Có một con ngáo ộp mang tên "bóc phốt”

Thứ Năm, 10/10/2024, 10:50

Mạng xã hội không chỉ đơn thuần là để chia sẻ thông tin hay trải nghiệm, nó còn trở thành “sân chơi” của một con ngáo ộp mang tên "bóc phốt”, khiến bất cứ ai cũng phải sợ hãi. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng đặt ra nhiều tranh cãi về tính xác thực, sự công bằng và tác động tiêu cực đến đời tư của những người bị nhắc đến, đôi khi dẫn đến hậu quả không mong muốn như bạo lực mạng hay thông tin bị bóp méo.

Thích là cho lên mạng!

Trào lưu “bóc phốt” bắt đầu phát triển mạnh mẽ trong khoảng một thập kỷ qua khi mạng xã hội trở thành nơi công chúng dễ dàng tiếp cận và chia sẻ thông tin. Với tính năng cho phép mọi người đưa ra ý kiến cá nhân, chia sẻ trải nghiệm và thu hút sự chú ý của đám đông, mạng xã hội đã trở thành công cụ quyền lực để người dùng phanh phui những hành vi được cho là sai trái, bất công.

Có một con ngáo ộp mang tên
Bà con xã Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) mang thuyền hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt trong cơn bão số 3 vừa qua.

Chính vì điều này, nhiều người đã xuất hiện sự “ảo tưởng sức mạnh” trên mạng xã hội, họ mang tâm lý mình là người có tầm ảnh hưởng lớn hơn thực tế. Việc này có thể dẫn đến sự tự tin thái quá hoặc cảm giác “quyền lực ảo” khi người dùng nghĩ rằng những gì họ nói hoặc làm trên mạng xã hội có tác động mạnh mẽ đến người khác. Những câu nói đại loại như “mày có biết bố mày là ai không?”, hay “tao sẽ cho nhà mày sáng nhất cõi mạng”... xuất hiện ngày càng nhiều.

Một vụ việc gần đây, vào tối 18/9 vừa qua, cũng thể hiện sự “ảo tưởng sức mạnh” trên mạng xã hội của tài khoản có tên “Giang Trần”. Chủ tài khoản này phản ánh về việc đoàn thiện nguyên di chuyển lên TP Yên Bái cứu trợ bà con vùng lũ và dừng chân tại nhà hàng Hiền Anh (xã Giới Phiên, TP Yên Bái) ăn trưa thì bị chặt chém.

Theo phản ánh của bài viết này, đoàn thiện nguyện gồm 12 người gọi 4,5 kg cá lăng sông giá 900.000 đồng/kg, 2 đĩa thịt rang giá 180.000 đồng/đĩa, 9 lon bia giá 25.000 đồng/lon, 6 lon coca với giá 15.000 đồng/lon và 2 tô cơm giá 20.000 đồng/tô. Hóa đơn thanh toán bữa ăn là 4.765.000 đồng.

Ngay lập tức, bài viết này thu hút được lượng lớn tương tác với rất nhiều ý kiến trái chiều. Đa phần cho rằng, mức giá trên cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Bên cạnh đó, không ít nhận định cho rằng, giữa bối cảnh người dân tại các tỉnh, thành phía Bắc đang vất vả khắc phục hậu quả sau mưa bão, nhiều nhà hàng mời đoàn thiện nguyện tới ăn miễn phí thì việc xuất hiện cơ sở có dấu hiệu chặt chém là điều không thể chấp nhận.

Sự việc nghiêm trọng tới mức, chính quyền địa phương đã phải vào cuộc để xác minh làm rõ vụ việc. Đại diện lãnh đạo UBND xã Giới Phiên (TP Yên Bái) cho biết, ngay buổi sáng 19/9, đoàn công tác gồm Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Yên Bái, Công an xã Giới Phiên đã đến làm việc với nhà hàng Hiền Anh về nội dung phản ánh trên mạng xã hội.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc An - chủ nhà hàng Hiền Anh cho biết, khoảng hơn 10h ngày 18/9, một đoàn khách đi xe 16 chỗ treo băng-rôn xe tình nguyện phía trước, có 12 người trên xe đến nhà hàng dùng bữa trưa. Khi đến, những người trên xe hỏi về các món ăn. Nhà hàng đã giới thiệu và đưa thực đơn bảng giá. Sau quá trình lựa chọn, đoàn khách chọn ăn cá lăng sông.

Chủ nhà hàng này phân trần, theo bảng giá, cá lăng sông chế biến các món lên đĩa là 1,2 triệu đồng/kg. Do xe của đoàn tình nguyện, nhà hàng giảm giá 30%, với giá 900.000 nghìn/kg, cá cân lên nặng 4,5 kg, tính ra tiền là hơn 4 triệu đồng. Nhà hàng không làm sai, nếu sai sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan chức năng.

Lãnh đạo UBND xã Giới Phiên cho hay, bình thường, cá lăng sông có giá hơn 1 triệu đồng/kg. Qua hỏi chủ nhà hàng Hiền Anh được biết, khi đoàn khách nêu trên vào, phía nhà hàng đã cho họ xem bảng giá thực đơn được niêm yết công khai. Khi đoàn khách ăn xong, họ không có phản ứng gì, tuy nhiên khi về nhà họ lại đăng bài lên mạng xã hội.

Một vụ việc khác xảy ra vào ngày 17/9, cũng khiến dư luận bàn tán xôn xao đó là một tài khoản đã chia sẻ thông tin về việc lái đò tại Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) bị cắt suất, không cho chèo đò phục vụ khách sau khi chuyển thuyền, đò lên vùng lũ hỗ trợ bà con.

Tài khoản T.P viết: "Sau những ngày lăn xả mang đò thuyền lên các tỉnh vùng lũ cứu trợ bà con thì vợ tôi đã bị Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương cắt số chèo đò phục vụ khách. Tôi không hiểu". Bài viết này ngay sau đó nhận về hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ. Nhiều người không khỏi thắc mắc về lý do mà các chủ thuyền, đò này bị "cắt số" (cắt suất chèo đò phục vụ khách).

Ngay khi thông tin này được đăng tải, ông Bùi Văn Triều - Chủ tịch UBND xã Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội là hoàn toàn sai sự thật. Vị lãnh đạo này khẳng định không có chuyện thuyền, đò đi cứu trợ bão lũ bị cắt suất, không cho phục vụ khách.

Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết, thực hiện theo Văn bản 966 ngày 11/9 của Sở Giao thông - Vận tải TP Hà Nội về việc cấm các phương tiện đường thủy hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa địa phương (sông Đáy, sông Cà Lồ, suối Yến, hồ Suối Hai), lãnh đạo xã chỉ đạo Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương tạm dừng vận chuyển khách cho đến khi có thông báo mới. Do vậy, hiện tại, toàn bộ thuyền, đò đều đang tạm ngừng hoạt động tại suối Yến, chùa Hương.

Mang lại lợi ích nhất định

Bên cạnh những mặt xấu, không phủ nhận trào lưu “bóc phốt” đôi khi cũng mang lại những lợi ích nhất định. Nhiều vụ việc bị phanh phui lên mạng xã hội giúp công chúng hiểu rõ hơn về một số cá nhân hoặc tổ chức, qua đó góp phần thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Nhiều trường hợp "bóc phốt" đã giúp bảo vệ các nạn nhân bị đối xử bất công, như lừa đảo, quấy rối hoặc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Có một con ngáo ộp mang tên
Cơ quan chức năng làm việc với nhà hàng Hiền Anh để xác minh thông tin khách hàng đăng tải lên mạng xã hội.

Như vụ việc quán cơm sạch bà Liên vắng khách sau “phốt chặt chém” cũng là một ví dụ cho thấy sức mạnh của mạng xã hội. Sự việc quán cơm sạch bà Liên (ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh) bị tố "chặt chém" khách ngay sau bão số 3, phải lên tiếng xin lỗi đã nhận được sự quan tâm của dư luận thời gian qua.

Theo đó, sự việc được cho là xảy ra tại quán cơm sạch bà Liên tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào thời điểm sau khi xảy ra cơn bão số 3 (Yagi) gây mất điện và mất thông tin liên lạc. Theo clip đăng tải lại trên mạng xã hội, một người tự xưng là quản lý của quán cơm này đang đôi co với một đại diện nhóm khách 7 người về việc bán cơm không nhận chuyển khoản và chỉ nhận tiền mặt.

Ngoài ra, theo clip, người đàn ông mô tả quán cơm sạch bà Liên chỉ bán suất cơm tối thiểu là 70.000 đồng và không bán thấp hơn, tuy nhiên, nhóm người này chỉ có trong tay tiền mặt là 280.000 đồng. Người dùng mạng xã hội Ha Phung chia sẻ: Nhóm đi 7 người đến quán cơm sạch, khi vào quán thì nhân viên báo là không nhận chuyển khoản, chỉ nhận tiền mặt.

7 người gom được 280.000 đồng tiền mặt, dự là ăn được 7 suất 40.000 đồng/suất. Cũng có báo cho chủ quán như vậy để hai bên căn cho thoải mái. Nhưng, anh chủ quán nghe xong lại nói luôn là ngày này không bán suất 40.000, ít nhất 1 suất 70.000 - 80.000 đồng mới bán.

Sau đó nhóm có thắc mắc với chủ quán là mua 40.000 đồng thì suất ăn mỗi thứ ít đi nhưng không được đồng ý. Cuối cùng, nhóm chấp nhận mua 4 suất để 7 người ăn chung cho đúng ý chủ quán là không bán suất dưới 70.000 đồng. Nhưng, thái độ chủ quán có phần không muốn tiếp, còn nói "nhiều người gọi ship 40.000 đồng/suất còn không bán...

Vụ việc được đăng tải lên mạng xã hội đã gây nên phản ứng gay gắt của cộng đồng mạng đối với cơ sở ăn uống nói trên. Thậm chí, nhiều hội nhóm, trang mạng xã hội liên tục chia sẻ thông tin với nội dung tẩy chay quán cơm trên.

Đa số người dùng cho rằng, trong bối cảnh mưa bão gây thiệt hại lớn như vậy, người dân đang rất cần sự chia sẻ thì quán cơm sạch bà Liên đã ứng xử chưa chuẩn mực và kêu gọi tẩy chay nhà hàng này.

Mặc dù chủ quán đã lên tiếng giải thích nhưng nhiều tài khoản mạng xã hội không chấp nhận lời lý giải này và liên tục những ngày qua cộng đồng mạng tại Quảng Ninh có hàng chục nghìn lượt bình luận, chia sẻ kêu gọi tẩy chay nhà hàng này.

Trước những thông tin lan truyền trên mạng xã hội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long đề nghị Công an và Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố báo cáo kết quả thực hiện nội dung xác minh về Ban Tuyên giáo Thành ủy trước 17h ngày 17/9.

Sau buổi làm việc với Phòng Văn hóa - Thông tin TP Hạ Long và khách hàng Vũ Đình Phan, phía cơm sạch bà Liên đã lên tiếng nhận lỗi, xin lỗi và hứa chấn chỉnh, rút kinh nghiệm để phục vụ khách hàng tốt hơn. Bà Lan (chủ quán cơm sạch bà Liên) nói: “Sau vụ việc ồn ào nói trên, quán đã ngồi lại với nhau, nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh để phục vụ khách được tốt nhất. Lùm xùm vừa qua là bài học để quán tự điều chỉnh. Bà cũng mong những thông tin không đúng sẽ được khép lại”.

Nói về vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật Interla cho rằng, việc “bóc phốt” nhau trên mạng xã hội rất dễ phạm luật. Nếu dùng lời lẽ thô tục, chửi bới trong bài “bóc phốt” rất có thể bị xử lý hành chính xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

“Nếu “bóc phốt” xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”, luật sư Hòe cho biết thêm.

Bên cạnh đó, hành vi “bóc phốt” này nếu như sai sự thật nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín của người khác thì người “bóc phốt” có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi “Vu khống”. Về mức xử phạt vi phạm hành chính, nếu lợi dụng mạng xã hội để thông tin sai sự thật, xuyên tạc vu khống người khác thì bị phạt từ 10-20 triệu đồng. “Nặng hơn, người “bóc phốt” sai sự thật có thể bị phạt tù từ 1-3 năm”, luật sư Hòe nhấn mạnh. 

Bảo Phương
.
.
.