dục, thực ra lại đến từ nội dung breakdance, nơi các VĐV Việt Nam được kỳ vọng làm nên bất ngờ trong lần đầu dự ASIAD.

Gặp khó hơn cả Thể dục dụng cụ trước thềm ASIAD là Cử tạ. Liên đoàn Cử tạ và Thể hình Việt Nam công bố mức thưởng dành cho VĐV giành HCV ASIAD là 30 triệu đồng, các vị trí tiếp theo lần lượt nhận 20 triệu (HCB) và 10 triệu (HCĐ). Số tiền khiêm tốn nói trên xuất phát từ những khó khăn kép mà môn cử tạ đang trải qua.

Thứ nhất, đội tuyển cử tạ Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển giao. Thạch Kim Tuấn đã rời đội tuyển quốc gia, Hoàng Thị Duyên cũng không còn ở phong độ đỉnh cao. Trịnh Văn Vinh, người vừa trở lại sau án cấm thi đấu, cũng khó có khả năng cạnh tranh ngôi vị cao nhất ở đấu trường châu lục.

Thứ hai, cử tạ là một môn thuần thể thao thành tích cao, rất khó huy động các nguồn lực xã hội hóa để phát triển hay khen thưởng cho VĐV. Phần lớn nguồn thu của Liên đoàn Cử tạ và Thể hình Việt Nam đến từ Thể hình, môn thể thao chứng kiến sự bùng nổ phong trào tập luyện thời gian gần đây.

"Nếu so với trước đây, VĐV Việt Nam đã có chế độ ổn định hơn rất nhiều". Đó là chia sẻ của một VĐV từng tham dự Olympic. Theo thời gian, mức thưởng và đãi ngộ dành cho VĐV không đơn thuần chỉ mang tính động viên hay tiếp thêm động lực nữa. Từ những con số, chúng ta có thể đoán trước về những niềm hy vọng vàng ở ASIAD tới.

Vinh dự của Bạc Thị Khiêm

Tại ASIAD 19, mỗi quốc gia sẽ có 2 VĐV cầm cờ diễu hành. Với đoàn thể thao Việt Nam, vinh dự này thuộc về Nguyễn Huy Hoàng (Bơi) và Bạc Thị Khiêm (Taekwondo). Huy Hoàng đã là gương mặt quen thuộc dẫn đầu đoàn Việt Nam ở nhiều giải thể thao quốc tế vừa qua. Trong khi đó, đây là lần đầu tiên Bạc Thị Khiêm có vinh dự đại diện cầm cờ cho thể thao Việt Nam.

Bạc Thị Khiêm sinh năm 2000, là con cả trong một gia đình dân tộc Thái ở tỉnh Sơn La. Tính đến thời điểm hiện tại, cô có hơn 10 năm kinh nghiệm tập luyện, thi đấu Taekwondo thành tích cao. Bạc Thị Khiêm đã vô địch SEA Games 30, 31; giành HCB SEA Games 32 và từng tham dự ASIAD 18 ở Indonesia. Cô cũng có nhiều năm liền giữ ngôi vô địch quốc gia hạng mục đấu đối kháng.

Trong lễ xuất quân tham dự ASIAD 19 của đoàn thể thao Việt Nam, Bạc Thị Khiêm cũng là người đại diện các VĐV lên đọc lễ tuyên thệ. Tại ASIAD tới, cô gái 23 tuổi nhiều khả năng sẽ thi đấu ở nội dung sở trường là hạng cân 67kg nữ. Đối thủ của cô là những VĐV rất mạnh đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran và Jordan. 5 năm trước, Khiêm dừng bước ở vòng 1/8 của giải.

Theo thông tin từ Cục Thể dục Thể thao, đoàn Việt Nam sẽ tham dự ASIAD 19 với 337 vận động viên, tranh tài ở 31 môn.

Đơn Ca
.
.
.