An cư: Bài toán cuộc đời của người trẻ Hàn Quốc

Thứ Bảy, 12/03/2022, 13:57

Nếu hiện tại là năm 2018, Lee Jae-hong sẽ không gặp nhiều khó khăn khi mua nhà ở vùng ngoại ô Seoul với mức thu nhập tầm trung của mình. Nhưng điều đó giờ trở thành bất khả với anh, khi giá nhà tại Hàn Quốc đã tăng gấp 3 lần chỉ sau 4 năm. Trước thềm bầu cử tổng thống, vấn đề giá nhà ở tại xứ sở kim chi thêm một lần tăng nhiệt. An cư, từ một khao khát, đang trở thành thách thức vắt kiệt sức của những người trẻ tại đây.

“Nếu thời gian trở lại, tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để mua được một loại bất động sản”, Lee Jae-hong, người đã trì hoãn kế hoạch kết hôn vì tài chính không đảm bảo, hối tiếc nói. Bài toán mang tên “không có tiền mua nhà, không nên lập gia đình” đang khiến nhiều người dân Hàn Quốc ở ngưỡng tuổi 30 kiệt quệ đi tìm lời giải.

Giá nhà ở tăng cao đã trở thành một trong những vấn đề nhức nhối nhất của Hàn Quốc, đặc biệt là ở thủ đô Seoul và tỉnh Gyeonggi, nơi gần một nửa dân số nước này đang sinh sống. Theo dữ liệu của Ủy ban Bất động sản Hàn Quốc, giá căn hộ ở Seoul đã tăng 58% lên mức 1,26 tỷ won (1,05 triệu USD) trong 5 năm qua, trong khi mức lương của người dân chỉ tăng chưa đến 20%. Ở một số khu vực, giá một ngôi nhà hiện có thể cao gấp 10 lần thu nhập của một hộ gia đình, vượt xa nhiều đô thị khác ở châu Á như Bắc Kinh, Hong Kong và Singapore.

Bình ổn giá bất động sản là một trong những chính sách được nhiều đời tổng thống Hàn Quốc cam kết thực hiện trong suốt quá trình tranh cử và tại nhiệm của mình, nhưng điều đó vẫn không thể làm giá nhà ở ngừng tăng lên.

Anh Kang Gi-woong, 34 tuổi, may mắn giành được suất mua một căn hộ thuộc dự án nhà ở cho các cặp vợ chồng mới cưới tại khu phố Woram, tỉnh Gyeonggi. Thế nhưng, toàn bộ số tiền vợ chồng anh tích lũy được chỉ vỏn vẹn 20 triệu won, trong khi một căn hộ 55 mét vuông có giá 410 triệu won. Ngay cả khi có thể thanh toán trước 70% bằng tài sản thế chấp, vợ chồng anh vẫn cần tới 100 triệu won. Bế tắc, cặp vợ chồng lựa chọn tiếp tục sống trong căn hộ cho thuê, và không biết sẽ còn phải ở đó đến bao giờ.

Hong Seoung-kyun, 28 tuổi, đặt việc mua nhà là mục tiêu của đời mình. Miệt mài tích cóp và làm nhiều công việc bán thời gian để tiết kiệm, anh vẫn chỉ đủ tiền thuê một căn studio gần 15 mét vuông. “Trên phim ảnh, những người ở độ tuổi của tôi thường làm công việc lương cao, sống trong căn nhà rộng lớn. Ở đời thực, tôi phải chui rúc ở căn phòng bé xíu, vừa ăn mì gói vừa mơ về cuộc sống như vậy, Seong-kyun chia sẻ với Korea Herald.

ảnh1.jpg -0
Một căn hộ chung cư hiện đại và đủ tiện ích đang là mục tiêu phấn đấu của những người trẻ Hàn Quốc. Ảnh: Getty.

Giống như Seong-kyun, hàng triệu người trẻ Hàn Quốc đang duy trì cuộc sống nhờ làm một hay nhiều công việc bán thời gian một lúc, với hy vọng sớm có tích lũy ổn định. Thế nhưng, đại dịch COVID-19 khiến mơ ước ấy ngày càng xa tầm với. Jae-hong, người vẫn chưa thể “nâng cấp” giá trị tài sản nhà đất của mình, đã đổ lỗi cho chính phủ vì những thất bại trong việc cải thiện giá cả nhà ở cho người dân. Nhưng, lỗi thực sự nằm ở đâu?

Theo Korea Times, mấu chốt của vấn nạn tăng giá nhà ở tại Hàn Quốc nằm ở sự chênh lệch cung cầu. Số lượng hộ gia đình tại Hàn Quốc tăng nhanh trong 20 năm qua, nhưng hầu hết đều là các hộ gia đình quy mô nhỏ, trong đó chủ yếu là các cặp vợ chồng trẻ, hoặc những người sống một mình. Đây có thể là một trong những yếu tố thúc đẩy nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là những căn hộ có diện tích nhỏ.

Kết quả khảo sát tháng 8 do công ty điều hành dịch vụ nhà ở Honjok King thực hiện cho thấy 78,6% người Hàn ở độ tuổi 26-30 đang sống trong các căn hộ studio. Bên cạnh đó, khu vực thủ đô Seoul, chỉ chiếm chưa đầy 12% diện tích Hàn Quốc, lại là nơi sinh sống của một nửa dân số cả nước, với ngày càng nhiều người dân từ các vùng khác đổ về để tìm kiếm cơ hội việc làm. Đất chật, người đông, mà nguồn cung nhà ở nhìn chung không “co giãn” trong ngắn hạn, do cần có thời gian để hoạch định và triển khai các dự án nhà ở, khiến tình trạng thiếu hụt bất động sản càng gia tăng.

Khảo sát của Korea Times năm 2021 chỉ ra rằng, phải cần thêm 158.000 ngôi nhà mới có thể đủ đáp ứng nhu cầu nhà ở tại thủ đô Seoul. Với sự mất cân bằng cung cầu, giao dịch nhà ở và giá cả có thể dễ dàng tăng nếu có quá nhiều thanh khoản bất động sản trên thị trường.

Vào năm 2020, để đối phó với đại dịch COVID-19, nhiều chính sách kích cầu kinh tế khác nhau đã được thực hiện tại Hàn Quốc, gồm bơm thanh khoản lớn vào nền kinh tế và giảm chi phí tín dụng. Kết quả là các khoản cho vay mua nhà ở đã tăng 17,5% vào năm 2020, mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, lượng giao dịch nhà ở đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ và số lượng nhà ở chưa bán được giảm xuống mức thấp nhất, đẩy giá nhà lên ngày một cao.

Kyodo News dẫn chứng thực tế, nhiều người trẻ tuổi Hàn Quốc đang đổ xô đi vay tiền ngân hàng để mua nhà vì lo ngại không bao giờ sở hữu được nhà riêng nếu tiếp tục chờ đợi. Ủy ban Bất động sản Hàn Quốc (KREB) ngày 6/2 cho biết, trong năm 2021, số căn hộ do những người ở nhóm tuổi 30 trở xuống mua chiếm 31% tổng doanh số bán căn hộ của cả nước. Tại Seoul, 41,7% tổng số căn hộ được mua trong năm 2021 thuộc sở hữu của những người ở độ tuổi 30 trở xuống. Con số này đang bóc trần một thực tế, theo QQ, đó là nhiều người trẻ Hàn Quốc đã trải qua tình trạng "mua nhà trong hoảng loạn".

Hồi tháng 6/2021, Kyodo News đưa tin, không ít chủ nhà thậm chí còn tăng giá thêm 10 triệu won trước ngày ký hợp đồng chính thức. Nếu người mua không chấp nhận, chủ nhà sẽ hủy thỏa thuận trước đó. Người mua vì lẽ đó mà hoảng loạn “tất tay”, do lo sợ mất đi mức giá hời đang có. Những người trẻ Hàn Quốc bỗng chốc mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn: họ vay tiền để mua nhà vì sợ nhà tăng giá, rồi lại dành cả cuộc đời mình để trả những món nợ lãi từ chính ngôi nhà ấy gây ra. Còn giá nhà? Vẫn cứ tiếp tục tăng phi mã.

ảnh2.jpg -0
Sự giàu có và bấp bênh đang tồn tại song song trong xã hội Hàn Quốc. Giữa những tòa nhà chọc trời là những căn nhà lụp xụp không tên. Ảnh: Unsplash.

Nhà nghiên cứu Chunyu Yang thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 lại nhìn nhận tình trạng tăng giá bất động sản tại Hàn Quốc theo một cách khác. Theo cô, sự giàu có và bấp bênh đang tồn tại song song trong xã hội Hàn Quốc. Giữa những tòa nhà chọc trời và vô vàn khu đô thị mới là những căn nhà lụp xụp không tên. Cũng bởi vậy mà trước thềm bầu cử Tổng thống Hàn Quốc 2022, một loạt vấn đề nóng được gọi tên đều xoay quanh chất lượng sống, và một trong số đó là giá bất động sản.

Lâu nay, người Hàn Quốc luôn coi tấm bằng cử nhân từ những trường đại học hàng đầu là “tấm vé” mở ra tương lai tươi sáng tại thủ đô hoa lệ. Nhưng, bất động sản, chứ không phải thứ gì khác, giờ lại là thứ ngấm ngầm định vị “vị thế công dân” tại Seoul, theo Le Monde. New York Times trong một bài phân tích đã chỉ ra rằng, sự phân tầng đang âm thầm xuất hiện, chia rẽ những người trẻ tuổi ở Hàn Quốc, và trở thành một chủ đề phổ biến trên các bộ phim tại nước này, bao gồm cả bộ phim “Parasite” nổi tiếng, hay gần đây là “Squid Game”.

Sự phân tầng ấy được hiểu thật đơn giản và trần trụi tới đau lòng: con cái của những gia đình giàu có có thể sở hữu những ngôi nhà tốt nhất vì tiềm lực tài chính quá tốt, còn những người ở tầng lớp trung lưu, hay lao động, thì sẽ mãi mắc kẹt trong tình thế của những công dân “hạng hai”. Theo một cuộc khảo sát chung của các cổng thông tin việc làm JobKorea và Albamon, người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 cho rằng việc mua nhà là “điều cần thiết”.

Mua nhà thậm chí là mục tiêu được ưu tiên hơn cả kết hôn, sinh con. Trong khi đó, Korea Times dẫn chứng số liệu khẳng định, chi phí nhà ở tăng cao đã góp phần làm giảm tỷ lệ sinh của Hàn Quốc. Người trẻ phải gánh gồng áp lực tài chính quá lớn, khiến họ không dám sinh con, thậm chí là kết hôn.

Ba tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 10/2 đã trả lời phỏng vấn 7 hãng thông tấn, trong đó chia sẻ gánh nặng lớn nhất trong suốt nhiệm kỳ cầm quyền của mình chính là vấn đề bất động sản, cho rằng lẽ ra chính phủ phải xúc tiến mở rộng nguồn cung nhà ở quy mô lớn sớm hơn.

Quay ngược thời gian về cột mốc năm 2017, khi nhậm chức tổng thống, ông Moon Jae-in đã cam kết sẽ tạo ra “sân chơi bình đẳng” cho tất cả người dân Hàn Quốc, tạo dựng xã hội nơi những người làm việc chăm chỉ sẽ đạt mức thu nhập đủ để nuôi gia đình và mua nhà. Song, các quy định thế chấp ngày càng chặt chẽ, cùng với các mức thuế khác nhau để ngăn chặn tình trạng đầu cơ đã và đang đẩy giá bất động sản lên cao hơn.

Hiệu ứng từ 26 nhóm giải pháp Tổng thống Moon Jae-in áp dụng trong 5 năm qua để hạ nhiệt giá bất động sản thậm chí còn làm trầm trọng thêm tình hình. Trong khi đó, giá nhà đất tăng nhanh và cho vay quá nhiều được coi là dấu hiệu của sự mất cân bằng tài chính tích lũy, Korea Times nhận định.

Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế, Hàn Quốc có tỉ lệ nợ của các gia đình trên GDP cao nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) tháng 8/2021 cho biết, mức vay thế chấp mua nhà tăng 6.100 tỷ won (5,3 tỷ USD) do nhu cầu vay mua nhà, đặt cọc thuê nhà tiếp tục tăng.

Giữa vòng xoáy giá nhà chưa có dấu hiệu dừng lại, cuộc thăm dò mới nhất của Gallup Korea cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon Jae-in đã giảm xuống 43% từ mức cao nhất là 84% khi ông nhậm chức vào năm 2017. Phải chăng, vào thời điểm cuộc bầu cử tổng thống mới đã cận kề, người dân Hàn Quốc, những người dành cả cuộc đời để giải bài toán an cư, bắt đầu đặt niềm tin vào những chân trời mới?

An Nhiên
.
.
.