Tại sao hội chứng cuồng dẫn tới điểm mù lý trí?

Chủ Nhật, 29/11/2020, 10:59
Một fan hâm mộ chạy lên sân khấu hôn cái chân ghế mà ca sĩ Hàn Quốc vừa ngồi (chuyện diễn ra vài năm trước) cho thấy một khi đã cuồng, con người ta có thể làm những hành động ngoài sức tưởng tượng như thế nào. Đấy là một người trẻ, và ở tuổi trẻ, đúng là con người ta thường dễ yêu, dễ nhớ, dễ xúc động, dễ cuồng.

Chúng ta phải nói gì với những bạn trẻ đã/đang ở trong... vòng xoáy cuồng? Câu hỏi đã được đặt ra từ rất lâu và sau khi viện dẫn ý kiến của rất nhiều chuyên gia tâm lý học, xã hội học, ngôn ngữ học, câu trả lời quanh quẩn nằm ở chỗ: Phải phân tích cho người trẻ hiểu rằng, yêu thương là tốt, hâm mộ cũng tốt, còn cảm xúc và năng lượng để thần tượng một ai đó càng tốt nhưng thần tượng đến mức chạm vào “điểm mù lý trí”, từ đó thể hiện hàng loạt những biểu hiện bất thường kiểu như “hôn chân ghế” là điều phản cảm.

Cái lý luận mang tính kinh điển này chắc chắn sẽ lặp đi lặp lại ở hết thế hệ người trẻ này đến thế hệ người trẻ khác. Và, có thể đến một lúc nào đó, chẳng hạn như khi đã đi qua tuổi trẻ, con người sẽ tự thấm thía, hiểu ra vấn đề.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp mà sự cuồng không chỉ diễn ra với người trẻ. Nó có thể diễn ra với ngay cả tuổi trung niên, thậm chí cả tuổi cao niên. Cuồng một ca sĩ, một diễn viên, một người mẫu - đấy thường là câu chuyện của người trẻ. Cuồng một chính sách, một ý hướng, một lý tưởng, một nhân vật chính trị - đấy thường là câu chuyện của những người trưởng thành.

Có những câu chuyện “khét lèn lẹt” kể về những người cuồng Hitler, tới mức sẵn sàng ép cả vợ con mình tự tử cùng tên trùm phát xít. Nếu câu chuyện này diễn ra vào những năm 40 của thế kỷ 20, thời điểm mà “chủ nghĩa Hitler” vẫn còn hiện hữu thì ngay đến những năm 90 cùng thế kỷ, khi “tội ác Hitler” đã được cả thế giới chứng thực thì ở trên sân bóng, vẫn có một cầu thủ nổi tiếng giơ tay chào theo đúng kiểu Hitler sau khi ghi bàn.

Cảm xúc của anh ta là thế. Suy nghĩ của anh ta là thế. Sự cuồng ngộ mà anh ta dành cho kẻ hủy diệt nhân loại là thế. Anh ta biết rõ, thể hiện cảm xúc - suy nghĩ và sự cuồng ngộ này trước cả một biển khán giả của xã hội văn minh là phản cảm, thậm chí có thể tạo ra một cơn thịnh nộ cảm xúc nhưng rồi anh ta vẫn bất chấp tất cả. Một khi đã cuồng, người ta có thể bất chấp cảm xúc đến từ phần còn lại của thế giới này.

Thời gian gần đây, mạng xã hội Việt Nam xuất hiện nhiều cuộc bút chiến - khẩu chiến - thậm chí là hỗn hợp chiến xung quanh hiện tượng một bộ phận người nào đó có biểu hiện cuồng một chính khách nước ngoài. Sự hay dở, sáng suốt hay u tối, vì dân hay mị dân của vị chính khách này xin được miễn bàn, vì nó không phải chủ đề của bài viết. Điều đáng bàn ở đây là những người cuồng vị này đã tạo ra những hội nhóm đông đảo và từ những hội nhóm như thế, tất cả những ai đưa ra các thông tin, các con số không có lợi cho vị chính khách đều bị tấn công không thương tiếc.

Những người này tin rằng, chân lý chắc chắn thuộc về vị chính khách. Vị này nói A thì A đúng, nói B thì B đúng, vì vậy bất luận ai dám nghĩ khác (chứ chưa nói đến nghĩ ngược lại) đều bị xếp vào dạng “tội đồ”. Nhiều KOLs (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) ở Việt Nam đã bị tấn công theo cách này. Nhiều KOLs nước ngoài cũng bị tấn công theo cách này. Nhiều YouTuber đã bị “đánh hội đồng” theo cách này. Và một số kênh YouTuber khác lại có lượng subs (người đăng ký) gia tăng kỷ lục vì đã nói những điều mà những người cuồng vị chính khách muốn nghe.

Hãy gạt bỏ mọi định kiến cảm xúc để khách quan, sòng phẳng trả lời câu hỏi: Hội chứng cuồng có điểm hay - dở, lợi - hại thế nào? Kể ra, ở một địa hạt đặc biệt nào đó, trong những khoảnh khắc đặc biệt nào đó, việc cuồng một ai đó, một điều gì đó cũng có những tác dụng đặc biệt. Ví dụ như trong sáng tạo nghệ thuật. Có lẽ nếu không cuồng cái đẹp - một cái đẹp khác lạ, dị kỳ, đầy ám ảnh, thi sĩ Đinh Hùng đã không thể viết những câu thơ mê đắm:

Ta đặt em lên ngai thờ Nữ Sắc,

Trong âm thầm chiêm ngưỡng một làn da.

Buổi em về, xác thịt tẩm hương hoa,

Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết.

Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết,

Gợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân.

Ta gần em, mê từ ngón bàn chân,

Mắt nhắm lại, để lòng nguôi gió bão.

Khi sùng bái, ta quỳ nâng nếp áo,

Nhưng cúi đầu trước vẻ ngọc trang nghiêm

Ta khẩn cầu từng sớm lại từng đêm,

Chưa tội lỗi đã thấy tràn hối hận.

(“Kỳ nữ”)

Sáng tạo nghệ thuật là câu chuyện của những ám ảnh bị dồn nén. Mà sự cuồng ngộ luôn là một trong những chất kích thích quan trọng tạo ra những ám ảnh bị dồn nén. Sự cuồng ngộ có thể đưa người nghệ sĩ vào một thế giới khác, một vùng nghĩ khác, một chân trời tưởng tượng hoàn toàn khác.

Tuy nhiên, khi thoát xác khỏi chân trời sáng tạo để trở lại đời sống thường hằng thì chính người nghệ sĩ cũng cần trở về/hoặc được dẫn dắt để trở về trạng thái thăng bằng. Với những người bình thường, sự thăng bằng càng có ý nghĩa quyết định. Khi sự cuồng ngộ đánh gục sự thăng bằng, chúng ta rất dễ bị rơi vào điểm mù của lý trí. Ở điểm mù của lý trí nhưng chúng ta không tin là mình đang ở điểm mù của lý trí, cho nên chúng ta sẽ để cảm xúc dẫn dụ.

Và, lúc này 2 hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra. Một, chúng ta thực sự không phân biệt nổi đâu là đúng, đâu là sai. Lúc đó đơn giản, bất cứ thứ gì đi ngược lại cảm xúc và suy nghĩ của mình, chúng ta đều cho là sai và đẩy cái sai ấy tới mức cùng cực. Hai, từ đó chúng ta rất dễ rơi vào chủ nghĩa quy kết, chủ nghĩa phán xét, thậm chí là chủ nghĩa thóa mạ. Tức là chúng ta bỗng trở nên độc ác hơn so với chính mình trước đó rất nhiều.

Trong sự dẫn dụ như ma xui quỷ khiến của cảm xúc, chúng ta có thể làm những điều không tưởng, hoang đường mà trước đó chúng ta không bao giờ nghĩ là mình có thể làm. Hôn chân ghế một ca sĩ Hàn Quốc chưa phải là điều không tưởng, hoang đường nhất. Sùng bái một chính khách tới mức rủ nhau quyết liệt tấn công những người không có cùng sự cuồng ngộ với mình cũng chưa phải là điều không tưởng, hoang đường nhất.

Câu chuyện diễn ra ở Italia vào tháng 5-1961 mới là điều không tưởng, hoang đường nhất. Khi đó, một nghệ sĩ nổi danh có tên Manzoni Piero đã làm ra 90 cái hộp, mỗi hộp chứa 30 gam phân của chính mình. Trên vỏ hộp ghi rõ:

Phân nghệ sĩ

chứa 30 gam

Bảo quản tươi

Sản xuất và đóng hộp vào tháng 5-1961”.

Thế rồi ông ta rao bán mỗi chiếc hộp với giá 30 gam vàng. Xin nhắc lại: 30 gam phân - 30 gam vàng, một con số có tính toán và có thông điệp rõ ràng. Đọc tới đây, xin bạn hãy dừng lại và thử nghĩ xem: Liệu có ai bỏ 30 gam vàng ra mua 30 gam phân của một ông nghệ sĩ? Có hay không? Thực tế chứng minh: câu trả lời là có. Và nữa, năm 2016, tại một cuộc đấu giá ở Milan, một hộp trong số 90 hộp đó đã được bán với giá 300 nghìn đô la.

Thế đấy, khi người ta đã cuồng, đã chạm vào điểm mù của lý trí thì mọi điều hoang tưởng đều có thể trở thành sự thật!

Phan Mỹ Chí
.
.
.