Ðội săn bắt... chuột
Mỗi đêm, khi cư dân Mumbai chìm trong giấc ngủ, Đội săn chuột đêm (NRK) đi diệt chuột, mỗi thành viên chỉ với một cây đèn pin và một thanh sắt, làm việc trong môi trường độc hại và chịu nguy cơ bị dịch bệnh. Khi bắt được lũ răng nhọn đầy 2 bao tải lớn, RNK phải đem giết: đổ chúng vào một cái thùng rồi... nhúng xuống sông. Thùng được kéo lên, những con còn sống các nhân viên bắt ra rồi “vả” nó xuống đất cho đến khi chết hẳn.
Tốc độ “xử lý” của một tổ 4 người là đập chết 26 con trong 5 phút, chỉ giữ lại một số ít còn sống, gửi vào phòng thí nghiệm để xét nghiệm chúng có mang các mầm bệnh hay không. Đến rạng sáng, nếu chưa đạt chỉ tiêu diệt 30 chú tí/ngày, họ sẽ phải làm việc tiếp trong 24 giờ để đạt mức thi đua này, nếu không thì bị trừ tiền công nhật.
Vilas từng đập 210 chuột/ đêm |
Phải “biết địch, biết ta”
Diệt chuột là... việc vặt, không tên tại những thành phố lớn. Hơn 30 năm trước, Bombay (nay là Mumbai) còn sạch sẽ khiến lũ chuột phải chết đói vì chẳng moi được thức ăn trong các thùng rác.
Hiện nay, cơ số bên “ta” và “địch” đã bằng nhau. Kinh tế phát triển, Mumbai trở nên đông dân cư hơn, từ vài triệu nay đã là 17 triệu người và hơn một nửa sống ở các khu ổ chuột, sống chung với rác và... chuột. Khi Ấn Độ có đà tăng trưởng kinh tế nóng, nhiều người có việc làm với thu nhập cao, chính quyền địa phương khó tìm được lực lượng săn chuột “có nghề”.
Công việc này bị đe dọa sẽ chấm dứt, vì các tổ chức bảo vệ loài vật vận động kết thúc chuyện giết chuột với lý do làm thế là phi nhân tính. Hội Bảo vệ quyền động vật Ấn Độ (AWBI) đã đề nghị Tòa Thị chính Mumbai (BMC) nên “vì lòng nhân đạo” mà bắt chuột xong rồi gây mê chúng. Họ nói nếu có cách diệt nào ít tàn bạo hơn thì nên áp dụng. Phó chủ tịch AWBI Chinny Krishnanói: “Hành động dùng gậy giết chuột là rất dã man”.
BMC và các quan chức Sở Dịch tễ Mumbai đang xem xét đề nghị trên. BMC đã đưa ra các cách xử lý như dùng thuốc diệt chuột, bẫy nhưng khẳng định NRK vẫn là “quân chủ lực”. Chính quyền Mumbai đã áp dụng nhiều biện pháp để tiêu diệt chuột như đặt bẫy, dùng thuốc diệt chuột nhưng vẫn không hiệu quả. Họ đành trích ngân sách trả lương cho một đội săn bắt chuột gồm 44 người.
Một quan chức cho biết, chỉ có 44 người là quá thiếu, cần phải tăng viện lên 200 thợ săn cho toàn thành phố. Hiện sở đang tuyển 92 người, chủ yếu là những người ngụ cư từ quê lên tỉnh kiếm sống. Đó là một cuộc cạnh tranh khốc liệt của những người nghèo ít học, vì họ muốn hưởng mức lương tháng tương đương 120 USD.
Khi BMC cần tuyển 30 thợ săn, đã có 2.000 người nộp đơn, trong số đó có một sinh viên tốt nghiệp đại học. Tất cả các ứng viên đều phải trải 10 cuộc kiểm tra khả năng, gồm: làm bài thi viết, 3 lần kiểm tra sức khỏe để biết tốc độ chạy và sức mạnh, trong đó có việc phải mang trên vai một bao tải 50 kg xác chuột.
NRK dễ bị nhiễm dịch. |
Lãnh đạo Sở Dịch tễ Mumbai cho biết: “Bắt chuột chỉ là một trong những nghề chiếm trọn thời gian. Như tổ chống muỗi của Sở luôn phải trực chiến, cả khi đi chơi với người yêu, họ cũng phải để ý xem vũng nước đọng bên đường có lăng quăng hay không”. Ông Adsule nói “diệt chuột giống như một ván cờ, vì nghệ thuật ở chỗ phải biết địch, biết ta. Đó là một cuộc chiến thực sự”...
Ông vua diệt chuột
Vilas Ubhare tỏ vẻ ngang tàng khi ông chuẩn bị diệt chuột: cú đập chớp nhoáng bằng cây sắt của ông làm con vật lăn quay, Vilas liền dùng ngón chân quặp đuôi nó, đá lên cao rồi ông giơ vợt ra hứng xác bỏ vào túi nhựa “chiến lợi phẩm”. Ông khoe “thành tích kỷ lục” từng đập 210 con chuột chỉ trong một đêm.
Vilas và hai bạn cùng tổ NRK chỉ mang dép, mặc quần áo bình thường từ nhà đi xe máy đến địa bàn được phân công. Họ dùng đèn pin lia quét lên đầu con chuột, khiến nó bị bất ngờ trong vài giây và đó là lúc họ phải đập cho trúng, không thì nó chạy mất.
Nghe nói thì dễ , bởi chuột cũng có thể cắn hoặc nhảy vào chân người, còn nước tiểu và phân nó thì chứa mầm bệnh. Từ hàng chục năm qua chưa xảy ra dịch ở Mumbai, nhưng các bang khác thì có, và hàng ngày, các nhà khoa học vẫn làm xét nghiệm trên xác chuột.
Danh hiệu “Vua diệt chuột” thuộc về ông Behram Harda, 58 tuổi. Công việc diệt chuột đến với ông khá bất ngờ: vào những năm 1970, Harda là vũ công nổi tiếng trong các bộ phim của điện ảnh Ấn Độ, làm đẹp màn ảnh với những bước nhảy twist và chacha điệu nghệ. Bố ông dự đoán Bombay sẽ trở thành kinh thành điện ảnh Bollywood nên đã dạy con học khiêu vũ, nhưng sau đó lại khuyến khích con trở thành một công chức.
Vậy là Harpa trở thành NRK cách đây 37 năm, khi mà số chuột bị săn mỗi ngày không nhiều hơn số thợ săn. Với kinh nghiệm chừng ấy năm trong nghê, hiện ông được tôn vinh là “Vua diệt chuột” ở Mumbai, nơi mà giấc mộng một “thành phố không chuột” ngày càng lùi xa.
Tại các khu bình dân, khi “đi tuần” đôi lúc ông Harpa phải né những bao rác ném từ cửa sổ xuống đường. Với đủ thứ trong đó: vỏ chuối, vỏ dừa… và cả xác chuột. Harda thừa nhận ông đang “thua” và cho rằng, trong 10 năm nữa Mumbai sẽ càng có nhiều chuột hơn chứ không giảm. Thế nhưng, ông vẫn cố gắng làm việc.
Đỉnh cao trong “nghề” của Harpa là năm 1986, một ủy viên MBC nghe nói đến ông, đã xuống tận địa bàn nơi ông làm. Hiện Harda là cố vấn của Sở Dịch tễ Mumbai. Trong phòng làm việc của ông, có đầy đủ sổ sách báo cáo ông lưu giữ từ năm 1989. Mỗi sổ liệt kê từng NRK diệt được bao nhiêu con chuột mỗi tháng và mỗi năm.
Phim về người giết chuột gây sốt
Bộ phim “The Rat Race” của Ấn Độ, nói về cuộc đời của những người giết chuột đã đoạt giải Phim tài liệu xuất sắc trong Liên hoan phim Cannes 2012. Trong phim, “Vua diệt chuột” Harda tự nhận mình giống điệp viên James Bond 007, vì ông cũng có “giấy phép giết” (“License to kill” là tựa đề một phim 007).
“The Rat Race” sau đó được công chiếu tại Delhi, Mumbai và Bangalore, thu hút hàng ngàn lượt người đến xem. Áp phích phim có dòng chữ: “Mumbai, 14 triệu dân, 84 triệu con chuột, một cuộc đời thật khó thể nào quên”.
Điều thú vị là đạo diễn của bộ phim này, cô Miriam Chandy Menacherry, lại rất sợ chuột, nhưng cô vẫn quyết tâm bám đề tài và mất hai năm để hoàn thành bộ phim. Menacherry nói cô muốn làm phim sau khi đọc báo viết về NRK, và để mọi người nhận thức được sự đe dọa của lũ chuột ở Mumbai.
Miriam không thể tin các NRK bị công việc ám ảnh, và nói rằng đây là một nghề đáng kính trọng: “NRK cần phải được tạo điều kiện làm việc tốt hơn khi họ bị bệnh, bị tai nạn và phải được trang bị đồ bảo hộ. Trên hết, họ phải được thừa nhận, được tôn trọng vì họ làm việc lúc nửa đêm, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ. Hầu như không ai biết về công việc thầm lặng của những người giết chuột, vì thế chúng tôi quyết định thực hiện bộ phim tài liệu này. Những người giết chuột phải được xã hội biết đến và tôn trọng”.