Vết trượt cuối cùng

Thứ Tư, 04/02/2015, 16:40
Người đàn ông gần tứ thập ra tòa vì tội danh “Giết người” vào giữa tuần trước. Nạn nhân của người đàn ông chính là người bạn mà người đàn ông hơn một lần khẳng định, “Bằng hữu chi giao, huynh đệ sinh tử”.

Tất cả, chỉ bắt đầu từ mâu thuẫn nhỏ, một mâu thuẫn mà theo người đàn ông thì chỉ muốn lấy kinh nghiệm bản thân để mong bằng hữu tốt hơn.

Một vụ án không có những chi tiết đặc biệt, ngoại trừ hậu quả vẫn nặng nề như những vụ trọng án khác. Một bản án nghiêm khắc nhất dành cho hung thủ đã được tòa tuyên, mức án “Tử hình”.

Nếu như chúng ta tin vào câu chuyện, cuộc đời là những quân cờ đô mi nô được dựng đứng, không may một quân đổ nếu không kiềm lại được sẽ kéo theo sự gãy đổ toàn bộ.

Đây là một câu chuyện như vậy.

1. Người đàn ông sinh ra ở vùng quê thuộc tỉnh Quảng Ngãi trong gia đình có đông anh em, người quê hiếu học luôn lấy con chữ làm trọng. Thế nên, dù gia cảnh khốn khó, người đàn ông vẫn được cha mẹ cố cho đến trường. Tuần tự nhi tiến, tốt nghiệp phổ thông trung học ở quê, người đàn ông vào thành phố Hồ Chí Minh trọ học đại học. Năm thi ấy, người đàn ông là một trong những thí sinh có số điểm cao nhất trong kỳ thi đầu vào của một trường đại học danh tiếng.

Thương cha mẹ nghèo, ngay năm thứ nhất đại học, người đàn ông đã tìm nhiều việc làm thêm để đỡ đần. Chuyện đời cứ vậy mà trôi qua.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, người đàn ông nhanh chóng kiếm được việc làm tại một công ty lớn. Làm việc ít lâu, người đàn ông dành được nhiều cảm tình của lãnh đạo công ty. Thu nhập tương đối khá, nên ngoài những khoản chi tiêu cá nhân, người đàn ông vẫn để dành một khoản tiền để gửi về quê phụ cha mẹ nuôi em.

Và nếu như cuộc đời đầy bằng phẳng, thì an yên biết mấy. Chỉ tiếc là, nếu không có biến cố thì không còn là cuộc đời nữa, những biến cố như những khối màu sắc hiện hữu trong kiếp nhân sinh này. Nhưng không phải biến cố nào cũng lấp lánh, mà biến cố thì sao mà lấp lánh được. Chỉ là, người ta thoát khỏi biến cố rồi, nhìn lại thì mới biết nó thú vị ra sao mà thôi. Như Cổ Long từng viết, “Quãng thời gian đã qua, bao giờ cũng là quãng thời gian tươi đẹp”.

Được lãnh đạo giao cho một khoản tiền lớn để giao dịch hợp đồng, không cầm được sự ham muốn chiếm hữu thứ vật ngoại thân không thuộc về mình, người đàn ông đã mắc sai lầm. Cái giá cho lần sai lầm ấy, là mức án 6 tháng tù giam.

Nhiều lần đi trại giam công tác, quan sát sinh hoạt của những phạm nhân trong trại, hơn một lần tôi thử hình dung nếu tôi lâm vào thảm cảnh ấy tôi sẽ như thế nào, tuyệt tôi không thể nào có câu trả lời thỏa đáng.

“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, đó chỉ là một cách nói đong đưa. Chứ một ngày trong trại giam thì còn hơn cả thiên thu tại ngoại.

Sáu tháng trong không gian hơn cả thiên thu tại ngoại, người đàn ông đau đớn, dằn vặt, hối hận, khổ sở… Mức án dành cho hành vi của người đàn ông bây giờ đã không còn quan trọng với chính bản thân, mà người đàn ông đang phải chịu mức án khác khốc liệt hơn rất nhiều. Đó là nỗi tủi hổ mà người đàn ông đang mường tượng gia đình phải nhận lãnh.

Ra trại, người đàn ông còn phải nhận thêm một bản án khác.

2. Gần như tất cả các công ty, cơ quan đều từ chối hồ sơ xin việc của người đàn ông. Họ ngại, thật ra là họ rất ngại. Những nhà quản lý xã hội luôn tìm ra rất nhiều phương hướng để người hoàn lương nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, có công ăn việc làm. Nhưng, tận sâu trong tư duy của đám đông thì người từng đi tù luôn có những vết gợn rất khó lý giải.

Tôi có cậu bạn ở quê, tên Thạch, có tật nói lắp nên quen miệng gọi là Thạch cà-lăm. Đang yên đang lành thì Thạch cà-lăm hứng chí vác dao chém nhau với thanh niên vùng khác, bị bắt giữ rồi đi tù. Thạch cà – lăm mãn hạn tù, mưu sinh bằng nghề bốc vác. Trứ danh với câu nói, “Tao đã từng ở tù, tao không sợ gì hết”. Tất nhiên là sau lần đi trại ấy cho đến giờ, Thạch cà-lăm vẫn chưa nhập kho lại, tôi chỉ đang muốn nói đến tâm thế của người từng ở tù mà thôi. Hiện tại, theo quan sát của tôi thì quan điểm của đám đông về người lầm lỡ đã giảm đi nhiều, nhưng nếu là chủ một doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất thì theo tâm lý họ vẫn muốn nhận những nhân viên có nhân thân tốt.

Đặng Ngọc Thạch bị dẫn giải sau phiên tòa.

Người đàn ông tìm đến rất nhiều đơn vị mang theo hồ sơ và sự khấp khởi, đổi lại là nỗi thất vọng lúc trở về. Cứ như vậy nhiều tháng liền kiểu như Ngu Công dời núi, khi mà không còn hy vọng vào một công việc ổn định thì người đàn ông được nhận vào làm ở một công ty mỹ phẩm.

“Vận mình đã khác”, có lẽ người đàn ông đã nhủ vậy vào thời điểm đó. Mà vận của người đàn ông cũng khác thật, vì vừa được nhận vào làm việc ở công ty mỹ phẩm, người đàn ông lại gặp được người tri kỷ tri âm.

Một người bạn sơ giao nhận đồng hương, rủ người đàn ông về nhà trọ của mình sinh sống. Tha hương ngộ cố tri, người đàn ông mừng lắm. Họ trở nên thân thiết, buồn vui gì cũng san sẻ cùng nhau.

Lại nữa, người đàn ông gặp được người phụ nữ của đời mình. Họ quen rồi yêu nhau, hơn năm thì họ thành chồng thành vợ. Người đàn ông chia tay người bạn đồng hương để về sinh sống cùng vợ. Mặc dù vậy, giữa người đàn ông và bạn đồng hương vẫn giữ được tình thâm.

Người đàn ông mãn nguyện vô cùng, vì người đàn ông đã đủ đầy hơn cả giấc chiêm bao. Một gia đình, một cô vợ hiền, một người bạn thân và một công việc có thu nhập ổn định.

Vậy nhưng, nếu mọi thứ đều phẳng lặng thì đâu có cái gọi là số phận. Người đàn ông thêm lần nữa lại nhúng chàm, lần nhúng chàm cuối cùng của đời người. Lần nhúng chàm hoàn toàn không có cơ hội để sửa sai.

Một lần, người đàn ông gọi điện thoại rủ bạn đồng hương uống rượu để hàn huyên những câu chuyện cũ xưa. Chuyện đang vui, thì bạn đồng hương kể “Tôi có thuê cái xe ôtô để chạy dịch vụ, vừa rồi kẹt tiền quá nên liều mạng cầm đại để chi tiêu”.

Nghe đến đây, người đàn ông tự dưng cảm thấy hoảng loạn. Vì đã một lần hiểu thế nào là vi phạm pháp luật, hiểu cái giá phải trả cho hành vi phạm pháp là rất đắt nên người đàn ông một mực yêu cầu bạn đồng hương tìm mọi cách để chuộc xe trả về cho chủ.

“Ông đang tự giết chính mình rồi, không ai lại ngu dại như vậy. Ông phải nhanh chuộc xe ra để trả cho người ta chứ không thì vướng tù tội ngay”, người đàn ông bắt đầu to tiếng.

“Giáo đa thành oán”, dạy dỗ nhiều thì thành thù, tiền nhân đúc kết vậy. Người đàn ông trong thời khắc lo lắng cho bạn đã không kiềm được những lời lẽ không hay. Vậy là, sự rạn nứt bắt đầu. Giữa họ phát sinh mâu thuẫn.

Mâu thuẫn, bao giờ không là cơ hội cho những mù quáng hiện hữu.

3. Tàn cuộc rượu, họ không nhìn mặt nhau, tự ra về. Về đến nhà, có vẻ còn ấm ức nên họ gọi điện thoại rủ nhau đến một địa điểm để nói chuyện phải quấy cho xong. Lần nói chuyện ấy kết thúc tang thương, người gục ngã vì những vết đâm, người bỏ trốn khuất dạng.

Sau khi thỏa mãn cơn tức giận bằng cách sát hại bạn đồng hương, người đàn ông rời Việt Nam sang Campuchia lẩn trốn. Người đàn ông đi biền biệt, đi cuống cuồng, đi không kịp tạm biệt vợ con hay nói rõ nguồn cơn.

Người đàn ông khai tại Cơ quan điều tra, những ngày ở Campuchia, người đàn ông bị ám ảnh về những đêm trọng trại giam. Đó là những đêm mà bất cứ phạm nhân nào ngồi với tôi đều thừa nhận họ bị ám ảnh, ám ảnh vì mặc cảm tội lỗi, vì thương người thân, vì không thể mường tượng sớm mai sẽ ra sao trong khoảng không gian này.

Người đàn ông làm nhiều nghề ở Campuchia để tồn tại, những nghề lao động chân tay chỉ cần kiếm đủ tiền để no bụng. Hơn nghìn ngày trôi qua, người đàn ông tìm cách về Việt Nam thăm lại vợ và con nhỏ. Người đàn ông bị các trinh sát bắt giữ ngay khi vừa đặt chân đến nhà.

Mức án dành cho người đàn ông tôi đã nói ở phần trên, nên sẽ không lập lại nữa. Tôi chỉ nghĩ rằng, không phải ngẫu nhiên mà kiếp người chịu nhiều khổ hạnh bởi còn lắm sân si.

Mâu thuẫn như khối u trong tâm tưởng, không giải quyết thì ấm ức khó chịu, không giải quyết thì ăn không ngon, ngủ không an. Không giải quyết thì cứ như ai đang đốt lửa trong lòng, không giải quyết được thì cứ như có mang nỗi thù giết cha, không trả không xong, không trả không trọn đạo hiếu.

Khi mang khối u này trong tâm tưởng, cá nhân không thể nghĩ đến chuyện gì khác, không thể lường trước những chuyện sắp diễn ra.

Hẳn là, nói về mâu thuẫn của người khác thì dễ nhưng xóa được mâu thuẫn của chính bản thân thì khó. Nhưng biết đâu, mỗi vết trượt của người khác đều là tấm gương soi cho chính mình. Soi để biết sợ, soi để biết điểm dừng, đừng để xảy ra chuyện “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ”.

Những quân cờ đô mi nô của cuộc đời người đàn ông đã đổ sập theo nhau, không còn gì cứu vãn được nữa. Chỉ thương cho những dự tính đầy tốt đẹp sau lần nhúng chàm đầu tiên ấy, tưởng chừng đã trọn vẹn. Có ai ngờ đâu những thứ tai ương lại nảy sinh. Nếu không gọi là số phận, thì biết gọi là gì khác cho hợp lý hơn đâu?.

Người đàn ông có tên Đặng Ngọc Thạch.

Kinh Hữu
.
.
.