Nhận diện người đồng tính nữ
Một phụ huynh gọi điện cho tôi, tác giả bài viết "Người đồng tính trên báo" số ra tháng 2 để tìm câu trả lời về sự khác thường của con gái mình. Một cô con gái xinh tươi nhưng lại có sở thích chỉ yêu người đồng giới. Để hiểu hơn về người đồng tính nữ và cũng giúp vị phụ huynh này, tôi đã có những cuộc tiếp xúc để tìm hiểu về những người thuộc giới tính này. Tôi hy vọng bài viết sau đây sẽ phần nào khắc họa chân dung người đồng tính nữ.
1. Nếu như gần đây, xã hội và bản thân người đồng tính nam khá cởi mở, bằng chứng là những diễn đàn trên mạng, các nhóm đồng đẳng, những cuốn tự truyện… thì người đồng tính nữ vẫn sống trong âm thầm. Phải rất khó khăn, tôi mới tìm được một diễn đàn trên mạng của người đồng tính nữ nhờ hướng dẫn của một website dành cho người đồng tính nam. Những thông tin đăng tải trên diễn đàn này dẫu chưa nhiều song phần nào giúp người truy cập có được sự hiểu biết sơ đẳng về giới tính này. Đó là những kiến thức khoa học về đồng tính nói chung và đồng tính nữ nói riêng. Đặc biệt, website này còn có mục tâm sự. Mục này chuyển tải đến người đọc những tâm sự của người đồng tính nữ. Mỗi người đều có tâm trạng riêng, nỗi u uất cũng như sự bứt phá của bản thân khi phát hiện mình không giống trăm ngàn những người phụ nữ khác.
Nếu nhìn bề ngoài, nếu bị cưỡng ép, một số người trong số họ vẫn có thể làm vợ, làm mẹ. Nhưng về bản năng sống, họ không muốn thực hiện thiên chức này. Không phải họ đi ngược lẽ tự nhiên, ngược thuần phong mỹ tục.
Một lần nữa, tôi thấy cần phải trích dẫn nguồn tư liệu "Giải đáp các câu hỏi của bạn để hiểu rõ hơn về xu hướng tình dục và đồng tính luyến ái" (Answers to questions: For a better understanding of sexual orientation on homosexuality" của Hội Tâm lý học Hoa Kỳ năm 2008 do iSee (Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường) cung cấp để lý giải căn cớ này. Theo đó, xu hướng tình dục là sự hấp dẫn có tính bền vững của một người về phía những người khác giới, cùng giới hoặc cả hai giới. Người ta gom thành ba dạng: dị tính luyến ái (chịu sự hấp dẫn của người khác giới tính); đồng tính luyến ái (chịu sự hấp dẫn của người cùng giới tính); lưỡng giới luyến ái (chịu sự hấp dẫn của cả nam và nữ).
"Nhiều người đồng tính nam từng khổ sở, bấn loạn về tình trạng "nửa váy, nửa quần" của mình một, thì người đồng tính nữ còn khổ sở hơn rất nhiều", Nguyễn Văn Dũng, người đồng tính nam đi tiên phong trong việc công khai giới tính của mình ở Hà Nội bày tỏ. Còn Hương, một lesbian (đồng tính nữ) thì gật gù, "dẫu sao bọn em vẫn mang thân phận đàn bà. Mà đàn bà thì phải cam chịu và có bổn phận". Chính sự cam chịu và ý thức về thân phận nên phần lớn người đồng tính nữ chưa dám bộc lộ bản thân. Họ có cộng đồng của mình nhưng vẫn hoạt động ngầm để tránh sự kỳ thị.
2. Người đồng tính nữ đầu tiên tôi gặp là Khuyên. Khuyên mới 18 tuổi, lẽ ra đây là tuổi đẹp nhất của người con gái nhưng với khát vọng làm một "thằng con trai" nên với Khuyên nó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Bề ngoài, Khuyên thô mộc và bộc tuệch như một thằng con trai. Nhưng Khuyên khổ sở với vòng 1 mỗi ngày một lớn của mình và giấu nó bằng cách khom vai và ép ngực. Khuyên tức giận mỗi khi "đến tháng". Khuyên tự giải thoát bản thân bằng cách mặc đồ lót của đàn ông và uống rượu mỗi khi thấy buồn. Nhìn Khuyên phả khói thuốc, nhâm nhi cốc trà mạn, chẳng ai bảo đấy là một người con gái cả. Khuyên dạt nhà ra Hà Nội khi mới 13 tuổi để được sống là chính mình. Khuyên ngủ trên hè phố, cảm sốt đến 40 độ không thèm uống thuốc.
Dẫu biết rằng, đứa trẻ nào có gan dạt nhà cũng chấp nhận sống như vậy nhưng với Khuyên, đó là cách hành hạ và chứng tỏ bản thân. Khuyên trèo cây hái quả, Khuyên đá bóng trên hè phố và tỏ tình với bạn gái. Đó là cuộc sống tự do mà Khuyên "giành" được khi dạt nhà. Hiện tại, Khuyên kiếm sống bằng nghề trông xe ở phố cổ và thấy sống được. Mỗi năm, Khuyên tạt qua nhà một lần như để khỏi quên ngõ. Mặc dù luôn khẳng định mình là người mạnh mẽ nhưng trong thư điện tử gửi người mình thầm yêu, Khuyên năn nỉ: "Hãy là người bạn để Khuyên tâm sự mỗi khi buồn". Khuyên có thế giới của mình, chấp nhận sự khác người của bản thân và không tìm cách lý giải. Điều này cũng dễ hiểu bởi Khuyên mới bước vào tuổi trưởng thành, chưa nhiều trải nghiệm. Khuyên đang sống bằng bản năng.
3. Trên ban công một quán cà phê gần Công viên Thống Nhất, tôi nhìn những cô gái ngồi cùng bàn nhả khói thuốc. Họ rít thuốc liên tục, thỉnh thoảng nhấp ngụm cà phê đen mà tôi biết là đắng ngắt. Bề ngoài, họ cũng giống như tôi, cùng được gọi là phái nữ. Vậy mà về bản chất, giữa chúng tôi có sự khác biệt về giới tính.
Hoa, bằng tuổi tôi. Cô sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Cô từng trải đến mức tôi phải kinh ngạc. Ngày tôi bước chân vào giảng đường đại học, Hoa đã "làm gái" ở nước người được hai năm. Tiết lộ này của cô càng khiến tôi ngạc nhiên bởi Hoa là lesbian cơ mà. Les (viết tắt của lesbian) mà cũng phải làm nghề này chắc có nguyên do đây? Hoa bảo: "nhiều khi vừa "tiếp khách", vừa khóc". Tôi ngây thơ hỏi: "Hoa bị lừa ra à?", cô lắc đầu. Hoa tình nguyện gia nhập đường dây tuyển gái ra nước ngoài làm mại dâm, cô cũng tự nguyện ký vào nhiều giấy tờ hành chính ở nước bạn, mục nghề nghiệp ghi "hành nghề mại dâm". Tại sao cô phải dấn thân vào con đường này? Không trả lời trực tiếp câu hỏi, Hoa bảo "hai tháng sau khi gia nhập khu đèn đỏ, mình đã gửi tiền về cho gia đình". Thế là đủ để hiểu lý do Hoa chấp nhận bán thân.
Tình yêu đầu đời của Hoa cũng là một mối tình với người cùng giới. Lúc ấy, cô không biết cách lý giải sự rung động bất thường của mình. Và đương nhiên, cô nữ sinh lúc đó chẳng ai dám bày tỏ với người bạn gái thân bí mật tày trời này cả. Rồi Hoa dấn thân vào nghề bán thân và chính thức nhận ra một sự thật, cô không phải là phụ nữ đích thực. Nhắm mắt nuốt tủi nhục vào trong, cô vẫn hành nghề để kiếm tiền. Trong thời gian ở khu đèn đỏ, cô khám phá ra mình không phải người cá biệt. Cô có tình yêu với một người cùng nghề. Mối tình ấy chia lìa khi cô hết hạn visa. Cô chưa bao giờ ngơi những cuộc tình với người đồng giới và cũng luôn thắc thỏm sợ nó đổ vỡ. Đã có những người tình không chịu nổi áp lực gia đình, xã hội đã chia tay cô để lấy chồng. Cô sợ vô cùng khi nghe ai nhắc đến hai từ đó.--PageBreak--
Chia sẻ vì sự bất thường trong chuyện tình cảm của mình, Hoa bảo cô chỉ có tình yêu sâu đậm với người cùng giới. Có những đêm, cô bật đèn ngủ ngắm "vợ". Trong "gia đình", cô thực hiện thiên chức người chồng. Từ việc kiếm tiền đến thay cái bóng đèn cháy, đều ở tay cô cả. Còn người "vợ" trong gia đình thực hiện đúng thiên chức của bà nội tướng. Nghĩa là lo dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc "chồng". Hoa còn khoe, "vợ chồng" cô còn đi chụp ảnh cưới, mua nhẫn tặng nhau. Khi tôi hỏi, người xung quanh có ai dị nghị về cuộc sống của cô không, Hoa lắc đầu. Cô bảo người ngoài nhìn vào, chỉ thấy họ là đôi bạn gái. Do phải giữ ý với người xung quanh, nên chẳng bao giờ "vợ chồng" cô bộc lộ sự khác thường ở bên ngoài. Ngay cả việc khoác tay nhau đi ngoài đường, hai người cũng rất kỵ mặc dù hai người bạn gái dắt tay nhau đi trên phố là bình thường. "Có tật giật mình, bọn mình sợ bị ai đó bắt gặp lắm", Hoa nói.
Ngoài 30 tuổi, bố mẹ đều rất muốn cô "yên bề gia thất" để tránh cái tiếng có "bom nổ chậm" trong nhà. Vậy mà chẳng thấy cô lưu tâm, họ chỉ còn cách kết luận cô "kén cá, chọn canh". Để không sống chung cùng gia đình, Hoa phải lấy lý do nhà xa, đường lại thường xuyên tắc. Cô trốn tránh gia đình để có cuộc sống riêng, một cuộc sống không bình thường như những đôi lứa ở đời. "Nếu có tiền, mình đã làm phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Mình muốn làm một người đàn ông đích thực", Hoa tâm sự. Nếu không đối diện với cô, thật khó tin đấy là nguyện vọng của cô gái nhỏ nhắn, có nước da trắng và hàm răng đều tăm tắp.
4. Cùng ngồi bên ly cà phê đắng ngắt, Giang trầm ngâm nghe tôi trò chuyện với Hoa. Cô chỉ nói khi nghe tôi thắc mắc "tại sao trong "gia đình" Hoa, cô lại là "chồng", còn người kia là "vợ"?". Giang bảo rằng, trong "gia đình" mình, cô là "vợ", còn người kia lại là "chồng". Ngược lại với "gia đình" của Hoa. Giang nói thế để tôi hiểu, mỗi "đôi lứa" của người đồng tính nữ có đặc điểm riêng và bản thân mỗi người cũng có thể trạng khác nhau. Khác với Hoa, người luôn cố tạo cho mình vẻ ngoài giống đàn ông (ví dụ để tóc ngắn, cá tính mạnh), Giang rất nữ tính. Cô chăm chút mái tóc dài, tỉa tót cặp lông mày. Cô thích đi giày nhọn gót, mặc những bộ đồ khoe đường cong. "Em đi ngoài đường, nhiều đàn ông trêu ghẹo lắm", cô cười tươi khoe làn môi đánh son màu cánh sen. "Nếu người đồng tính nam có "bóng kín" (những người có bề ngoài rất đàn ông) và "bóng lộ" (những người thích trang điểm, mặc quần áo con gái, để tóc dài) thì người đồng tính nữ cũng vậy. Em là "bóng kín", còn Hoa là "bóng lộ" đấy", Giang nói tiếp.
"Mà chị có tin không, em còn có con đấy", Giang lại khoe. Hoá ra, Giang lấy chồng khi mới 17 tuổi và sớm có một đứa con. Mặc dù tổ ấm của cô bề ngoài khá ổn, nhưng trong tâm thức cô thấy có cái gì đó bất thường. Cô không những không yêu chồng mà rất sợ gần gũi anh. Rồi một ngày, cô đề nghị chia tay. Chồng cô hỏi lý do, câu trả lời anh nhận được ở cô là "không có tình yêu". Vậy Giang dành tình yêu cho ai? Đó chính là người bạn gái thân từ thời cùng học chung một lớp. Kể cả khi đã lấy chồng, mỗi khi nghĩ đến người đó, cô vẫn thấy có cảm xúc khác lạ. Rồi vô tình họ gặp lại nhau, người đó mạnh dạn bộc lộ tình cảm của mình với cô. Thì ra, từ lâu người này cũng có những tình cảm khác lạ dành cho cô. Cả hai đều không dám bộc lộ bởi bản thân còn chưa lý giải được tại sao lại tréo ngoe như vậy. Từ sự phá rào này, Giang đã hiểu lý do tại sao mình không thể yêu chồng, người đàn ông đã cho cô một đứa con.
Tình mẫu tử của Giang có gì lạ? Giang bảo cô cũng yêu thương con nhưng không hay bế bồng, cưng nựng giống những người mẹ khác. Tình yêu cô dành cho con mình giống như của người cha, nghĩa là có sự chở che nhưng vô cùng cứng rắn. Còn cuộc sống hiện tại, Giang bảo sự kỳ thị là trở ngại lớn trong cuộc sống của cô. Mặc dù cũng có cộng đồng, những người cùng cảnh ngộ nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi nhỏ. Cô và các bạn mình luôn phải giấu giếm bản thân, luôn phải sống trong lo sợ bị phát hiện mình là người đồng tính. Để có được sự sẻ chia của người cùng cảnh ngộ, bản thân cô phải lần mò chứ không biết ở đâu mà tìm đến.
5. Hiểu biết đúng đắn và cởi mở là cách để xã hội không còn kỳ thị người đồng tính nữ nói riêng và cộng đồng người đồng tính nói chung. Viện Nghiên cứu môi trường, kinh tế và xã hội cho tôi biết, để phụ huynh hoặc những ai muốn tìm kiếm thông tin hoặc được tư vấn, hãy truy cập vào website www.bangaivn.net hoặc email danglinh@proyahoo.com. Đại diện của nhóm người đồng tính nam, đồng tính nữ và người chuyển giới ở Việt Nam sẽ giúp cung cấp kiến thức và giải đáp thắc mắc về lĩnh vực này