Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, thực học, thực hành biết mấy huân công

Thứ Tư, 30/11/2022, 20:41

Không chỉ với giới khoa học mà rất nhiều bộ đội và nhân dân trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ gian khổ đều biết đến và vô cùng biết ơn Giáo sư - bác sĩ Đặng Văn Ngữ, một nhà khoa học xuất sắc, một nhân cách lớn lao, một tấm gương mẫu mực, một trí thức thực học, thực hành hiếm có.

Ông hy sinh như một chiến binh khi đang trực tiếp nghiên cứu tìm tòi ra loại thuốc kháng sinh chống sốt rét tại chiến trường Thừa Thiên - Huế sau loạt bom B.52 rải thảm tàn nhẫn. Thi hài ông nằm lặng lẽ suốt hai mươi năm và sau này tình cờ một người dân đốn củi tìm thấy một bọc vải dù quấn hài cốt với tấm biển nhôm bên trong khắc vẻn vẹn dòng chữ đơn sơ: “Đặng Văn Ngữ 1-4-1967”.

dang van ngu.jpeg -0

Tất cả chúng ta đều lặng đi trước sự tối giản của một con người.

Bây giờ chúng ta đã hiểu hết chưa những đóng góp, hy sinh toàn diện, không một đắn đo, không một đòi hỏi của giới trí thức, các nhà khoa học trẻ trung và vô cùng tài giỏi, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, trong đó có Giáo sư Đặng Văn Ngữ? Bây giờ tại sao giới trí thức, các nhà khoa học, những người làm nghề giáo dục, nghề y nhất loạt xin thôi việc, cuồn cuộn bỏ nghề? Vì lương tiền ít ỏi, bấp bênh? Vì không được coi trọng hình ảnh? Vì không được ứng xử công bằng? Họ rời bỏ, chạy trốn vì điều gì? Điều này dường như không một ai, nhất là những nơi có thẩm quyền hồi đáp.

Bác sĩ Đặng Văn Ngữ thì sao?

Ông sinh ngày 4 tháng 4 năm 1910 tại thành phố Huế. Nền nếp Nho phong. Nghèo mà vô cùng hiếu học. Từ nhỏ, Đặng Văn Ngữ đã là một học sinh xuất sắc. Cho đến lúc nhắm mắt, ông chắc chắn là một trong những nhà khoa học xuất sắc nhất của Việt Nam. Ở chỗ nào khó khăn nhất, cần thiết nhất, ông có mặt. Khi học tiểu học ở Vinh, học trung học tại kinh thành Huế, ông đều đỗ đầu các kỳ thi và được nhà trường cùng gia đình sắp xếp ra Hà Nội học.

Năm 1930, Đặng Văn Ngữ đỗ cùng lúc cả Tú tài bản xứ và Tú tài Pháp. Từ thành tích quá xuất sắc ấy, ông đã nhận được học bổng để theo học tại Trường Y - Dược thuộc Đại học Đông Dương - một trường danh giá nhất lúc bấy giờ. Ở trong môi trường yêu thích cũng chính là sở trường của mình, năm 1937, ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa và là người Việt Nam đầu tiên được giữ lại làm trợ giảng cho Giáo sư Galliard - Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng cũng là hiệu trưởng Trường Y - Dược khi đó. Ba chữ “Ký sinh trùng” đã làm sáng danh và vinh danh Đặng Văn Ngữ. Ông xuất sắc đến mức giới khoa học nghiên cứu về ký sinh trùng đều ngả mũ thán phục.

Với tư chất của một nhà khoa học bẩm sinh, ông không chỉ miệt mài nghiên cứu mà còn hợp tác với bạn bè mở một phòng thí nghiệm đa khoa mang tên vị Giáo sư khả kính Lucac Championière. Vị Giáo sư này cũng là một huyền thoại và mất vì bệnh trọng khi đang làm việc tại Việt Nam. Năm 1942, ông trở thành Trưởng phòng thí nghiệm ký sinh trùng và là giảng viên Sinh học Ban Dược. Với cương vị này, ông đã dành toàn bộ thời gian trong cuộc đời của mình cho nghiên cứu khoa học. Suốt thời gian đó, ông đã công bố 19 công trình nghiên cứu, trong đó có những công trình nổi tiếng thế giới và khu vực. Năm 1936, ông đã phát hiện ra loài sán Clonorchis sinensis có thể ký sinh ở tụy. Phát hiện này đã gây một tiếng vang lớn ở Việt Nam và trên thế giới. Chu kỳ tiến hóa của loài này cũng được ông tìm hiểu, bằng thực nghiệm ở loài Bythinia chaperi và B.longicoris (1938). Ông nghiên cứu sự tiến hóa theo mùa của giun chỉ Diofilia immitis ký sinh ở muỗi Aedes hết sức tỉ mỉ và chính xác. Cũng với phong cách tỉ mỉ, cẩn trọng trong nghiên cứu về nấm, ông đã được giáo sư người Nhật - Masuo Ota từng cộng tác với ông nhận xét: ông thực sự là nhà nấm học xuất sắc của châu Á.

Do có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị trong lĩnh vực y học, năm 1943, ông được chọn đi du học ở Nhật với tiêu chuẩn “là người có trình độ cao, hiện đại, xứng đáng cho nền y học của Pháp tại Việt Nam”. Từ năm 1943 đến cuối năm 1948, ông học tập và làm việc tại Nhật. Ông đã học và nghiên cứu về nấm, men gây bệnh, về lao và hủi tại Trường Đại học Tokyo, về vi trùng đường ruột ở Bệnh viện Truyền nhiễm Tokyo. Trong các năm 1947 và 1948, ông nghiên cứu về vi trùng học và huyết thanh học tại Quân Y viện 406 của Mỹ tại Nhật Bản.

Trong thời gian đó vừa làm vừa học, ông đã được tiếp xúc với khoa học y học của Nhật và của Mỹ có đầy đủ thông tin và trang bị hơn ở Hà Nội rất nhiều. Được sự khuyến khích của Giáo sư Ota, sau khi Alexander Fleming tìm ra        penicillin, ông cũng tìm ra giống nấm sản xuất ra penicillin và có lẽ đó là một trong những giống nấm penicillin đầu tiên tìm thấy ở Nhật. Tại Trường Đại học Y khoa Tokyo, ông đã công bố 4 công trình giá trị: “Xác định loại nấm có tính kháng sinh cao”(1947); “Xác định công thức kháng nguyên Salmonella” (1945); “Đặc điểm tiến hóa của D.mansoni” (1943) và hoàn chỉnh một số xét nghiệm miễn dịch.

cong-trinh-nghien-cuu-ky-sinh-trung.jpg -0
Giáo sư Đặng Văn Ngữ tại khoa Ký sinh trùng, trường Y - Dược

Bước ngoặt lớn nhất của Đặng Văn Ngữ là khi ông đọc được Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch năm 1946. Khi đó, ông lập tức từ Nhật Bản đi tàu thủy về Thái Lan tìm đại diện Chính phủ Việt Nam ở Băng Cốc để xin về nước tham gia kháng chiến. Hành trang của Đặng Văn Ngữ là hai bộ quần áo và vô số ống nghiệm, thiết bị y tế, thuốc men.

Con đường Đặng Văn Ngữ đến chiến khu Việt Bắc vô cùng gian lao, vất vả, nhưng là con đường đến với chính nghĩa, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân mà người trí thức ở tuổi ngoài ba mươi như ông rất phấn chấn. Được cống hiến cho Tổ quốc mình, nhân dân mình mới là điều quan trọng. Bộ đội ta trong các chiến dịch Biên giới, Thu Đông, Đông Xuân, và nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, mỗi lúc bị thương vong thì nước lọc Pelicillin - một sáng chế thần kỳ của bác sĩ Đặng Văn Ngữ chính là cứu cánh của mạng sống.

Đã có nhiều thống kê cho thấy, nếu không có nước lọc Pelicillin Đặng Văn Ngữ, chắc chắn, bộ đội ta sẽ thêm thương vong rất nhiều. Chiến trường càng khốc liệt, Đặng Văn Ngữ càng hiểu rằng, việc đảm bảo sức khỏe cho bộ đội, cho nhân dân trong hoàn cảnh chiến tranh là vô cùng quan trọng. Không kể ngày đêm, bom đạn, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã cùng với những con người ưu tú như Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Đặng Vũ Hỷ... đã đem hết trí tuệ và sức lực, niềm tin và lẽ sống lao động hết mình, mẫu mực trong nghiên cứu khoa học và tham gia chiến đấu.

Giáo sư Đặng Văn Ngữ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trong những người đầu tiên vào chiến trường. Khi thấy bệnh tật hoành hành ở chiến trường phía Nam, ông đã lập tức cùng một số học trò giỏi và cộng sự tâm huyết khoác ba lô đi B. Lại là những cuộc vượt rừng Trường Sơn hùng vĩ với đèo vực, thác ghềnh, đạn bom, thú dữ rình rập. Trái tim nhà khoa học hòa vào trái tim người chiến sĩ đỏ lửa kiên cường. Những đêm rừng sâu hun hút mà người chiến sĩ sá gì máu rơi. Bệnh sốt rét khi đó như một hung thần khiến bộ đội và nhân dân ta nao núng.

Từ trước, Đặng Văn Ngữ từng thao thức để tìm bằng được loại vắc xin phòng chống sốt rét. Ông từng nói với đồng sự cũng là nói với chính mình: “Nếu ta làm tốt, sẽ không chỉ giúp một người, một vài người, mà là hàng trăm người, hàng ngàn, hàng triệu người thoát lưỡi hái tử thần của bệnh sốt rét”. Ông vào chiến trường với tâm thế ấy. Trong tiếng bom rền, Đặng Văn Ngữ miệt mài thâu đêm suốt sáng nghiên cứu về ký sinh trùng sốt rét. Đi tới đâu ông đều tự mình mang đồ nghề là bình bơm, túi thuốc, hóa chất, kính hiển vi... với duy nhất đôi chân trần. Và thật bi thương và lẫm liệt, Đặng Văn Ngữ đã ngã xuống giữa chiến trường Thừa Thiên - Huế vào chiều ngày 1 tháng 4 năm 1967 trong mịt mùng khói bom B.52 rải thảm.

Ông đã nằm lại nơi vạt rừng dốc suối hai mươi năm như một người lính đơn sơ mà quả cảm nhất.

Giáo sư Đặng Văn Ngữ với thế hệ học trò không chỉ là một tấm gương về khoa học, về đạo lý và đạo đức mà còn là một tấm gương về cung cách sống ở đời. Vợ ông mất khi ông mới ngoài bốn mươi tuổi. Trong gia đình, ông không chỉ đảm đương cương vị một người cha mà còn là một người mẹ tảo tần, khuya sớm, chắt chiu. Điều này, những học trò, cộng sự đều chỉ biết lặng thầm chăm chú dõi theo ông, học tập ông từ những điều nhỏ nhất.

Ngành y của chúng ta hiện nay đang đi chênh chao trước những sóng gió thời cuộc. Tham ô hối lộ hoành hành. Người vi phạm pháp luật phải chịu cảnh tù đày trong ngành là không ít. Tại sao lại như thế? Câu hỏi cứ nhói lên lạnh buốt. Có lẽ nào chúng ta từng có những con người như Hồ Đắc Di, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Vũ Hỷ, Nguyễn Xuân Nguyên, Tôn Thất Tùng... và nhất là Đặng Văn Ngữ đã cả một đời hy sinh vì nền y học, vì Tổ quốc và nhân dân mà đến bây giờ, thế hệ sau sống trong đủ đầy, viên mãn mà không gánh nổi những công việc của chính mình? Hỏi đấy mà lại tự trả lời đấy.

Sự tha hóa, biến chất đâu phải ngày một ngày hai. Đảng ta luôn sáng suốt. Nhân dân ta luôn cần lao. Tổ quốc ta luôn tươi đẹp mà nhiều việc xấu việc ác, nhất là những việc liên quan đến ngành y tế vẫn lên ngôi là một sự đau lòng. Trong những lúc như thế, chúng ta càng thấy như có lỗi với Giáo sư Đặng Văn Ngữ. Có lẽ nào cả cuộc đời thực học của ông, thực hành bằng chính mạng sống như ông, với biết bao huân công hữu ích mà chúng ta lại buông bỏ để mặc nhân dân mình tay không đối diện với tật bệnh được sao?

Đó cũng là những trăn trở của chúng tôi trước anh linh của vị Giáo sư đáng kính. 

Phùng Văn Khai
.
.
.