400 giờ truy tìm chân tướng tội ác

Thứ Bảy, 26/02/2022, 13:41

Không thể đo đếm hết công sức của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hưng Yên cùng các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an trong hành trình truy lùng hung thủ sát hại vợ chồng chủ nhà tại TP Hưng Yên.

Án mạng xảy ra trong đêm mưa bão, với hiện trường mất dấu vết bởi nước mưa và bị xáo trộn nghiêm trọng do hoạt động cấp cứu nạn nhân, đã gây ra muôn vàn khó khăn cho lực lượng phá án. Nhiều lần “cụt” tin, hoạt động điều tra tưởng chừng đã lâm vào câu dầm, bế tắc… Nhưng rồi với quyết tâm cao độ của những người làm án,  hung thủ đã lộ diện sau 17 ngày gây tội ác.

“Đầu bài” khó giải

Dù vụ án đã có độ lùi về thời gian và kẻ thủ ác đã nhận hình phạt thích đáng, nhưng trong ký ức những người làm án, mọi việc vẫn như mới hôm qua, khi họ bước vào hành trình truy xét hung thủ đầy khó khăn, vất vả. Cuộc điều tra này là một hình mẫu về khả năng liên tưởng, lôgic hóa các hiện tượng rời rạc, tưởng chừng không có mối liên hệ với nhau thành một chỉnh thể, để từ đó vạch trần chân tướng tội ác. Sáng 17-8-2018, tin hai vợ chồng anh Đặng Văn Trường (SN 1977, ở khu phố Nam Tiến, phường Hồng Châu) bị sát hại ngay trong buồng ngủ đã loang ra toàn TP Hưng Yên – một miền quê vốn yên bình đến mức nhiều nhà dân đi ngủ còn không cài khóa cửa.

Nhận tin báo, Phòng CSHS phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ và Công an TP Hưng Yên xuống ngay hiện trường tiến hành hoạt động khám nghiệm. Vụ án mạng được xác định xảy ra lúc rạng sáng, khi trời đang mưa to gió lớn nên nhiều dấu vết của tội phạm đã bị rửa trôi. Việc cấp cứu các nạn nhân cũng đã tạo nên nhiều dấu vết mới càng gây khó khăn trong việc truy nguyên thủ phạm. Trong phòng ngủ, nơi phát hiện 2 nạn nhân có những vũng máu lênh láng. Sự xáo trộn chứng tỏ sự vật lộn giằng co giữa các nạn nhân và hung thủ. Hoạt động khám nghiệm hiện trường được tiến hành vô cùng tỉ mỉ, các mẫu vật dù nhỏ nhất đều được thu giữ để làm căn cứ nhận định về diễn biến vụ án, hành động của đối tượng cũng như tính chất của vụ án này là gì. Để loại trừ các dấu vết mới hình thành, không liên quan đến vụ án do hoạt động cấp cứu nạn nhân, lực lượng điều tra đã phải lập danh sách, lấy danh, chỉ bản của những người có mặt để đối chiếu, so sánh với mẫu vật thu được tại hiện trường.

Tin về vụ trọng án được cấp báo về Bộ Công an, Cục CSHS cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ đã cử cán bộ về Hưng Yên hỗ trợ địa phương. Ban chuyên án được thành lập, với sự phối hợp của nhiều đơn vị, địa phương liên quan.

Với một hiện trường như trên, có 3 giả thuyết điều tra đã được đặt ra, với “ưu tiên” số 1 đây là vụ án “đầu trộm, đuôi cướp” – nghĩa là ban đầu hung thủ có thể đột nhập vào nhà anh Trường để trộm cắp tài sản, khi bị chủ nhà phát hiện, tri hô… nên y đã dùng hung khí mang theo tấn công lại dẫn đến án mạng. Thực tế thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ án dạng này, như vụ Lê Văn Luyện sát hại gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích tại Lục Nam, Bắc Giang; vụ Nguyễn Văn Kỳ tại Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội.

Bên cạnh nhận định này, khả năng nạn nhân có mâu thuẫn, thù tức trong quan hệ, công việc làm ăn nên đã bị trả thù cũng được đặt ra. Ngoài ra, người con trai nạn nhân cũng được đưa vào diện “nghiên cứu”, bởi không loại trừ kẻ thủ ác là bạn bè cậu ta. Nghề điều tra trọng án luôn cần những bộ óc có khả năng liên tưởng đến những việc không ngờ nhất.

Công việc đặt ra là phải kiểm tra các giả thuyết, để giải nghi, loại trừ dần những nhận định thiếu sức thuyết phục. Kết quả xác minh có đủ căn cứ để loại trừ các giả thuyết sau. Chỉ còn lại nhận định đầu tiên, và đây cũng là điểm trọng tâm trong suy nghĩ của những người làm án ngay khi tiếp cận hiện trường.

Lấy lời khai nhân chứng, họ cho biết hung thủ là một nam thanh niên, khoảng 20-35 tuổi, cao khoảng 1,65-1,70m, đầu đội mũ lưỡi trai, mặc quần dài, áo tối màu, đi giày. Vì hoảng loạn nên họ đều không nhận rõ mặt kẻ thủ ác. 

1.jpg -0
Hoạt động khám nghiệm hiện trường vụ án.

Hành trình truy xét

Với nhận định tính chất vụ án là “đầu trộm, đuôi cướp”, các đối tượng hình sự hệ trộm cắp, cờ bạc, nghiện ma túy, đối tượng bất minh về hành vi hay kinh tế, thông thuộc địa bàn... được đưa vào diện “nghiên cứu”.

Gần 1.000 công dân trong độ tuổi từ 15-40, có đặc điểm giống với đối tượng nghi vấn trong địa bàn đã được xác minh việc sử dụng thời gian và so sánh, đối chiếu dấu vết đường vân. Một số người vắng mặt tại địa phương cũng được xác minh để giải nghi. Bất kể ngày đêm, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã tỏa đi khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc để xác minh các đối tượng nghi vấn.

Tại Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), các mẫu vật thu được tại hiện trường cũng khẩn trương được phân tích, hoặc gửi đi Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an để trưng cầu giám định. Công an tỉnh Hưng Yên đã cử 2 tổ CSGT túc trực tại Phòng CSHS, ngay khi có mẫu vật là lập tức lên đường ra Hà Nội, để Viện KHHS xét nghiệm, phục vụ công tác điều tra một cách nhanh nhất.

Qua sàng lọc tất cả những người ra vào hiện trường, lực lượng KTHS kết luận tất cả các mẫu lông, tóc, máu, vân tay chân đều là của nạn nhân và những người thân quen, không có mẫu nào của người lạ. Nguồn tin “cạn” dần, những nỗ lực tập thể dù đã “hết số” nhưng kẻ thủ ác vẫn “mịt mù tăm cá”. Cuộc điều tra tưởng chừng lâm vào ngõ cụt.

Manh mối bất ngờ

Không nản lòng, lực lượng phá án vẫn kiên trì triển khai các biện pháp. Trong đó, biện pháp phát động quần chúng cung cấp thông tin, tố giác tội phạm tiếp tục được đẩy mạnh. Cuối cùng, một nguồn tin quan trọng đã đến tai các trinh sát. Đó là trước khi vụ án mạng xảy ra khoảng 2 tháng, tại nhà anh Phan Đức Ảnh trên địa bàn xảy ra một vụ trộm cắp tài sản với tổng trị giá tài sản bị chiếm đoạt khoảng 10 triệu đồng, trong đó có 1 chiếc điện thoại di động hiệu Samsung Plus.

Tiến hành truy vết, Ban chuyên án xác định người đang sử dụng chiếc điện thoại này là Trần Mạnh Trung (tức Trung “Xuân”, SN 1978, ở phường Nam Sơn, TP Hưng Yên). Tên này là một “con nghiện” kiêm bán lẻ ma tuý, thường bán, đổi “hàng” cho một số “bạn nghiện” để lấy tài sản trộm cắp được.

Nhận định đây là đầu mối quan trọng để lần tìm ra những tên nghiện chuyên trộm cắp tài sản trên địa bàn, lực lượng phá án quyết định bắt và khám xét chỗ ở của Trung. Kết quả, ngoài số ma túy đá, heroin, còn có 25 điện thoại mà Trung khai là do “con nghiện” mang tới bán hoặc đổi lấy ma túy để sử dụng.

Trong số đó, có một khách hàng nhiều lần mang điện thoại đến đổi lấy ma túy tên là Đinh Công Tráng. Trong số 25 chiếc điện thoại thu được, có 1 chiếc Iphone Plus màu hồng do Tráng mang tới vào cuối tháng 7-2018. Chi tiết này phảng phất đâu đó một mối liên quan mơ hồ đến vụ án mạng, bởi thời điểm đó chỉ cách vụ trọng án khoảng 10 ngày.

Truy nguyên nguồn gốc của 25 chiếc điện thoại nói trên, tìm được chủ sở hữu chiếc Iphone Plus màu hồng là của anh Phạm Văn Hiệu (ở phường An Tảo, TP Hưng Yên). Xâu chuỗi lại các tình tiết, cái tên Đinh Công Tráng (SN 1977, trú tại khu phố An Bình, phường An Tảo, TP Hưng Yên) được đưa vào tầm ngắm của lực lượng phá án.

2.jpg -0
Hung thủ Đinh Công Tráng tại Cơ quan điều tra.

Chân tướng tội ác

Điều tra về Tráng, được biết gã từng là một cử nhân luật, đã có thời gian làm cán bộ tư pháp tại một phường ở TP Hưng Yên, nhưng sau bị đuổi việc vì dính vào tệ nạn xã hội. Từ đó Tráng sống lang thang và bắt đầu quá trình trượt dốc. Năm 2009, Tráng bị kết án 30 tháng tù treo về tội hiếp dâm. Sau đó gã có thêm 1 tiền sự rồi “bập” vào ma túy đá.

Theo tin trinh sát, hằng đêm Tráng thường lang thang “đi tuần” khắp nơi, tìm các gia đình có sơ hở để đột nhập trộm cắp tài sản. Đặc biệt vào đêm 16, rạng 17-8, Tráng có bất minh về mặt thời gian. Thêm nhiều “động tác” khác, Ban chuyên án có nhận định tên này là nghi can số 1 gây ra vụ trọng án đang bế tắc.

Lúc này, căn cứ để bắt Tráng về hành vi trộm cắp tài sản (chiếc điện thoại Iphone Plus màu hồng của anh Hiệu) đã được củng cố chắc chắn. Khi thi hành lệnh bắt, khám xét nơi ở của Tráng, lực lượng phá án đã thu giữ được 3 dao nhọn, đồng thời thu giữ nguồn hơi để phục vụ giám biệt.

Cuộc đấu trí với Tráng tại cơ quan điều tra thực sự căng thẳng. Là kẻ am hiểu pháp luật, từng có tiền án, tiền sự nên gã khai báo quanh co, chối tội, chỉ thừa nhận gây ra một số vụ trộm cắp tài sản mà các điều tra viên đã có căn cứ buộc tội rõ ràng, đồng thời “trưng” ra các chứng cứ ngoại phạm, phủ nhận mọi sự liên quan của mình đến vụ trọng án. Tráng khai vào thời điểm vụ án xảy ra, gã không có mặt tại Hải Dương.

Để vạch trần lời khai gian dối của Tráng, các tổ công tác lại tỏa đi các tỉnh, thành phố nhằm xác minh về hoạt động, lịch trình sử dụng thời gian của gã. Bên cạnh đó, hoạt động giám định vật chứng thu giữ khi khám xét nhà Tráng được triển khai, bởi 1 trong số 3 con dao của gia đình Tráng có thể tạo ra dấu vết tương đồng với những thương tích trên tử thi. Con dao bầu ấy được Phòng KTHS - Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với Viện Khoa học hình sự tiến hành giám định một cách cẩn trọng, tỉ mỉ. May mắn là dù đối tượng đã rửa dao rất nhiều lần bằng nước, nhưng trong sâu các kẽ thớ gỗ giữa phần chuôi và lưỡi dao vẫn còn tế bào gien (ADN) của các nạn nhân.

Với bằng chứng đanh thép này, sau 3 ngày đấu tranh quyết liệt, sự chống đối của tên sát nhân máu lạnh bị bẻ gãy. Gã buộc phải tường trình toàn bộ tội ác của mình, đúng như những gì lực lượng phá án đã nhận định, rằng vụ án mạng là cái kết của vụ trộm đột nhập bị chủ nhà phát hiện. 

Đào Trung Hiếu
.
.
.