Khi thể dục thành trào lưu khoe mẽ
Trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, xu hướng chia sẻ hình ảnh cá nhân lên các nền tảng trực tuyến ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, gần đây, hiện tượng “sống ảo” của một bộ phận người tập Yoga, aerobic, và thể dục đã gây không ít tranh cãi.
Không ít trường hợp, người tập dành nhiều thời gian để tạo dáng, chụp ảnh hơn là chú trọng vào rèn luyện sức khỏe thực sự. Đặc biệt, tình trạng này ngày càng xuất hiện nhiều tại các điểm du lịch và nơi công cộng, gây bức xúc và tạo cảm giác ngán ngẩm cho những người xung quanh.
“Tự sướng” mọi lúc mọi nơi
Trên các nền tảng mạng xã hội, không khó để bắt gặp hình ảnh của những người tập Yoga, aerobic, hay thể dục với các tư thế tạo dáng cầu kỳ, trang phục rực rỡ, bó sát, và phong cách chỉnh sửa ảnh kỹ lưỡng. Điều này đôi khi khiến người xem có cảm giác rằng mục đích chính của việc tập luyện là để thể hiện hình ảnh “đẹp”, “thời thượng” hơn là để đạt được kết quả về sức khỏe và tinh thần.
Một số người thực hiện các tư thế khó, thậm chí là phản cảm với mục đích thu hút sự chú ý từ cộng đồng mạng hơn là để tập luyện thực sự. Ở nhiều trường hợp, địa điểm chụp ảnh không phải là phòng tập mà là các công viên, bãi biển, hoặc các địa điểm du lịch nổi tiếng, nơi thu hút đông đảo người qua lại.
Mới đây, một nữ du khách nước ngoài đã chia sẻ trên mạng xã hội trải nghiệm có một không hai về chuyến đi lên đỉnh Fansipan của Việt Nam. Nhưng vấn đề gây chú ý ở đây không phải là cảnh đẹp của điểm du lịch nổi tiếng này. Điều thu hút được sự quan tâm của nữ du khách là khi lên tới đỉnh, thay vì được ngắm những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nữ du khách lại bắt gặp một nhóm phụ nữ trong trang phục Yoga bó sát đang tạo dáng gây tranh cãi bên bia tọa độ.
Nữ du khách giới thiệu một cách châm biếm trong đoạn video ngày 20/10 của mình: “Đây là view trên đỉnh Fansipan”. Hình ảnh này nhanh chóng gây ra một cuộc tranh cãi nảy lửa trong cộng đồng người dùng mạng xã hội. Một số người cho rằng việc luyện tập rèn sức khỏe là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, số khác lại đánh giá trang phục và hành động tạo dáng các tư thế Yoga tại điểm du lịch nổi tiếng, đông đúc, tạo ra hình ảnh phản cảm với người xung quanh.
Một nữ du khách ở Hà Nội cũng bức xúc chia sẻ trên mạng xã hội khi gia đình chị vào Đà Lạt săn mây, cả nhà thức dậy từ 4-5 giờ sáng phải xếp hàng chờ đợi nhóm tập Yoga để có cơ hội chụp ảnh. Tuy nhiên, thời gian trôi qua từ sáng sớm tinh mơ cho đến khi những đám mây gần như tan biến, nhóm Yoga vẫn mải miết tạo dáng.
Đây không phải là lần đầu tiên, việc biểu diễn Yoga gây nhiều tranh cãi khi được diễn ra ở những nơi đông người. Cách đây không lâu, một nhóm phụ nữ cũng quay video tập Yoga ngay giữa đường. Thậm chí, người ta còn mang cả bộ môn này lên trình diễn trên sân khấu đám cưới khiến không ít quan khách phải “nhức” mắt vì trang phục bó sát cùng tư thế nhạy cảm.
Vài tháng trước, khi mùa hoa bằng lăng nở rộ cũng là lúc trào lưu chụp Yoga giữa đường hoa trở nên hot hơn bao giờ hết. Bất chấp vi phạm giao thông, chị em trải thảm giữa đường quốc lộ để tạo dáng chụp ảnh trong những bộ đồ bó sát. Nhiều nhóm Yoga đã bị Công an địa phương xử phạt hành chính và thông báo kết quả làm việc về nơi cư trú, nơi làm việc theo quy định; yêu cầu cam kết không tái phạm và tổ chức truyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân tự nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng; không lấn chiếm, sử dụng trái lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ; nghiêm chỉnh chấp hành các quy tắc ứng xử nơi công cộng và các quy định chung nhằm góp phần giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông.
Thế nhưng gần đây, tình trạng này lại tái diễn ở các điểm du lịch, nơi công cộng, nhiều du khách qua lại. Việc này không chỉ làm giảm tính nghiêm túc của hoạt động thể dục, thể thao mà còn biến những không gian công cộng thành “sân khấu” cá nhân, đôi khi gây khó chịu cho những người xung quanh. Một người đi du lịch tại điểm danh lam thắng cảnh đã chia sẻ: “Thay vì tận hưởng vẻ đẹp tự nhiên hay tận dụng không gian để thực hiện các bài tập nghiêm túc, họ lại biến nơi công cộng thành phòng tập và studio riêng để chụp ảnh”.
Đừng biến nơi công cộng thành “sân khấu” cá nhân
Một phần nguyên nhân của trào lưu này đến từ nhu cầu thể hiện bản thân và áp lực cạnh tranh trên mạng xã hội. Những bức ảnh với trang phục thời trang và góc chụp chuyên nghiệp sẽ dễ thu hút lượt thích, bình luận và sự chú ý từ người khác. Nhiều người vì muốn duy trì hình ảnh cá nhân nổi bật, đã biến các bài tập thành “show diễn” công khai, thay vì dành trọn tâm trí vào việc luyện tập nghiêm túc.
Hệ lụy của trào lưu khoe mẽ trong tập luyện biến tập luyện thành phong trào “sống ảo”, biến mục đích rèn luyện sức khỏe thành “thành tích cá nhân”. Thay vì chú trọng đến kết quả và chất lượng luyện tập, nhiều người tập vì mục đích “sống ảo” và bỏ qua các nguyên tắc cơ bản của bài tập. Điều này có thể dẫn đến hiệu quả tập luyện thấp, thậm chí là nguy cơ chấn thương nếu không thực hiện đúng kỹ thuật.
Những hình ảnh đẹp lung linh trên mạng xã hội tạo ra áp lực ngầm cho nhiều người khi phải cố gắng để đạt được “chuẩn mực” như vậy. Kết quả là, nhiều người cũng tham gia trào lưu khoe dáng, khoe trang phục và đua theo hình ảnh hoàn hảo thay vì tập trung vào cải thiện sức khỏe.
TậpYoga ở nơi công cộng hiện đang là chủ đề gây tranh luận không chỉ ở Việt Nam. Một thành phố ở Mỹ thậm chí còn có quy định cấm các lớp Yoga tại một số điểm check-in và công viên. Luật sửa đổi của thành phố San Diego (bang California, Mỹ) có hiệu lực từ cuối tháng 3, đã quy định rằng các nhóm từ 4 người trở lên tụ tập ở những nơi công cộng để thực hiện các hoạt động giải trí thương mại mà không có sự chấp thuận của chính phủ là bất hợp pháp. Ở Việt Nam việc hạn chế hoặc cấm chụp ảnh khi tập luyện tại nơi công cộng là một vấn đề nhạy cảm. Trong khi một số người ủng hộ việc này để giữ gìn không gian chung, một số khác lại cho rằng đó là quyền tự do cá nhân và không nên bị giới hạn.
Những ý kiến ủng hộ việc cấm chụp ảnh cho rằng không gian công cộng là nơi sinh hoạt chung, không nên bị biến thành sân khấu cá nhân. Việc tập luyện thể dục thể thao, Yoga là một cách để cải thiện sức khỏe và thư giãn, nhưng nếu biến nơi công cộng thành địa điểm “sống ảo” phản cảm, điều này cần được kiểm soát.
Việc nâng cao ý thức của người dân về việc giữ gìn văn minh nơi công cộng là giải pháp tối ưu hơn. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan chức năng có thể đưa ra các biện pháp nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, như hướng dẫn mọi người giữ gìn hình ảnh văn minh khi tham gia các hoạt động tại nơi công cộng. Ở các điểm du lịch tâm linh, danh thắng có ý nghĩa lịch sử, nên quy định về trang phục và hành vi để bảo đảm sự trang trọng, tránh những hành vi phản cảm.
Tập luyện và chia sẻ hình ảnh thể thao không có gì sai, nhưng cần có sự tiết chế và ý thức. Để tránh việc biến các hoạt động lành mạnh này thành phong trào “sống ảo”, chúng ta cần hiểu rõ giá trị của việc tập luyện là cải thiện sức khỏe và giúp tâm hồn thư thái.
Thay vì tập trung vào số lượng người theo dõi hay mức độ tương tác, hãy xem hoạt động thể thao là một hành trình cá nhân, giúp mỗi người phát triển toàn diện hơn. Và khi chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội, hãy chú ý chọn lọc, giữ gìn sự tinh tế và văn minh, tránh làm ảnh hưởng đến không gian và trải nghiệm của những người xung quanh.
Việc nâng cao ý thức về cách sử dụng không gian công cộng và hiểu rõ giá trị thực sự của việc tập luyện là điều quan trọng để giúp các trào lưu thể thao, Yoga, aerobic trở nên lành mạnh và ý nghĩa hơn trong cộng đồng.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Tịnh, khi tập Yoga, nếu tập các động tác vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể, bạn rất dễ bị chấn thương. Bản thân bác sĩ Tịnh đã tiếp nhận nhiều trường hợp chấn thương do tập Yoga sai cách hoặc quá sức, từ giãn dây chằng đến đau khớp, thậm chí gãy cổ (do cố sức tập các tư thế khó như trồng cây chuối, hay tư thế bánh xe).