Dòng chảy nào cho điện ảnh Việt?

Thứ Sáu, 30/06/2023, 09:41

Phim Việt có một quãng thời gian đầu năm rực rỡ với những kỷ lục mới về doanh thu. Bỏ ngoài việc thẩm bàn về chất lượng thì những con số kỷ lục về doanh thu cũng là điều đáng ghi nhận. Nhưng, có vẻ sau những cú chạm rực rỡ đó, phim Việt lại đi xuống, thậm chí thiếu vắng những bộ phim tốt. Điều này một lần nữa khiến chúng ta thấy rõ điện ảnh Việt cần một chiến lược phát triển dài hơi hơn chứ không chỉ "mạnh ai nấy làm".

Hụt hơi vì thiếu vốn

Sau thành công của bộ phim "Nhà bà Nữ", "Chị chị em em 2" vào đầu năm và mới đây là "Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh",  "Con Nhót mót chồng", điện ảnh Việt Nam đã có những tháng ngày rực rỡ về doanh thu tại các phòng vé. Với doanh thu lên tới hàng chục thậm chí là hàng trăm tỷ đồng, nhiều bộ phim còn xuất ngoại đã mang tới nhiều hy vọng cho điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, mùa hè lại vắng bóng phim Việt. Thông tin từ các đơn vị phát hành, vài tháng nữa mới có phim Việt ra rạp. Dự án phim Việt Nam được cho là sớm nhất sẽ ra mắt khán giả trong thời gian tới là "Kẻ ẩn danh" đã ấn định lịch chiếu vào dịp lễ 2/9. Tiếp đó là "Đất rừng phương Nam" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sẽ khởi chiếu vào cuối tháng 10. Ngoài ra, một số phim khác như "Móng vuốt" (đạo diễn Lê Thanh Sơn), "Người vợ cuối cùng" (đạo diễn Victor Vũ) đều dự kiến ra rạp vào cuối năm.

dự án đất rừng phương nam dự kiến ra rạp cuối năm nay.jpg -0
Dự án “Đất rừng Phương Nam” dự kiến ra rạp cuối năm nay.

 Hiện nay, hầu hết lịch chiếu các cụm rạp đang nhường chỗ cho các bộ phim bom tấn của nước ngoài, như "Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời", "Người Nhện: Du hành Vũ trụ Nhện", "Fast & Furious 10", "Vây hãm: Không lối thoát" hay "Nàng tiên cá"... "Nhiệm vụ bất khả thi: Nghiệp báo phần 1", "Barbie"...

Việc phim Việt vắng bóng trong một thời gian dài sau những thành công về doanh thu cũng là điều không khó lý giải. Thực tế, số lượng phim Việt đang giảm dần, do bài toán kinh tế và đầu tư.

"Điện ảnh là một ngành nhiều rủi ro, nếu ngày trước các mạnh thường quân dồi dào nguồn lực sẵn sàng tham gia cuộc chơi này thì bây giờ họ cẩn trọng hơn, lựa chọn phim kỹ hơn và làm cẩn thận hơn", đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.

Theo thống kê của Box Office Vietnam, trong 6 tháng đầu năm, có 10 phim Việt phát hành. Nếu so sánh với thời điểm những năm trước, đây là con số khá khiêm tốn. Nửa đầu năm 2019 đã có 18 bộ phim được công chiếu; năm 2020 và 2021 dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng cũng đã có 11 phim được sản xuất và đặc biệt nửa đầu năm 2022 đã có 24 phim được ra mắt. Tuy nhiên, đã có những thời điểm phim Việt ra rạp ồ ạt nhưng rồi cũng nhanh chóng rời rạp trong thời gian ngắn. Phim thua lỗ là hiện tượng phổ biến. Thậm chí nhiều phim xem xong, khiến chúng tôi tự hỏi rằng, không hiểu tại sao nhà đầu tư có thể "ném tiền qua cửa sổ" một cách lãng xẹt như thế.

Dòng chảy nào cho điện ảnh Việt? -0
Cảnh trong “Lật mặt 6” của Lý Hải.

Năm 2022 được đánh giá là một năm thất bại của phim Việt khi doanh thu giảm từ 50-70%. Bên cạnh đó, nhiều phim dở, trở thành thảm họa khiến khán giả mất niềm tin vào phim Việt. Có lẽ, từ những dư chấn đó khiến năm 2023, các nhà đầu tư cẩn trọng hơn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, bài toán kinh tế và đầu tư cho phim cũng được cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

Phim Việt hiện nay đang thiếu kinh phí đầu tư. Theo thống kê từ các đơn vị sản xuất, một dự án điện ảnh muốn tươm tất, nhà sản xuất phải có số vốn ít nhất khoảng 15 tỷ đồng. Việc này trong giai đoạn bình thường vốn đã rất khó khăn, thì hiện nay trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến rất nhiều nhà sản xuất phải chùn bước. Đại dịch COVID-19 đang để lại nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực điện ảnh. Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng: "Việc phim Việt thiếu vắng trong mùa hè này cũng không có gì lạ, một bộ phim thường mất 6- 8 tháng làm hậu kỳ, nếu phim mới quay đầu năm nay thì phải cuối năm mới ra rạp. Hơn nữa, sau 2 năm dịch bệnh, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, điện ảnh cũng không nằm ngoài  quy luật đó. Chưa kể, nhiều phim chưa hài lòng nên chưa  ra rạp, nhà làm phim bắt đầu cẩn trọng hơn, đầu tư chất lượng hơn. Điện ảnh là một ngành kinh tế liên quan đến nguồn vốn đầu tư. Chúng ta không có tiềm lực, ngành phim phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nội địa không thể thừa thắng xông lên".

Thiếu một chiến lược phát triển

Chúng ta nói nhiều về việc phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, về giấc mơ một nền điện ảnh phát triển để giới thiệu và quảng bá Việt Nam ra thế giới. Nhưng thực tế, nền điện ảnh Việt Nam đang manh mún và mạnh ai nấy làm. Phải nhìn vào thực tế rằng, chúng ta không có nguồn vốn nào cho sự phát triển lâu dài của ngành điện ảnh mà chỉ "đời cua, cua máy; đời cáy, cáy đào" mà thôi.

Dòng chảy nào cho điện ảnh Việt? -0
Phim Việt không thể trông chờ vào sự tỏa sáng của một vài ngôi sao.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, nguyên nhân sâu xa hơn khiến phim Việt thiếu vắng đó là tư duy của ngành phim về vấn đề xin tài trợ. "Đó là một lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứ không phải xin từ thiện. Đã là một kênh đầu tư, nó phải chuyên nghiệp, tự nuôi sống mình bằng một mô hình kinh doanh bền vững, có sự tăng trưởng cao. Nếu làm được chuyên nghiệp như vậy, ngành phim sẽ thu hút được các nhà đầu tư chứ không phải đi xin tài trợ". Đây là một hạn chế khiến điện ảnh thiếu hấp dẫn với các nhà đầu tư mà chỉ loanh quanh những người trong ngành, giống như "cuộc chơi nho nhỏ của những người quen biết với nhau". Điều  quan trọng là các nhà làm phim phải nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện đa dạng các thể loại để thị trường phim không bị chênh lệch quá nhiều giữa chất lượng và doanh thu.

Về vấn đề này, đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân cho rằng, hiện nay chúng ta thiếu vắng những kịch bản hay, những nhà biên kịch tài năng. Đó là mấu chốt của một tác phẩm điện ảnh hay. Và vì thế, chúng ta không thu hút được các nhà đầu tư. "Có vẻ như điện ảnh đang nghiêng về thị trường mà quên mất đi những yếu tố truyền thống, nghệ thuật. Một nền điện ảnh  cần sự cân bằng giữa các dòng phim, nhất là mảng phim về văn hóa, lịch sử, về những vấn đề nhức nhối của xã hội đương đại. Chúng ta cần khuyến khích những nhà làm phim độc lập, tạo điều kiện cho họ phát triển, bởi đó là dòng phim có thể gây tiếng vang và đưa phim Việt ra thế giới", đạo diễn Thanh Vân khẳng định.

Thực tế, dù thành công về doanh thu nhưng hai bộ phim "Nhà bà nữ"- đạo diễn, nhà sản xuất Trấn Thành và "Lật mặt 6 - Tấm vé định mệnh" của Lý Hải vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều về chất lượng. Nhiều người cho rằng, thị hiếu của khán giả Việt quá dễ dãi. Ý kiến khác lại lý giải sự thành công về doanh thu của hai bộ phim đó gắn liền với những ngôi sao. Vì thế, muốn phát triển nền điện ảnh Việt không thể trong chờ vào sự tỏa sáng của một vài ngôi sao. Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đánh giá, sau cú hích mạnh mẽ về doanh thu của hai bộ phim, chính công chúng hay những người làm phê bình, truyền thông hiện nay đôi khi còn lúng túng khi xác định dòng chảy, xu thế mới của điện ảnh Việt Nam. Vì thế, điện ảnh Việt có phần chững lại.

Rõ ràng, điện ảnh không thể dựa dẫm vào 'bầu sữa" của nhà nước, như một thời, chúng ta đã sản xuất nhiều phim do nhà nước tài trợ nhưng lại đắp chiếu, vắng bóng người xem. Điều này gây ra sự lãng phí rất lớn và không góp phần kích hoạt sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà. Nhưng chúng ta cần một chiến lược phát triển tổng thể để điện ảnh có thể trở thành một miếng bánh hấp dẫn các nhà đầu tư. Chúng ta cũng không vội mừng vì phim Việt cán mốc doanh thu kỷ lục bởi nó chưa phản ánh được bộ mặt của cả nền điện ảnh. Nền điện ảnh không thể chỉ trông chờ vào sự tỏa sáng của một vài ngôi sao. Nền điện ảnh để đi đường dài và phát triển đồng bộ, bền vững, cần sự vào cuộc của nhiều nguồn lực xã hội hơn nữa. Sự lép vế của phim nội so với các dự án điện ảnh nhập ngoại cho thấy khát vọng về một ngành công nghiệp điện ảnh phát triển, có vị thế vẫn là hành trình đầy chông gai, khó khăn và xa vời. 

Việt Linh

.
.