Những con lợn tiêm thuốc an thần

Thứ Tư, 11/10/2017, 07:23
Truyền thông đã khiến những mặt hàng nông sản bị nhuốm một màu đen kịt. Song song với màu đen kịt đó là những thông tin thực tế kiểu như con lợn bị tiêm thuốc an thần trước lúc giết mổ... 

Tôi vốn người nhà quê, tuổi thơ lớn lên bằng tiếng gọi con của gà mái mẹ gọi con, bằng tiếng kêu đói của lũ lợn trong chuồng, bằng mùi của trái sầu riêng chín tới rụng sau vườn… Trải qua nỗi cực của ba mẹ mà khôn lớn, được đến trường, được cho ăn học.

Tôi theo nghề báo, đã khóc, cười với nước mắt của người nông dân, với nỗi vui mừng mùa vụ, với nỗi lo thắt lòng giá con cá, với giá nông sản cứ sụt sùi như nắng mưa tháng Bảy.

Mỗi lần đọc một tin xấu về những mặt hàng liên quan đến nhà nông, đều thon thót giật mình.

1. Mấy hôm trước, đoàn công tác liên ngành gồm Thanh tra Bộ, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Cục C49 (Bộ Công an), Chi cục Thú y TP HCM đã bắt quả tang nhân viên của cơ sở giết mổ Xuyên Á, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM tiêm thuốc an thần cho gần bốn nghìn con lợn chuẩn bị giết mổ (kết quả kiểm định cho thấy, có 100 mẫu nước tiểu của heo tại cơ sở Xuyên Á tồn dư thuốc an thần, tổng cộng có 3.750 con heo của 13 thương lái nhiễm thuốc).

Cơ sở giết mổ Xuyên Á là cơ sở giết mổ lớn nhất tại TP HCM, chiếm khoảng 50% lượng thịt cung cấp cho toàn thành phố mỗi ngày với công suất giết mổ mỗi đêm khoảng 5 nghìn con lợn. Nguồn lợn đưa về lò mổ này chủ yếu từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, và Bến Tre.

Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP HCM đã phải thốt lên: “Tôi khẳng định đây là một tội ác và tôi không chấp nhận tình trạng có nhân viên của Sở tiếp tay. Nếu có tình trạng tham nhũng, tiếp tay thì sẽ bị thôi việc và bị xử lý nghiêm”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã đề xuất UBND thành phố và Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm thành phố có văn bản yêu cầu Bộ NN&PTNT tiêu hủy toàn bộ số heo bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, đề xuất của bà Phạm Khánh Phong Lan đã được thông qua. Bà Phong Lan luôn là một người quyết liệt, rõ ràng trong các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân.

Tác hại mà người tiêu dùng gặp phải khi sử dụng thịt lợn còn tồn dư thuốc an thần đã được chỉ rõ từ rất lâu.

Thứ nhất: Gây ức chế hệ thần kinh, người ăn dễ bị trầm cảm, mất ngủ.

Thứ hai: Tác dụng trên hệ tim mạch làm dãn mạch, co mạch làm thay đổi huyết áp của con người.

Thứ ba: Thuốc an thần tồn dư ảnh hưởng tới hệ vận động dễ gây run rẩy, liệt chân.

Tất nhiên cũng cần phải hiểu là những tác hại này chỉ đến khi ăn phải một lượng thịt lợn nhiều, ăn liên tiếp từ ngày này sang ngày khác, chứ không hẳn cứ ăn một miếng thịt lợn còn tồn dư chất an thần là ngay lập tức phải nhập viện điều trị.

Một vài kẻ đã lợi dụng thông tin này rồi tung tin trên mạng xã hội về hàng loạt trẻ em phải nhập viện vì ăn thịt lợn còn tồn dư chất an thần, tin nhảm nhí vậy mà người ta vẫn đua nhau tin, đua nhau chia sẻ được thì tôi cũng chịu hẳn.

Thương lái tiêm thuốc an thần cho lợn là nhằm thuận tiện hơn khi vận chuyển đến lò mổ, lợn không quậy quọ trên đường, thịt lợn khi mổ ra sẽ đẹp, thớ thịt đỏ hồng hấp dẫn...

2. Con lợn vừa trải qua một cơn nguy khốn thì lại vướng phải câu chuyện này, dĩ nhiên là khi con lợn nguy khốn nghĩa là người chăn nuôi lợn lâm vào cảnh bán thân bất toại. Ở miệt Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi lợn toàn quốc, đã có người phải tự tử vì giá lợn giảm quá sâu đợt vừa rồi.

Con lợn trong chuồng không thể ngưng cho ăn, nhưng càng cho ăn càng lỗ, con lợn ăn cả sổ đỏ, ăn cả manh vườn, ăn cả tiền bạc dành dụm định sửa lại cái nhà hoặc chuẩn bị cho con đi học xa. Con lợn ăn niềm hy vọng, ăn dự định, ăn tất tần tật những gì mà người chăn nuôi tích lũy từ bấy lâu nay.

Cùng đường, người ta mang lợn ra vứt ngoài bãi rác, heo nái đẻ ra lợn con, lợn con được ném giữa rừng cao su. Một khung cảnh ảm đạm đến bi kịch.

Cái hồi con lợn lâm vào câu chuyện chất tạo nạc salbutamol, loại “biệt dược” khiến thịt nạc bám sát vào da, con lợn như vận động viên thể hình, cơ bắp cuồn cuộn. Ăn nhiều mau lớn đến độ không kịp xuất chuồng hay thương lái chưa kịp thu mua sẽ gãy cả chân vì nặng. Lắm con nằm vật trong chuồng, chờ chết.

Tác hại của salbutamol còn hơn cả chất an thần tiêm vào lợn, đó là loại chất không thể bài tiết hết, không thể xóa bỏ toàn bộ dư lượng theo thời gian. Tác dụng của salbutamol lên động vật nuôi và người sử dụng salbutamol tích lũy trong thực phẩm thịt sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thông qua dây chuyền thực phẩm, gây ra các triệu chứng rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, co thắt phế quản, phù nề, run cơ, liệt cơ, choáng váng...

Hồi đồng nghiệp bên tờ nhật báo lớn công bố tình trạng chăn nuôi có chứa chất tạo nạc rồi hàng loạt cơ quan truyền thông lên tiếng, tôi dạo một vòng ra chợ, những phản thịt lợn vắng bặt khách mua, cá biển cá sông không đủ để cung cấp cho người đi chợ. Đi đâu tôi cũng nghe người ta khuyên nhau không nên ăn thịt lợn nữa, sẽ bị ung thư, sẽ bị thế này hay thế kia.

Thật ra, đôi lúc những thông tin thế này cũng bị “truyền thông bẩn” khai thác triệt để, một nhãn hiệu thịt sạch sắp được tung ra sẽ bắt nguồn từ những câu chuyện mang tính chất “ngáo ộp” như thế này, kiểu nước mắm truyền thống có chứa chất arsen còn nước mắm công nghiệp lại tốt cho sức khỏe mà mọi người đã từng được chứng kiến.

Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là bênh vực cho cái sai của người chăn nuôi, chỉ là đôi lúc nỗi sợ hãi của đám đông luôn là cơ hội cho những cá nhân (chính xác là gian thương) trục lợi.

Ngày thiếu niên, tôi chăm đàn heo cho ba má, một tay nuôi mấy mươi con nhẹ như không. Thức ăn chính bao gồm bắp (ngô) phơi khô rồi xay nhuyễn trộn với cám công nghiệp, con lợn ăn vẫn lớn nhanh như thổi, xuất chuồng đợt nào cũng lời, không ít thì nhiều. Tuyệt nhiên chưa bao giờ vướng vào câu chuyện lợn ăn chất tạo nạc hay lợn tiêm thuốc an thần cả.

Chính vì vậy, tôi luôn ngạc nhiên và không bao giờ hiểu được rằng tại sao khi càng phát triển, càng xa quá khứ hơn, càng công nghiệp hóa hiện đại hóa thì lại nảy sinh quá nhiều điều vô lý trong nông nghiệp đến vậy. Mà đâu chỉ có con lợn, ngay cả các loại trái cây thông thường, bây giờ cũng được nhúng vào hóa chất vô tội vạ, cũng được bảo quản bằng hóa chất như một cách “làm nông nghiệp mới”.

Mấy lâu tôi có nghe câu chuyện của hai người nông dân, một người nói nếu không ngâm hóa chất trái cây sẽ không đẹp, không đẹp thì thương lái sẽ không mua, không mua nghĩa là không có đầu ra cho nông sản, nghĩa là không có tiền, nghĩa là hụt thu nhập, nghĩa là ảnh hưởng đến đời sống mưu sinh của gia đình. Người còn lại không có phản ứng gì, tôi chứng kiến câu chuyện thuyết phục mãi cũng không xong.

Về đến nhà vào bữa cơm tối, chị gái cũng bảo rằng muốn ăn trái cây thì nói chị, chị dặn bạn bè chứ đừng mua lung tung ngoài đường, bây giờ họ ngâm thuốc hết rồi.

3. Trong buổi hầu chuyện với giáo sư Võ Tòng Xuân, ông có nói: “Người nông dân Việt Nam tự do nhất thế giới”, nghĩa là muốn làm gì cũng được, chẳng ai định hướng, chẳng ai quản lý, chẳng ai xắn tay áo vào cuộc cùng. Một nhóm nhỏ cá nhân thì cứ tấn công người nông dân theo dạng “dân thì gian, cái gì có lợi cho mình thì làm còn ai hại ra sao mặc kệ”, đây là điều đáng suy nghĩ.

Tôi biết có một thương gia đầu tư hàng triệu đô cho nông nghiệp sạch, từ con cá sạch cho đến hạt gạo sạch, từ nải chuối sạch cho đến trái ổi sạch. Mà hiện tại, có thứ sạch nào giá cả lại không như từ trên trời rơi xuống, bán đắt mấy cũng có người mua. Trước đây có cần phải rao sạch đâu mà nông sản, vật nuôi vẫn thuận tiện khi đến tay người tiêu dùng đến vậy.

Truyền thông đã khiến những mặt hàng nông sản của nước mình bị nhuốm một màu đen kịt. Song song với màu đen kịt đó là những thông tin thực tế kiểu như con lợn bị tiêm thuốc an thần trước lúc giết mổ vừa xảy ra.

Người nông dân lâm vào tình trạng tứ cố vô thân, người tiêu dùng lâm vào tình trạng hoang mang sợ hãi, còn người quản lý thì đang làm gì, thật khó để có câu trả lời.

Thế cho nên theo thiển ý của cá nhân, tôi nghĩ muốn mọi thứ trở nên tươi sáng hơn, muốn một đất nước có nền tảng là nông nghiệp vững chắc như nước mình, muốn người nông dân không phải bỏ ruộng bỏ chuồng trại tiến vào các khu công nghiệp thì nhà quản lý phải thật sự trang bị cho mình một thứ ngoài kiến thức chuyên môn đó là “lương tâm nông nghiệp”.

Phải có lương tâm nông nghiệp mới thương nông nghiệp, mới thương người nông dân, mới thương người chăn nuôi, mới triệt tiêu được những thương lái vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả, mới nâng cao được nhận thức cũng như phương pháp nuôi trồng cho người nông dân.

Viết những điều này vô cùng buồn bã, vì những điều này hoàn toàn không mới và những điều này tôi đã không biết chỉ một lần, mà rất nhiều lần trên nhiều tờ báo khác nhau.

Cứ nhìn sang Israel, sang Nhật Bản, sang Đài Loan... họ làm nông nghiệp sạch dễ đến vậy, còn nước mình sẵn đó người dân quen chân lấm tay bùn, quen cần cù chịu thương chịu khó, quen rất nhiều với manh ruộng cái ao cái chuồng, lẽ đâu mình lại không làm được?

Ngô Kinh Luân
.
.
.