lập bảo tàng văn hóa Thái vì yêu vợ
Yêu vợ, yêu văn hóa Thái, Kiên bỏ tiền túi và công sức để xây dựng hẳn một bảo tàng văn hóa Thái đồ sộ bậc nhất ở đất Mai Châu (tỉnh Hòa Bình). Người ta vẫn gọi Kiên là một "gã gàn si tình".
Chưa đầy 40 tuổi nhưng Kiều Văn Kiên (xóm Mỏ, xã Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình) nổi tiếng khắp vùng Mai Châu bởi anh sở hữu một bảo tàng văn hóa Thái đồ sộ bậc nhất ở đây. Anh bỏ tiền túi, rồi lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm để sưu tầm hàng nghìn cổ vật quý giá của người Thái.
Bảo tàng văn hóa Thái Mai Châu. |
Là người Kinh nhưng Kiên thông thạo tiếng Thái như tiếng mẹ đẻ, anh có thể ngồi nói chuyện về văn hóa Thái bằng tiếng Thái chẳng khác gì một người bản địa. Người dân ở đây không chỉ yêu mến anh bởi tính chan hòa, cởi mở, mà còn phục Kiên bởi tình yêu dân tộc Thái đến da diết.
Ngôi nhà sàn khang trang của Kiên được dựng lên giữa trung tâm du lịch của huyện Mai Châu. Anh Kiên cười nói: "Ngày trước nhà tôi ở mãi trong bản, tới năm 2009 vợ chồng quyết định dựng nhà ở đây. Mục đích là để mở bảo tàng văn hóa Thái, mọi người sẽ tiện đến tham quan".
Yêu vợ anh Kiên yêu cả văn hóa người Thái. |
Mọi người ở xóm Mỏ này vẫn thường gọi Kiên là "gã gàn" vì cách sống và sở thích chẳng giống ai. Anh bắt đầu câu chuyện duyên nợ với văn hóa Thái bằng lời khẳng định chắc nịch: "Tôi đã bỏ chốn phồn hoa để lên rừng làm việc mình thích và chẳng giống ai.
Cho đến bây giờ tôi chưa lúc nào thấy ân hận vì điều đó. Cứ nghĩ đến việc mình đã gìn giữ được văn hóa Thái, đóng góp cho vùng đất này là tôi lại thấy ấm lòng. Những phản hồi tích cực của mọi người lại là động lực để tôi tiếp tục hành trình".
Kiên vốn là người theo chủ nghĩa "xê dịch", hễ có thời gian là anh đi, anh đi đến những nơi hoang sơ nhất, khó khăn nhất của đất nước. Mới chỉ là một cậu học trò lớp 8 nhưng Kiên đã trốn bố mẹ đạp xe một mình cả trăm cây số ra các vùng ngoại thành để ngao du.
Từ đó, sở thích ngao du của Kiên như ngấm dần vào máu. "Tôi như một kẻ "nghiện", chỉ cần được nghỉ là tôi rủ bạn bè đi phượt. Nếu bạn bè không đi tôi cũng đi một mình, chỉ có đi tôi mới thấy mình được tự do. Đi khắp các nẻo đường của Tổ quốc nhưng tôi thấy vùng núi Tây Bắc là đẹp nhất, là quyến rũ nhất. Tôi yêu cái đẹp hoang sơ của vùng núi này từ khi nào cũng chẳng hay".
Thế rồi ông trời cũng khéo sắp đặt, vào năm cuối đại học, Kiên tình cờ quen một người con gái dân tộc Thái tên Khà Thị Lê (xã Khăm Xòa, Mai Châu, Hòa Bình) trong một chuyến đi phượt. Anh bảo, nụ cười hiền, đằm thắm của Lê đã hạ gục anh ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Ánh mắt, nụ cười, vóc dáng của người con gái dân tộc Thái theo anh về Hà Nội. Đêm nào cũng thao thức, đêm nào cũng nhớ đến Lê, và anh biết rằng mình đã yêu cô gái ấy. Có thời gian rảnh Kiên lại theo quốc lộ 6 một mạch lên Mai Châu tìm gặp Lê.
Những cổ vật về đời sống sinh hoạt của cộng đồng người Thái. |
Có thể chỉ để nhìn, để nói dăm ba câu chuyện là Kiên thấy nhẹ lòng. Lê yêu chất lãng tử của chàng trai Hà Thành, cô trân trọng tấm chân tình của anh. Và, cô đã chấp nhận lời cầu hôn của Kiên.
Phần vì yêu vợ, phần vì yêu con người, cuộc sống ở miền Tây Bắc, Kiên đã quyết định "an cư lạc nghiệp" tại đây. Đó là quyết định "không thể chấp nhận được" đối với bố mẹ Kiên lúc bấy giờ. Mọi người thừa hiểu rằng, quyết định đó đồng nghĩa với việc Kiên bỏ tất cả, bỏ cả tấm bằng đại học, bỏ đi cuộc sống sung sướng phồn hoa.
Đồng nghĩa với việc Kiên sẽ phải bắt đầu mọi thứ. Anh tâm sự: "Tin tôi ở lại Mai Châu như thể sét đánh ngang tai với gia đình. Bố mẹ tôi cực lực phản đối, nhất định không cho ở đó. Sau cả hai vợ chồng cùng thuyết phục, vì thương con nên bố mẹ đành phải chấp nhận".
Yêu là một chuyện, sống được nơi đây lại một thử thách chẳng dễ dàng gì với một chàng trai Hà Nội. Những tháng ngày gian khổ, cơ cực bắt đầu ập đến với đôi vợ chồng trẻ. Khó khăn về vật chất, khó khăn về lễ giáo của người Thái nhiều khi khiến Kiên muốn bỏ cuộc. "Thời gian đầu thực sự là giai đoạn cực kỳ khó khăn, cũng may vợ tôi là người phụ nữ thông minh, cô ấy nhanh chóng giúp mình hiểu được văn hóa, phong tục của người Thái". Anh buộc phải hiểu phong tục, tập quán, văn hóa của người Thái để ứng xử với nhà vợ sao cho phải phép.
Từ những điều nghe được, tiếp xúc với họ hàng người Thái, văn hóa của đồng bào Thái ngấm vào anh từ lúc nào cũng chẳng hay. Rồi một lần anh đến thăm nhà người bác của vợ, Kiên bị những đồ săn bắn cũ kỹ ở đây mê hoặc. Thấy Kiên thích thú, gia chủ quyết định tặng bởi với họ những đồ này giờ không còn tác dụng, để trong nhà tốn diện tích. "Không tin nổi, đó là những đồ cổ xưa của người Thái, nó được làm cách đây gần 100 năm, muốn tìm cũng không còn nữa" - Anh Kiên nói.
Dần hiểu được những giá trị của những đồ vật đang ngày một hiếm bởi dân buôn đồ cổ, anh đã nảy ra ý tưởng phải sưu tập, phải gìn giữ chúng. Và hành trình đầy gian nan sưu tầm đồ cổ của người dân tộc Thái bắt đầu. Anh đi khắp hang cùng ngõ hẻm, khắp các bản làng xa xôi tìm kiếm.
Anh lúc nào cũng mang trong mình tâm thế vội vã, sợ hãi. Anh sợ nó sẽ mất đi, anh sợ sau này con cháu chẳng ai còn biết đến văn hóa Thái nữa. Anh bảo, việc lưu giữ, bảo vệ văn hóa Thái một phần vì tình cảm của mình dành cho người vợ, để đáp lại tình yêu lớn lao của vợ với mình. Yêu chồng, hiểu tâm tư của chồng, chị Lê là người ủng hộ việc làm của chồng hơn ai hết.
Cứ có thời gian, chị lại cùng chồng rong ruổi khắp nơi tìm cổ vật. "Ban đầu tôi cũng không nghĩ anh ấy có thú sưu tầm đồ cổ của người Thái đâu. Sau thấy anh cứ lang thang, đi khắp nơi kiếm cổ vật. Cứ mỗi lần kiếm được đồ ưng ý là anh ấy vui như hội, cứ ngắm nghía say sưa không dời mắt. Anh ấy bảo vì yêu vợ, yêu dân tộc Thái nên đã quyết tâm sưu tầm những đồ văn hóa Thái".
Để kiếm tìm cổ vật, Kiên không chỉ phải dùng tiền bạc, sức khỏe, mà còn cả tính mạng của mình. Anh kể, có lần nghe tin ở khu vực cách nhà 300km, một gia đình còn lưu giữ cổ vật quý. Do kinh nghiệm đi phượt, anh chuẩn bị đầy đủ đồ ăn thức uống, phương tiện đi lại tốt. Thế nhưng, không may cho anh trên hành trình gian nan ấy anh gặp phải trận mưa rừng bất chợt, đường trơn trượt, anh dính tai nạn và suýt phải bỏ mạng nơi vực sâu.
Trong lúc đau đớn, bất lực, anh may mắn được bà con đi làm nương về cứu giúp. "Đó là một ví dụ thôi, còn chuyện ngã xe, hỏng xe, ăn đợi nằm chờ thuyết phục người ta bán cho đồ thì kể không hết. Biết ở đó có đồ mình cần mà không kiếm được là tôi mất ăn mất ngủ, gác tất cả công việc lại để đến đó kiếm" - Kiên kể lại.
Trong số hàng nghìn cổ vật mà Kiên sưu tầm được, đáng quý nhất phải kể đến ba quyển gia phả của dòng họ người Thái cách đây hơn 200 năm. Còn lại hầu hết những cổ vật mà anh sưu tầm được đều là những dụng cụ gắn bó với sinh hoạt hằng ngày của người Thái như bộ sưu tập nhạc cụ, gồm: kèn đám ma, kèn bè, chiêng, cồng, trống, lằng khằng trong ma chay, cưới hỏi…
Bộ dụng cụ săn bắn gồm: bẫy, nỏ, súng chi mai. Bộ trang sức gồm gây xà tích, hoa tai, vòng bạc… Nhìn vào bộ sưu tập ấy, nhiều người sẽ hiểu hơn về cuộc sống của người Thái từ thời kỳ hình thành và phát triển.
Số cổ vật của Kiên sưu tầm được ngày một nhiều hơn, ý tưởng lập riêng một bảo tàng văn hóa Thái để trưng bày, giới thiệu được chính quyền địa phương rất ủng hộ. "Bên cạnh việc lưu giữ những nét văn hóa đặc biệt của người Thái, tôi cũng mong muốn thúc đẩy du lịch ở Mai Châu.
Từ khi lập bảo tàng (năm 2010) đến nay, chúng tôi thu hút được hàng nghìn khách du lịch đến tham quan. Nhiều người tỏ ra rất xúc động khi được nhìn lại những đồ vật mà cha ông mình đã từng sử dụng" - Kiên tâm sự.
Nói về bảo tàng của anh Kiên, ông Khà Văn Khang, xóm Mỏ, xã Chiềng Châu, xúc động nói: "Anh Kiên đúng là hiếm có, bản thân người Thái chúng tôi cũng khó có người nào lưu giữ được nhiều cổ vật đến thế. Anh ấy là người Hà Nội gốc mà yêu văn hóa Thái như thế khiến chúng tôi rất trân trọng. Bên cạnh khách du lịch đến tham quan, chúng tôi vẫn thường đưa con cháu mình đến đây để giới thiệu cho chúng biết, hiểu về văn hóa truyền thống của người Thái".