"Nghèo sang chảnh"  - Lối sống mới hay sự lệch lạc trong nhận thức?

Thứ Sáu, 13/10/2023, 11:37

Khát khao cuộc sống "mua đồ không cần nhìn giá" đang trở thành xu hướng của một bộ phận của giới trẻ. Đứng trước những cám dỗ, nhiều người đã lạc lối trong cách sống xa hoa với những món đồ xa xỉ vượt xa tầm với mà người ta gọi là "nghèo sang chảnh".

"Tuổi trẻ rất ngắn, hãy sống hưởng thụ"

Dù nghèo nhưng vẫn phải sang chảnh, nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực chất đây là một lối sống hiện nay, nhất là đối với những người trẻ. Nghèo sang chảnh hay còn hiểu là lối sống chạy theo vật chất, chi tiêu và đòi hỏi những thứ vượt quá khả năng, thu nhập của bản thân.

386891115_1052608535766608_8766951506808798249_n.jpg -0
Trên một fanpage có tên "Rich Kids of Việt Nam" liên tục đăng tải những hình ảnh ăn chơi xa hoa của những người trẻ tuổi thu hút nhiều lượt thích và bình luận

Thực tế hằng ngày chúng ta không khó gặp lối sống chuộng vật chất, tiêu xài hoang phí của nhiều người. Một số bạn trẻ sẵn sàng mua những món đồ hiệu đắt tiền, mỹ phẩm cao cấp… trong khi thu nhập chỉ chưa đến chục triệu đồng/ tháng, nhiều người chưa kiếm ra tiền thì lại tìm cách "cò quay" bố mẹ. Có lẽ, họ cảm thấy sung sướng khi nhận được những lời tán thưởng và ghen tị từ bạn bè. Không ít người sẵn sàng chi tiền cho những bữa ăn ở nhà hàng sang trọng, những chuyến đi chơi đắt tiền vượt xa khả năng của mình, sau đó post ảnh lên Facebook chỉ để nhận những lời tán dương của cộng đồng mạng.

Mai Lan, sinh viên khoa Phát thanh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, lối sống "nghèo mà sang chảnh" bắt nguồn từ mong muốn thể hiện bản thân, thói quen chi tiêu theo cảm xúc. Lâu dần thói quen ngấm vào máu khiến một số người bất chấp, sẵn sàng đi vay mượn để "sống ảo". Trên mạng xã hội, hai quan điểm "Tuổi trẻ rất ngắn, hãy cứ sống hưởng thụ" và "Tuổi trẻ phải tiết kiệm để tương lai đỡ vất vả" đã tạo ra những luồng ý kiến trái chiều. Nói về quan điểm này, Mai Lan cho rằng, nếu cố gắng làm việc thì bản thân vẫn có thể tận hưởng cuộc sống dù ở lứa tuổi nào, nhưng sự hưởng thụ phải trong mức kinh tế cho phép và không vượt quá số tiền mình kiếm được.

"Trước đây em cũng có thời gian sa đà vào chuyện này, em đã chi tiêu quá mức vào những khoản không cần thiết như mua sắm nhiều, đi chơi ở những nơi đắt đỏ, dành dụm 5 tháng lương làm thêm chỉ để mua một chiếc túi hàng hiệu… Thậm chí có những tháng tiêu sạch tiền, phải vay bạn bè, người thân để trả tiền ăn uống, thuê nhà. Sau lần đó em mới nhận ra một điều, quản lý chi tiêu là một kỹ năng vô cùng quan trọng. Thực sự lối sống này cần được nhìn nhận lại nghiêm túc bởi nhiều người đang dần biến "nghèo sang chảnh" thành xu hướng", Mai Lan chia sẻ.

Trường hợp của bạn Trần Đình Hưng (Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội), vốn không học hành đến nơi đến chốn, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về gia đình nhưng không có công việc ổn định. Dù không có tiền nhưng Hưng thích ăn diện, giao du với những "cậu ấm cô chiêu". Anh thường xuyên xuất hiện ở những nhà hàng sang trọng, diện những bộ quần áo hàng hiệu, thậm chí phụ kiện đi theo như điện thoại, đồng hồ cũng là những thứ đắt đỏ nhất. Hưng kể lại: "Thực sự đó là thời gian vô cùng ngu dốt của em, khi đó em đã dùng đủ mọi cách để quay tiền. Thậm chí còn đi vay nặng lãi để mua sắm những thứ xa xỉ đắp vào người, nói dối bố mẹ, bạn bè để vay tiền. Mục đích cũng chỉ để đú với bạn bè, đi du lịch, sau đó chụp ảnh để đăng lên Facebook mà thôi. Sau khoảng 2 năm đắm đuối vào cuộc sống xa xỉ đó, số nợ của em lên đến 800 triệu đồng, giờ nghĩ lại thấy mình ngu muội".

Cuộc sống sang chảnh nhất thời ấy của Hưng cũng như một số người không khiến bản thân trở nên "sang chảnh" hơn mà ngược lại càng làm cho cuộc sống hiện tại khó khăn. Đằng sau những bộ trang phục lộng lẫy, những đồ dùng đắt tiền là nỗi lo sợ làm sao để kiếm lại số tiền đã bỏ ra, là nỗi ám ảnh khi phải quay về với "chiếc máng lợn".

Nhiều người cho rằng "nghèo sang chảnh" không còn đơn giản là xu hướng sống, nó nói lên sự nhu nhược, tự ti không dám đối mặt với hoàn cảnh của bản thân. Lâu dần, khi mải miết đuổi theo những thứ xa xỉ ấy, không ít người sa vào lỗi lầm và phải trả giá đắt cho những lỗi lầm đó.

Đánh mất chính mình

"Không ai đánh thuế ước mơ", mong muốn có một cuộc sống dư giả, đủ đầy là động lực phấn đấu của nhiều bạn trẻ. Thế nhưng, không khó để thấy nhiều bạn trẻ đã và đang có những suy nghĩ sai lệch, lầm lạc khi cho rằng chỉ cần khoác trên mình những bộ cánh lộng lẫy, đắp thật nhiều những thứ hào nhoáng ra ngoài mới được người khác công nhận.

Do cần tiền mua điện thoại iPhone, hai đối tượng trẻ tuổi này đã xuống tay giết người

Chính lối tư duy đó khiến không ít người đã rơi vào vũng bùn của sự tha hóa, họ lấy giá tiền của những món đồ, thương hiệu của những gì người khác mặc làm thước đó nhân cách, quy chuẩn con người.  Sự lệch lạc trong nhận thức đó còn bắt nguồn ngay từ chính những thói quen thường ngày. Không ít người đã biện minh cho thói quen tiêu xài phung phí của mình với lý do "tuổi trẻ phải sống hết mình", "không mua bây giờ sẽ không còn cơ hội nữa"… Những lời biện minh để mê hoặc cho những lần quá tay đó lâu dần trở thành một lối sống độc hại biến không ít người trở nên mù quáng.

Đã không ít những trường hợp vì thiếu tiền tiêu xài, mua sắm mà những người trẻ tuổi gây án, khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Hàng ngày, những clip "bóc giá outfit" (tức là tính tổng tài sản trên người một ai đó), từ diễn viên, ca sĩ đến bất cứ một nhân vật nào không tên tuổi vô tình xuất hiện trên đường phố, mà một số chủ kênh YouTube hay thực hiện, đã nhiều lần khiến người xem giật mình kinh ngạc vì tổng giá trị outfit của một cô gái dạo trên phố đi bộ lên tới hơn 2 tỉ đồng. Khi chủ kênh hỏi nghề nghiệp thì cô gái này nói vẫn đang đi học và tiền do bố mẹ chu cấp. Trong trường hợp này thì nguyên nhân có thể xuất phát từ phụ huynh vì đã nuông chiều con cái quá mức. Song chính những clip này đôi khi cũng là "động lực" khiến nhiều người trẻ bị "sốt ruột", mong muốn được hưởng thụ cho bằng bạn bằng bè, dù hoàn cảnh, thực lực của mình không cho phép.

Lối sống này, thiết nghĩ, các bạn trẻ nên tự rút ra quan điểm riêng cho mình!

Chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà chia sẻ:

Việc sống cho đáng tuổi trẻ không chỉ thể hiện cái vỏ mà còn phải thể hiện năng lực, con người mình, làm chủ cuộc đời mình. Thể hiện bản thân bằng tiêu dùng phô trương thì một lúc nào đó sẽ trở thành con nợ của chính mình và không thoát ra được, khi đó dễ bị người khác chi phối. Có nhiều bạn trẻ mới 25-26 tuổi đã thành công cụ kiếm tiền của người khác.

Muốn sống một tuổi trẻ đúng nghĩa phải sống bằng đam mê, cống hiến cho xã hội. Sống bằng thực lực và sự dấn thân của tuổi trẻ. Việc tiêu xài phung phí hay không, chúng ta nên tiêu dùng dựa trên khả năng kiếm tiền của mình. Tiết kiệm có mục tiêu, đầu tư cho học hành, cho các mối quan hệ giúp các bạn trẻ có nhiều trải nghiệm, ra trường với tâm thế của người làm chủ. Chúng ta cần sự tính toán vì cuộc đời rất là dài, nếu làm 1 đồng tiêu 2 đồng cuộc sống sẽ bị thiếu hụt, không có sự dự phòng cho tương lai. Chúng ta chỉ tiêu 0,5 hay 0,25 đồng trong 1 đồng làm ra. Còn lại dùng để đầu tư để kiếm ra được rất nhiều đồng khác. Có như vậy thì sẽ được sống trong sự an toàn theo đúng nghĩa…

Đinh Hiền
.
.
.