Trái tim thơ trẻ và trí não trưởng thành:

Điều quý báu ẩn trong các kiệt tác cho trẻ em

Thứ Năm, 05/05/2022, 10:44

Các nhà văn thiếu nhi dù cho sống ở thời đại khác nhau, đến từ các nền văn hóa khác nhau, có văn phong khác nhau, sáng tạo nên những câu chuyện khác nhau nhưng dường như đều mong muốn kiến tạo những nhân cách với "trái tim thơ trẻ và trí não trưởng thành" (chữ dùng của C.S Lewis).

Lẽ tất yếu, những đứa trẻ rồi cũng đến ngày phải trưởng thành, dẫu rằng, sâu thẳm trong chúng là những Peter Pan hay Hoàng tử Bé vốn chỉ mong muốn mãi mãi ở thế giới thần tiên. Nhưng, lớn lên và đánh mất những ước ao tốt đẹp thuở nhỏ, để bị cuốn theo những guồng quay sinh tồn của đời người, dường như không phải là những điều các tác giả cho thiếu nhi hướng tới. Các nhà văn thiếu nhi dù cho sống ở thời đại khác nhau, đến từ các nền văn hóa khác nhau, có văn phong khác nhau, sáng tạo nên những câu chuyện khác nhau nhưng dường như đều mong muốn kiến tạo những nhân cách với "trái tim thơ trẻ và trí não trưởng thành" (chữ dùng của C.S Lewis).

Bài học đạo đức đầu đời thấm đẫm triết học

Đối với một nhà văn trải qua mọi đắng cay, ngọt bùi của cuộc đời, với trí não được tôi rèn qua lý trí, điều khó khăn nhất không phải là sáng tạo nên một tác phẩm với giọng văn ngây thơ, phù hợp với thị hiếu nhất thời của trẻ nhỏ, mà tạo cho các độc giả nhỏ tuổi một không gian để trải nghiệm và trưởng thành thông qua trí tưởng tượng.

Không giống như những tác phẩm hàn lâm là cuộc trải nghiệm đến tận cùng các góc cạnh của tâm trí người sáng tác, văn học thiếu nhi đòi hỏi ở nhà văn không chỉ là năng lực sáng tạo thông qua ngôn ngữ, mà còn tư duy triết học để biểu hiện đa chiều các khía cạnh của đời sống, tính thơ để hình tượng hóa các thông điệp và hơn hết thảy, là sự dìu dắt của người thầy đích thực - người có thể vị tha ngay cả với những điều xấu xa nhất trong tâm hồn con người, để thấu hiểu và chỉ dẫn. Bởi thế, những kiệt tác thiếu nhi không chỉ khiến trẻ nhỏ yêu thích mà còn giúp trẻ nhỏ chuẩn bị những hành trang tinh thần bước vào cuộc sống trưởng thành.

Truyện thiếu nhi khởi nguồn từ những câu chuyện kể ru ngủ các em nhỏ từ thuở xa xưa. Những câu chuyện dân gian không rõ nguồn gốc, đôi khi là mẩu huyền sử của một dân tộc, đôi khi là mẩu chuyện với các yếu tố siêu nhiên kỳ dị truyền tai nhau, trong đó ẩn chứa cả những ước ao về một đời sống giàu có và hạnh phúc hơn, có khi lại mang tính đe nẹt ngăn ngừa trẻ thực hiện các hành vi có thể gây hại cho bản thân trong tương lai. Từ đó, mô-típ khuyến thiện, phạt ác và ác giả ác báo trở thành nguyên tắc đạo đức thường thấy trong các câu chuyện cổ, điển hình như mẹ con Cám phải đền mạng còn nàng Tấm thì trở thành hoàng hậu, hay như nàng Bạch Tuyết trở thành bà hoàng còn dì ghẻ vốn là mụ phù thủy phải nhận cái chết như sự trừng phạt...

Điều quý báu ẩn trong các kiệt tác cho trẻ em -0
Nhà văn C.S Lewis - tác giả tiểu thuyết “Biên niên sử Narnia”. Bộ sách đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam bởi NXB Kim Đồng. Nguồn ảnh: Covenant

Nhưng, dường như tâm thức khuyến thiện, phạt ác sơ khai với nhân sinh quan giản đơn của dân gian cổ xưa không khiến các nhà văn hài lòng. Họ nhận ra rằng, cái ác không tự nhiên nảy sinh và cái thiện không phải lúc nào cũng thuần khiết - đây chính là nhân sinh quan mà các bậc chân sư và các nhà hiền triết cổ xưa luôn rao giảng trong nhiều thế hệ. Sự tách bạch thiện - ác theo lối đơn giản hóa đời sống không giúp những đứa trẻ trưởng thành, có ý thức và trách nhiệm hơn, mà chỉ tạo ra thế giới với những đám đông nhân danh cái thiện để tước đoạt sinh mệnh của người khác, đưa con người vào những cuộc chiến điên rồ.

Lịch sử của các cuộc thánh chiến thời Trung Cổ và đám đông bạo loạn thời cận đại tại châu Âu vào thế kỷ 18 có lẽ đã trở thành nỗi ám ảnh của những người cầm bút phương Tây và cũng bắt đầu từ đó, khuyến thiện, phạt ác trở thành cách hành xử lỗi thời, mà được thay thế dần bằng các cách ứng xử với cái ác theo lối rất khác biệt.

Thể kỷ 19, văn đàn phương Tây chứng kiến một cuộc chuyển mình của truyện thiếu nhi với các cây bút thiên tài như Hans Christian Andersen, Oscar Wilde, Lewis Caroll... Cấu trúc của các truyện không còn là sự phân chia thiện - ác và cái thiện luôn thắng, mà thấm đẫm những nỗi đau. Nàng tiên cá của Andersen nhận lấy thiệt thòi cho riêng mình và chứng kiến hoàng tử hạnh phúc; hoàng tử hạnh phúc của Oscar Wilde cho đi mọi thứ quý báu mà mình có; Alice phải chịu đựng phiên tòa ở xứ sở diệu kỳ... Những nỗi đau và sự chịu đựng dường như là biểu tượng của quá trình trưởng thành mà mỗi con người phải trải qua, giống như chúa Jesus phải gánh cây thập giá cứu rỗi loài người. Từ mô thức cổ tích dân gian giản đơn, truyện cổ tích đã nhuốm màu bi tráng của các thiên anh hùng ca cổ đại với nhân vật chính diện không còn là những người yếu đuối vô tội bị hại mà là những nhân cách phiêu lưu, mạnh mẽ, sẵn sàng hành động và không ngại hi sinh.

Thế kỷ 20, một lần nữa thế giới lại đương đầu với 2 cuộc Thế chiến I và II, khi sự giết chóc tàn bạo trở thành nỗi ám ảnh toàn cầu, cũng như các nhà văn khác, những nhà văn thiếu nhi cũng bước vào cuộc tìm tòi về cái ác. Những đứa trẻ xuất hiện trong trang sách của thế kỷ 20 đã bắt đầu ích kỷ như Edmund trong "Biên niên sử Narnia" của C.S Lewis hay Dế mèn trong "Dế mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài, nghịch ngợm và hoang dã như Peter Pan của J. M. Barrie, hay hờn dỗi như Hoàng tử Bé của Saint Expury.

Xen lẫn với sự ngây thơ ở những đứa trẻ luôn chứa đựng những mầm mống dẫn đến những hành vi sai lầm mà trong tương lai có thể dẫn tới cái ác khi lớn lên. Những cuộc phiêu lưu không đơn giản là chiến đấu chống cái ác mà cái ác chỉ bị đánh bại khi những đứa trẻ nhổ bỏ những mầm mống ác trong nội tâm của chính mình, như Hoàng tử Bé ngày ngày nhổ bỏ rễ của những cây bao báp ở tinh cầu của cậu. Cuộc chiến chống lại cái ác trong mỗi tác phẩm chính là sự thị hiện những rèn luyện tâm tính cho mỗi đứa trẻ thông qua trí tưởng tượng.

Nhưng, nhổ bỏ những mầm mống ác bên trong mình dường như vẫn mang tính lãng mạn, cái ác không dễ dàng trừ bỏ đến thế. Trong con mắt của các tác giả thế kỷ 21, cái ác không tự nhiên sinh ra, mà là một chiều hướng phát triển của nỗi đau và những tổn thương. Tư tưởng này được hình thành từ những nghiên cứu phân tâm học và tâm lý học tội phạm, khi các nhà nghiên cứu cho rằng các tổn thương trong quá khứ có thể thúc đẩy những hành vi làm tổn thương người khác trong tương lai - những hành vi thường được coi là cái ác. Và rồi, hành trình của các nhân vật chính trong các phẩm thiếu nhi của thế kỷ 21 không còn là nhổ bỏ cái ác bên trong mình, mà chế ngự nỗi đau và chuyển hóa nỗi đau.

Khi trẻ em không chỉ học cách cười vui

Chấp nhận trẻ em có thể có những thương tổn và trải qua nỗi đau là điều không bậc phụ huynh nào mong muốn. Hơn ai hết, các phụ huynh luôn muốn con cái mình vui cười và sẵn sàng chuẩn bị cho con một tương lai hạnh phúc. Từ mong muốn ấy, các phụ huynh đặt nặng áp lực lên những đứa trẻ và chính bản thân mình, khiến những đứa trẻ và chính họ nữa, liên tục hướng về tương lai tươi sáng và phải chối bỏ những thương tổn đang diễn ra với bản thân.

Điều quý báu ẩn trong các kiệt tác cho trẻ em -0
Bộ sách “Những vệ thần của tuổi thơ” của tác giả William Joyce. Nguồn ảnh: The Book Lag

Sự hướng tới tương lai tươi sáng với viễn cảnh thành công, giàu có và hạnh phúc là sự tiếp nối của tâm thức dân gian sơ khai thuở xa xưa với những ước mơ giản đơn. Đến một lúc nào đó, khi lạc lối, những phụ huynh và cả trẻ nhỏ lại phải tìm đến các bài giảng kỹ năng sống, trong khi ấy, dụ ngôn cho hành trình chế ngự và chuyển hóa nỗi đau đã được nhà văn thế kỷ 21 gửi gắm trong các sáng tác cho thiếu nhi.

Đa phần các phụ huynh khi chọn sách cho trẻ nhỏ thường có xu hướng lựa chọn những cuốn sách giúp trẻ nâng cao kỹ năng học tập để chuẩn bị cho tương lai thành đạt chứ ít khi chọn các tác phẩm văn chương thiếu nhi (trừ phi tác phẩm ấy nằm trong chương trình học). Tâm lý mơ mộng một cách thực dụng ấy vô tình khiến trẻ nhỏ bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm và rèn luyện bản thân thông qua trí tưởng tượng, cũng tự tước bỏ cơ hội đánh thức trái tim thơ trẻ nơi mình.

Nếu cùng con trẻ phiêu lưu với Harry Potter của tác giả J.K.Rowling, các phụ huynh có thể giúp con mình học được cách Harry Potter vượt qua nỗi hận thù. Hay theo bước chân của "Những vệ thần của tuổi thơ" (nguyên tác của bộ phim hoạt hình nổi tiếng "Sự trỗi dậy của các vệ thần" - 2012, Dreamworks sản xuất) của tác giả có sức ảnh hưởng nhất thế kỷ 21 - William Joyce, phụ huynh và trẻ nhỏ có thể nhận ra rằng cái ác đôi khi không đáng sợ đến thế, mà đến từ những tổn thương và tâm trí yếu đuối. Với "Những vệ thần của tuổi thơ", William Joyce đã kiến tạo nên một "vũ trụ các vệ thần", nơi mỗi vệ thần đại diện cho một đức tính tốt đẹp của con người, và Pitch - Vua Ác Mộng, nhân vật phản diện - đại diện cho yếu đuối và tổn thương.

Cuộc chiến của các vệ thần không phải là cuộc chiến tiêu diệt cái ác, mà là cuộc chiến nội tâm của mình, để chế ngự nỗi đau, biến nỗi đau thành sức mạnh và động lực mang lại điều tốt đẹp cho con người. Người Cung Trăng, vệ thần đầu tiên, vượt qua nỗi cô đơn của một đứa trẻ mồ côi bằng cách mang lại niềm vui cho những đứa trẻ khác và mang lại lý tưởng cho các vệ thần khác; Thần Mộng Mơ vượt qua sự sợ hãi của chính mình bằng ước muốn hiện thực hóa mọi giấc mơ thuần khiết; Jack Frost xoa dịu nỗi đau của mình bằng sứ mệnh bảo vệ các em nhỏ... Hành trình của các vệ thần cũng chính là hành trình của tác giả William Joyce khi ông chuyển hóa nỗi đau mất đi người vợ và con gái nhỏ Katherine của mình thành sự sáng tạo nên tuyệt tác.

Chế ngự các tổn thương, vượt qua chúng và vươn lên hình thành một nhân cách tốt đẹp hơn, hướng tới sự cao cả hơn là con đường mà nhà phân tâm học người Ý Roberto Assagioli đã viết trong tác phẩm "Sự phát triển siêu cá nhân". Ông gọi đó là "sự đi lên nội tâm" (ascesion intérieure), mà ở đó những tổn thương trở thành động lực để hướng tới sự khám phá tinh thần, sự chia sẻ, lan tỏa và đẩy lùi bóng tối tâm thức bằng ánh sáng tội tâm và xa hơn thế là kiến tạo những dạng thức mới của đời sống với những ý tưởng cải tạo xã hội, giáo dục, văn hóa, kinh tế...

Bởi thế, giống như những kiệt tác của thế kỷ trước, cần được đọc, cảm nhận và hiểu không chỉ bởi trẻ nhỏ mà còn bởi người lớn, những kiệt tác của thế kỷ 21 cũng cần được giải mã và luận giải không chỉ bằng nhãn quan của nghệ thuật mà còn bằng triết học, giáo dục, tâm lý học... hoặc đơn giản bằng trái tim thơ trẻ và trí não trưởng thành. 

Hà Thủy Nguyên
.
.
.