Đừng để bệnh vô cảm lây lan

Thứ Hai, 28/12/2015, 09:21
Chị họ tôi lập gia đình muộn nên ngoài 50 tuổi, cậu con trai duy nhất của chị mới vào đại học. Khỏi phải nói vợ chồng chị cưng chiều cậu quý tử đến mức nào. Điều kiện gia đình không phải khá giả gì nhưng tất cả những nhu cầu của con, anh chị đều sẵn sàng đáp ứng.
Với nó, điều đó như một lẽ đương nhiên và nó tự cho mình là nhân vật quan trọng nhất trong nhà. Nhiều lần tôi góp ý với chị về cách nuôi dạy con, rằng cứ dạy dỗ theo cách này, nó sẽ trở thành người ích kỷ, vô cảm, sau này anh chị già, điều kiện không còn như bây giờ thì đừng trông mong gì vào nó. Chị chỉ cười, nó còn nhỏ dại, trăng đến rằm ắt trăng sẽ tròn.

Cách đây không lâu giỗ mẹ vợ tôi. Vợ tôi kể lại, làm cỗ xong, vợ tôi khệ nệ bê mâm cỗ từ bếp tầng một lên bàn thờ tầng tư thắp hương. Đến chiếu nghỉ tầng ba thì gặp thằng cháu quý tử mở cửa phòng đi xuống. Nó lí nhí chào dì rồi đi thẳng xuống dưới nhà, để mặc dì tiếp tục bê mâm cỗ lên tầng tư trong tiếng thở dốc, mồ hôi vã ra hai bên thái dương. Kể xong vợ tôi nuốt khan, thằng con mình mà có thái độ như thế chắc chắn sẽ cho ăn vài cái bạt tai.

Vâng, điều tôi muốn nói chính là sự vô cảm trong cuộc sống hôm nay. Như một thứ bệnh xã hội, nó đang âm thầm lây lan trong cộng đồng, từ người già đến trẻ, từ người có hiểu biết đến người thiếu hiểu biết. Đừng đổ lỗi cho mặt trái của cơ chế thị trường với lối sống thực dụng đã "diệt" hết mọi cảm xúc, những tình cảm đáng trân trọng giữa con người với con người mà hãy tự trách mình, rằng trong cơn lốc của đời sống hiện đại, chính chúng ta cũng phần nào trơ lỳ cảm xúc. Không ít người mải mê ngụp lặn với những thứ mà người ta gọi là "giá trị ảo" để rồi quên đi những giá trị tốt đẹp vẫn đang hiện hữu quanh ta.

Cách đây không lâu, dư luận khá ồn ào về một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Một xe ôtô 4 chỗ chạy từ thị xã Kiến Tường về thành phố Tân An, Long An bất ngờ mất lái lao xuống ao ven đường thuộc địa bàn huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Sau khi lăn nhiều vòng, chiếc xe chìm dần trong nước.

Minh họa của Lê Tâm.

Cả 4 người trong xe đều không thể thoát được ra ngoài, trong số đó có vợ chồng một vị bác sĩ. Rất nhiều người có mặt tại hiện trường hôm đó vô cùng bức xúc khi họ đã cố gắng chặn hai xe khách để đưa các nạn nhân đi cấp cứu nhưng tài xế vẫn tăng ga bỏ đi. Chỉ đến khi chiếc xe khách thứ 3 dừng lại, sẵn sàng đưa các nạn nhân đi cấp cứu thì đã quá muộn. Vậy đấy, sự vô cảm đôi khi còn gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng là cướp đi mạng sống của một con người và trong trường hợp này, vô cảm đồng lõa với tội ác.

Không chỉ riêng tôi mà chắc chắn nhiều người sẽ tỏ thái độ bức xúc khi xem các clip về các nữ sinh mặc đồng phục đánh nhau được đưa lên mạng nhan nhản những năm gần đây. Hầu hết các clip được thực hiện có sự chuẩn bị sẵn, nghĩa là kẻ đánh thực hiện hành vi thô bạo, dã man với người bị đánh từ lúc chuẩn bị cho đến khi kết thúc. Người bị đánh thì chống trả yếu ớt trong khi kẻ đánh xông vào với thái độ hả hê khiến người bị đánh yếu dần rồi không thể kháng cự được nữa.

Điều đáng buồn là việc này có sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Thế nhưng, đám học sinh vô cảm này không báo thầy cô, không có biện pháp can ngăn mà còn vỗ tay kích động, đồng tình và dùng điện thoại quay clip đưa lên mạng. Thú thật, khi xem nhanh những clip này, người tôi như run lên. Cha mẹ, thầy cô giáo sẽ nghĩ gì khi con mình, học trò của mình lại có những hành vi mất nhân tính đến thế và các em sẽ trở thành những con người như thế nào khi đến tuổi trưởng thành?

Có một clip ngắn của nước ngoài được lan truyền trên mạng những ngày qua khiến tôi rất xúc động. Mở đầu là cảnh một cụ bà khệ nệ xách nhiều túi đồ đi từ một cửa hàng thực phẩm ra. Rất nhanh, một thanh niên đi bộ cùng chiều đã bước tới, ngỏ ý muốn xách đồ giúp cụ. Tiếp theo là cảnh người thanh niên gặp một chuyện khó khăn và lại có một người khác chủ động giúp đỡ…

Cứ thế, người giúp đỡ một việc này lại có một người khác giúp họ trong một việc khác. Clip truyền đi một thông điệp rất nhân văn và giản dị: Hạnh phúc là chia sẻ và cho đi. Không chỉ vậy, nó tạo ra sự kết nối giữa các thành viên trong xã hội, khiến họ gắn kết với nhau nhiều hơn, mang lại sự ấm áp tình người. Vâng, tình người, đó là điều tất cả chúng ta đều cần để cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn, ý nghĩa hơn.

Tuấn Nguyễn
.
.
.